Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 02/04/2009 22:16 (GMT+7)

Người tiên phong trong lĩnh vực Xquang can thiệp ở Việt Nam

Năng động và đầy nhiệt huyết, quyết đoán và chuẩn xác, nụ cười luôn thường trực trên gương mặt, đôi chân luôn rảo bước, áo choàng trắng thoáng bay theo từng bước chân luôn tất bật! Một bộ óc linh hoạt, phân tích xử lý mọi vấn đề rất hệ thống và logic. Đó là những điều mà bất cứ ai đã từng tiếp xúc với PGS.TS. Phạm Minh Thông đều cảm nhận được.

Từ chẩn đoán hình ảnh đến Xquang can thiệp

PGS. TS Phạm Minh Thông, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai, đã gắn liền với Ngành Chẩn đoán hình ảnh. Nhắc đến anh, bạn bè, đồng nghiệp, học viên và bệnh nhân đều nghĩ ngay đến người thầy thuốc đi tiên phong trong công cuộc đổi mới, đem lại một giá trị mới cho chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh: Chẩn đoán hình ảnh và điều trị. Vào những năm 1982, chuyên ngành điện quang ở Việt Nam khá thô sơ, với các kỹ thuật Xquang thông thường. Nói đến điện quang, người ta nghĩ ngay đến sự "ăn tia", độc hại và chẳng mấy sinh viên y khoa muốn đi theo. Một chuyên ngành rất ít người đăng ký, nhưng đó là nguyện vọng của tân bác sĩ nội trú Phạm Minh Thông. Các bậc thầy như PGS.Vũ Long, BS. Hoàng Xương, PGS. Nguyễn Đình Tuấn, GS. Hoàng Kỷ... cũng đã ủng hộ nguyện vọng của anh. Đặc biệt GS. Hoàng Đức Kiệt là người thầy đầu tiên đã truyền cho anh niềm đam mê nghề nghiệp và những kiến thức trong lĩnh vực chụp mạch mà thầy vừa được học từ Đức về.

Mày mò những từ những khái niệm đầu tiên trong lĩnh vực can thiệp mạch, bác sĩ nội trú Phạm Minh Thông không ngừng tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ những chuyến đi học dài và ngắn ngày tại các nước bạn như Pháp, Mỹ... Con đường học tập, nghiên cứu để rồi xây dựng nền móng trong lĩnh vực Xquang can thiệp chẳng hề đơn giản. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị thì nghèo nàn. Máy móc trang thiết bị của các bác sĩ Xquang lúc bấy giờ chỉ là những tấm phim thông thường... Khó khăn chồng chất khó khăn, phương tiện nào để biến những kiến thức đã học, đã cập nhật thành một hướng điều trị mới, mở ra một khái niệm mới đối với y học Việt Nam . Bác sĩ Phạm Minh Thông luôn trăn trở và khát khao có một "mảnh đất" để được gieo trồng những "mầm kiến thức" thu lượm hái được từ nền y học tiên tiến của thế giới. Rồi thời cơ vàng đã đến khi nguồn viện trợ ODA từ chính phủ Nhật Bản và chiếc máy chụp mạch số hóa 1 bình diện hiện đại đầu tiên được trang bị cho Bệnh viện Bạch Mai. Như đất hạn gặp cơn mưa, bác sĩ trẻ Minh Thông đã chớp lấy cơ hội này. Bằng những mối quan hệ sẵn có trong quá trình học tập ở nước ngoài, anh mời những giáo sư giỏi trong lĩnh vực can thiệp nội mạch của Pháp sang Việt Nam để cùng triển khai các kỹ thuật mới.

Một ca can thiệp nút mạch não tại Khoa chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Bạch Mai.
Một ca can thiệp nút mạch não tại Khoa chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Bạch Mai.
Khái niệm "Chẩn đoán hình ảnh" giờ đây đã được hiểu một cách rộng hơn, không còn dừng lại là những tấm phim Xquang, cơ sở chẩn đoán ban đầu để chuyển cho các bác sĩ can thiệp bằng ngoại khoahoặc nội khoa mà còn bao hàm một khái niệm mới: Xquang can thiệp.

Xquang can thiệp đó điều trị được căn bệnh phình động mạch não, một bệnh khá thường gặp (chiếm khoảng 1,5% đến 8% dân số ở các nước phát triển). Biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này là vỡ túi phình gây chảy máu dưới nhện và có khoảng 15% các trường hợp chảy máu dưới nhện gây tử vong trước khi đến bệnh viện, 2/3 số bệnh nhân qua khỏi nhưng để lại những di chứng nặng nề. Có hai phương pháp điều trị triệt để phình động mạch não là phẫu thuật kẹp cổ túi phình và can thiệp nội mạch. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật ngày càng ít được sử dụng ở các nước phát triển, vì gặp khó khăn với các túi phình vùng tuần hoàn phía sau của não, tỷ lệ di chứng sau phẫu thuật cao, ngày điều trị trung bình trong bệnh viện kéo dài và khó phẫu thuật sớm trong hai tuần đầu, trong khi đó tỷ lệ vỡ tái phát lần hai là rất cao trong 2 tuần đầu sau khi vỡ lần 1, và khi đã vỡ lần hai tỷ lệ tử vong là trên 50%. Điều trị phình mạch não bằng can thiệp nội mạch (nút bằng vòng xoắn kim loại hoặc nút mạch mang bằng bóng) cùng với sự phát triển của nhiều vật liệu mới như bóng và Stent thì hầu như không còn chống chỉ định của nút túi phình động mạch đã đem lại kết quả hồi phục hoàn toàn 90,06%, tỷ lệ tử vong thấp: 4,07%. Đến nay, có tới hàng trăm người bệnh đã được cứu sống... Rồi còn rất nhiều những ứng dụng khác của Xquang can thiệp như “điều trị ung thư gan nguyên phát bằng nút hóa chất động mạch gan”, “điều trị thông động mạch cảnh xoang hang do chấn thương bằng can thiệp nội mạch”, “tạo hình đốt sống qua da trong điều trị xẹp đốt sống bệnh lý”... đã giúp cho người bệnh không phải phẫu thuật và cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thoát khỏi bàn tay của tử thần.

Nhân rộng mô hình Xquang can thiệp trong cả nước và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến

Với tính ưu việt của một kỹ thuật tiên tiến và hiện đại, Xquang can thiệp đã thu hút sự quan tâm và học hỏi của các bệnh viện khác như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 115, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh... Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang còn trong giai đoạn thai nghén nhưng với Khoa chẩn đoán hình ảnh thông qua các hoạt động chỉ đạo tuyến, nhiều bệnh viện tỉnh/thành phía Bắc như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... đã được kết nối thông tin trực tuyến với Khoa chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Bạch Mai để hội chẩn những ca bệnh khó giúp cho bệnh nhân có cơ hội tiếp cận với một kỹ thuật cao và được điều trị kịp thời.

Với cương vị Phó trưởng bộ môn Chẩn đoán hình ảnh của Trường đại học Y Hà Nội, PGS. Thông cũng hết sức tâm huyết với việc truyền đạt kiến thức cho thế hệ bác sĩ trẻ.

Nếu như trước kia Khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai mới chỉ ít người biết đến thì giờ đây nó đã trở thành một trong những khoa có chỉ số hấp dẫn cao nhất bệnh viện và là một trong những chuyên ngành được nhiều bác sĩ nội trú lựa chọn, mỗi năm đã có hàng trăm học viên các tỉnh về học tập và thực tập. Mỗi buổi giao ban chuyên môn hàng sáng của thầy Thông còn là một dịp để các bác sĩ nội trú học viên cao học nâng cao trình độ ngoại ngữ vì phải trình bày các ca lâm sàng hoàn toàn bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp sau đó mới dịch ra tiếng Việt cho các sinh viên y khoa và các đối tượng khác. Với hình thức này, vốn ngoại ngữ của các bác sĩ sẽ được nâng lên không ngừng và giúp họ có nhiều cơ hội tiếp cận nhanh nhất với những kiến thức y học mới của khu vực và trên thế giới. Với những kết quả xuất sắc trong chuyên môn, sáng tạo trong sự nghiệp của mình, PGS. Thông đã được các bệnh nhân và đồng nghiệp tin yêu và mến trọng.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.