Nguyễn Mạnh Tường - người tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam
Ở trường trung học Abbert Saurraut, cùng với các bạn học người Pháp từ lớp 1 đến lớp 10, ông đều được xếp thứ nhất, mặc dù ông đã học nhảy hai lớp. Tốt nghiệp tú tài Triết học loại ưu ở tuổi 16, năm 1927, ông được học bổng sang Pháp du học.
Chỉ 3 tháng sau khi nhập học tại Đại học Montpellier, một trường có truyền thống lâu đời nhất của Pháp, ngày 2-3-1928, ông đạt được chứng chỉ văn chương Pháp (Certificat de la littérature Francaise). Ngày 14-6-1929, đỗ Cử nhân Văn học cổ điển loại ưu. Một năm sau, ngày 10-7-1930, đỗ Cử nhân Luật khoa.
Ngày 28-5-1932, Nguyễn Mạnh Tường đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Luật với điểm siêu tối ưu. Luận án chính nhan đề “Cá nhân trong xã hội Việt Nam thời cổ”. Luận án phụ là “Tổng luận về luật đời Lê”. Cuối năm 1932, bảo vệ tiếp luận án Tiến sĩ Văn khoa với luận án “Khảo cổ về giá trị kịch tính trong các tác phẩm sân khấu của Alfred de Musset”. Luận án phụ là “Việt Nam trong các tác phẩm văn học của J.Boassière”.Nhận xét về luận án tiến sĩ của Nguyễn Mạnh Tường, ông chánh chủ khảo (người Pháp) đã nói: “ông còn trẻ tuổi… học ở trường Đại học mấy năm nay đều đứng đầu cả. Ông học tập sắc sảo một cách lạ thường, nay bản luận án tiến sĩ đem trình Hội đồng thật là kết quả mỹ mãn của công phu học tập bấy lâu. Hội đồng phải phục cái tài cao, học rộng, chí khí cao thượng của ông. Bản luận án của ông là một kiệt tác về văn học nữa… 22 tuổi mà đã rõ ra mặt bác học toàn tài…ở nước Pháp chưa hề thấy có một người 22 tuổi mà đỗ Tiến sĩ Văn khoa bao giờ”.
Báo chí Pháp cả một thời ca ngợi trí tuệ Việt Nam “Nguyễn Mạnh Tường hai bằng Tiến sĩ Văn chương, Tiến sĩ Luật ở tuổi 22”. Chỉ có một nhà bình luận Clément Vautel trong bài xã luận trên báo Le Journalvừa khen vừa cay đắng cảnh báo “Người Pháp nên cẩn thận để người Việt Nam được học và học giỏi như vậy liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?”
Năm 1932, Nguyễn Mạnh Tường về nước, lúc đến cảng Hải Phòng có một cụ già thành kính đến vái chào ông nói: “Cậu là người có tài cậu đừng lấy cái tài ấy mà phụng sự cho ngoại bang”.
Chính quyền thực dân Pháp không muốn dùng ông. Không tìm được việc làm xứng đáng với học vị của mình, ông lại sang Pháp. Lúc này ông đi nghiên cứu văn học và luật học ở nhiều nước châu Âu: Tây Ba Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Bỉ, Đức, Áo, Hung. Cuộc du khảo châu Âu 5 năm đã giúp ông sau này viết một loạt tác phẩm bằng tiếng Pháp nổi tiếng hồi bấy giờ:
- Nụ cười và nước mắt của một hạng thanh niên(Sourite et larmes d’une jeunessse) nói lên nỗi tủi nhục và khổ cực trong bước học hành của thanh niên ở các nước thuộc địa.
- Nền đá tảng pháp (Pierre de France)
- Học tập gì ở các nước Địa Trung Hải (Apprentissage de la Méditerranée).
- Cuộc du hành và tình cảm (Le voygage et de sentiment).
Cuốn Nụ cười và nước mắt của một hạng thanh niên, tôi không có nguyên bản trong tay, chỉ được đọc đoạn tóm tắt trong bài Cái nguy mất gốc. Nhân đọc sách Sourires et larmes d’une jeunessecủa ông Nguyễn Mạnh Tường của Lan Khai (Tạp chí Tao Đàn, số 6, ngày 10-5-1939) :
"Một cậu bé Việt Nam, óc còn trắng như tờ giấy, đã phải nhai ngay từ buổi đầu cắp sách đến trường : "Nước ta tên gọi là La Gaule" (1). Cậu bé "cảm động khi thấy sách dạy nước La Gaule của cậu hình lục lăng" và cậu "không hề biết có thứ văn chương nào ngoài cái văn chương mà những Rebelais, Montaigne, Racine, Voltaire, Musset đã làm cho rực rỡ".
Dần dần, cậu bé học hết chương trình tú tài, rồi được cho xuống tàu sang Pháp. Và từ đấy, cậu "chỉ còn Việt Nam ở cái lai lịch và cái vỏ xác thịt mà thôi. Kỳ dư đều Tây hết". Cậu càng lớn càng Tây. Cậu "chỉ có thể cảm, nghĩ, sống trong phạm vi cái tính chất tinh thần của dân tộc Pháp". Cậu coi Paris mới là quê hương và "chỉ ở đấy cậu mới thấy mình thực là mình". Đồng bào Việt Nam của cậu trú ngụ ở Paris cũng nhiều, song cậu "không giao thiệp với một ai cả". Cậu "thù ghét cái xã hội Việt Nam". Cậu tư khoe mình sung sướng, bởi lẽ cậu được tự do. "Hạnh phúc, cả sự khôn ngoan ở đời, theo ý cậu chỉ là cốt sao được hoàn toàn độc lập ". Cậu "thản nhiên với hết thảy". Cậu "chỉ sống trong khoảng khắc hiện tại". "Trí nhớ của cậu không từng hoen một giọt nước mắt nào về dĩ vãng, óc cậu không từng bận bịu bởi một lo tính nào cả về tương lai". "Đời cậu chỉ là của riêng cậu chứ không dính líu gì đến ai cả". "Bổn phận đối với bản thân mình". Cậu không bao giờ nghĩ đến sự về nước. "Người ta muốn cậu làm trò trống gì ở cái nơi quê hương kia mới được chứ!".
Nhưng, ngày tốt đẹp qua rồi. Thời kỳ đói rét đã tới, bởi lẽ gia đình cậu vì một cớ gì chẳng biết, đã thôi không chu cấp cho cậu nữa. Thoạt tiên, cậu không nao lòng. Cậu nhất định kiếm việc làm để nuôi thân. Cậu đã gõ khắp các cửa. Cậu đã thấy đủ thứ khổ sở, nhục nhã, trừ công việc. Cậu bắt đầu nhớ đến những người đồng hương của cậu, những người mà trước đây cậu không thèm giao du. Họ đã giúp đỡ cậu. Cậu lại nhớ rằng ở phương trời thăm thẳm kia, cậu còn có gia đình. Song thân cậu, em trại cậu đương ngày đêm tựa cửa chờ mong. Cậu sẽ trở về với gia đình, vì ở đấy, gì chứ "cái nơi ăn chốn ở, cậu chắc sẽ có sẵn sàng!".
Thế rồi, đứa con phóng đãng quay về tổ cũ.Khốn thay! Trong hoàn cảnh gia đình về quê hương, nó “cảm tưởng như lạc vào một thế giới mới”. Nó tự thấy mình “như một khách lạ dừng chân ở một nơi mà người ta không nói chung với nó một thứ tiếng, không hiểu thói quen, không biết những sự cần dùng của nó là những gì”. Gia đình đối với nó biến thành một “cái địa ngục, một cái đại ngục”. Cùng kế, nó lại đi. Nó lên đường sang Tây. Không phải để tìm hạnh phúc đâu. Nó chỉ lánh xa nỗi đau lòng. Nó biết rằng “Dù nó đi đâu chăng nữa, nó cũng không mong gì gặp hạnh phúc. Là vì ở cái phương Tây mà nó yêu mến, say sưa kia, nó vẫn bị người ta coi là một giống xa lạ, mặc dù nó cũng nói chung với người ta một thứ tiếng, cùng sống với người ta một cuộc đời, cùng nghĩ chung ý tưởng, cùng cảm chung tình tự với người ta”. Nó vẫn “mang trên mình nó cái dấu riêng của chủng tộc mà người ta nhận thấy rõ ràng”. Người ta “không giễu cợt, nhưng nhận thấy rõ ràng!”. Nó “sống lửng lơ giữa hai thế giới, sống ra ngoài rìa mọi xã hội, sống ở một chỗ giáp ranh, sống ngay trong loài người mà không thuộc vào một chòm nhóm nào cả!”. Nó đã mất gốc (déraciné) rồi, mặc dù ông Nguyễn Mạnh Tường đã cố bác cái thuyết do Maurice Barrès xướng lên về sự mất gốc.
Nhưng đứa con lưu lạc ấy quả thực đã vong bản chưa? Chưa. “Trong cuộc đời lênh đênh của nó, nó thường cảm thấy cần được nghỉ ngơi, trong chốn gia đình giữa cha mẹ và những người thân yêu”. Thực là bi thảm! Thực là não nùng! Đứa con bất hạnh ấy đáng ái ngại biết chừng nào! Nó có tội gì đâu! Nó chỉ là một trong những nạn nhân của cái cách giáo dục sai lầm do tình trạng không may của đất nước! Cái trường hợp của nó và của bao người khác nó cần phải sửa chữa ngay đi. Cái số người như nó phải mỗi ngày một ít dần để rồi không còn nữa. Là vì cái ách nạn đáng sợ nhất cho một dân tộc chính là sự thôn tính về tinh thần…”.
Năm 1936, về nước lần này ông được chính quyền Pháp mời dạy văn chương Pháp và văn chương Âu châu tại trường Bưởi (Chu Văn An ngày nay) và tại trường Đại học Đông Dương. Từ năm 1942 đến 1945, ông mở văn phòng luật sư tại căn nhà số 77 phố Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo).
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Nguyễn Mạnh Tường đi theo cách mạng. Trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tham gia trong phái đoàn Võ Nguyên Giáp đi dự hội nghị đàm phán với Pháp tại Đà Lạt (1946). Khi cuộc kháng chiến chống PHáp nổ ra, ông về chiến khu III và IV, được chính phủ cử làm luật sư tại các toà án đại hình và sung vào ban Giám đốc trường dự bị Đại học.
Ông được lựa chọn vào đoàn Chính phủ đi dự Hội nghị Hoà bình thế giới tại Vienne (1953) do đồng chí Xuân Thủy dẫn đầu và là trưởng đoàn đi dự Hội nghị luật gia dân chủ thế giới tại Bruxelles.
Từ năm 1955, về Hà Nội, ông dạy ở các trường đại học Văn khoa, Sư phạm, Tổng hợp rồi về Viện Khoa học Giáo dục làm chuyên viên nghiên cứu văn học nước ngoài.
Năm 1970, ông nghỉ hưu, dạy Pháp ngữ tại nhà theo yêu cầu và theo đuổi những công trình khoa học của mình.
Trước năm 1945, Nguyễn Mạnh Tường đã viết 14 tác phẩm bằng tiếng Pháp. Sau năm 1970, ông lại viết 4 tác phẩm bằng tiếng Việt đã được xuất bản:
- Lý luận giáo dục châu Âu từ Erasme tới Rousseau, thế kỷ XVI, XVII, XVIII(Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1994).
- Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp(Nxb Giáo dục, 1996).
- Virgile, nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La Mã cổ đại(Bản Nông thi ca, anh hùng ca, Nxb Khoa học Xã hội, 1996).
- Orestia bi kịch của Eschyle(dịch từ nguyên văn).
Ngày 13-6-1997, Nguyễn Mạnh Tường qua đời tại Hà Nội. Khi đó Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã ghi vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc giáo sư - luật sư Nguyễn Mạnh Tường một trí thức yêu nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam”.