Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 24/06/2009 16:20 (GMT+7)

Nhà bác học Claude Lévi–Strauss bước sang tuổi 100

Sinh ra tại Bruxelles, thủ đô Bỉ, trong một gia đình Pháp gốc Do Thái, có cha là họa sĩ vẽ chân dung đã bị phá sản khi nhiếp ảnh ra đời, Lévi-Strauss đã lớn lên ở Pháp. Ông học luật và triết, nhưng tốt nghiệp ngành triết năm 1931 tại đại học Sorbonne ở Paris . Năm 1935 ông gia nhập Đoàn văn hóa Pháp đến Braxin.

Trở về Pháp trước khi chiến tranh thế giới bùng nổ, ông bị động viên từ năm 1939-1940, nhưng sau đó phải rời khỏi nước Pháp vì sự kỳ thị đối với người Do Thái, để xin tị nạn ở Hoa Kỳ. Tại đây, ông dạy học tại Viện Nghiên cứu xã hội, rồi gia nhập Lực lượng Tự do Pháp, được giao nhiệm vụ hoạt động khoa học cho nước Pháp ở Mỹ. Cùng với một số giáo sư Pháp, ông đã thành lập Trường Cao học Tự do ở New York, một loại đại học lưu vong của trí thức Pháp.

Được Bộ Ngoại giao gọi về Pháp năm 1944, ông lại trở sang Mỹ làm nhiệm vụ tham tán văn hóa ở đại sứ quán năm 1945. Đến năm 1948 thì ông từ chức để chuyên tâm nghiên cứu khoa học. Thời gian đó ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Bảo tàng Con người, rồi chỉ đạo nghiên cứu tại Trường Cao học thực hành, phụ trách tôn giáo so sánh của các tộc người không có chữ viết. Năm 1959 ông được bầu làm giáo sư Collège de France, phụ trách bộ môn nhân học xã hội cho đến khi về hưu năm 1982.

Năm 1961 ông cùng với Émile Benveniste và Pierre Gourou sáng lập tạp chí Con người, tiếp cận với nhiều xu hướng nghiên cứu dân tộc học và nhân học và tạo điều kiện cho việc nghiên cứu liên ngành. Tháng 5-1973 ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.

Trường phái xã hội học Pháp được xây dựng trên định nghĩa xã hội như là “trật tự khách quan của sự vật”, mà việc nghiên cứu xuất phát từ những công trình của Emile Durkheim, cho rằng xã hội là một tổng thể bất khả qui của tổng số các thành phần tạo nên nó. Khái niệm về xã hội của Lévi-Strauss được coi như kế tục trường phái xã hội học Pháp, nhưng tuy thừa nhận ý tưởng về một trật tự xã hội có cấu trúc chặt chẽ, ông lại bác bỏ thuyết thực thể nằm trong khái niệm về vật thể của nhà xã hội học. Theo cách nhìn của Durkheim, xã hội được tổ chức như một cơ thể gồm những phần phụ thuộc lẫn nhau và cần thiết cho sự sống còn của “toàn thể”. Ngược lại, Lévi-Strauss khẳng định giữa sức sống và xã hội còn có một yếu tố cơ bản chính là cái biểu hiện của toàn thể, khiến cho việc nghiên cứu xã hội cũng là và nhất là phân tích yêu tố tâm linh và xã hội học là khoa tâm lý học của ý thức cộng đồng có khả năng soi sáng quan hệ nhân quả của các hiện tượng tập thể.

Như vậy học thuyết Durkheim, được Lévy-Bruhl nhắc lại và phát triển, tìm cách giải thích sự phát triển từ “bầy người nguyên thủy” lên “xã hội nguyên thủy” theo giả thuyết đó là sự vượt qua giai đoạn tâm thức nguyên thủy để đạt tới mức cao hơn của lôgic gắn bó. Lévi-Strauss tìm thấy ở Marcel Mauss công cụ để chống lại quan điểm đó. Theo Mauss thì mọi xã hội loài người đều phân chia thành bộ lạc đối lập và tìm cách giải quyết sự đối lập đó bằng những biểu tượng thống nhất của bộ lạc. Mauss nhìn thấy trong sự trao đổi vật phẩm một biện pháp hữu hiệu để giải quyết mâu thuẫn cơ bản, thiết lập mối quan hệ tương hỗ giữa các bộ lạc khi cho và khi nhận. Nếu sơ đồ của Durkheim là sự kế tục của sự sống, tâm thức và xã hội được coi như là một tổng thể đồng qui, thì Lévi-Strauss lại nhìn thấy ở đấy một loạt các sự tách rời và thoát khỏi trung tâm giữa các mức độ cấu trúc.

Trong những năm ở New York, Lévi-Strauss chịu ảnh hưởng của nhân học văn hóa đang thịnh hành ở Mỹ, cụ thể là trong học thuyết của Franz Boas, nhà nhân học gốc Đức. Lévi-Strauss đề xuất rằng đối tượng nghiên cứu của các nhà nhân học không phải ở chỗ con người đã phân loại thế giới của họ như thế nào, mà là những khuôn mẫu cơ bản nào của tư duy con người đã tạo ra sự phân loại đó. Theo đuổi câu hỏi này, ông đã dành nửa thế kỷ để thực hiện các nghiên cứu đa văn hóa về thần thoại và tôn giáo trong nỗ lực tìm hiểu cấu trúc cơ bản của nhận thức con người.

Lý thuyết văn hóa của Lévi-Strauss dựa trên tâm lý học, nhưng khác với Sigmund Freud hay các nhà lý luận văn hóa và hành vi, ông không tin rằng cấu trúc tâm lý mà ông nêu ra quyết định văn hóa. Thay vào đó, Lévi-Strauss tin rằng quá trình mang tính lôgic cơ bản cấu trúc tất cả mọi suy nghĩ của con người hoạt động trong các bối cảnh văn hóa khác nhau. Bởi vậy cho nên các hiện tượng văn hóa không giống hệt nhau, nhưng chúng là sản phẩm của một khuôn mẫu cơ bản chung của tư duy. Nghiên cứu nhân học của ông tập trung quanh việc tìm ra khuôn mẫu đó.

Thuyết cấu trúc của Lévi-Strauss chịu ảnh hưởng nhiều từ các học giả lớn người Pháp của thế hệ trước: Émile Durkheim và Marcel Mauss. Cái gọi là Trường Ngôn ngữ học cấu trúc Prague , thành lập năm 1926, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên lý thuyết của ông. Nhóm các học giả này, được nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson (1896-1982) sáng lập, mà ông gặp ở New York năm 1941, và Nikolai Troubetzkoy (1890-1938), chú trọng vào nghiên cứu ngôn ngữ đồng đại (mang tính mô tả) hơn là lịch đại (mang tính lịch sử) và ủng hộ lý thuyết cho rằng ngôn ngữ được xây dựng dựa trên tương phản giữa các âm thanh. Các thành viên của Trường Prague đã định nghĩa và định tính nghiên cứu ngôn ngữ mang tính âm vị học và đưa ra cho Lévi-Strauss khái niệm tương phản nhị nguyên, nhân tố cơ bản làm nên thuyết cấu trúc của ông. Lévi-Strauss tiếp thu những hệ quả được Jacobson phát triển trong mạch suy nghĩ của Saussure, và đưa những nguyên lý cơ bản về phân tích cấu trúc của Saussure vào các biểu hiện xã hội, vì được thể hiện thông qua ngôn ngữ, nên cũng được cấu trúc bằng những quan hệ đối lập để phân biệt (nóng/lạnh, khô/ẩm, ngày/đêm…).

Người ta hiểu tại sao Lévi-Strauss tập trung chú ý vào khái niệm cấu trúc, nhưng cũng hiểu những lý do đã khiến cho trong suốt thế kỷ trước, tại sao thuyết cấu trúc lại trở thành đề tài được tranh cãi nhiều nhất trong khoa học xã hội. Quả thật, ngay khi xuất hiện, từ “cấu trúc” đã chịu nhiều cách diễn giải và ứng dụng rất khác nhau. Sự phong phú của việc tranh luận quanh từ đó đã giải thích sự nổi lên của cấu trúc luận trong khoa học xã hội muộn hơn trong nhân học cấu trúc, và nó chuyển tải một tổng thể nhiều lý thuyết khác nhau, đi từ phương pháp luận Marxist đối lập hạ tầng với thượng tầng kiến trúc, đến định nghĩa của Durkheim coi xã hội là “trật tự của sự vật”. Trong khi lý thuyết về cấu trúc được ứng dụng thành công trong khoa học tự nhiên, thì trong khoa học về con người, nó không đưa ra được một mô hình nào, không thể đưa ra bất cứ một sự tiên đoán nào. Giới hạn đó của cấu trúc luận, đã được Lévi-Strauss phân biệt giữa thực tế kinh viện của mô hình lý thuyết xây dựng trên khái niệm về cấu trúc. “Nguyên lý cơ bản là khái niệm về cấu trúc không phù hợp với thực tế kinh viên, mà phù hợp với mô hình được xây dựng từ thực tế đó”.

Với phương pháp cấu trúc, Lévi-Strauss đã đem lại một sinh khí mới cho việc nghiên cứu quan hệ thân tộc. Ông là người đầu tiên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của liên minh bên trong cấu trúc thân tộc, và nêu bật lên sự cấn thiết phải trao đổi và có đi có lại trong cấm kỵ loạn luân. Theo nhãn quan đó, ông đi đến việc nêu lên ý tưởng rằng mọi xã hội con người đều xây dựng trên một đơn vị tối thiểu về thân tộc: hạt nhân của thân tộc. Học thuyết tổng quát đó được gọi dưới cái tên là học thuyết về liên minh. Một trong những lý do khiến ông nổi tiếng là sự bác bỏ của ông đối với lịch sử và chủ nghĩa nhân văn, bác bỏ vị trí cao quý và độc nhất của văn minh phương Tây, nhấn mạnh tới hình thức hơn là nội dung và khẳng định của ông rằng tư duy mông muội hoàn toàn bình đẳng với tư duy văn minh.

Ở nước ta, thuyết cấu trúc cũng được nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận, đặc biệt là trong những năm 70 của thế kỷ trước, và có lẽ nhà nhân học đầu tiên tiếp cận với lý thuyết này là Từ chi, qua những công trình trước tác của Lévi-Strauss mà ông tìm được một cách khó khăn và đọc say mê. Tuy nhiên ý định truyền đạt cho các đồng nghiệp những điều mình thu nhận được của ông đã bị dội một gáo nước lạnh là “truyền bá học thuật tư sản” (!!??) khi ông nói chuyện ở Ủy ban Khoa học xã hội thời đó. Cũng vì vậy mà trong các phân tích của mình về dân tộc học, Từ Chi đã nhiều lần vận dụng thuyết cấu trúc, nhưng không bao giờ ông nhắc đến học thuyết này. Và hình như các nhà ngôn ngữ học nước ta thời đó (Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc) cũng vậy, tuy tiếp cận với thuyết cấu trúc nhưng không dám nói lên. Bị bó chặt trong các lý thuyết về dân tộc của Xô viết, cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhân học nước ta chỉ dừng lại ở khoa học miêu tả chứ không tiếp cận được những vấn đề lý thuyết đang diễn ra sôi động trên thế giới trong những năm đó.

Trong lần xuất hiện cuối cùng trên truyền hình Pháp năm 2005, Lévi-Strauss đã tuyên bố: “Điều tôi nhận thấy là sự tàn phá hiện nay; đấy là sự biến mất khủng khiếp của các sinh vật, dù là thực vật hay động vật; và với tình hình mật độ dân số hiện nay, loài người đang sống dưới một chế độ tự đầu độc bên trong - nếu tôi có thể nói vậy - khiến tôi nghĩ đến thế giới mà tôi đang kết thúc sự tồn tại của mình. Đấy không phải là thế giới mà tôi yêu mến”.

Ngày 28 tháng 11 năm 2008, Bảo tàng Quai Branly đã dành một ngày đặc biệt trong đó các nhà văn, các nhà khoa học và nghệ sĩ đã đến đọc những đoạn chọn lọc trong công trình của Lévi-Strauss. Tổng thống Cộng hòa Pháp Nicolas Sarkozy đã cùng với bà Hélène Carrère d’Encausse, chuyên gia nghiên cứu vấn đề dân tộc (đặc biệt ở Liên Xô trước đây), đến thăm tại nhà Lévi-Strauss ở Paris để đàm luận với ông về “tương lai xã hội chúng ta”.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Cao đẳng và Nghiên cứu Valérie Pécresse đã tuyên bố thành lập giải thưởng Claude Lévi-Strauss, với số tiền 100.000 euro để tặng thưởng bắt đầu từ tháng 6-2009, cho nhà “nghiên cứu” xuất sắc nhất trong các lĩnh vực lịch sử, nhân học, khoa học xã hội hay khảo cổ học làm việc ở Pháp.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.