Nguyễn Trọng Ngữ: Nhà khoa học ít nói
Nguyễn Trọng Ngữ, quê ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng), có sinh nhật rất dễ nhớ: 5-5-1975. Ngày Ngữ chào đời, ba không có nhà, bà nội phải bơi xuồng đưa mẹ Ngữ ra tận thị trấn Ngã Sáu (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ cũ) để sanh nở.
Thuở ấy, Xuân Hòa là vùng bốn không "không điện, không đường, không trường, không trạm". Gia đình Ngữ chỉ có vài công vườn tạp, cuộc sống thường ngày của ông bà nội và ba mẹ Ngữ vốn đã khó khăn, có thêm thành viên nhỏ càng khó khăn hơn. Ngữ thiếu sữa mẹ, lắm khi nhà không đủ tiền mua sữa hộp nên Ngữ phải uống nước cơm pha đường. Kể về thời niên thiếu của Ngữ, anh Út (Nguyễn Thành Triển - ba của Ngữ), bộc bạch: "Ngữ ngoan và hiếu thảo lắm, từ nhỏ đến lớn tôi chưa đánh nó roi nào. Năm 7 tuổi, Ngữ đã biết chèo xuồng giúp tôi vải chài kiếm cá trên sông Mật Cật. Sông này, cỡ sông Đầu Sấu ở Cần Thơ mình, nhưng nước chảy rất xiết. Một hôm, xuồng đang ở giữa sông thì trời bất ngờ nổi cơn lốc làm Ngữ văng xuống sông, nhìn đứa con trai ốm yếu vùng vẫy giữa dòng nước xiết tôi sợ điếng cả người, cố bườn tới kéo nó lên. Khi tôi nắm được cánh tay Ngữ, tưởng là nó sẽ khóc vì sợ hãi nào ngờ Ngữ mỉm cười như trấn an tôi. Lòng tôi dạt dào xúc động. Nụ cười và ánh mắt ấm áp của con trẻ lúc đó đã theo tôi suốt cuộc đời, là niềm động viên giúp tôi vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống"…
Nguyễn Trọng Ngữ biết 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Đức. Bằng Thạc sĩ chuyên ngành sinh học (hệ thống chăn nuôi gia súc nhiệt đới) do Đại học Nông nghiệp Uppsala - Thụy Điển cấp vào năm 2001. Bằng Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ sinh học (ứng dụng trong công tác giống gia súc, gia cầm) do ĐH Bonn - Đức cấp vào năm 2006…
Hiện nay, Ngữ đã có 12 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, đã và đang chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu khoa học về các mảng liên quan đến kỹ thuật nuôi và giống gia súc. Trong đó, đề tài "Khảo sát mối tương quan giữa đa hình di truyền gien Leptin và Growth Hormone đến năng suất và chất lượng sữa của giống bò Holstein Friesian với bò lai Sind ở ĐBSCL", được Ngữ đăng ký thực hiện trong 2 năm 2009-2010 bằng nguồn kinh phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tâm huyết từ luận văn tiến sĩ của Ngữ. Anh tâm sự: "Tôi luôn mơ ước ứng dụng tiến bộ khoa học được học hỏi từ nước ngoài vào thực tiễn sản xuất ở quê mình, nhưng muốn làm được thì phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Khi nhà trường thông báo Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nghề nuôi bò sữa và ngành công nghiệp chế biến sữa, tôi mừng vô kể. Nông dân ĐBSCL chưa mặn với nghề nuôi bò sữa vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một phần là do chất lượng con giống chưa cao. Việc chọn giống dựa vào các phương pháp truyền thống là không thể thiếu, tuy nhiên nếu kết hợp được với các phương pháp mới, đặc biệt là dựa trên các kỹ thuật của sinh học phân tử, thì việc chọn lọc này sẽ mang lại hiệu quả cao. Giả sử một con bò mỗi ngày cho 10 kg sữa, nếu khâu chọn giống tốt, con số này có thể tăng thêm từ 200 - 400g/ngày, tính ra cho toàn đàn và cả chu kỳ cho sữa của bò (khoảng 300 ngày) thì lợi nhuận của người chăn nuôi sẽ tăng đáng kể".
Nói nghe thì dễ, nhưng có tận mắt chứng kiến công việc hằng ngày của Ngữ mới thấy được sự nỗ lực và kiên trì của người làm công tác nghiên cứu khoa học. Chỉ riêng đề tài nghiên cứu gien Leptin và Growth Hormone thực hiện trên bò, Ngữ phải lùng kiếm đến 300 mẫu máu bò để đưa vào phòng thí nghiệm phân tích. Phụ việc cho Ngữ là hai sinh viên Mai Thị Ngọc Hương và Lê Thụy Bảo Quỳnh (được Ngữ hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ) phải đến tận các hợp tác xã hoặc các nông hộ ở TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang để xin mẫu máu bò. Ngọc Hương tâm sự: "Khi đi cơ sở, tôi học tập ở thầy Ngữ cách sống chan hòa với nông dân, để được bà con nhiệt tình cung cấp nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Khi ở trường, thầy giúp tôi phương pháp làm việc khoa học, tiết kiệm thời gian". Thầy Trần Văn Hâu, Chủ tịch Công đoàn khoa, nói vui: "Anh chàng Ngữ phải gánh thêm nhiệm vụ Bí thư Đoàn khoa bởi tính tình hiền lành, tốt bụng, nói ít làm nhiều nên được sinh viên tín nhiệm!".
Mà Ngữ ít nói thật, buổi đầu tiếp xúc, tôi nghĩ mình khó hoàn thành được bài báo, do Ngữ không chịu kể về những việc đã qua. Khi tôi tìm đến nhà Ngữ (căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở đường 3 Tháng 2), mới biết gia đình anh có 3 thế hệ sống chung, vợ chồng Ngữ và đứa con gái 2 tuổi sống cùng ba mẹ Ngữ. Năm 2001, trước khi lập gia đình, Ngữ đã khuyên ba mẹ anh bán mấy công vườn tạp để mua căn nhà này cho em trai của Ngữ (Nguyễn Trọng Ân, sinh năm 1993, học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều), được lên Cần Thơ học. Ngữ đã rèn cho Ân trở thành học sinh xuất sắc, đặc biệt là môn toán và tiếng Anh. Năm 2008, Ân sang Singapore du học bằng học bổng toàn phần của Trường Trung học Victoria Junior. Trong câu chuyện, ba Ngữ luôn bày tỏ mong muốn đến ngày cậu con trai Út học thành tài, về Cần Thơ làm việc cùng Ngữ để gia đình được sum họp. Ba Ngữ tâm sự: "Vợ chồng tôi phải bỏ quê lên đây vì muốn Ngữ được ăn bữa cơm do mẹ nấu. Để em trai Ngữ có được tương lai xán lạn như anh nó. Giờ, vợ chồng tôi đã yên tâm".
Từ giã gia đình Ngữ, nhớ lại khuôn mặt rạng ngời của anh khi kể việc trước đây đưa Nguyễn Trọng Ân về quê chào bà con để lên đường sang Singapore du học. Ngữ nói: "Thú thật, hôm đó lần đầu đi trên đường Nam Cần Thơ, tôi ngạc nhiên vì sự phát triển của thành phố. Về quê, tôi cũng rất mừng vì đã có đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội, nhiều hộ dân đã vượt khó, có cuộc sống khấm khá. Tôi nói với Ân: Đây là kết quả của kinh tế tri thức, "giàu con mắt - khó bàn tay", ra nước ngoài em phải cố gắng học tập, để rèn luyện mình trở thành người có năng lực. Vì muốn giúp đỡ được người xung quanh thì trước hết mình phải là người có năng lực đóng góp cho xã hội".