Người nông dân sáng tạo
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi đang học lớp 9, anh Huy phải nghỉ học, ở nhà làm ruộng, vài năm sau anh chuyển sang học nghề mộc. Tuy “thoát” cảnh bùn đất nhưng mỗi khi vào vụ, thiếu nhân công, anh phải tạm gác đục, bào để ra đồng. Anh nhớ lại: “Thời điểm đó, ở Quảng Ngãi có một đội chuyên băm đất bằng máy trước vụ gieo trồng. Đối với diện tích trồng lúa, mì (sắn)... thì chẳng nói nhưng riêng đất trồng mía thì máy băm cũng “bó tay”. Vì vậy, nông dân phải dùng cuốc, hoặc dùng trâu, bò để lật gốc mía, rất cực khổ”.
Chứng kiến cảnh đó, Huy nảy ra ý tưởng chế tạo một công cụ có thể giúp người dân giảm bớt công việc nặng nhọc, tốn nhiều công sức này. Ý tưởng là vậy nhưng điều kiện lúc đó chưa cho phép. Đến năm 1997, xã Nghĩa Lâm có điện, tuy nghề mộc cũng mang lại thu nhập khá nhưng anh vẫn quyết định chuyển sang làm cơ khí để thực hiện ước mơ của mình. Không qua đào tạo, kinh nghiệm chưa có, trong tay chỉ có một vài dụng cụ, anh vừa mày mò tìm hiểu, vừa thử nghiệm... Ròng rã hàng tháng trời, anh cũng tạo được dàn cày theo cách của mình. Tuy nhiên, khi lắp máy vào kéo thử thì dàn cày chỉ ăn sâu xuống đất khoảng 10 - 15cm, trong khi đó, để lật được gốc mía đòi hỏi lưỡi cày phải ăn sâu đến 25cm. Thế là tiếp tục những đêm mất ngủ, hàng chục lần lắp vào, tháo ra chỉnh sửa, cuối cùng công sức của anh cũng được đền đáp xứng đáng. Những gốc mía đã bị dàn cày của Huy đánh bật gốc, bà con chỉ phải nhặt bỏ lên bờ, kết thúc những ngày cầm cuốc để lật từng gốc mía.
Không dừng lại ở đó, Huy còn tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh lưỡi cày lên xuống với độ nông sâu và chiều rộng giữa các luống theo ý mình; đồng thời cày sát bờ ruộng, điều mà những dàn cày hiện đang bán trên thị trường không làm được. Cách thức vận hành của dàn cày rất đơn giản, chỉ cần một vài thao tác là có thể điều chỉnh độ rộng, lên xuống của 2 lưỡi cày để tạo khoảng cách và độ nông sâu của luống theo ý muốn. Anh Huy cho biết: “Tuỳ theo yêu cầu của người sử dụng mà có thể gắn thêm hoặc bớt số lưỡi cày. Riêng với điều kiện thực tế ở địa phương, chỉ cần lắp 2 lưỡi với độ nới rộng từ 70-80cm, còn độ ăn xuống mặt đất từ 20-30cm là đủ. Sau khi cày xong, chỉ cần vặn ốc là tháo dàn cày ra, lắp dàn băm vào, hoặc sử dụng đầu kéo cho công việc khác. Giá của một dàn cày này là 8 triệu đồng”.
Chị Nguyễn Phạm Phương Thảo (31 tuổi) ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm bày tỏ: “Bình thường nếu muốn phá bỏ 1 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) đất trồng mía, một người phải cuốc ít nhất 3 ngày mới xong; giá tiền thuê nhân công hiện nay là 60.000 - 80.000 đồng/người/ngày, nếu làm theo phương pháp thủ công thì chi phí nhân công lên đến 180.000 đồng. Trong khi đó, với dàn cày của anh Huy thì chỉ cần 1 giờ là hoàn thành, với chi phí khoảng 90.000 đồng”.
Ngoài chế tạo dàn cày đất đa năng, anh Huy còn cải tiến rất nhiều dụng cụ sản xuất nông nghiệp khác như: máy cắt lát mì, máy cắt lúa... Tiếng lành đồn xa, dàn cày đa năng của anh Huy đã được nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh mua về sử dụng. Lòng đam mê, sự sáng tạo của “kỹ sư nông dân” Đào Văn Huy không những mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình, giúp nông dân tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, chủ động mùa vụ mà còn góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ giới hoá nông nghiệp tại địa phương.