Nguyễn Tiến Hoàng: Gạt nước mắt để sáng tạo
Nghiên cứu để vơi nỗi đau
Nét mặt buồi rười rượi, ít khi thấy em cười và bản tính ít nói là những ấn tượng khi gặp Nguyễn Tiến Hoàng. Năm Hoàng 6 tuổi, em đã phải sống xa vòng tay của mẹ, vì bố mẹ ly hôn. Đã thế, trong một lần tai nạn, người bố bị liệt tứ chi, mất khả năng lao động, không thể chăm lo cho em, Hoàng và bố phải dọn về sống chung với bà nội và chú. Tuổi thơ là chuỗi ngày cơ cực, cộng thêm sự sớm bất hạnh đã cướp đi nụ cười, hạnh phúc trên gương mặt của em. “Nhưng Hoàng có một nghị lực phi thường, không bao giờ khóc, rất ngoan hiền và chăm lo học hành, phụ giúp gia đình”, anh Nguyễn Tiến Hồng (cha Hoàng) nhận xét về con.
Nhìn thấy bạn bè được cưng chiều trong vòng tay của bố mẹ, đi học có người đưa đón, được mẹ mua đồ ăn sáng, xắn tay áo quần mỗi khi trời mưa… khi đó những giọt nước mắt trong lòng Hoàng lại rơi. “Nhưng không thể buồn lòng, em đã tự hứa là học thật giỏi, không phụ lòng gia đình, thầy cô”, Hoàng tâm sự. Dù vậy, mỗi khi bạn bè hỏi: “Mẹ mày đâu? Bố mày làm nghề gì?”, trong lòng em lại ngậm đắng và khi đó em chỉ muốn bật khóc thật lớn, nhưng “mình phải cố gắng học thành tài, không để bạn bè coi thường”, Hoàng quyết tâm. Nhà nghèo, không có nhiều thời gian học hành, nhưng Hoàng luôn biết cách sắp xếp quỹ thời gian ít ỏi đó, từ lớp 1 đến lớp 10, năm nào em cũng được học sinh giỏi, tiên tiến.
Ngay từ nhỏ, Hoàng đã có khiếu vẽ. Em thường ngồi tô vẽ những hình khối hộp, những bánh xe, động cơ máy… Và khi đó, đam mê khám phá, nghiên cứu sáng tạo đã khơi nguồn cho chí tò mò, làm cho em quên bẵng đi những ngày tháng ê chề, buồn tủi. Nửa ngày đi học, nửa ngày Hoàng về phụ giúp chú đóng đồ mộc, được chú chỉ dạy cách cưa, cách bào và tự mình tìm hiểu nguyên tắc hoạt động của máy cưa trên thực tế và sách vở. Để rồi một buổi trưa nắng đi học về, thấy các cô, chú nông dân đang gò lưng giữa đồng, nhãi nhụa mồ hôi nhổ, chặt củ mì, đã thôi thúc Hoàng nghiên cứu, sáng tạo nên mô hình máy chặt củ mì. “Chính em cũng không ngờ tới, máy chặt củ mì đã giúp em giành nhiều giải thưởng lớn tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng các cấp”, Hoàng nói.
Chiến thắng thuộc về người nghị lực
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, sau mỗi mùa thu hoạch, bà con nông dân phải tốn rất nhiều công sức vào việc băm, chặt củ mì để phơi khô, đồng thời nhận thấy Bình Phước có diện tích trồng mì lớn, ngay khi nhà trường phát động Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng do Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Bình Phước và Sở KH&CN khởi xướng dành cho học sinh các trường trên địa bàn tỉnh năm học 2008 - 2009, Hoàng đã đăng ký đề tài và miệt mài hoàn thành ý tưởng đó. Với ý nghĩa thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương, mô hình máy chặt củ mì của Hoàng giành giải Nhất vòng trường, giải Nhất vòng huyện và giải Nhất vòng tỉnh (năm học 2009 – 2010). Hội đồng khoa học – công nghệ tỉnh tiếp tục giới thiệu mô hình dự thi cấp quốc gia và đã đạt giải Nhì. Tháng 12/2010, mô hình máy chặt củ mì bất ngờ đem về cho Hoàng thêm chiếc huy chương Bạc tại Cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trẻ quốc tế lần thứ 7.
Với thành tích trên, Hoàng được UBND huyện, UBND tỉnh tặng giấy khen và kỷ niệm chương, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, đồng thời vinh dự là đại biểu trẻ tham dự Đại hội thi đua yêu nước cấp tỉnh.
Tuy nhiên, “chiến thắng chỉ thuộc về người có nghị lực và em sẽ không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng”, Hoàng tâm sự. Bằng chứng là sau thành công máy chặt củ mì, Hoàng đã và đang tiếp tục nghiên cứu thành công mô hình đèn học dựa vào sức gió, chuẩn bị cho Cuộc thi 2010 - 2011. Hoàng nói: “Vào mùa khô, khu vực nhà em ở thường xuyên bị cúp điện, ảnh hưởng đến việc học bài vào ban đêm. Nên từ đó, em nung nấu ý tưởng sáng chế đèn học bằng sức gió để phòng mỗi khi cúp điện”. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi nhìn thấy bóng đèn điện được phát sáng từ mô hình và tin rằng với mô hình này em tiếp tục đạt nhiều giải cao tại các vòng thi năm nay.
Mơ ước của Hoàng là trở thành kiến trúc sư, vì em có khiếu vẽ rất đẹp, từng đoạt giải Nhất hội thi vẽ tranh chào mừng ngày 8-3 do nhà trường phát động. Hoàng khoe: “Ngay cả tiền mua đồ chế tạo máy chặt củ mì và đèn học dựa vào sức gió cũng nhờ từ những lần vẽ pano, áp phích tuyên truyền cho thị trấn Thanh Bình và huyện Bù Đốp”. Nói đến đây, vẻ mặt của Hoàng lại tư lự, vì em đang lo học hết phổ thông, không biết tự mình có lo nổi giấc mơ vào giảng đường Đại học kiến trúc. Trong sâu thẳm tâm can của cậu học trò nhỏ thó này, đang mong chờ những vòng tay nhân ái và một suất học bổng dù có nhỏ nhưng góp phần không “đánh rớt” giấc mơ của em.