Nhân cách nhà khoa học
Khi đám mây hình quả nấm do quả bom nguyên tử nổ tạo ra đỏ rực cả bầu trời, thì Oppenheimer nằm lăn trên nền đất bãi thử ở sa mạc New Mexico và nghĩ đến câu chuyện trong đạo Hinđu: “Giờ ta đã là thần chết đi cướp mọi thứ, là kẻ gây kinh thiên động địa”.
Còn vào tháng 8/1945, vài tuần sau vụ nổ thành công, Mỹ ném bom xuống hai thành phố Nhật Bản là Hirosima và Nagasaki giết hàng chục vạn người. Thế là trước khi tấn công các thành phố này, nhà vật lý còn dặn các nhà quân sự phải mồi cho bom nổ ở độ cao không cao lắm “nếu không nó chẳng phát huy tác dụng được nhiều”. Nhưng vài tháng sau, Oppenheimer thú nhận với Tổng thống H.Truman: “Bàn tay tôi đã vấy máu”.
Chẳng dễ gì nếu muốn hiểu con người Oppenheimer. Đó là một tâm hồn nhạy cảm và phức tạp, thông minh sắc sảo và kiêu ngạo đến ghê rợn, lại vừa ngây thơ và đáng yêu. Nhà sử học M.J. Sherwin bỏ ra thời gian cả phần tư thế kỷ để tìm hiểu tư liệu viết cuốn tiểu sử đầy đặn đầu tiên về vị cha đẻ quả bom nguyên tử… Số tư liệu nhiều đến mức một mình Sherwin chẳng tổng kết nổi mà ông phải gọi cả chuyên gia tiểu sử dày dặn kinh nghiệm Kai Bird cùng tham gia để có thể chế ngự đống tài liệu, đó là các hồ sơ của Cục điều tra Liên bang FBI, thư từ, nhật ký… Họ tiến hành phỏng vấn tới cả trăm người, đàm đạo với bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp của Oppenheimer.
Ra đời ngày hôm nay ở bản tiếng Đức là cả một tác phẩm đồ sộ, quấy đảo tứ tung, cuốn tiểu sử:,, J. Robert Oppenheimer” của các tác giả Kai Bird và M.J. Sherwin. Đó không chỉ là tiểu sử ghi lại cặn kẽ con người Oppenheimer, mà còn làm sống động trở lại cả cái thời mà ông đã trải qua, khi đó môn vật lý trở nên ngành khoa học quyết định cho cả thế kỷ 20 đầy biến động mà ở đó khoa học và chính trị đan xen nhau để đưa lại tiến bộ nhưng cũng gây ra biết bao tai hoạ.
Thành công đặc biệt của các tác giả là đã chi tiết chứng minh được rằng Oppenheimer là nạn nhân của phong trào chống cộng phát triển mạnh và đầu độc toàn bộ xã hội Mỹ đầu những năm năm mươi thế kỷ trước. Bằng tài liệu tỷ mỷ, họ cho thấy FBI liên tục theo dõi ông cả 25 năm mà hoàn toàn không thể kết luận ông là đảng viên cộng sản hay thậm chí gián điệp để đưa ra toà xử.
Oppenheimer sinh năm 1904 ở New York trong một gia đình Do Thái Đức giàu có. Rất sớm ông đã được coi là thần đồng. Ngay khi còn là sinh viên ở trường Đại học Gottingen , ông đã được làm việc với những nhà vật lý hàng đầu thời đại đó: Max Born, Heisenberg, Dirac. Ở trường này, trí tuệ sắc sảo của ông cũng nổi tiếng đến mức huyền thoại hệt như tính kiêu ngạo. Sau một buổi thi vấn đáp nghiên cứu sinh, một vị giáo sư phải tiết lộ: “May là tôi ra khỏi phòng sớm, không thì hắn lại quái ác bắt đầu quay lại tra hỏi tôi”.
Khi thế chiến thứ hai bùng nổ thì lúc đầu, chuyện đó chẳng quan trọng. Trong vòng 27 tháng, các nhà vật lý và kỹ thuật giỏi nhất nước Mỹ phải tụ họp lại tại Los Alamosđể chế tạo vũ khí thánh thần chống phát xít. Đến cuối thì con số này lên đến 6000 người, và Oppenheimer là lãnh tụ sáng chói của họ.
Giới quân sự đã chẳng lầm khi chọn người. Nếu không có Oppenheimer thì đến khi chiến tranh kết thúc, việc chế tạo quả bom nguyên tử đã chẳng xong. Oppenheimer biết cách cuốn hút các nhà khoa học làm thêm giờ, và nhiều vấn đề hóc búa chỉ có thể giải được nhờ cái nhìn sắc sảo, đơn giản hoá thần kỳ của ông. Tất cả các đắn đo về đạo đức đều được ông gạt đi bằng câu đơn giản: “Sẽ sao nếu bọn Nazi có nó trước ta”.
Nhưng ngay sau chiến tranh Oppenheimer bị cắn rứt nội tâm, ở Washington ông tận dụng mối quan hệ của mình để đấu tranh cho việc kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Rồi sau đó, khi giới quân sự bắt đầu chế tạo bom khinh khí còn tác hại hơn nữa, Oppenheimer kiên quyết chống lại (ông gọi là vũ khí huỷ diệt hàng loạt) thì với giới quan chức Hoa Kỳ, rất nhanh ông trở nên kẻ phản quốc. Các kẻ thù của ông lục lọi trong đống tài liệu quá khứ khi ông thân cộng để tìm bằng chứng về mối liên hệ. Năm 1954 ông bị gọi lên Ban An ninh của Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử thẩm vấn.
Như các tác giả minh chứng trên tư liệu cho đến nay mới công bố, Oppenheimer chẳng còn cơ hội nào khác. Chẳng hề có thẩm vấn độc lập. Ông bị xử án để làm gương cho kẻ khác mà thôi. Những buổi toạ đàm giữa ông với luật sư của mình bị nghe trộm, nhiều tư liệu quan trọng không được trao cho bên kháng án.
Sau bốn tuần tra hỏi gắt gao, Oppenheimer bị coi là mối nguy hiểm cho an ninh Hợp chủng quốc. Tấm thẻ “nhận thực an toàn tuyệt đối” ông chẳng bao giờ còn nhận lại được nữa, kết thúc vị thế cố vấn chính phủ của ông.
Với việc loại bỏ Oppenheimer, ảnh hưởng của khoa học lên chính trị cũng hoàn toàn chấm dứt. Sau khi ông bị khai trừ ở tư cách nhà khoa học lớn có tác động đến đất nước thì các nhà vật lý trên toàn nước Mỹ hiểu rằng, họ chỉ được tư vấn ở tư cách chuyên viên chứ không phải ở tư cách cố vấn nữa (Theo Der Spiegel số 38, tháng 9, 2009).