Nhà kỹ thuật tiên phong Nguyễn Thị Nguyệt: Vươn lên bằng nghị lực
Chị là Nguyễn Thị Nguyệt, nhà kỹ thuật tiên phong tài năng đã tạo ra những bước ngoặt lớn của ngành Cơ khí Điện lực nước nhà. Mặc dù đã nghỉ hưu, song chị vẫn bền bỉ sống hiến “trí tuệ vàng” của mình cho ngành điện Việt Nam với biết bao trăn trở và những mong ước cháy bỏng…
“Người phụ nữ vàng” của ngành điện Việt Nam
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1975, chị Nguyễn Thị Nguyệt - cô gái xứ Nghệ - về công tác tại Phòng Thiết kế Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh - Hà Nội, nay là Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh, trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN).
Năm 2002, lần đầu tiên trong lịch sử ngành điện, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã nghiên cứu chế tạo thành công máy biến áp 110KV, đặt nền móng cho công nghệ chế tạo máy biến áp có công suất lớn ở Việt Nam mà trước đó đều phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.
Năm 2003, chị được giao nhiệm vụ triển khai đề tài khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu thiết kế chế tạo máy biến áp 220KV, loại máy biến áp chính trong hệ thống lưới điện quốc gia. Chị Nguyệt tâm sự: “Khi được giao nhiệm vụ, tôi rất lo lắng bởi từ trước đến nay ở trong nước hầu như chưa ai biết gì nhiều về cấu tạo của loại máy này; Mặt khác, máy 220KV lại có độ chính xác, phức tạp và khối lượng cũng lớn hơn rất nhiều so với loại máy 110KV mà tôi đã từng làm trước đó ”.Thế nhưng, sau 14 tháng tự mày mò nghiên cứu với biết bao khó khăn, có lúc tưởng chừng phải buông xuôi bỏ dở, chiếc máy biến áp 220KV đầu tiên của Việt Nam (và cũng là của cả khu vực Đông Nam Á) với các tiêu chí kỹ thuật, mỹ thuật đều đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng đã ra đời trong niềm vui sướng đến trào nước mắt của chị và các đồng nghiệp.
Thành công của chị Nguyệt không chỉ làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mà còn khẳng định được khả năng và trình độ của đội ngũ kỹ sư Việt Nam trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần biết rằng kỹ thuật chế tạo máy biến áp 220KV là hết sức phức tạp, từ trước đến nay chỉ những nước có ngành chế tạo máy tiên tiến như Nga, Đức, Bỉ, Nhật, Mỹ… mới có thể làm nổi. Để sản xuất được loại máy đặc biệt này ngoài yếu tố con người còn đòi hỏi phải có đầy đủ các loại phương tiện, trang thiết bị kĩ thuật cũng như phòng thí nghiệm cực kỳ hiện đại. Mọi quy trình từ việc thiết kế vỏ máy cho đến kỹ thuật quấn bối dây, lắp đặt, hiệu chỉnh các thông số… đều phải hết sức chuẩn xác, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ thì khi đưa vào vận hành cả cỗ máy sẽ phát nổ và hậu quả sẽ vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, thành công này đã đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của ngành điện Việt Nam bởi nó không chỉ có ý nghĩa thuần túy về mặt kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế và khả năng hội nhập của ngành điện nước ta với các nước trên thế giới trong thời kỳ mới. Thành công nối tiếp thành công, năm 2005 kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt cũng đã tiến hành sửa chữa được 3 máy biến áp 500KV cho Nhà máy thuỷ điện Yaly, một công việc mà trước đây đều phải do các chuyên gia nước ngoài đảm nhận.
Chia tay chị, chúng tôi cảm nhận được đằng sau cái vóc dáng nhỏ bé và bình dị ấy của người nữ kỹ sư tài năng là cả những ước mơ và hoài bão lớn lao luôn cháy bỏng. Hy vọng trong một ngày không xa, những chiếc máy biến áp 500KV đầu tiên của Việt Nam do chính chị chế tạo sẽ sớm trở thành hiện thực để góp thêm một bông hoa đẹp trong vườn hoa phụ nữ Việt Nam.