Nhà “khoa học nông dân”- khắc tinh của loài chuột
Từ một bộ đội xuất ngũ, ông Thiều trở về nhà cấy lúa, nuôi lợn. Nhìn những ruộng lúa sắp đến ngày thu hoạch mà bị chuột cắn phá tan hoang, ông đã cải tiến thành công một loại bẫy chuột mới độc đáo - bẫy chuột hình bán nguyệt. “ Sáng chế” của ông ngay sau đó được bà con nông dân thuộc đội sản xuất nơi ông làm đội trưởng đưa vào ứng dụng và đạt được hiệu quả rõ rệt.
Cấu tạo của chiếc bẫy bán nguyệt do ông Thiều sáng tạo rất đơn giản, chỉ gồm hai đoạn dây thép được uốn cong thành hai hình bán nguyệt, không cần mồi mà thay vào đó là một miếng xốp làm đối trọng, một lò xo. Khi chuột chạy qua miếng đối trọng, then giữ móc bật ra, bẫy sẽ sập xuống và chuột bị chết ngay tại chỗ.
Chiếc bẫy này phù hợp với nhiều địa hình, từ ruộng đồng bằng đến ruộng bậc thang đều có thể diệt chuột hiệu quả. Đặc biệt, theo ông Thiều, tuổi thọ bẫy có thể kéo dài tới 7, 8 năm. Trên diện tích 1 sào lúa, nếu tránh chuột bằng cách căng nilon sẽ tốn ít nhất là 100 nghìn đồng. Trong khi một chiếc bẫy bán nguyệt có giá 15.000 đồng có thể dùng qua nhiều vụ lúa, đặc biệt 3-5 sào chỉ cần đặt 1 - 2 bẫy. Ông Thiều cho biết, chỉ riêng năm 2010, đội diệt chuột của ông đã tiêu diệt là trên 18.000 con chuột.
Với kinh nghiệm và kiến thức diệt chuột hiệu quả của mình, ông Thiều đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn cho 4.886 cơ quan, nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp cách đặt bẫy từ Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đến Sóc Trăng, An Giang, Cà mau....và cung ứng trên 863.000 chiếc bẫy.
Với giải pháp bẫy chuột không mồi và phương pháp diệt chuột hiệu quả, ông Thiều đã được nhận giải thưởng “ Sáng tạo khoa học - công nghệ với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa”; giải nhất Vifotec lĩnh vực giáo dục khoa học và nhiều bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam…