Người xây dựng và phát triển thương hiệu mật ong Gia Lai
Bén duyên với nghề nuôi ong mật từ lúc 17 tuổi
Quê ở Hải Dương, vào lập nghiệp tại Gia Lai năm 1986, Lê Văn Dân lúc đó mới 17 tuổi. Sống nhờ nhà bà con để đi làm thuê cho các trang trại nuôi ong mật tại xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, Dân cần cù, chăm chỉ như một chú ong thợ, suốt ngày quanh quẩn bên những đàn ong của chủ trại, ong được “đóng quân” ở đâu thì đều có mặt của anh ở đó. Một phần rất thích ong vì suốt ngày được thưởng thức mùi hương của phấn hoa, được nếm những giọt mật ngọt lịm mà trước đây ở quê không bao giờ có, một phần để học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật sau này có điều kiện phát triển trang trại nuôi ong riêng của mình. Mộng làm giàu từ nghề nuôi ong đã nảy sinh trong anh từ đó.
Xây dựng một thương hiệu mật ong Gia Lai
Anh dân tâm sự: Mong ước bấy lâu, từ khi có trang trại ong tôi đã muốn xây dựng một thương hiệu mật ong Gia Lai để có điều kiện phát triển ngành ong bền vững trên địa bàn. Từ năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu tại tỉnh Gia Lai” là tôi xong phong và vận động thêm 5 hộ nữa tham gia thực hiện mô hình. Tuy đã có kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, nhưng không “sáng mắt” bằng học tập qua việc chuyển giao công nghệ của các cán bộ kỹ thuật của dự án, được cung cấp giống ong Ý cho năng suất cao, kháng bệnh tốt, được tập huấn, được đi tham quan, được cung cấp tài liệu, được hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật nuôi ong và khai thác mật ong trong thùng ong có kế ½; quy trình tạo chúa và chia đàn; quy trình khai thác sơ chế mật ong; quy trình kỹ thuật tinh lọc và khử nước trong mật ong; quy trình kiểm tra mật ong; quy trình tổng hợp phòng trị ve (chí), ký sinh trùng ở ong Ý và được hỗ trợ lắp đặt một máy hạ thuỷ phần mật ong. Giờ thì tôi yên tâm phát triển nghề nuôi ong, nên đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, kho chứa tại thị trấn Đức Cơ trị giá gần một tỷ đồng để chế biến mật ong đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nghĩ lại trước đây, có lúc trắng tay vì không nắm đầy đủ quy trình kỹ thuật, đàn ong cứ vơi dần mà không biết nguyên nhân, có năm thất bại, có năm thành công nên lợi nhuận thu được chẳng là bao.
Hiện nay,Lê Văn Dân cùng tổ kinh doanh mật ong ở Ia Grai và Đức Cơ đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu mật ong Gia Lai. Riêng Công ty đã có trên 10.000 thùng ong Ý chất lượng cao. Năm 2009, vừa sản xuất và thu mua về chế biến xuất khẩu sang các nước Đông Âu thông qua Công ty Xuất khẩu trong thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệmđược trên 300 tấn, tổng thu trên 7,5 tỷ đồng. Dân phân tích: nuôi ong mật có hiệu quả lớn, ngoài mật xuất khẩu, còn còn thu thêm số thùng ong giống nhân ra bán, phấn sáp, sữa ong chúa. Cứ thế, càng về sau, số lãi càng lớn vì chi phí sẽ thấp. Đến lúc thu hồi được vốn và chỉ còn phải dưỡng ong bằng phấn hoa, đậu nành, đường và chờ thu mật thì tiền lãi sẽ rất lớn. Công ty đang đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho mật ong Gia Lai tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam , tăng cường quảng bá sản phẩm để xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới .
Chia tay với chúng tôi, mặc dù đang ở trong rừng song anh vẫn vồn vã gỡ một ít sáp mật đưa cho mọi người thưởng thức. Nhấp nháp miếng sáp ong anh đưa ngọt từ lưỡi đến tận đáy lòng bởi sự mến khách của gia chủ. Đã trưa nên bụng ai cũng đang sôi ùng ục, khi mật đã thấm bỗng dưng tâm trạng ai nấy đều sảng khoái như được tăng thêm sức lực, cơn đói biến mất lúc nào không hay. Tham vọng của anh Dân cùng một số gia đình nuôi ong trên địa bàn Gia Lai sẽ trở thành hiện thực khi sự liên kết bốn nhà (Nhà khoa học, nhà nông, nhà nước và nhà doanh nghiệp) được gắn kết bền vững. Hiện nay mật ong Gia Lai thực sự đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, trong đó có sự đóng góp của anh nông dân quê từ Hải Dương vào lập nghiệp trên đất Gia Lai. Anh Dân đã gắn bó và chung sức xây dựng quê hương thứ hai của mình thêm giàu mạnh.