Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 16/04/2011 21:35 (GMT+7)

Nguyễn Văn Vĩnh và văn hóa Đông Tây

1. Nguyễn Văn Vĩnh bàn về sự khác biệt văn hóa Đông - Tây

Theo những người từng tiếp xúc với Nguyễn Văn Vĩnh, ấn tượng mạnh nhất về ông qua các câu chuyện là ông muốn xây dựng một nước Việt Nam thực sự hiện đại, phát triển như các nước châu Âu. Để làm được việc đó, ông ra sức cổ vũ chữ quốc ngữ, hô hào người dân học nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe theo cách của người phương Tây. Ông cũng dịch nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Pháp ra tiếng Việt để giới thiệu cho công chúng Việt Nam một nền văn hóa khác, nhằm mở mang sự hiểu biết của họ. Thế nhưng ông không phải là người vọng ngoại. Ở Nguyễn Văn Vĩnh không có cái tự ti của người dân một nước thuộc địa. Điều này khiến một số người Pháp khi tiếp xúc với ông vừa khó chịu nhưng cũng vừa kính trọng. Với ông, tiếng Pháp là “tiếng để tranh luận”[1]. Giỏi tiếng Pháp là cách để hiểu họ, tranh luận với họ và làm cho họ hiểu về mình. Chính vì vậy, ông tự nhận về mình vai trò là chiếc cầu nối cho hai nền văn hóa Đông Tây chứ không đơn thuần chỉ là người cổ vũ cho văn hóa Pháp.

Về khía cạnh này, E. Vayrac – người kiểm duyệt báo chí Bắc kỳ và cũng là bạn thân của ông - nhận xét: “Sự thiếu hiểu biết của người Pháp đối với người An Nam chắc chắn là ghê gớm, còn sự hiểu biết của người An Nam đối với chúng ta thì thật kỳ dị, hoang đường, không thể tưởng tượng được. Người An Nam, dân An Nam, quần chúng An Nam hoàn toàn không biết gì về chúng ta, tuyệt đối không. Đại đa số không hiểu gì về chúng ta. (…). Ngay từ đầu, tôi đã có may mắn kết bạn với một số người An Nam xuất chúng, nhất là với ông Nguyễn Văn Vĩnh, nhà văn An Nam lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Chính  ông đã khiến cho tôi dần ước lượng được cái vực thẳm ngăn cách chúng ta với quần chúng An Nam. Và chúng ta đã tự hỏi bằng cách nào chúng ta sẽ đi tới chỗ xóa được sự không thông cảm hoàn toàn này[2].

Là một người đi nhiều, đọc nhiều, có vốn sống và hiểu biết, hơn ai hết, Nguyễn Văn Vĩnh hiểu rằng mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa mang diện mạo đặc thù khác nhau. Không có nền văn hóa lớn và nền văn hóa nhỏ. Trong các bài viết của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đề cao giá trị văn hóa dân tộc, một nền văn hóa lâu đời với bao thăng trầm của lịch sử, những điều đã tạo nên đặc trưng của tâm hồn, tính cách của người Việt Nam.

Từ cách nhìn đó, ông chỉ ra cho người ta thấy rằng, cách ăn mặc, phục sức, giầy dép của người An Nam mang nét đẹp văn hóa của một dân tộc trồng lúa nước và chăm lao động. Người Việt Nam bấy giờ đa phần là đi chân đất. Tất nhiên là họ cũng biết những tiện lợi mà giầy dép mang lại, nhưng một phần vì không có tiền để mua, khi mà những thứ thiết yếu khác của cuộc sống đòi hỏi phải ưu tiên hơn, phần vì đặc thù của công việc đồng áng mà họ phải làm hàng ngày để nuôi sống mình. Đối với họ, giầy dép là một sự tiện nghi chứ không phải là biểu hiện của sự vệ sinh. Nếu không hiểu được điều này, có lẽ những người phương Tây sẽ cho rằng dân tộc của chúng ta là một giống người man di mọi rợ.

Sẽ không phải là nói quá, bởi sự khác biệt về văn hóa sẽ dẫn đến nhận định đó, khi mà “tất cả những dân tộc văn minh ở Châu Âu đều đi giầy dép và ngay cả người Trung Hoa mà chúng ta có chung một nền văn hoá cũng đi giầy dép”[3]. Và Nguyễn Văn Vĩnh đã chỉ ra rằng, mọi việc không thể đánh giá đúng nếu như không hiểu được bản sắc văn hóa được tạo nên từ thói quen của một dân tộc. Trong bài Giầy dépđăng trên L’Annam Nouveausố 206 ngày 09 tháng 01 năm 1933, ông viết: “Người An Nam đã khám phá ra là giầy dép, nhất là giầy kín có bít tất, là một nơi để tiếp nhận và ấp ủ những bẩn thỉu, để tránh không phải nói là vi trùng. Họ quay đầu đi và nhổ nước bọt khi thấy một người Trung Hoa cởi giầy và tụt bít tất ra. Họ thấy là vệ sinh hơn khi giữ cho hai bàn chân lúc nào cũng ở ngoài không khí tự do, chỉ cần dội nước sạch những nhơ bẩn bám vào chân, mỗi khi người ta đi vào trong nhà. Cái ao có bắc một tấm ván làm cầu ao, có một cái sào để vịn được làm để rửa chân. Người Châu Âu rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn. Người An Nam rửa hai bàn chân trước khi đi vào nhà ngồi lên giường sập”.

Và với một giọng đầy tự hào, ông chỉ ra vẻ đẹp của người nông dân với đôi bàn chân đất khi họ lao động để tạo ra của cải. Đó là vẻ đẹp cảm động của một dân tộc chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên như là máu thịt, là nguồn gốc của truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm bất khuất của ông cha: “Giày cao cổ và bít tất nhất định là một tiện nghi phải đạt tới. Nông dân của chúng ta biết rất rõ đấy là những dấu hiệu của sự đầy đủ. Nhưng vấn đề là phải đầy đủ đã, trước khi tỏ ra bằng những dấu hiệu. Vì rằng bùn lầy của những ruộng lúa phải được khuấy lội hàng ngày nếu người ta muốn có được cái gì mà ăn. Ngày nào mà tất cả những người An Nam sẽ có giầy dép mà đi, thì những đầm lầy và những vùng không có mương khơi nước này sẽ không được cày cấy nữa. Khi người An Nam đã trở nên giàu có bằng cách giẫm chân trong ruộng bùn lầy, thì họ đi giày và tự nâng mình lên một cấp. Nhưng họ không bao giờ quên là giày dép của họ là phần thưởng đến từ bùn lầy, trong đó họ đã dầm hai bàn chân không của họ”.

Khám phá ra vẻ đẹp văn hóa từ một thói quen vô cùng bình thường của đồng bào mình, Nguyễn Văn Vĩnh phải là một người tinh tế, yêu quê hương và thấu hiểu đến tận cùng tâm hồn của dân tộc. Những câu ông viết về hình ảnh người nông dân với đôi bàn chân đất đẹp như một bản hùng ca về những người lao động giản dị nhưng bất khuất và cũng đầy kiêu hãnh:

“Ông nội tôi đã gài chặt đôi dép vào thắt lưng để đi về làng, và chỉ đi dép trở lại một khi đã về tới nhà. Lớp đá trải đường được mặt trời nung nóng lên của con đường cái quan đối với ông tôi mềm mại như là trải thảm. Đi chân đất trên đường rất là dễ chịu, không cần phải có giầy dép để làm mòn đế giầy vô ích. Ông chỉ đi giầy để chứng tỏ cấp bậc của mình đã đạt được, chứ không phải để dùng như một tiện nghi bảo vệ chân”.

Văn hóa không chỉ là vẻ đẹp đơn thuần của truyền thống được sơn son thếp vàng. Nó là một cuộc sống đầy sinh động của dân tộc kéo dài từ quá khứ đến hiện tại và nối tiếp đến tương lai. Những bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh ít nói đến những nét đẹp văn hóa mà người ta đã bàn nhiều, nói nhiều, ca ngợi nhiều. Ông viết về những điều giản dị người ta có thể bắt gặp mỗi ngày trong đời sống nhưng không ai có thể phủ nhận được đó là nét riêng của tâm hồn, tính cách Việt Nam . Dù rằng những điều đó có khi mang cả nỗi cay đắng và ngậm ngùi bởi sự nghèo khó còn bủa vây. Nhưng nếu nói về văn hóa mà thiếu đi sự khốn khổ truyền đời của dân tộc, thiếu đi những điều đã làm nên niềm vui nỗi buồn, những lo toan, những niềm hạnh phúc của những người nông dân quanh năm dầm mưa dãi nắng hay người phu kéo xe “dốc thở giữa hai hàng xe kéo” thì vẫn là chưa đủ.

Là một học giả uyên bác, nhưng lại xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, phải ra thành thị kiếm sống, sự gần gũi với những người lao động nghèo khổ cộng với những hiểu biết của ông về văn hóa, xã hội khiến ông có một cái nhìn khá tinh tế về đời sống, về những người lao động lam lũ xung quanh mình.

Trong bài viết Những vấn đề đời sống vật chất của người An Nam(Les problèmes de la vie matérielle chez les Annamites) đăng trên L’Annam Nouveausố 133, ngày 8 tháng 5 năm 1932, Nguyễn Văn Vĩnh cho thấy cái nhìn khá sâu sắc đối với quan niệm về các giá trị của người dân An Nam, một dân tộc mà “sự nghèo khổ của chúng ta không phải bao giờ cũng là vì thiếu thốn những thứ cần thiết”.

Ông khám phá ra rằng trình tự cấp thiết về những nhu cầu của chúng ta khác hẳn với cách nhìn nhận của người châu Âu .Đối với rất nhiều người lao động nghèo khổ trên mảnh đất An Nam này, vấn đề ăn là thứ yếu, ngay cả đối với những người ở cấp bậc cuối cùng của xã hội, mặc dù là họ luôn luôn bị đói . Ngoài chuyện cái ăn, cái mặc và chỗ ở ra, còn trăm ngàn những thiếu thốn khác mà người ta phải đối mặt. Thế nhưng, đó không phải là điều họ bận tâm, không phải là việc làm cho họ thấy khổ sở nhất, bởi “có những hình thức khác, thể hiện ra còn cay đắng hơn là thiếu thốn những thứ cần thiết đó”. Họ lo lắng, buồn khổ vì những việc tưởng chừng không có ý nghĩa gì giữa một cuộc sống còn quá nhiều khó khăn. Những điều mà, ở hoàn cảnh đó, có lẽ đối với một dân tộc khác, chẳng ai còn hơi sức đâu mà nghĩ đến: “…đối với họ, sự khổ sở không phải là một ngày thua lỗ, không có cái gì ăn, không có cái quần đùi rách mướp mà mặc; mà là không có một người vợ để nhanh chóng đẻ cho anh ta một đứa con thừa tự, mà là phải bốc mộ tổ tiên, đang đe doạ bị cuốc lên vì nhát cuốc của một anh phu làm đường, hay là những rễ cây của cây đa ở bên cạnh mộ xâm nhập vào; mà là người mẹ già sắp chết và không có cách nào giết một con lợn để cho cả làng ăn; mà là ông bố thọ 60 tuổi vào đầu sang năm không có cách nào trả nợ miệng; mà là trách nhiệm của anh phải tham dự đám rước hội làng vào mùa thu, không có lấy một cái thắt lưng điều và một cái áo dài; mà là không có tiền mua pháo cho lũ trẻ; mà là không biết bao nhiêu việc nữa”.

Đúng như Nguyễn Văn Vĩnh nói, muốn hiểu sâu được tâm hồn người An Nam thì phải hiểu được những điều tạo nên niềm vui nỗi buồn của họ. Vì sao họ lại lo lắng về những chuyện tưởng không phải thật là cấp thiết? Vì “nhân dân ta có một nền văn hoá tinh thần mà ở các nơi khác trên quả đất này không biết đến… Người cu li kéo xe thấp hèn nhất đổ mồ hôi và dốc hơi thở giữa hai hàng xe kéo, cũng có những việc phải lo thuộc về mặt tình cảm, nó làm cho họ đẩy lùi vào hàng thứ yếu những vấn đề nhỏ như đói bụng và rét run...”.

Nền văn hóa tinh thần ấy tồn tại bao đời nay, là đặc trưng cho nếp sống của người Việt, nếp sống coi trọng những giá trị tinh thần, mang nặng tính cộng đồng làng xã. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa gốc nông nghiệp điển hình. Cuộc sống gắn bó với nghề nông vốn phụ thuộc vào thiên nhiên buộc người dân phải liên kết với nhau, dựa vào nhau mà sống. Chính vì thế, chúng ta coi trọng mối liên hệ với họ hàng, dòng tộc, làng xóm; coi trọng tới mức “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Điều này khác hẳn với phương Tây, nơi mà vai trò của cá nhân được đề cao. K. Marx đã từng nhận xét một cách hài hước rằng nông thôn phương Tây là một cái “bao tải khoai tây” (trong đó mỗi gia đình là một củ khoai tây).[4]

Trong những giá trị tinh thần ấy, thì việc thờ cúng ông bà, tổ tiên có một vị trí vô cùng quan trọng. Nó như là một thứ tôn giáo, một nghi thức đạo dức của người Việt. Dù giàu hay nghèo, khi bước vào nhà của một gia đình, ta đều thấy bàn thờ tổ tiên được bày ở vị trí trang trọng nhất. Không phải là mê tín, đúng hơn, nó là sự thành tâm, là cách bày tỏ lòng hiếu thảo đối với những bậc tiền nhân đã sinh ra mình. Nó tạo ra một mối liên kết vô hình giữa đời này với đời kia, tạo nên một tình cảm ràng buộc, làm cho người ta thấy vững dạ vì mình có nguồn gốc, tổ tông. Người Việt Nam tin rằng, những người thân của mình khi chết đi, không có nghĩa là họ hoàn toàn tan biến vào hư vô mà linh hồn của họ vẫn còn ở lại để phù hộ, che chở cho người còn sống. Bằng việc thờ cúng mà người sống có bổn phận làm tròn, người chết vẫn còn tham dự mãi vào cuộc sống gia đình mình, được nhắc đến trong những sự kiện trọng đại của gia đình hay các dịp lễ tết. Vì thế, nếu vì lý do nào đó mà không làm tròn bổn phận với người đã mất, đối với một người Việt Nam , đó là một nỗi áy náy vô cùng to lớn. Người ta có thể thiếu ăn thiếu mặc nhưng ngày giỗ phải có gì đó bày lên bàn thờ, phải có nén nhang cho người đã khuất. Việc mồ mả cũng phải được chăm lo chu đáo. Nếu không, họ có cảm giác mình mang tội với tổ tiên. Cũng vì thế, sẽ là một nỗi lo lớn nếu họ không có người nối dõi, bởi sau này khi họ chết đi sẽ chẳng có ai cúng giỗ.

Tìm hiểu đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, còn phải hiểu được những đặc trưng của làng quê Việt Nam, vì hầu hết người Việt Nam xuất thân từ nông dân. Ngoài tính cộng đồng, làng xã của nông thôn nước ta còn mang cả tính tự trị. Làng nào biết làng ấy. Mỗi làng có những qui tắc, luật lệ riêng mà các cư dân trong làng đều phải tuân theo. Thế nên mới có câu: “phép vua thua lệ làng”. Chính vì phụ thuộc vào lệ làng, phụ thuộc vào các mối quan hệ tập thể mà người dân phải tuân theo những qui tắc, những phong tục mà “làng” đặt ra, dẫu rằng những qui tắc, những phong tục ấy làm họ nhiều phen điêu đứng. Có nghèo đói đến mấy thì đến ngày giỗ cũng phải làm mâm cỗ mà thết “làng”, thực chất là các lý trưởng, hương thôn. Rồi nào là ngày mừng thọ, nào là việc ma chay, cưới hỏi v.v… Không làm theo thì lo lắng không bằng người hoặc không trả được món nợ miệng, sợ bị làng xóm chê cười. Cố để mà làm theo thì có khi phải bán cả nhà cửa, ruộng vườn. Những thiếu thốn vật chất của bản thân thì họ có thể chịu đựng được, nhưng họ không thể không chu toàn những bổn phận tình cảm với họ hàng, làng xóm.

Nếp sống coi trọng tình cảm cộng đồng khiến những dịp lễ hội của làng là những sự kiện vô cùng trọng đại. Đó là dịp để người ta gặp gỡ, vui chơi, ca hát, thể hiện tài năng cá nhân…Người ta mong chờ ngày hội làng để khoe áo mới, để gặp mặt người mình yêu… Điều đó lý giải vì sao người phu xe không lo lắng vì hôm nay mình không có cái gì ăn mà lại buồn phiền vì không có chiếc thắt lưng điều và cái áo dài để mặc trong ngày hội làng vào mùa thu sắp tới.

Những sinh hoạt cộng đồng là nét đẹp văn hóa mộc mạc, đáng yêu của dân tộc Việt Nam . Và theo như Nguyễn Văn Vĩnh thì “nó làm cho cuộc sống nông thôn trở nên vui thú mặc dù không có chiếu bóng và không có hàng quán. Nó làm cho chịu đựng được không đắng cay những vấn đề vật chất nhỏ nhoi” .[5]

Trong các bài viết về văn hóa phong tục của mình, Nguyễn Văn Vĩnh  không chỉ nói về văn hóa như là những nét đẹp, những điều đáng tự hào. Chen vào đó là cả những nỗi buồn, những nỗi xót xa, trăn trở về cuộc sống nghèo đói của dân tộc. Ông luôn lôi kéo người đọc nhìn lại thực trạng của đất nước mình và căn nguyên của nó. Trong các bài viết của ông, tất cả các phong tục hiện lên một cách chân thực và nhuốm một nỗi ngậm ngùi. Giống như một bức tranh sinh hoạt mà ta vẫn thường bắt gặp đây đó mỗi khi những ngày cuối năm đang qua nhanh. Trong đó, có những con người tất bật lo toan, chạy xuôi chạy ngược để thanh toán nợ nần, sắm sửa một chút gì đó để những ngày đầu năm mới được thong dong và có thể hy vọng vào một năm mới no đủ, hạnh phúc. Người đọc có thể bắt gặp hình ảnh đó qua bài viết Tết - một phong tục cảm động của một dân tộc đói nghèo(Le Tet - Coutume touchante d’un peuple famélique): “Người ta trả những món nợ có thể trả trước được; người ta đòi những món nợ, người ta mua từ trước đủ thức ăn cho nhiều ngày; người ta chế biến thành những thức ăn sẵn để không phải nấu bếp nữa, ít ra cũng để tiết kiệm được tối đa sức lao động trong suốt ba ngày Tết mừng năm mới. Sau thức ăn, quần áo cũng là công việc phải lo cho mấy ngày Tết đầu năm mới. Người ta chuộc lại những quần áo đã đem cầm ở nhà cầm đồ; người ta đi may những quần áo mới, nếu có đủ điều kiện để may được. Và trong công việc lo toan này, số lượng là ưu tiên trước chất lượng hay vẻ đẹp. Người cu li xe khốn khổ tự bằng lòng mình được đảm bảo có ít nhất một cái áo tây cũ, hoặc chí ít một cái khố mới hơn so với cái vẫn mặc hàng ngày. Cuối cùng, người ta cố gắng ăn ngon hơn và nhiều hơn như người ta vẫn ăn, và mặc lên mình nhiều hơn như người ta vẫn mặc. Trong cái ảo tưởng dịu dàng đó, sự đầy đủ của những ngày đầu năm sẽ báo trước sự đầy đủ của những ngày tiếp theo sau, và của tất cả những ngày tiếp theo sau nữa”.

Có lẽ  Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng Tết là một phong tục cảm động cũng chính là vì ý nghĩa nhân văn của nó. Phải có một cột mốc nào đó về thời gian để nhắc nhở cho người ta biết cái hữu hạn của cuộc sống. Đối với những người bất hạnh, nghèo khó, sự kết thúc và sự mở đầu càng có ý nghĩa. Người ta hy vọng rằng những khổ sở đã ở đằng sau và phía trước sẽ là một tương lai tốt đẹp hơn. Ngày Tết mở ra một hy vọng mới, tiếp thêm sức mạnh để họ chống chọi tiếp tục với cuộc sống khốn khó đang chờ đợi.

Cái nhìn của Nguyễn Văn Vĩnh về phong tục của đất nước mình không chỉ là cái nhìn của một người dân bản xứ thấu hiểu cặn kẽ những ngóc ngách của đời sống, đó còn là cái nhìn của một người đã nắm bắt được vẻ đẹp của một nền văn hóa khác, biết lùi ra một quãng xa để quan sát và chiêm nghiệm, từ đó phát hiện ra những ý nghĩa mới của sự việc. Đôi khi đọc các bài viết của ông, ta cảm nhận ông đang quan sát như một người châu Âu vì những phát hiện của ông rất lạ lẫm, mới mẻ mà nhiều người khác, có lẽ vì đã quá quen thuộc với những điều ấy nên  không nhận ra.

Nguyễn Văn Vĩnh nhận ra rằng, ở nước chúng ta, người giàu không hề biết khinh rẻ những cảm xúc của quần chúng nghèo khổ. Điều này ngược lại với cách nghĩ của những người thuộc tầng lớp trên đối với những người thuộc tầng lớp dưới trong xã hội châu Âu. Ngày Tết là một dịp đặc biệt cho thấy sự gần gũi của  người dân trong một nước. Người giàu hay người nghèo cũng đều có những lo toan giống nhau trong ngày Tết về cái ăn và cái mặc. Ngày Tết, dường như sự cách biệt của họ đã bị niềm vui che lấp. Những người giàu có, sung sướng cùng chia sẻ niềm vui với người nghèo. Trong những ngày đầu tiên thiêng liêng đó, bản thân mỗi người dường như cũng tốt đẹp hơn lên. Tết, người ta hướng về tổ tiên với lòng thành kính; “người ta ân cần, thân thiện với nhau trong những tình huống mà trong ngày thường đã dẫn tới văng tục và đánh đấm nhau. Người ta trầm ngâm nghe niềm vui sướng lan toả theo những trang pháo nổ điếc tai… Những phong tục về ngày Tết, có thể chính vì như vậy mà trở nên đáng yêu đối với chúng ta. Chúng ta thấy ở ngày Tết một bài thơ về những tập quán đơn giản. Nó vẫn giữ được sự ngây thơ trong ý nghĩa của nó…”.

Những người muốn tìm hiểu về phong tục có thể tìm thấy trong các bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh khá nhiều điều: cuộc sống mưu sinh của người dân, tính chịu đựng, chắt chiu của họ và cả điều kiện thời tiết đặc biệt của xứ Bắc..., cả một bức tranh thu nhỏ về đời sống dân nghèo thành thị đầu thế kỉ 20. Dường như ông hiểu tường tận những mối lo, những tính toán, suy nghĩ của họ như thể ông là một trong số họ vậy. Trong bài viết Cái rétđăng trên L’Annam Nouveau số 310, ngày 25 tháng 1 năm 1934, hình ảnh những người lao động nghèo phong phanh giữa cái rét cắt da của mùa đông gợi lên cho người đọc rất nhiều suy nghĩ: “Người An Nam nói chung không có quần áo mùa rét, vì rằng mùa đông ở nước chúng ta rất ngắn, không kéo dài quá năm mươi ngày trong một năm, lại còn ở giữa mùa đông có những ngày  nắng ấm có khi rất nóng. Chỉ có những người giàu mới có điều kiện sang trọng để có một cái áo bông, và những quần áo lót bằng len chế tạo ở bên Âu châu, hay là những áo khoác ngoài nặng nề gọi là “pardessus” may bằng dạ. Tất cả những thứ sang trọng đó đều giá rất đắt, những người bình thường không có tiền mua, trước tiên là vì nó không được dùng thường xuyên, sau nữa là vì nó rất khó bảo quản dưới thời tiết của chúng ta, và đòi hỏi phải giữ gìn, chăm sóc đặc biệt.

Từ đó người ta mới hiểu tại sao những người nghèo khổ không lo mua quần áo rét, trị giá bằng cả một gia tài của họ, không mất tiền để mua những thứ rất ít khi dùng đến và luôn trở thành cồng kềnh. Khốn nỗi thay những lúc hiếm hoi đó vẫn cứ có, nhiều khi phải chịu đựng khá lâu dài”.

Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ là một nhà văn nhạy cảm trước đời sống. Con người hoạt bát và thực tế như ông luôn tìm một giải pháp nào đó cho những vấn đề đã đặt ra. Ông không để người đọc chìm đắm lâu với nỗi buồn rầu, ngay lập tức, ông nhắc người ta phải nhớ đến trách nhiệm: “Chúng tôi không kéo dài nữa, để phô ra tất cả mặt trái của cái xã hội nhỏ bé đáng thương của chúng ta, như vậy là vẫn còn có những người bị rét, vẫn có những người sẽ sung sướng được có bất cứ cái gì để đắp vào thân, từ những chiếc áo tây cũ mà người ta tìm thấy đủ loại ở những người bán quần áo cũ, cho đến những bao tải, thảm rách mà người giàu đã thải đi… Tại sao người ta không nghĩ tới lập ra một vì tổ chức từ thiện và kín đáo phát không hay bán giá rẻ những phương tiện để đảm bảo những tác hại của cái rét?… Tôi đánh cuộc rằng lập hội này sẽ tốn ít tiền hơn so với xây một ngôi chùa bằng bê tông cốt thép hay một ngôi mộ để đợi chết, được trang trí bằng đá hoa. Việc này sẽ được hoàn chỉnh thêm một cách hài hoà với những nhà nghỉ đêm, những nhà giữ trẻ, nhà từ thiện làm tang người chết không còn biết rét và biết đói nữa”.

Trong các bài viết về văn hóa của mình, Nguyễn Văn Vĩnh nhiều khi làm người đọc bất ngờ bởi những phát hiện thú vị của ông, cái cách mà ông so sánh giữa cách nghĩ của người Việt Nam và những người phương Tây. Một chút nhạo báng với những kẻ không hiểu gì về thức ăn của người Việt, kiểu như: “những người Âu châu chê thịt lợn chúng ta, cho là thịt ôi chỉ làm được loại “giăm-bông” xấu. Chúng ta không làm giăm bông mà chúng ta làm bếp với những món ăn ngon lành”[6].

Có lẽ một số người khi tiếp xúc với Nguyễn Văn Vĩnh, một người mặc Âu phục, cưỡi môtô, nói tiếng Pháp như gió, dễ có cái suy nghĩ ông là một trong những người Tây hóa hoàn toàn, chuộng ăn bơ sữa và uống sâm banh. Đọc các bài viết của ông mới thấy Tân Nam Tử không “mới” theo kiểu như vậy. Thậm chí ông còn phê phán những người bắt chước không phải lối người phương Tây. Nguyễn Văn Vĩnh chế giễu những ai ăn mặc như người phương Tây nhưng đã không thực sự nắm bắt được bản chất của việc ấy. Trong vấn đề ăn uống cũng vậy.

Với bài viết “Thức ăn thịt và người An nam” (La nourriture carnée et les annamites, L’Annam Nouveausố 34, ngày 28 tháng 5 năm 1931), Nguyễn Văn Vĩnh chỉ ra rằng nước ta là một nước nông nghiệp, trâu bò dùng để cày bừa. Thịt bò bán ở chợ là thịt “những con bò bị thải ra vì già yếu hay bệnh tật. Loại thịt bò màu đen, màu nâu, rai (sic) ngoách này ăn không ngon nữa”. Nếu bắt chước kiểu ăn thịt bò của người Âu thì sẽ là không phù hợp, bởi bò của họ được nuôi trên những cánh đồng cỏ tốt và để giết thịt chứ không phải để cày kéo. Bắt chước theo thói quen ăn uống của họ “chính là những nguyên nhân gây ra bệnh tật: táo bón, đi lị, bệnh trĩ, sốt cao do viêm đường ruột. Ông cha chúng ta chưa bao giờ bị chết vì những bệnh đó”.

Người ta có thể thấy trong bài viết của ông cả cách lựa chọn thực phẩm của các bà nội trợ, một cách lựa chọn mà Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng phù hợp với thực tế tại đất nước này, cả tâm lý chủ quan của người dân trước các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, điều mà cho đến tận ngày nay vẫn chưa thay đổi mấy: “Thiên nhiên đã có tầm nhìn xa dành cho chúng ta một con vật ăn thịt lý tưởng, là con lợn mà ở Bắc Kỳ thịt có chất lượng đặc biệt, người ta có thể đánh giá được, không cần có sự can thiệp đặc biệt của nhân viên thú y. Bất cứ một bà nội trợ nào cũng chỉ cần nhìn cái nhìn bên ngoài miếng giò làm bằng thịt lợn, nếu thơm ngon mịn màng đủ để biết được chắc chắn là thịt tốt”.

Ông kết luận rằng: “Đồng bào của chúng tôi ở các thành thị đã sai lầm khi ăn quá nhiều thịt bò và áp dụng một cách nấu bếp ăn nhiều chất quá. Nó đã làm cho họ già trước tuổi và làm cho họ bị nhiễm một loạt bệnh tật mà trước kia họ không biết đến… Người ta thấy tổ tiên ta là đúng đắn khi quyết định hạ sát những con vật kéo phải theo đúng luật lệ nghiêm khắc. Trước tiên là để không làm giảm đầu trâu bò kéo cày, sau nữa là để bảo vệ sức khoẻ của nhân dân”.

Nguyễn Văn Vĩnh là một nhân vật được người Pháp nể trọng, nhưng không phải là vì những lợi ích mà ông mang lại cho họ. Người ta không nể trọng kẻ đầy tớ của mình bao giờ. Có lẽ đó là vì họ nhận thấy sự khẳng khái, kiêu hãnh từ một người An Nam biết tự hào về những giá trị của dân tộc mình. Một người biết nhận được những bài học từ phương Tây mà không chối bỏ chính mình.

Nguyễn Văn Vĩnh phản đối lại cách nghĩ phiến diện của phương Tây coi thường những giá trị của nền văn hóa chịu ảnh hưởng Khổng giáo của Việt Nam . Bởi theo ông, họ không thể nào hiểu được tâm hồn phương Đông, không hiểu được cái tinh thần đã tạo nên sinh khí cho một dân tộc suốt bao nhiêu thế kỉ. Ông cho rằng Khổng giáo không lạc hậu nếu được hiểu và giải thích đúng. Nó tạo ra sự tĩnh tại và cân bằng cần thiết trong xã hội buổi giao thời đầy những hỗn loạn và bất an. Nền văn hóa mới mà nước Pháp đem đến bằng cuộc xâm chiếm của họ đã tạo ra nhiều khuấy động trong xã hội nước Nam . Nó tạo ra nhiều nhân tố mới tích cực nhưng cũng sinh ra không ít những ảo tưởng cuồng dại.  Người  ta bắt đầu lối sống tiêu thụ theo kiểu phương Tây bất chấp lối sống ấy dẫn mình đi đến đâu. Trong bài Tinh hoa An Namđăng trên L’Annam Nouveau, số 180, ngày 20 tháng10 năm 1932 ông viết: “Cái văn hóa cằn cỗi này, các ông nói, người ta đã làm đúng khi xếp nó vào loại các vật cũ kỹ đã đưa thế giới Á châu vào sự trì trệ ngàn năm.

Không, không đến nỗi như các ông nghĩ, cái văn hóa này lên án sự khuấy động hão huyền chứ không phải những hoạt động thật sự và có nhiều lợi ích; nó vứt bỏ những hành vi lộn xộn mà ngày nay cho phép bọn ngốc làm, nhưng lại khuyến khích những việc làm hợp lý và khôn ngoan của hiền nhân vì hòa bình; nó khuyên các tiểu nhân nên an phận với vai trò hoạt động khiêm nhường của cá nhân mình, mà nhiệm vụ trước hết là mưu sống cho chính mình, ít ra sản xuất cái mà mình tiêu thụ hoặc tương đương; trái lại, nó đề ra cho các bậc quân tử một hoạt động tuần tự hữu ích cho các người khác, đi từ cá nhân mình cho đến gia đình, từ gia đình cho đến đất nước và từ đất nước cho đến toàn thế giới”.

Qua các bài viết của ông, độc giả có thể bắt gặp ở Nguyễn Văn Vĩnh một trí thức Tây học nhưng vẫn mang tâm hồn của một người phương Đông, một người dân An Nam được nuôi lớn từ phù sa sông Hồng, một người hăng hái kêu gọi đổi mới nhưng cũng biết “bảo thủ” khi cần thiết.

Theo ông, để giải quyết được vấn đề xung đột giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, chúng ta cần phải tự tổ chức lấy một nền giáo dục của riêng mình, xây dựng những con người An Nam vừa biết tiếp thu những tiến bộ của văn hóa nhân loại nhưng vừa giữ được những phẩm chất truyền thống của dân tộc: “Nếu có một lòng yêu nước An Nam thật sự, nó phải gắn bó với việc khôi phục giá trị nền tảng văn hóa quốc gia xưa (…). Người An Nam phải giữ nguyên bản chất An Nam và vẫn có riêng của mình một lí tưởng về cuộc sống, về sự tốt đẹp, sự cao thượng, sự cao cả. Người An Nam nhất thiết phải có tinh hoa riêng của mình, có những phẩm chất đặc thù, khác với những tài năng thích nghi mà những sự kiện thời sự đã tạo nên. Song song với những hành vi thu nhận những lợi ích vật chất của hiện đại hóa, cần tạo ra chính trong đất nước chúng ta một luồng bảo toàn bù lại”.

2. Nguyễn Văn Vĩnh và chủ đề văn minh phong tục Việt Nam

Nguyễn Văn Vĩnh quan tâm đến mọi vấn đề xã hội, đặc biệt là “văn minh phong tục” Việt Nam . Cứ đọc bài viết của ông về cách ăn mặc của phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ cũng đủ thấy rằng ông là người rất chịu khó quan sát. Trong bài viết đăng trên chuyên mục Nhời đàn bà(Đông Dương tạp chí số 15), với bút danh Đào Thị Loan, ông mang đến cho người đọc nhiều khám phá thú vị về trang phục của phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ 20; thói quen ăn mặc kín đáo của họ, tâm lí ưa cái đẹp giản dị, chất phác, không thích sự nổi bật, khác người: “Người đàn bà nước Nam nết thuần, khăn áo cũng thuần. Nghề làm dáng thực vụng. Cái nón, cái khăn, đôi dép, cặp áo, một nghìn người như nhau cả một nghìn. Hơn kém nhau chẳng qua ở cái đường ngôi, cái mái tóc, cái giọt khăn, cái đuôi gà, vuông tròn, ngay lệch khác nhau một chút mà thôi, sành mắt mới phân biệt được” .

Cách miêu tả kỹ lưỡng của Nguyễn Văn Vĩnh về trang phục ở nhà, trang phục lễ tết, chiếc nón đội đầu, đôi dép cong quai, trang sức… là những tư liệu quí cho những người muốn tìm hiểu văn hóa trang phục của người Việt Nam. Trang phục là một phần của văn hóa dân tộc. Qua trang phục có thể thấy được tính chất của khí hậu, đặc trưng của cuộc sống lao động và quan niệm thẩm mĩ của người dân trong một nước. Người Việt Nam thời xưa vốn ưa những màu âm tính như màu nâu, màu gụ - màu của đất (ở miền Bắc) hoặc màu đen - màu của bùn (ở miền Nam) vì nó phù hợp với lối sống tế nhị, kín đáo, gần gũi với thiên nhiên, với cuộc sống lao động. Hình ảnh người phụ nữ chiếc áo the thâm nền nã, quần lĩnh, tóc bỏ đuôi gà, chân đi đôi dép cong đã là một biểu tượng đẹp của văn hóa dân tộc. Nó đã đi vào thơ ca, hội họa làm say lòng biết bao nhiêu thế hệ. Chẳng thế mà Nguyễn Nhược Pháp, một trong những người con trai tài hoa của Nguyễn Văn Vĩnh đã có những câu thơ rất hay:

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,

Em đeo giải yếm đào

Quần lĩnh áo the mới,

Taycầm nón quai thao.

Me cười: Thầy nó trông!

Chân đi đôi dép cong

Con tôi xinh xinh quá!

Bao giờ cô lấy chồng?

(Chùa Hương)

Cứ đọc bài viết này thì thấy phụ nữ Việt Namngày xưa và phụ nữ Việt Nam ngày nay cách ăn mặc khác nhau nhiều lắm. Có lẽ sự khác nhau đó bắt nguồn từ những quan niệm về cái đẹp của mỗi thời đại và vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Thời  nay, phụ nữ ngày càng đẹp hơn, duyên dáng hơn với đủ loại trang phục, đủ mọi phong cách và không phải chịu nhiều thiệt thòi trong ăn mặc, trang điểm bởi các quan niệm phong kiến như thời xưa. Nhưng sao vẫn cứ thấy tiếc nuối hình ảnh các bà, các mẹ với cái khăn mỏ quạ đội đầu, hàm răng đen nhánh “cười như mùa thu tỏa nắng” đang dần mất đi ở các làng quê. Thương cho những vẻ đẹp giản dị, cổ kính đang dần dần mai một không cách gì cưỡng lại được. Có lẽ vài chục năm nữa, để nhìn thấy kiểu phục sức một thời là lịch sự, nền nã nhất của người phụ nữ nước Nam , người ta phải vào đến bảo tàng văn hóa!

Khi viết bài này trong vai một người phụ nữ, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã ý thức được ý nghĩa của nó. Ông viết: “việc tả cách ăn mặc, tuy người hẹp suy nghĩ là nhảm, không nên dư hơi mà chép ra sách nhưng em nghĩ cũng là một việc hay. Những bậc cao kiến xem điều gì cũng có nghĩa. Cách ăn mặc tỏ được trình độ văn minh một thời. Các ông thích xem sử kí, chắc rằng cũng tiếc không có sách nào nói cho ta biết các cụ nước ta từ đời thượng cổ đến giờ ăn mặc ra làm sao. Ông nào biết tiếc điều khuyết của sử ký ấy thì chắc rằng không cho em là đứa nói nhảm… Người ở xa hoặc người mấy năm về sau, chắc hẳn rồi cũng khen cho thị này có công lưu lại mấy cái ảnh tượng thời hiện đại”[7].

Nói đến Nguyễn Văn Vĩnh với vai trò một nhà văn hóa đầu thế kỉ 20, phải nhắc đến công trình mà ông rất tâm huyết đó là cuốn sách về các bài đồng dao, những câu hát ru và các trò chơi dân gian dành cho trẻ em có tên là Trẻ con hát trẻ con chơi. Có thể nói đây là một trong những công trình đầu tiên ở lĩnh vực sưu tầm văn học dân gian ở nước ta. Một cuốn sách mỏng, nhưng mang đầy ý nghĩa. Nó thể hiện lòng yêu cái đẹp của văn hóa dân tộc, sự trân trọng các giá trị truyền thống, và tấm lòng đau đáu muốn giữ lại cho các thế hệ trẻ em Việt Nam những tinh hoa đã nuôi dưỡng tâm hồn các em từ lúc bé thơ: “Còn có quyển sách tập đọc nào tốt hơn quyển sách mang lại cho trẻ em những bài hát giống như những bài hát nho nhỏ dễ thương, có vần, có nhịp mà mẹ em, chị lớn của em và vú nuôi của em đã dạy em bặp bẹ hát để tập nói những tiếng đầu tiên của ngôn ngữ”[8].

Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện sự năng nổ của ông, ngay cả trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, khi ông quyết tâm đứng lên làm người chủ xướng cho một công trình nghiên cứu các bài đồng dao, hát ru và trò chơi dân gian dành cho trẻ nhỏ. Ông hy vọng từ sự khởi xướng của mình, sẽ kêu gọi được những chuyên gia và cả những bạn đọc khắp nơi hưởng ứng để có một công trình chất lượng về văn học dân gian, một lĩnh vực mà nếu không bỏ công nghiên cứu từ bây giờ, sự phong phú của nó sẽ ngày càng mai một.

Rất cần mẫn, ông đăng những bài viết về đầu tiên của mình lên các số báo L’Annam Nouveaumà ông làm chủ bút, đồng thời mời gọi độc giả tham gia đóng góp cho công trình của mình: “Như chúng tôi có cảm tưởng là quyển sách in ra đầu tiên này sẽ khuyến khích việc in ra nhiều quyển khác nữa. Bởi vì nó chưa được đầy đủ và cũng bởi vì nhất định những bài hát được tập hợp lại chưa được thật đúng theo nguyên bản. Chúng tôi mời các độc giả tham gia vào một công việc mở đầu có tính chất để làm dễ dàng nhiệm vụ của những người sẽ được mời để hoàn thành nốt cái công trình sưu tầm rất hấp dẫn này”.

Đọc những trang viết của ông về cuốn sách mà ông ấp ủ, người đọc cảm nhận một Nguyễn Văn Vĩnh hoàn toàn khác với một Nguyễn Văn Vĩnh  sắc sảo, quyết liệt, ưa châm biếm, giễu cợt của thường ngày khi ông say sưa nói về các trò chơi, những bài hát ru, hát ví, hát đố. Với suy nghĩ của một người yêu cái đẹp, yêu sự tiến bộ và ưa thích cải cách thì đây thực sự là một công việc có ý nghĩa quan trọng trong việc làm đẹp thêm vốn văn hóa của đất nước ta: “Chính công trình này mà chúng tôi đang chờ đợi để làm đẹp thêm ngôn ngữ của chúng ta lên rất nhiều, hơn cả những sáng tác nhiều khi lố lăng của những nhà văn nhiều khi tự cho mình là hiện đại” .

Qua các công trình dịch thuật và các bài tiểu luận về văn hóa – xã hội của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần vào việc mở ra con đường đi tới một cuộc cải cách mạnh mẽ về văn hóa trên khắp Việt Nam những năm 1930. Những bài viết về vấn đề văn hóa của ông hết sức phong phú mà trong khuôn khổ của một bài báo chúng tôi khó lòng chuyển tải hết được. Trên đây chỉ là một số nét khái quát nhất cho thấy một phần chân dung Nguyễn Văn Vĩnh với vai trò một nhà văn hóa đầu thế kỉ 20. Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới và hội nhập với thế giới như hiện nay, việc tìm hiểu lại các bài học về giao lưu, hội nhập từ các bậc tiền nhân có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Những thế hệ trí thức ưu tú trong bối cảnh giao lưu văn hóa với phương Tây đầu thế kỷ 20 không những đã đóng trọn vai trò to lớn của họ trong quá khứ mà còn có thể tiếp tục tham gia vào cuộc đi tới với thế giới của chúng ta hôm nay bằng những bài học vẫn còn nguyên giá trị. Và việc của chúng ta – những hậu sinh là hãy biết nhìn từ họ, đối chiếu và ngẫm nghĩ…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Đặng Anh Đào (2001), Gió Đông gió Tây: ảnh hưởng và giao thoa trong văn học Việt Nam hiện đại. Hợp tuyển công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.     Phan Ngọc (2006), Sự tiếp xúc văn hóa Việt Nam với Pháp, Nxb Văn hóa thông tin và Viện văn hóa, Hà Nội.

3.     Yoshiharu Tsuboi (1999), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nxb Trẻ.

4.     Hoàng Tiến, Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh – chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây, Nguồn:www.chungta.com.

5.   Christopher E. Goscha, “Người man di hiện đại”- Nguyễn Văn Vĩnh và tính phức tạp của cuộc canh tân thuộc địa ở Việt Nam.('THE MODERN BARBARIAN': NGUYEN VAN VINH AND THE COMPLEXITY OF ...


*Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM

[1]Nguyễn Văn Vĩnh, Tiếng Pháp, tiếng để tranh luận,L’Annam Nouveau, số 466 ngày 01/8/1935.

[2] Chritophe E. Gocha, “Le barbare moderne”: Nguyen Van Vinh et la comletité de la modernisation coloniale au Vietnam

[3]Nguyễn Văn Vĩnh, Giầy dép,L’Annam Nouveau, số 206, ngày 09/01/1933.

[4]Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam , Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[5]Nguyễn Văn Vĩnh, Những vấn đề đời sống vật chất của người An Nam,L’Annam Nouveau, số 133 ngày 08/5/1932.

[6]Nguyễn Văn Vĩnh, Thức ăn thịt và người An Nam,L’Annam Nouveau,  số 34, ngày 28/5/1931

[7]Nhời đàn bà (Vấn đề ăn mặc của người phụ nữ), Đông Dương tạp chí số 15,Jeudi 21 Aout 1913.

[8]Lời tựa tuyển tập Trẻ con hát trẻ con chơi

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.