Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 24/11/2010 21:45 (GMT+7)

Người thầy trong lĩnh vực dạy nghề cho nông dân

Đề án được ban hành theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956).

Đề án 1956 nhằm vào 3 mục tiêu lớn: 1. Để bảo đảm tối thiểu là 80% nông dân có việc làm với tay nghề khá, bình quân từ nay đến 2020 mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó có việc bồi dưỡng trình độ quản lý cho trên 10.000 lượt cán bộ, công chức xã; 2. Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ xã; 3. Phục vụ chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thủ tướng đã ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đề án 1956, gồm lãnh đạo 03 Bộ tham gia: Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Nội vụ; Trưởng ban Đề án là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Theo PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề, Đề án 1956 “có nhiều cái nhất”: quy mô lớn nhất, cần đạt hiệu quả thiết thực nhất, đòi hỏi sự tham gia tích cực nhất của các ngành, các cấp, của toàn thể bộ máy chính trị trong cả nước. Bởi vì, theo ông Sâm, điều cốt yếu để Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn là cùng với xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phải nâng cao chất lượng lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Đề án 1956 còn có tính thiết thực nhất: Dạy nghề cho người lao động nông thôn những gì họ cần học nhất; muốn vậy phải bảo đảm “5 có”: có chương trình dạy nghề thiết thực, có giáo viên giỏi, có trường dạy nghề với cơ sở vật chất kỹ thuật tốt, có chế độ chính sách phù hợp cho người học, đáp ứng nhu cầu về lao động của địa phương và doanh nghiệp. Một nét mới của Đề án 1956 đó là không chỉ dựa vào năng lực sẵn có của đội ngũ thầy và cơ sở dạy nghề mà phải căn cứ vào nhu cầu học nghề của người lao động trong mỗi vùng nông nghiệp, nông thôn cụ thể. Các cơ sở dạy nghề ngày nay phải dạy nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, đào tạo có địa chỉ, đáp ứng nhu cầu lao động theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong những năm qua, nông thôn là nguồn cung cấp lực lượng lao động lớn nhất cho các khu công nghiệp, các dự án công nghiệp hóa và cả cho các chương trình xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, có tình trạng chất lượng lao động có tay nghề của ta còn thấp, điều này đặt ra trách nhiệm rất lớn cho ngành dạy nghề và Đề án 1956.

Để thực hiện thành công Đề án 1956, không chỉ có trách nhiệm của Nhà nước mà phải có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó có vai trò của hệ thống Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng các hội chuyên ngành, các đơn vị 81, với 127 hội thành viên, 500 tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, bao gồm 1,8 triệu hội viên, trong đó có khoảng 80 vạn người đạt trình độ đại học và trên đại học.

Chỉ xét riêng về mặt đào tạo và đóng góp đội ngũ những người thầy dạy nghề cho Đề án 1956 đã thấy khả năng to lớn của VUSTA như thế nào! Khác với truyền thống nho học xưa, ngày nay trí thức khoa học và công nghệ ở trong các trường, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp không chỉ là các ông thầy dạy chữ mà chủ yếu họ là những chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên sâu. Khái niệm nghề nghiệp cũng khác xưa. Phần lớn các nghề hiện đại đều phải dựa vào những thành tựu khoa học và công nghệ, thầy dạy nghề không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối mà phải biết dựa vào kết quả nghiên cứu kết hợp với kỹ năng thực hành.

Chúng tôi đã gặp gỡ những người thầy của nông dân, vốn là hội viên của các hội khoa học và công nghệ.

Nhà giáo Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệp, qua nhiều năm là giảng viên chính của khoa Sinh học Đại học Sư phạm Hà Nội. Và có lẽ cho tới nay, ông là nhà khoa học đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI). Nhà giáo Lân Hùng tỏ bày mong muốn: “Mỗi nhà trường phải trở thành pháo đài khoa học - công nghệ, “đào tạo sinh viên sau khi ra trường vừa làm thầy vừa có khả năng làm giàu cho chính bản thân mình”. Chính ông là người đề xuất và tổ chức thành công bộ môn ứng dụng tiến bộ sinh học ở trường. Nhà giáo Lân Hùng đặc biệt gắn bó với việc dạy nghề cho nông dân trong suốt nhiều năm. Ông say sưa viết báo và viết khoảng 30 đầu sách phổ biến các kỹ thuật nuôi các loài đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Ông thường tỏ ý băn khoăn: Nông dân là những người có hoài bão làm giàu, thoát nghèo nóng bỏng nhất, nhưng tiếc thay, họ lại rất thiếu kiến thức khoa học trong chính ngành nghề của mình, nhất là ở thời buổi Việt Nam đã gia nhập tổ chức WTO, hội nhập đòi hỏi sự cạnh tranh rất lớn về chất lượng lao động.

Nguyện vọng về việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của các nhà khoa học thật lớn lao.

GS. TSKH Phan Nguyên Hồng là chuyên gia số một về phát triển rừng ngập mặn ven biển, người đã có công trình khoa học được trao giải thưởng quốc tế, mỗi lần trao đổi với chúng tôi, ông thường tỏ ra bức xúc là làm thế nào để nông dân các vùng ven biển có điều kiện áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong việc phục hồi các rừng sú vẹt, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

TS Phạm Thị Thùy - “bà chúa khắc tinh của sâu hại”, người đoạt giải thưởng Kovalepxcaia - 2010, vừa qua đã tổ chức một Trung tâm nghiên cứu triển khai các tiến bộ kỹ thuật phòng trừ sâu hại bằng phương pháp tổng hợp, trong đó có sử dụng đấu tranh sinh học.

Chúng tôi cũng đã được phỏng vấn bà Vũ Thị Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cao; bà Trần Thị Lành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực phụ nữ người dân tộc… Là phụ nữ, nhưng họ không sợ gian lao, vượt núi băng rừng, đến từng làng bản vùng cao, đem hiểu biết về quản lý xã hội, quản lý kinh tế và khoa học - công nghệ cho bà con các dân tộc ít người, nơi khó khăn nhất, hẻo lánh nhất, cố gắng tiến kịp cùng cả nước.

Nhớ lại khi sinh thời GS. TSKH Nguyễn Văn Trương tuy ở tuổi đại lão vẫn cùng các nhà khoa học đến những vùng khó khăn nhất về mặt kinh tế và môi trường, để xây dựng các làng sinh thái, tạo cho người dân những nghề để thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng – nguyên Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam, đã từng là người khởi xướng và lãnh đạo chương trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tiến hành trong nhiều năm, và đã tạo ra được một số điểm sáng ở các tỉnh, thành.

Liên hiệp hội Việt Nam với chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội phổ biến kiến thức, đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đời sống và sản xuất, đã có các Ban Khoa học - Công nghệ và Kinh tế, Ban Đào tạo&Phổ biến kiến thức, Ban Thông tin cùng một mạng lưới báo chí khoa học rộng lớn. Thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị, với 5 đề án lớn, trong đó có xây dựng dự thảo Luật Phổ biến kiến thức, chắc chắn Liên hiệp hội Việt Nam - một tổ chức chính trị - xã hội của giới trí thức khoa học và công nghệ cùng các tổ chức xã hội nghề nghiệp, sẽ sớm vào cuộc và có những đóng góp quan trọng thực hiện thành công Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.