Nguyên tắc sống của GS. VS Phạm Song
Để có được thành công, GS.VS Phạm Song cho rằng con người ông thấm đẫm 4 yếu tố: Nho giáo, Phật giáo (từ truyền thống gia đình), tinh thần cộng sản vì nhân dân phục vụ và sự kỷ luật của giáo dục phương Tây mà ông đã được tiếp thụ trong cả cuộc đời mình.
Sinh thời, trong căn phòng làm việc của ông ở số 18B Trần Hưng Đạo vẫn luôn sáng đèn. Một ngày của GS Phạm Song được bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào 22 giờ đêm. Mỗi tuần ông chỉ nghỉ ngơi đúng vào sáng thứ 7, thời gian còn lại ông viết sách, viết tham luận khoa học và lướt web tìm kiếm thông tin...
Mặc dù kinh qua nhiều chức vụ như: Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế (1988 -1992), cho đến việc kiêm chủ tịch của 6 hội trong một thời gian dài, nhưng dù ở cương vị nào ông cũng luôn làm việc một cách tốt nhất. Ông tiết lộ, để làm được như vậy thì phải xây dựng nguyên tắc qua từng giai đoạn. Quãng thời gian tuổi trẻ cho tới 53 tuổi, ông có 3 nguyên tắc là: "Hiểu biết, kỷ luật và ứng xử".
"Ngoài chuyên môn của mình, tôi đã đọc, học và tìm hiểu kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau để có nhiều hiểu biết. Trong công việc, tôi là người tôn trọng kỷ luật, cuộc sống có nhiều cám dỗ mình phải có kỷ luật để đẩy lùi những ham muốn. Còn ứng xử, tôi dung hòa được 4 yếu tố trong con người mình. Khi đã già tôi vẫn xây dựng nguyên tắc sống cho mình đó là nhập thế bằng tinh thần vô ngã, vô ưu và vô thường"- GS Phạm Song nói.
Kỷ vật được đặt trang trọng tại gia đình GS Phạm Song là chiếc xe đạp của những năm 60 thế kỷ trước. Theo GS, đó là kỷ vật đầu tiên ông mua tặng bà xã khi làm chuyên gia ở Algerie. Sau này, khi là Bộ trưởng Bộ Y tế, ông vẫn dùng nó đi họp phụ huynh cho con. Hiện trong căn nhà ở 18B Trần Hưng Đạo, gia đình GS Phạm Song có ba thế hệ chung sống rất hoà thuận và yên ấm.
GS Phạm Song chủ biên nhiều cuốn sách, trong đó đặc biệt đáng chú ý là 4 tập Bách khoa thư về bệnh học (viết cùng 120 GS). Ông trăn trở, hiện nay trong xã hội, nhu cầu về đồng tiền lớn quá mà nghề y cũng chẳng thể nào tách mình ra khỏi dòng chảy của cơ chế. Trên một mặt bằng như vậy thì phải nhìn nhận đúng mực hơn, mỗi một người theo ngành y thì nên thấy bệnh là chữa không kể sang hèn.
Luận về ngành y, GS Phạm Song cho rằng, nghề y là nghề đặc biệt theo xu hướng nhân đạo chứ không phải là nghề để làm giàu. Ông lấy một ví dụ ở Đức quy định kinh doanh sức khỏe không thể lãi quá 20%, vì vậy phải xây dựng chữ đức trên nền văn hóa thương người như thể thương thân. GS Phạm Song mong muốn đến một lúc nào đó khám chữa bệnh không có đồng tiền chen vào. Để làm được như vậy không có cách nào khác là hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Khi ấy, khám chữa bệnh sẽ công bằng, văn minh, bác sĩ và bệnh nhân đều thoải mái hơn.
Nói về những thành quả đã đạt được của ngành y, GS Phạm Song tự hào cho biết Việt Nam đã làm được nhiều việc lớn như: Thanh toán bại liệt, giảm tử vong trẻ em, duy trì được tiêm chủng toàn dân. Đối phó với những dịch bệnh mang tính toàn cầu như dịch SARS, cúm A/H1N1 là một thành công rất lớn của ngành y tế. Ngoài ra, thành công trong các ca ghép gan, ghép thận, nội soi, chấn thương chỉnh hình từ năm 2002 đến 2009 đã nâng lên một bậc và nội soi phẫu thuật nhi khoa đã vươn lên đứng đầu các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Đánh giá về công việc học tập và lối ứng xử của lớp trẻ hiện nay, GS Phạm Song cho rằng, sinh viên ngành y hiện nay khác nhiều với thế hệ của ông. Họ được hưởng một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin phát triển. Tuy nhiên, theo ông dù bất cứ xã hội nào, thời đại nào thì tố chất của người theo ngành y là phải có chữ nhân, chữ tâm và không ngừng học hỏi.
GS.VS Phạm Song sinh năm 1931 trong một gia đình công chức ở xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1982 ông làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Năm 1984, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Chủ nhiệm Bộ môn truyền nhiễm - Trường Đại học Y Hà Nội. Từ năm 1988 - 1992, GS Phạm Song là Bộ trưởng Bộ Y tế. Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam , làm chuyên gia tại Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới. GS Phạm Song được tặng thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Thầy thuốc nhân dân, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác. Năm 2000, ông là Viện sĩ Viện hàn lâm Y học Liên bang Nga về hệ thống và biện chứng. Năm 2006, ông được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ tặng danh hiệu Nhà khoa học tiêu biểu của năm do cống hiến trọn đời cho y học. |