Nhà KHKT cầu đường tiêu biểu
Sang đầu năm 1945, anh được giới thiệu hoạt động trong Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong (TNTTXP) thành Hoàng Diệu, tham gia bảo vệ cuộc mít tinh của phụ nữ Mễ Trì, cướp kho thóc ở làng Mọc...
Sau Cách mạng Tháng Tám, Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu không còn nữa, anh được biên chế vào một Trung đội của Thủ đô đóng ở Quán Thánh, cạnh Trường Bưởi mà công việc hàng ngày là canh gác các điểm trọng yếu, trong đó có Nhà máy điện Yên Phụ...
Kháng chiến bùng nổ, anh lần lượt là cán bộ Đoàn Thanh niên, cán bộ Phòng dân quân Quân khu II, Phòng vũ khí thuộc Cục Dân quân... Đầu năm 1950, anh dự lớp chỉnh huấn tại Trường Trần Phú và sau đó được cử đi học tại Đại học Đường Sơn, Trung Quốc.
Trong chiến dịch Điện Biên, anh đã tốt nghiệp Đại học Đường Sơn về nước làm cán bộ công trường đường Lạng Sơn - Thái Nguyên. Khi hòa bình lập lại, anh tham gia khôi phục đường Hà - Mục, rồi làm công trình sư Viện Thiết kế đường sắt. Tháng 9/1962, anh được cử đi học Nga văn rồi đi nghiên cứu sinh tại Trường Đại học đường sắt Lêningrat.
Đầu năm 1967, anh về nước, kinh qua các chức vụ công trình sư Viện Thiết kế Giao thông, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Giao thông, Trưởng Ban Nghiên cứu thiết kế cầu Thăng Long kiêm Phó TGĐ XNLH cầu Thăng Long, rồi Viện trưởng Viện Thiết kế Giao thông cho đến cuối năm 1986.
Giữa năm 1971, anh đã được Bộ Giao Thông Vận Tải giao nhiệm vụ phụ trách thiết kế cầu Chèm (cầu lớn sông Hồng), tiếp đó là Trưởng đoàn chuyên gia Việt Namlàm việc nhiều lần với Đoàn chuyên gia bạn tại Việt Nam và tại Trung Quốc. Đầu năm 1973, anh cùng Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ lên báo cáo với Bộ Chính trị về phương án thiết kế cầu lớn sông Hồng. Tại cuộc họp này, đồng chí Trường Chinh đã tán thành kiến nghị đặt tên cầu là cầu Thăng Long và đồng chí Phạm Văn Đồng với tư cách Thủ tướng đã kết luận cho phép tiến hành thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và chuẩn bị triển khai thi công cầu Thăng Long.
Là một cán bộ được đào tạo cơ bản ở các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, Liên Xô, lại có thời gian thực tập khoa học về cầu đường tại Pháp, cùng với vốn quý thành thạo 4 ngoại ngữ (Pháp, Nga, Anh, Hoa) và lòng say mê nghiên cứu, anh đã có nhiều công trình được công bố như: Kết cấu móng sâu thích hợp với điều kiện Việt Nam; cọc có tiết diện tam giác hiệu quả cao; các công trình cầu phà phục vụ bảo đảm giao thông thời kỳ chống Mỹ (cầu phao chìm dưới mặt nước, phà dìm dấu, biện pháp tăng cường ổn định cầu treo...).
Trong quan hệ công tác, anh luôn thể hiện tinh thần tôn trọng cán bộ trẻ, bình đẳng về trí tuệ và dân chủ với anh em, đồng chí. Anh thường quan tâm động viên và phát huy khả năng của cán bộ KHKT là đảng viên cũng như ngoài đảng. Anh cũng là người thủ trưởng quan tâm tạo điều kiện xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể trong Viện, chăm lo phong trào văn nghệ, thể thao và đời sống cán bộ công nhân viên. Anh cùng với tập thể lãnh đạo xây dựng nên truyền thống đoàn kết, sống có nghĩa tình, thủy chung của những người làm công tác khảo sát thiết kế giao thông.
Sau 3 năm được Nhà nước cử làm chuyên gia giảng dạy đại học tại Angiêri, anh nghỉ hưu, song vẫn nhiệt tình nghiên cứu khoa học với các đề tài: Kết cấu tường chắn đất có cốt và các loại cốt tự sản xuất trong nước; cầu treo hai dây văng (trên dưới) có độ ổn định và chống rung cao (phục vụ giao thông miền núi);... Anh còn làm cố vấn cho một đơn vị, tham gia BCH Trung ương Hội KHKT Cầu đường Việt Nam và hiện là thành viên Hội đồng khoa học của Hội.
Gần đây, ngày 25/9/2010, ở tuổi 85 anh đã bảo vệ thành công đề tài cấp Bộ mã số DT 094035 “Nghiên cứu cầu toàn khối” trước Hội đồng nghiệm thu do Bộ GTVT quyết định thành lập. Đây là giải pháp liên tục hoá toàn bộ các dầm và bản lên cầu, gắn liền với các mố trụ thành một thể thống nhất (toàn khối), loại bỏ tất cả gối và khe co giãn, đồng thời giảm thiểu chiều cao của mố, xử lý cấu tạo móng để có độ dẻo tối đa và tận dụng tính đối xứng của toàn cầu...
Anh Nguyễn Phúc Trí - người con của Thủ đô Hà Nội, một thanh niên thành Hoàng Diệu trở thành GS-TS của ngành GTVT. Anh được Đảng, Nhà nước công nhận là cán bộ lão thành Cách mạng, được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Ba và đã được Trung ương Hội KHKT Cầu đường Việt Nam tôn vinh là “Nhà KHKT Cầu đường tiêu biểu”.