Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 22/09/2009 02:39 (GMT+7)

Người "mê" virus

“Mê virus” là vì “cái duyên”

Ở tuổi 29, Vũ Ngọc Sơn là Giám đốc của Bkis R&D (đơn vị nghiên cứu và phát triển thuộc Trung tâm An ninh mạng - Bkis), quản lý một đội ngũ hơn 250 người nhưng ở anh dường như không có sự khệnh khạng, chiếu lệ của những vị giám đốc thành công sớm. Vẫn quần bò và áo đồng phục màu đen như tất cả các nhân viên khác, ngay từ đầu, anh đã coi cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi như một dịp để anh trút bầu “tâm sự”. Câu chuyện giữa hai người trẻ chúng tôi vì thế diễn ra nhẹ nhàng và thoải mái hơn tôi tưởng tượng.

Là con trong một gia đình mà cả họ nội lẫn họ ngoại đều có truyền thống ngành y, nghề nghiệp mà bố mẹ, gia đình hướng cho Sơn ngay từ nhỏ là trở thành bác sĩ. Bản thân anh, ngay từ nhỏ cũng đã vô cùng thích thú những con virus ngọ nguậy dưới ống kính hiển vi mỗi khi được bố đưa đến phòng thí nghiệm ở trường. Nhưng khi quyết định chọn trường đại học, Sơn lại chọn Đại học Bách khoa với ngành Công nghệ Thông tin. Cho đến hiện tại, anh vẫn cho rằng mình đến với lĩnh vực công nghệ, gắn bó với Bkis và làm công việc liên quan đến những con virus máy tính hoàn toàn là vì “cái duyên”.

Năm 2001, khi vẫn còn là sinh viên năm thứ 3, Vũ Ngọc Sơn đã bắt đầu gắn bó với trung tâm. Năm đó, Bkis vừa thành lập và mới chỉ là một trung tâm trực thuộc Đại học Bách khoa. Dưới sự chỉ dẫn của Giám đốc Nguyễn Tử Quảng, Vũ Ngọc Sơn bắt đầu những bài học đầu tiên, sơ đẳng nhất về virus máy tính. Đó là chặng đường với rất nhiều những khó khăn, nhưng những con virus máy tính hấp dẫn Sơn không kém gì những con virus sinh học khi anh còn nhỏ. Và từ đó, Vũ Ngọc Sơn bắt đầu gắn bó và yêu thích công việc liên quan đến những con virus. Đến năm 2003, ngay khi tốt nghiệp, Sơn trở thành nhân viên chính thức của trung tâm. Đến nay, sau 8 năm gắn bó với “ngôi nhà chung” của mình, Sơn vẫn luôn nói rằng diệt virus máy tính là công việc anh thực sự đam mê. Sơn cười và nói rằng, thực tế thì anh vẫn “thừa hưởng truyền thống gia đình” về nghề y, nhất là bố với công việc nghiên cứu vi sinh. Công việc của Sơn hiện tại cũng là khám bệnh và nghiên cứu về virus, có điều “bệnh nhân” của anh không phải là con người mà là những chiếc máy vi tính. Song, điều anh học tập được nhiều nhất từ truyền thống nghề y của gia đình đó là cái “tâm” với nghề: “Nắm trong tay những công cụ mạnh, người làm an ninh mạng sẽ rất dễ sa ngã vì những mục đích vụ lợi nếu không có cái “tâm” thực sự”.

“Không quyết liệt, kết quả sẽ làng nhàng”

Bên cạnh cái “tâm” với nghề, Sơn cho rằng, sự quyết liệt và hết mình trong công việc đã đem lại cho anh sự thành công. Sơn tâm sự rằng, khi còn là cậu sinh viên năm ba “chân ướt chân ráo” bước  vào Bkis, anh thấy ấn tượng nhưng không thật sự hiểu sâu sắc ý nghĩa của câu khẩu hiệu: “Làm việc hết mình” ở nơi đây. Nhưng sau 8 năm gắn bó, anh đã hiểu thế nào là phải làm việc hết mình. Với Sơn, công việc liên quan đến những con virus không chỉ có những câu chuyện của sở thích, của niềm đam mê mà còn là sự đòi hỏi nghiêm khắc phải làm việc hết mình.

Quyết liệt, khó tính và cầu toàn, đó là điều mà tất cả những đồng nghiệp ở Bkis R&D đều nhận thấy ở giám đốc của mình. Là người quản lý ở cấp cao nhưng Sơn quan tâm và kỹ tính đến từng chấm nhỏ trên giao diện, hay ngay cả từng chi tiết trên màn hình chờ của khách hàng. “Không quyết liệt, kết quả sẽ làng nhàng”, trong lúc trò chuyện, Sơn nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu châm ngôn trên tường của trung tâm mà anh nói rằng mình tâm đắc nhất. Nhưng ở ngoài công việc, Sơn lại là một con người khác mà theo mọi người là rất “thoải mái, nói nhiều và hay pha trò”. Tôi không rõ cách anh quyết liệt với công việc của nhân viên ra sao, nhưng cảm nhận thấy rất rõ sự “thoái mái” và “nói nhiều” của anh trong cuộc đối thoại giữa hai chúng tôi. Giải thích về hai “con người” của mình, Sơn nói rằng, trong công việc cần phải có sự quyết liệt và hết mình đặc biệt là đối với một lĩnh vực đặc thù như công nghệ thông tin nói chung và an ninh mạng nói riêng. “Sản phẩm của bạn sẽ ảnh hưởng đến cả triệu người nếu như nó không được làm chỉn chu. Còn ở ngoài công việc, những người làm công nghệ vẫn là những con người bình thường, vì thế họ vẫn cần một cuộc sống bình thường như những người khác”.

Đến với lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về an ninh mạng và virus máy tính bằng cả niềm đam mê và “quyết liệt đến cùng”, Sơn kể với tôi về những đêm “trực chiến” trong các đội “Phản ứng nhanh - Task Force” tại trung tâm hay những buổi làm việc “phi thời gian” chỉ là để hoàn thành một phần việc rất nhỏ nhưng nếu để lại sẽ phải mất hàng tuần vì phải bắt đầu lại từ đầu. Trong những đêm “trực chiến” ấy, Sơn gắn bó nhiều nhất với những đội “Vô hình” của Bkis. Sơn hào hứng kể với tôi về những người bạn “Vô hình” của anh ở Bkis.

Cũng như Sơn, họ đến với công việc nghiên cứu chuyên sâu về an ninh mạng và virus vì niềm say mê thực sự. Và cũng vì niềm đam mê và quyết liệt trong công việc, họ chấp nhận cống hiến như những con người “vô hình”. Không nhiều người biết đến sự tồn tại của đội “Vô hình” nhưng họ thực sự là những “bộ óc” của phần mềm diệt virus Bkav. Ngay trong những kết quả nghiên cứu gần đây trong việc phát hiện lỗ hổng của các phần mềm hay điều tra, tìm ra nguồn gốc các vụ tấn công mạng, vai trò “giải mã”, “dịch ngược” của các nhóm “Vô hình” là cực kỳ quan trọng. Và dù dường như không ai, ngoài bản thân họ biết đến sự tồn tại của mình, họ vẫn hằng ngày say mê và thầm lặng cống hiến cho những bước đi của trung tâm. Cái tên “Vô hình” đến bất chợt và nhanh lắm nhưng lại lột tả thật đủ, thật đúng những công việc mà tôi và những đồng nghiệp đang làm.

“Trí thức trẻ Việt Nam không hề kém”

Về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thành công của Trung tâm, Sơn cho rằng anh và đồng nghiệp đã làm việc quyết liệt và hết mình. Theo anh, quyết liệt hết mình, đó là điều mà các bạn trẻ Việt Nam đang thiếu chứ không phải là tri thức. “Nhiều bạn trẻ hiện nay, ngay cả bạn bè của mình thường hay kêu ca rằng mình không được giao trọng trách, không được tham gia những dự án lớn, hay hàng ngàn những nỗi khổ về cơ chế,… Cá nhân mình thì cho rằng không có khởi đầu nào là thuận lợi ngay được. Không phải vì không được giao trọng trách hay không được tham gia những dự án lớn là không thể đóng góp được gì”. Tôi tin rằng, điều này thực sự là những lời tâm huyết của cá nhân anh. Vì rằng khi Sơn vừa đến với Bkis cách đây 8 năm, đó mới chỉ là một “phòng thí nghiệm” với số lượng không quá mười người chứ không phải là một trung tâm lớn và hiện đại như ngày nay. Điều quan trọng, theo Vũ Ngọc Sơn, đó chính là “phải hết mình và thực sự tâm huyết với con đường mà mình đã lựa chọn”.

Trả lời câu hỏi về tương lai của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, anh cho rằng trong tương lai gần, công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung và an ninh mạng nói riêng hoàn toàn có thể có những sản phẩm thương hiệu toàn cầu, thậm chí là đứng nhất, đứng nhì trong lĩnh vực này. “Ngành công nghệ thông tin không giống như ngành khác, không cần phải đầu tư quá lớn về cơ sở vật chất và tài chính mà chỉ cần 2 thứ: Máy tính và tri thức. Như vậy chuyên gia của Mỹ và Việt Nam đều bình đẳng với nhau về mặt “công cụ sản xuất”, còn về sự thông minh, sáng tạo thì các chuyên gia về công nghệ thông tin Việt Nam không hề thiếu”. Anh Sơn đã lý giải niềm tin của mình như vậy. Và có lẽ để niềm tin đó được hiện thực hóa, Vũ Ngọc Sơn và những người bạn “Vô hình” của anh vẫn đang miệt mài với niềm đam mê của mình, miệt mài chuẩn bị cho những bước đi của Bkis trong hành trình đưa một sản phẩm của mình ra với thế giới. 

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.