Nhà khoa học “chân đất” say mê sáng tạo
Sáng chế vì nhu cầu nhà nông
Năm 1998, có chút vốn liếng kha khá, anh thợ sửa xe máy Nguyễn Kim Chính mua một máy cắt lúa để gặt thuê cho nông dân địa phương. Nhưng khi mang máy cắt xuống ruộng sình lầy anh mới “ngớ người ra” vì chạy đến đâu lún đến đó. Không muốn đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình thành vô nghĩa, anh quyết tâm cải tạo để máy gặt lúa phù hợp với đồng ruộng quê mình. Qua 15 lần cải tiến, máy cắt lúa FUTU 1 của anh đã được lắp thêm hệ thống sên rút nhau lúa, gắn thêm bánh hơi vào 2 bánh lồng, thêm bánh xe thứ 3 phía sau để chống đỡ khi ngồi lên máy, thêm chỗ ngồi để người sử dụng không phải đi bộ theo máy... Với những tính năng ưu việt như cắt được lúa cả lúc trời mưa, lúa ngã 40 độ, ruộng lầy... nên chiếc máy FUTU 1 nhanh chóng khẳng định được vị thế số 1 trên thị trường máy cắt lúa. Chiếc máy cắt lúa của anh đã giúp bà con tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nhân lực, người sử dụng tăng thêm 35% lợi nhuận kinh tế so với máy chưa cải tiến và hoạt động được 24/24 giờ nhờ có lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng.
Nhờ “thành tích” cải tiến máy gặt lúa, anh Chính được nhận giải “Nhà nông sáng tạo” của Hội Nông dân Việt Nam (2005), nhận bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2006) và được kết nạp vào Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam (VSAGE). Anh tâm sự: “Lợi nhuận từ cải tiến máy cắt lúa không là bao, chủ yếu lấy công làm lời. Tôi không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, vì người nông dân quá khổ rồi, chỉ cần nâng giá bán máy cắt lên một chút là thêm một gánh nặng chi phí lên vai họ. Tôi chỉ mong đóng góp một chút công sức để góp phần giải phóng bớt sức lao động cho bà con nông dân”.
Dụng cụ hữu ích cho nhà vườn
Trong 1 lần đến tỉnh Bến Tre vào năm 2004, nhìn thấy các nhà vườn thu hoạch trái cây và tỉa cành bằng phương pháp thủ công quá cực khổ và nguy hiểm, nên anh Chính nghĩ ngay đến dụng cụ “cắt cành, hái quả”. Anh cho biết: “Mỗi vườn cây ở Nam Bộ có đến hàng ngàn gốc, vậy mà muốn hái quả hoặc tỉa thì nông dân phải dùng thang chữ A để chinh phục độ cao trong lúc lao động. Nhìn cái thang chông chênh, người lao động cực nhọc hái quả, cắt cành... cực khổ, nên tôi quyết tâm sáng chế ra dụng cụ cắt cành, hái quả.
Từ Nam Bộ trở về, anh Chính bắt đầu nghiên cứu, cải tiến cây kéo cắt tỉa cành của mình cho phù hợp với nhà vườn Nam Bộ. Sau 6 năm nghiên cứu, anh Chính cho ra đời cây kéo hái quả, cắt cành đa năng. Kéo có thể cắt “ngọt” những cành cây có đường kính từ 25cm trở xuống. Khi chinh phục độ cao trên 5m thì người sử dụng chỉ gạt cần ngược về phía sau là cây kéo sẽ dài thêm ra. Dùng kéo đa năng trong việc hái quả, tỉa cành hiệu suất lao động rất cao, bởi cắt nhanh lại có thể cầm di chuyển quanh vườn.
Cây kéo hái quả, cắt cành của anh Chính đã được Cục sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học-Công nghệ công nhận bản quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa. Hiện anh Chính đã nhận được hợp đồng sản xuất kéo đa năng cho một số Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bến Tre, Cần Thơ... Không dừng lại ở đó, anh còn cải tiến ra sản phẩm mới là máy hái hạt điều, lặt điều ra khỏi quả và máy bóc vỏ mía trước khi ép lấy nước. Các sản phẩm của anh luôn được cải tiến cho phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng của người nông dân.