Nhà khoa học giàu mỹ cảm
Những buổi nói chuyện của GS Trịnh Xuân Thuận luôn đầy ắp người nghe dù ông nói tiếng Việt không thật chuẩn, thỉnh thoảng người dẫn chương trình phải phiên dịch lại vài từ. Sự cuốn hút trong những buổi nói chuyện của GS Thuận đến từ kiến thức, cách diễn đạt gần gũi và sự say mê của một nhà khoa học hàng đầu.
Thiên văn và Phật giáo
Trong buổi thuyết trình tại Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam , cử tọa đã tỏ ra hào hứng với những kiến thức thú vị về lịch sử hình thành vũ trụ mà GS Thuận đưa lại. Ông cho biết vũ trụ có ngẫu nhiên hay không là quan điểm của mỗi người.
Với riêng ông thì vũ trụ hình thành không phải ngẫu nhiên, vì sắc đẹp hài hòa hoàn hảo và tuyệt vời thành khối thống nhất như ngày nay thì chắc chắn phải có chủ ý tạo ra. GS Thuận giả định nếu tính tuổi của vũ trụ đến nay tròn một năm (với vụ nổ Big Bang là ngày 1-1) thì hệ mặt trời hình thành vào ngày 9-9, tế bào đầu tiên xuất hiện ngày 25-9, cây đầu tiên ra đời 23-12, động vật có vú 26-12 và người cổ đầu tiên vào ngày cuối cùng của năm, 31-12.
Là một nhà khoa học nhưng GS Trịnh Xuân Thuận cũng là một phật tử, một người say mê Phật giáo. Với ông, thiên văn và Phật giáo có những nét tương đồng, dù hai lối nhìn khác nhau. Phật giáo nhìn vào trong, còn thiên văn nhìn ra ngoài. Khoa học cần trí tuệ phân tích, làm một cách chính xác với dụng cụ như kính thiên văn, trong khi Phật giáo dùng trực giác để tìm hiểu sự thật. GS Thuận cho rằng Phật giáo có nói đến sự vô thường, cái gì cũng thay đổi. Khoa học đã chứng minh vũ trụ thay đổi và trong vũ trụ, mọi vật đều thay đổi.
Về mối quan hệ giữa nghiên cứu vũ trụ và ngành chiêm tinh, theo GS Thuận, ngay lúc đầu thiên văn học đã đi cùng chiêm tinh nhưng giờ đây hai ngành đã tách rời nhau. Thật khó để giải thích khoa học về chuyện chiêm tinh nói rằng khi mới ra đời từ bụng mẹ, vị trí của những hành tinh đã ảnh hưởng đến tính tình, định mệnh về sau của con người. GS Thuận cho biết không tin có ngôi sao định vị số mệnh của con người khi sinh ra, vì nếu như vậy thì con người không còn tự do, không định đoạt được số phận của mình.
Theo GS Thuận, nhiều người tin sau nhật thực xuất hiện sâu bệnh nhưng ông lại cho rằng đây không chỉ riêng của thiên văn học mà còn liên quan tới rất nhiều lĩnh vực khoa học khác, như khí tượng thủy văn, thủy lợi, vật lý. Trước câu hỏi của một sinh viên: “Luân hồi giải thích trên cơ sở khoa học như thế nào? GS có tin vào linh hồn không? Linh hồn tồn tại ở đâu trong vũ trụ?”, GS Thuận trả lời ông tin rằng khi vật chất chết đi, linh hồn vẫn tồn tại. Thế nhưng, tồn tại ở đâu thì ông không biết, vì ngay cả khoa học cũng không trả lời nổi do chỉ giải thích được về vật chất mà thôi.
Liên quan đến khoa học và tôn giáo, GS Thuận chỉ ra rằng khoa học là trung tính, ví như việc làm ra bom nguyên tử có thể giết người nhưng cũng nhờ đó mà người ta tìm hiểu được năng lượng của các ngôi sao. Như thế thì cần tôn giáo để mình biết cách cư xử cho đúng.
Cảm xúc mạnh mẽ với bầu trời
Trò chuyện với sinh viên Trường ĐH FPT, GS Trịnh Xuân Thuận hồi tưởng khi còn nhỏ, ông rất muốn tìm hiểu về vũ trụ và đặt ra nhiều câu hỏi “tại sao”. Ngay từ khi ấy, ông đã muốn trở thành nhà vật lý, đã nghĩ phải chọn một trường thật nổi tiếng để theo học.
Sinh năm 1948 tại Hà Nội, cậu bé Trịnh Xuân Thuận khi ấy thông minh và ham học nên giỏi đều cả văn học và các môn tự nhiên. Cũng như nhiều đứa trẻ khác, cậu thường nhìn lên trời ngắm những vì tinh tú, những biến chuyển không ngừng trên nền trời đêm bao la. Sau khi tốt nghiệp Trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM) vào năm 1966, Trịnh Xuân Thuận sang Thụy Sĩ học ngành vật lý.
Sau một năm, dù chưa thạo tiếng Anh, ông giành được học bổng lên thẳng năm thứ hai của 3 trường ĐH danh tiếng bậc nhất nước Mỹ là MIT ở Boston, Học viện Công nghệ California và Princeton. Ông quyết định chọn Học viện Công nghệ California vì ở đó có những GS hàng đầu thế giới, cả người từng đoạt giải Nobel. Rời Học viện Công nghệ California năm 1970, GS Thuận học tiếp tại Trường Princeton tới năm 1974. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Princeton rồi giảng dạy vật lý thiên văn tại Trường ĐH Virginia từ năm 1976 tới nay.
Tâm sự với các sinh viên trẻ, GS Thuận nhớ lại ở tuổi 19, được ngước nhìn bầu trời qua kính thiên văn nhìn xa nhất trong vũ trụ, cảm xúc của ông thật mạnh mẽ. Những năm tháng theo học ở các trường ĐH lớn với ông là một may mắn lớn vì được làm việc với những GS nổi tiếng. Những năm 1960-1970 được coi là thập niên vàng của vật lý thiên văn và GS Thuận cho biết ông thật hạnh phúc vì đã được sống trong thời kỳ đó.
GS Trịnh Xuân Thuận từng ao ước một ngày nào đó, con người sẽ trở về mặt trăng để làm một cái kính thiên văn thật lớn. Chắc chắn vũ trụ nhìn từ nơi không có không khí sẽ rất đặc biệt, rất đẹp. Riêng với các sinh viên Việt Nam , GS rất thật lòng: “Muốn làm khoa học như vật lý thiên văn phát triển thì phải có sự đầu tư và chính sách đối với người làm khoa học”.
Mơ mộng mà thiết thực
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Cao Xuân Hạo từng nhận xét về GS Trịnh Xuân Thuận là “một nhà khoa học giàu mỹ cảm, có tư duy logic của một nhà khoa học, nhà triết học và trí tưởng tượng của một nhà thơ sành sỏi thiên văn”.
Không chỉ nổi tiếng trong giới học thuật với hơn 120 công trình đăng trên các tạp chí khoa học và kỷ yếu các hội nghị khoa học, GS Thuận còn có công trong việc đưa thiên văn học đến gần hơn với độc giả qua các tác phẩm nổi tiếng của mình.
Với niềm đam mê khoa học đi suốt cuộc đời cũng như tâm huyết đưa khoa học thiên văn và bầu trời đến với mọi người, năm 2009, GS Trịnh Xuân Thuận đã được UNESCO trao tặng giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học. Đây là giải thưởng quốc tế để tôn vinh nỗ lực của nhà nghiên cứu có nhiều thành công trong công việc phổ biến kiến thức khoa học đến công chúng.
Chia sẻ về công việc nghiên cứu cũng như phổ biến khoa học của mình, GS Thuận cho biết tất cả những gì ông đang làm, những cuốn sách thật đơn giản của ông đều hướng đến một mục tiêu. Đó là đem lại cho những người trẻ tuổi tình yêu với các vì sao, cụ thể là tình yêu với vật lý thiên văn- một môn khoa học tưởng như mơ mộng nhưng lại rất thiết thực với cuộc sống này.
Bìa cuốn sách Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của GS Trịnh Xuân Thuận |
Đam mê, mơ mộng, nên thơ và dễ hiểu GS Trịnh Xuân Thuận đã viết hàng trăm bài tiểu luận và các tác phẩm về sự hình thành vũ trụ cùng những thiên hà và sự phát triển của chúng. Trong số này, có thể kể đến các tác phẩm: Giai điệu bí ẩn (1988), Khám phá khai sinh vũ trụ (1992), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (tác phẩm bán chạy nhất ở Pháp năm 2000), Nguồn gốc và nỗi buồn (2003), Lượng tử và hoa sen (2004)... Năm 2007, với tác phẩm Những con đường của ánh sáng, GS Trịnh Xuân Thuận đã được Viện Hàn lâm Pháp trao giải thưởng lớn Moron. Năm 2009, GS Thuận tiếp tục cho ra mắt tác phẩm mới của ông: Dictionaire amoureux du ciel et des estoiles (vừa được xuất bản ở Việt Nam với tên gọi Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao) đề cập những hiện tượng lạ trong vũ trụ, như nguồn sáng Quasars hay những tín hiệu từ thiên hà Pulsars. Trong cuốn sách này còn có cả những mục từ về lịch sử thiên văn học hay những bài viết mang tính triết học một cách đơn giản, rõ ràng và hoàn toàn không có các thuật ngữ khoa học chuyên ngành. Nói về cuốn sách của mình, GS Thuận cho biết “từ điển yêu thích” có nghĩa là những giải nghĩa mang tính khoa học của một nhà khoa học về vấn đề mà ông ta nghiên cứu một cách đam mê. Cũng vì đam mê nên cuốn sách được viết một cách mơ mộng, nên thơ và dễ hiểu nhất có thể được. |