Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Làm “sống” lại những tư liệu quý của dân tộc
Nhắc tới nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, trước tiên phải đề cập đến bộ sưu tập hơn 3.000 tấm bản đồ cổ, hơn 500 hiện vật đồ gốm cổ từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XX và hàng ngàn cuốn sách cổ về Việt Nam được viết bằng nhiều thứ tiếng, từ tiếng Việt, Hán, Pháp, Anh đến cả tiếng Tây Ban Nha... Nguồn tư liệu đồ sộ này được ông sưu tập lại chỉ với một mục đích duy nhất là phục vụ cho công việc nghiên cứu của mình. Ông nói: “Sưu tầm đồ cổ không có nghĩa là chơi đồ cổ mà là qua đó để hiểu được quá khứ, truyền thống lịch sử của dân tộc”. Chính vì thế, với những tư liệu cổ, ông tìm hiểu, nghiên cứu rất cẩn trọng. Một số tấm bản đồ ông đọc mấy tháng mới ra, có cả những tấm bản đồ Việt Nam do người ngoại quốc vẽ ông phải dày công nghiên cứu đến cả mấy chục năm trời. Trong số đó, rất nhiều bản đồ chứng minh quyền sở hữu của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng đã đóng góp nhiều tư liệu, bản đồ quý giới thiệu trong triển lãm Hoàng Sa và Trường Sa – Biển đảo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong số hơn 400 bài báo, 30 cuốn sách ký tên riêng và khoảng 50 cuốn sách ký tên chung của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, loạt sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn được xem là có giá trị rất lớn. Địa bạ cổ triều Nguyễn sau thời gian nằm ở Tàng Thư Lâu của kinh thành Huế đã được chuyển vào Đà Lạt từ năm 1959. Đến tháng 3-1975, cùng với toàn bộ văn khố hoàng triều, bộ địa bạ cổ được đưa về Sài Gòn và đến ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, người ta tìm thấy bộ địa bạ này trong hầm Dinh Độc lập. Nhận thấy giá trị quý hiếm của bộ địa bạ cổ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu. Ông cho biết đây là bộ địa bạ được thực hiện từ năm 1805 đến 1836 cho toàn bộ tỉnh thành trên cả nước lúc bấy giờ. 16.000 cuốn địa bạ, mỗi làng có một sổ, ghi từng mảnh ruộng của ai, đàn ông hay đàn bà, là đất công điền công thổ hay tư điền tư thổ... Hơn 30 năm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu phải vừa dịch từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ, vừa phải chuyển đổi tất cả các giá trị đo lường cũ sang hệ mét. Sau đó, ông thống kê chi li theo từng tỉnh, từng vùng; theo giới, theo độ tuổi người sở hữu ruộng đất; theo từng loại đất... “Nghiên cứu nó chúng ta mới biết tình hình địa lý ruộng đất của Việt Nam lúc đó như thế nào, biết được phụ nữ có quyền sở hữu ra sao...? Trong khi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản phụ nữ chưa có quyền sở hữu thì nước ta thời bấy giờ phụ nữ đã có quyền sở hữu ruộng đất”, ông cho biết.
Nay ở cái tuổi ngòai 90, điều nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trăn trở là làm thế nào để kho tư liệu đồ sộ mà mình sưu tập trong hơn nửa thế kỷ qua tìm được người thừa kế xứng đáng. Ông thổ lộ: “Ai cũng chỉ có thể sống được một đời nhưng mong muốn của tôi là những tư liệu đó tiếp tục được “sống”, chứ không phải bỏ vào tủ và khóa lại. Hiện tôi mới chỉ khai thác được 1% mà thôi. Hi vọng những người lớp sau sẽ khai thác thêm được một vài % nữa và cứ thế, các thế hệ sau nữa sẽ tiếp tục...”. Tin vui là hiện nay đã có hai đơn vị xin được thừa kế một phần kho tư liệu quý giá của ông.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 tại phố Hàng Giấy (Hà Nội), tốt nghiệp trường Bách nghệ Hà Nội (1939-1941). Năm 1945, ông là Bí thư Bộ Kinh tế trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Năm 1953, ông tiếp tục tốt nghiệp Cử nhân khoa học - xã hội Đại học Công giáo Paris (Pháp). Về nước, ông dạy học và viết sách giáo khoa Sử Địa... Năm 2005, ông được UBND TP.Hồ Chí Minh trao giải thưởng Trần Văn Giàu (lần 2) cho cụm tác phẩm Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn thuộc Nam Kỳ lục tỉnh (8 cuốn). Năm 2008, ông giành giải thưởng nghiên cứu do Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh trao tặng. Hiện ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội Sử học Việt Nam, ủy viên MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh... |