Người thợ cơ khí và chiếc máy vặt hạt điều công suất lớn
Rời làng quê Nam Định, di dân vào Bình Phước lập nghiệp năm 2004, thời gian đầu anh Quang mua 2 ha đất để đầu tư vào cây tiêu nhưng thất bại, anh bỏ vườn tiêu, mở tiệm cơ khí. Cuộc đời anh Quang có lẽ sẽ chẳng có gì khác so với bao người thợ cùng xã, nghĩa là gắn chặt với máy hàn, máy cắt, bằng lòng với những gì mình đang có, nếu không có lần nghe người anh ở huyện Bù Đăng tâm sự “nhà trồng 10 ha điều nhưng tìm mãi không được người làm để về thu hoạch, quả điều không thu hoạch bị hỏng hết ngoài vườn”. Và hỏi anh Quang có cách nào chế tạo ra cái máy vặt hạt điều không?. Anh nhận lời ngay, dù chưa biết mình nên bắt đầu từ đâu.
Anh Quang tâm sự: “Nghề chính của tôi là đóng thùng, hàn cơ khí và bán những chiếc máy đã có sẵn. Khi bắt tay vào làm chiếc máy này, tôi cũng chưa biết mình nên bắt đầu từ đâu, tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều loại máy với các nguyên lý như phay, lừa, bóc ép... nhưng không có nguyên lý nào phù hợp với việc vặt hạt điều. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi tôi thấy chỉ có nguyên lý trượt vặt là phù hợp nhất, hạt điều không bị dập nát”.
Nói thì dễ, nhưng khi thực hiện là một vấn đề khác. Hơn một tháng trời, anh cứ mày mò làm thử vàphải đến vài chục lần mới có thể tìm ra chế độ vận hành phù hợp nhất. Tháo rời một chiếc chiếc máy xay đập lúa, anh Quang nhận ra rằng nếu sử dụng lực va đập thì tỷ lệ đậu hạt bị vỡ sẽ rất cao, khó đạt yêu cầu. Anh quyết định chuyển sang sử dụng nguyên lý trượt vặt. Vậy là gần chục đêm thức trắng với cây bút chì vàquyển tập, hết vẽ rồi xóa, hết xóa lại vẽ. Phần lớn thu nhập từ xưởng cơ khí anh Quang “đổ” vào việc nghiên cứu, chế tạo máy. Trong khi đó thêm một cái khó nữa là mùa thu hoạch Điều ở Bình Phước rất ngắn (khoảng 1 tháng sau Tết) nên khi xong máy anh Quang phải chở máy ra các tỉnh Tây Ninh, Bình Định để thử. “Nhiều lúc muốn bỏ, quay về với công việc kiếm tiền hằng ngày của mình, nhưng cứ nhắm mắt lại thì lại thấy cảnh bà con phải chai tay vì vặt điều, tôi lại lao vào làm”, anh Quang vui vẻ kể. Mất gần 5 năm, thử qua 5 cái máy, đầu năm 2009, anh Quang mới làm được một cái máy hoàn chỉnh và đạt độ chính xác cao, có hệ thống trượt vặt với 10 thanh trục có các loại rãnh xoắn khác nhau. Hạt điều sau khi vặt bằng máy rất sạch, không còn cùi và không bị dập.
Chiếc máy nặng khoảng 100kg, cao khoảng 1,2m, với các bộ phận như khung máy, máng đựng, trục xoắn, hệ thống lô vặt và chạy bằng máy nổ loại nhỏ có thể tháo rời. Máy có công suất khoảng 3 tạ/1 giờ, nghĩa là tương đương với khoảng 30 – 40 ngày công lao động bốc tách thủ công, chỉ tiêu hao khoảng 1 lít xăng cho 1 giờ chạy máy. Việc vận hành máy cũng rất đơn giản, chỉ cần 2 người. Máy được chia làm 2 phần riêng biệt: vò nát trái thành nước bằng bánh răng cao su và tự động thải xác Điều ra ngoài, bộ phận thứ hai được anh Quang áp dụng nguyên lý sàng lô độc đáo, hạt Điều tự cắt cùi, không còn cuống… Hiện nay, những chiếc máy đầu tiên “Made in Ngoc Quang” đã xuất xưởng, một số người trồng Điều nghe tin cũng mua về sử dụng và rất vừa ý.
Khi được hỏi hướng sắp tới anh sẽ nghiên cứu thêm cái gì, anh Quang nói: “vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các tính năng mới, có thể gọn nhẹ hơn, đa năng hơn”. Khi bài viết này vừa hoàn thành thì cũng là lúc Trung tâm Khuyến công tỉnh đã liên hệ để giúp đỡ, động viên anh. Hy vọng với sự giúp đỡ này, anh Quang sẽ sớm hoàn thiện chiếc máy vặt hạt Điều đầu tiên của Việt Nam