Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 19/10/2009 19:00 (GMT+7)

Người phiêu lưu và cuộc viễn du vĩnh hằng

Cuộc đời của Jean Chesneaux đôi chút làm ta liên tưởng tới người du kích vĩ đại Che Guevarra. Xuất thân trong môi trường công giáo, trong chiến tranh, Jean Chesneaux là một sinh viên sử học kiểu mẫu của đại học Sorbonne. Năm 1943, ông bị bắt và bị kết án tù do mang trong mình một cuốn sách có nội dung lên án các tội ác của Đức quốc xã. Ông đã trải qua những năm tháng khó khăn trong tù và được giải phóng cùng với nước Pháp.

Bước ngoặt của cuộc đời Jean Chesneaux diễn ra ngay sau chiến tranh khi ông sang làm việc tại Genève với tư cách thành viên của một tổ chức thuộc Hội sinh viên tin lành thế giới. Không hề bị "đóng băng" bởi chiến tranh, mang dáng dấp của một thứ "thủ đô thế giới", Genève đã bắt đầu khơi dậy trong ông niềm đam mê những cuộc phiêu lưu và sự tò mò đối với Đông phương, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng bước ngoặt chỉ thực sự diễn ra trong cuộc phiêu lưu lớn đầu tiên của cuộc đời ông sang Á Đông cùng với những người bạn là những nhà  báo cộng sản. Qua họ, ông bắt đầu làm quen với "tổ ấm" của giới trí thức và văn nghệ sĩ ở Saint-Germain-des-Prés, một cái gì đối lập hoàn toàn với không khí đại học mà ông vẫn sống. Cùng với họ, ông đã làm một chuyến du hành xuyên qua các nước phương Đông bằng đường bộ. Tại Ấn Độ, Jean Chesneaux đã gặp gỡ những người cộng sản Việt Namvà nhờ họ ông đã đi vào lòng nước Việt Nam đang trong những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chuyến "thám hiểm" kết thúc một cách nhanh chóng khi ông bị quân đội Pháp bắt giữ với rất nhiều truyền đơn và sách báo của Việt Minh trong người. Ông bị kết án "phản bội tổ quốc, giao du với quân khủng bố và đe dọa an ninh của nước Pháp", bị tù ở Sài gòn trong nhiều tháng. Tại đây, như chính ông đã thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn, hình ảnh của những người tù chính trị mà đa phần là những người cộng sản đã có tác động rất lớn đến tâm hồn ông. Sau bốn tháng ở tù, bị trục xuất, ông sang Thượng Hải và bắt đầu tìm hiểu đất nước Trung Hoa. Tại đây, ông đã đi nhiều nơi và chứng kiến sự chiến thắng của Đảng cộng sản Trung Quốc trước Quốc dân đảng. Chuyến du hành phương Đông của Jean Chesneaux kết thúc vào năm 1948, không lâu trước khi nước Trung Hoa cộng sản ra đời.

Giống như Che, những hành trình đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Jean Chesneaux. Sau chuyến đi sang phương Đông, ông từ bỏ đề tài nghiên cứu truyền thống của mình – Thiên chúa giáo thời Trung Cổ - và trở thành một sử gia chuyên về Việt Nam và Trung Quốc. Như một con kiến cần mẫn, ông viết luận án tiến sĩ tại đại học Sorbonne về Trung Quốc. Sau đó, hàng loạt công trình quan trọng của ông về Trung Quốc và Việt Nam đã được xuất bản: Hội kín ở Trung Quốc, Phong trào nông dân Trung Quốc 1840-1949, Phong trào công nhân Trung Quốc từ 1919 đến 1927, Tôn Dật Tiên và đặc biệt là Góp phần nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt Nam, ra đời cùng thời gian với cuốn Lịch sử Việt Nam của Lê Thành Khôi. Hai cuốn sách này được coi như nền tảng của nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Pháp. Những nghiên cứu về Việt Nam và Trung Quốc đã giúp cho Jean Chesneaux có được một vị trí vững vàng trong giới đại học Pháp. Ông từng là giáo sư ưu tú của đại học Paris VII (Denis Diderot) và là nghiên cứu viên tại trường Cao học các khoa học xã hội (EHESS), những cơ sở đại học uy tín của nước Pháp. Tại đại học Paris VII, cùng với George Boudarel, Pierre Brocheux, Daniel Hémery, ông đã làm nên một thế hệ vàng những người nghiên cứu Việt Nam học ở Pháp, làm cho Paris VII trở thành một trong những cơ sở nghiên cứu Việt Nam học lớn nhất và có nhiều thành tựu nhất ở Pháp. Lấy Đông Á đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam cận – hiện đại làm đổi tượng nghiên cứu chủ yếu và gần như suốt đời, sử học đối với Jean Chesneaux không bao giờ là một thứ "tháp ngà" để trốn tránh thực tại. Phương châm nghiên cứu của cả cuộc đời ông là "Tư duy quá khứ một cách lịch sử để tư duy hiện tại một cách lịch sử". Sử học đối với ông cũng là một cách thế dấn thân.

Cuộc viễn du ở Á Đông cũng khởi đầu cho giai đoạn Jean Chesneaux nổi bật trong đời sống trí thức Pháp với tư cách một trí thức cộng sản. Là một Đảng viên, một trí thức với niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, Jean Chesneaux đã tham gia vào tất cả những hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam trước hai siêu cường Pháp và Mĩ. Ông là một trong những thành viên tích cực của toà án quốc tế thành lập theo sáng kiến của nhà toán học, triết gia Bertrand Russell với mục đích lên án tội ác của người Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đó cũng là những năm tháng tuyệt diệu nhất của lí tưởng cộng sản ở Pháp, khi mà danh từ "trí thức" gần như đồng nghĩa với danh từ "cộng sản". Điều đẹp nhất trong cuộc đời trí thức của ông đó là sự dấn thân chính trị luôn đồng hành với tinh thần tự phê phán, tinh thần tự do tư tưởng và cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ chân lí tuyệt đối và tối hậu. Cuối những năm 50, mặc dù là một Đảng viên cộng sản, Jean Chesneaux vẫn phê phán đường lối của Đảng cộng sản Pháp (PCF) khi Đảng này ủng hộ chủ trương chung sống hòa bình của Khrouchtchev và lên án cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Chính những rạn nứt trong mối quan hệ với PCF đã khiến Jean Chesneaux tìm đến với chủ nghĩa Mao - một ảo tưởng. Ông luôn thành thực với những ảo tưởng của mình và ảo tưởng trong ông luôn bị soi dưới ánh sáng gay gắt của tinh thần tự phê phán. Năm 1969, ông ra khỏi Đảng cộng sản Pháp vì không chấp nhận đường lối ứng xử với phong trào sinh viên năm 68 của PCF. Không lâu sau đó, ông từ bỏ luôn cả ảo tưởng vào chủ nghĩa Mao. Hành vi của Jean Chesneaux không phải chỉ là một phản kháng chính. Nó bắt nguồn nỗi day dứt của chính ông về thái độ bàng quang của mình với cuộc chiến Algérie trong những năm 50 và 60 của thế kỉ trước. Ông đa từng cho rằng những người kháng chiến ở đây là những kẻ dân tộc chủ nghĩa đối lập với tinh thần cộng sản. Định kiến chính trị cá nhân đã làm cho ông trở thành một kẻ "viễn thị" và việc ra khỏi Đảng đối với ông gần với một hành vi tự kiểm điểm.

Ra khỏi Đảng cộng sản Pháp nhưng thiện cảm với lý tưởng cộng sản và tinh thần cánh Tả luôn luôn bền vững đối với Jean Chesneaux. Điều đó được thể hiện qua nhiều công trình của ông mà điển hình là Đảng Cộng sản Pháp, một nghệ thuật sống. Điều này cũng giống như mối quan hệ của ông với Việt Nam . Sau nhiều thăng trầm và cả những hiểu lầm, mối thiện cảm ấy vẫn không hề phai nhạt.
 

Ngay từ thời điểm khởi đầu của hành trình trí thức, phiêu lưu và dấn thân đã trở thành những khuynh hướng bền vững trong cuộc đời của Jean Chesneaux. Ông viễn duđến nhiều vùng đất xa lạ, từ viễn Đông, Úc châu đến Nam Mỹ. Có một cái gì đó trong cuộc đời ông khiến ta liên tưởng tới Aldré Malraux. Nhưng quan trọng hơn hết, đó còn là những cuộc viễn du tinh thầnvà một hành trình dấn thân không ngơi nghỉ nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp với các lí tưởng của cánh Tả về sự bình đẳng và việc giải quyết những vấn đề chung của cả nhân loại. Chính điều đó đã đưaJean Chesneaux đến với những nghiên cứu độc đáo về những nhà văn viễn tưởng, không chỉ Jules Verne mà cả George Orwell. Tuy vậy, đặc sắc nhất vẫn là công trình của ông mang tiêu đề Jules Verne, mộtlối đọc chính trị mà sau này được viết lại và tái bản với tiêu đề Jules Verne, một cái nhìn về thế giới.

Sau giai đoạn là Đảng viên cộng sản, Jean Chesneaux vẫn tiếp tục tham gia nhiều phong trào cánh tả. Ông là thành viên của Attac, một tổ chức chống toàn cầu hóa ở Pháp. Về cuối đời, mối quan tâm chính của ông là các vấn đề sinh thái. Jean Chesneaux là Chủ tịch danh dự của tổ chức Hòa bình xanh Pháp. Jean Chesneaux đã kết thúc cuộc đời đầy vinh quang trong môi trường đại học mười năm mười năm trước hạn để đấu tranh cho những hoạt động xã hội với lí tưởng nhân văn, hòa bình và sinh thái.
Jean Chesneaux đã giã từ thế giới của chúng ta để khởi sự cho một chuyến phiêu lưu vĩnh hằng. Ông tiếp tục lý tưởng và niềm đam mê mà ông đeo đuổi suốt cả cuộc đời. Lý tưởng ấy đã được đúc kết trong cuốn sách của ông về Nghệ thuật viễn du. Cuộc đời của Jean Chesneaux không chỉ là hình chiếu của những thăng trầm của phong trào trí thức Pháp trong hậu bán thế kỉ XX mà còn là biểu tượng tuyệt đẹp về một con người không ngơi nghỉ kiếm tìm chân lí. Mục đích lớn nhất của cuộc đời ông có lẽ chính là cuộc kiếm tìm và thực hiện những chân lí có tính thực tiễn để làm cho thế giới này trở thành một nơi chốn khả dĩ có thể sống được. Hiểu được điều đó, ta mới có thể hiểu được những thay đổi tư tưởng nơi ông cũng như nhiều trí thức quan trọng khác của nước Pháp – một hiện tượng có tính phổ quát.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.