Người thầy thuốc đông y tận tụy
Bên ly trà nóng, bác sĩ Đỗ Hữu Chí bồi hồi nghĩ về cái duyên, cái nghiệp của mình đối với ngành đông y. Năm 1964, công tác ở bộ phận quân y của Tỉnh Đội, ông Hữu Chí hàng ngày chứng kiến sự kỳ diệu của những cây cỏ bình dị quanh vườn nhà trong việc chữa trị thương tật cho mọi người. Nào là dùng nước dừa xiêm thay dịch truyền, thuốc chữa chứng sốt rét từ cây thường sơn và dây thần thông, mủ cây ngái thoa chữa abcer, mụn nhọt… Ông nhớ hoài trường hợp một đồng đội đã tránh được bị liệt tay suốt đời nhờ vào phương pháp châm cứu và uống thuốc nam. Năm 1985, khi đang theo học hệ bác sĩ đa khoa Nội Nhi Nhiễm, ông đã chủ động làm đơn gửi đến nhà trường xin chuyển qua học hệ bác sĩ y học cổ truyền. Đây được xem là một hành động “ngược đời” bởi thời bấy giờ, tây y đang rất thịnh hành, ai cũng muốn trở thành bác sĩ tây y. Hoàn thành khóa học, ông được phân công về giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh phụ trách chuyên môn. Đúng với sở trường và niềm đam mê, “như cá gặp nước”, bác sĩ Hữu Chí ngày đêm nghiên cứu bài thuốc hay, đi tìm cây thuốc quý, trò chuyện cùng các vị lang y và thầy thuốc Đông y để thu thập thêm các kiến thức cho mình. Ông quan niệm: “Đông y là một nền khoa học còn nhiều bí hiểm. Đôi khi những bài thuốc dân gian, những mẹo vặt lại có hiệu quả chữa bệnh một cách thần thông. Là lương y thì ta phải chịu khó học hỏi, thu thập, nghiên cứu vì mục đích cuối cùng là giúp cho người bệnh được khỏe mạnh”. Chính vì mục đích cao đẹp như thế mà dù công tác quản lý và chuyên môn bận rộn, bác sĩ Hữu Chí luôn dành nhiều thời gian cho việc thăm, khám bệnh nhân. Đến giường bệnh của ai, bác sĩ cũng đều ân cần hỏi thăm, quan tâm chăm sóc như người thân trong gia đình. Chất lượng điều trị bệnh được nâng cao nên số lượng bệnh nhân tin tưởng tìm đến ngày càng đông.
Từ năm1992 đến năm 1997, dưới sự hỗ trợ của Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam – Nhật Bản, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang với hơn 100 giường bệnh cùng nhiều thiết bị y tế cần thiết. Bác sĩ Đỗ Hữu Chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc bệnh viện. Đây cũng là thời gian ông nghiên cứu nhiều đề tài khoa học đông y có giá trị ứng dụng cao trong khám, chữa bệnh. Điển hình như: đề tài nghiên cứu cấp tỉnh Ứng dụng laser Hene trong châm cứu trị bệnh; liên kết với trại rắn Đồng Tâm thực hiện đề tài Sản xuất thuốc điều trị rắn độc cắn; liên kết với Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Fataco ứng dụng bài thuốc Bông Sen điều trị cắt cơn nghiện ma túy; nghiên cứu phác đồ kết hợp đông – tây y trong điều trị bệnh… Trong đó, bác sĩ Hữu Chí tâm đắc nhất là đề tài nghiên cứu cấp tỉnh Ứng dụng laser Hene trong châm cứu trị bệnh. Bởi nhờ việc chiếu tia laser Hene vào các huyệt của cơ thể sẽ tạo ra kháng thể có tác dụng điều trị bệnh, giúp cơ thể dần phục hồi sức khỏe, mà không gây đau đớn, giảm đi việc dùng thuốc. Trải qua hơn chục năm, đề tài này vẫn còn đang là một phương pháp điều trị hữu hiệu, phạm vị ứng dụng không chỉ trong tỉnh Bến Tre.
Năm 2007, về hưu, được sự tín nhiệm của bạn bè đồng môn và lãnh đạo tỉnh yêu cầu, bác sĩ Đỗ Hữu Chí tham gia công tác ở Hội Đông y tỉnh, giữ chức Chủ tịch Hội. Ở cương vị mới, một lần nữa, ông lại được cống hiến hết mình cho sự nghiệp y học cổ truyền của dân tộc. Đặc biệt, ông chú trọng việc củng cố tổ chức và phát triển hệ thống hội nhất là nâng cao ý thức người dân trong việc trồng và sử dụng cây thuốc nam ở gia đình. Trong những chuyến đi cơ sở, ông cùng nhiều đồng nghiệp đi đến tận nhà người dân để hướng dẫn cho người dân cách nhận biết, trồng, chăm sóc những cây cỏ có giá trị làm thuốc chữa bệnh. Ông thường tâm sự với mọi người: “Còn sống, tôi còn làm việc hết sức mình theo đúng lương tâm người thầy thuốc, người học trò của Tuệ Tĩnh và Lãn Ông - hai thầy thuốc lớn của nước ta...” Với phương châm kết hợp y học cổ truyền dân tộc với y học hiện đại, bác sĩ Đỗ Hữu Chí đã hướng dẫn cho nhiều người sử dụng thuốc nam và bào chế, bào chế thuốcĐông dược. Hiện nay, nỗi trăn trở của ông và cũng là nỗi bức xúc của những thầy thuốc Đông y là làm sao cho ngành y học dân tộc của nước ta được duy trì và ngày càng phát triển. Muốn vậy, người thầy thuốc phải tự vươn lên, từ chất lượng trong việc điều trị bệnh, tạo uy tín, khẳng định chỗ đứng. Về nguồn đào tạo, do đây là nghề đặc thù, nên việc nối nghiệp từ truyền thống gia đình là rất cần thiết để giữ vững nghề và phát huy ngày càng cao hơn.
Song hành cùng hoạt động của bệnh viện, ông còn được biết đến là một người có “thâm niên” làm từ thiện, công tác xã hội. Năm 2004, nhận thấy xung quanh mình có rất nhiều mảnh đời bất hạnh, vì bệnh tật mà bản thân và gia đình rơi vào hoàn cảnh túng quẫn đến nỗi một bữa cơm no là điều trăn trở hàng ngày, bác sĩ Hữu Chí là một trong những người tiên phong trong việc tìm nguồn tài trợ tổ chức bếp ăn từ thiện phục vụ người bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Trải qua hơn mười năm hoạt động, bếp ăn đã thực sự trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người bệnh nghèo, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tham gia “góp công, góp sức”. Hàng ngày, bếp ăn từ thiện của bệnh viện cung cấp từ 300-400 suất ăn cho người bệnh nghèo. Ngoài ra, ông và thành viên Hội Đông y còn là cầu nối đôi bờ nhân ái, giới thiệu các nhà hảo tâm đến những địa chỉ cần giúp đỡ.
Gần 50 năm công tác ở ngành y tế, trong đó có hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp đông y, bác sĩ Đỗ Hữu Chí đã vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu, huân chương cao quý, như giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông, Thầy thuốc ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba… Với những gì ông đã cống hiến cho ngành y, ông trở thành một tấm gương mẫu mực cho nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam .