Người kỹ sư già có nhiều “sáng chế”
Sáng chế bắt nguồn từ cảm xúc
Những sáng tạo của ông phần nhiều đều xuất phát từ những cảm xúc bất chợt. Chiếc máy đầu tiên ông làm từ khi còn trai trẻ, lúc vừa tốt nghiệp khoa chế tạo máy trường Đại học Bách Khoa cách đây cũng trên dưới 40 năm là máy nghiền tôm cá làm mắm tự động. Chiếc máy ra đời xuất phát từ cảm xúc xót xa khi chứng kiến các bà, các cô trong thôn bị lở loét cả bàn tay khi tiếp xúc với muối mặn, cá ươn, râu tôm, xương cá đâm nát bàn tay mới được một mẻ mắm. Một chiếc máy ông làm ra, đã giải phóng sức lao động bằng tay cho 200 xã viên của hợp tác xã làm mắm.
Những năm 80 của thế kỷ trước, chiếc máy sản xuất vành xe đạp tự động do ông sáng chế cũng bắt đầu từ nỗi buồn khi chứng kiến người dân phải bỏ ra mấy tạ thóc để mua đôi vành xe đạp từ Nhật Bản. Đầu vào chỉ là một tấm tôn mỏng, sau khi chạy qua máy, đầu kia đã cho ra chiếc vành xe đạp sáng loáng gần như hoàn thiện. Từ khi ra đời chiếc máy, những chiếc vành xe đạp của ông đã đánh bại hoàn toàn vành xe đạp nhập khẩu bởi chất lượng tương đương mà giá thành chỉ bằng 1/6.
Dây chuyền biến rác thải nhựa thành nhiên liệu thì lại xuất phát từ tình yêu với môi trường xanh, sạch, đẹp. Chiếc máy đặc biệt này hoạt động theo một chu trình khép kín trong một hệ thống gồm 7 buồng liên hoàn: chất thải nhựa, cao su được đưa vào hệ thống phân loại, làm vệ sinh, sấy khô, nghiền nhỏ, trộn phụ gia. Băng chuyền đưa rác vào lò kín, đốt ở nhiệt độ 700 độ C để tạo thành khí. Khí bay vào lò tiếp theo và bị hoá chất làm ngưng đọng. Tiếp đó, nhiệt độ giảm đột ngột xuống 12 độ âm, sẽ thu được chất đốt hoá lỏng.
Điều đặc biệt, trước khi chất đốt hoá lỏng ra lò thì khí thải đã bị đốt cháy hoàn toàn ở nhiệt độ cao, nên không gây ô nhiễm. Chất lỏng khi đó là một loại dầu hỗn hợp. Loại chất này dùng để đốt lò, nung gốm sứ, nấu thuỷ tinh, nấu nhôm, thay thế dầu FO trong cán thép… Nhựa và cao su được sản xuất từ dầu mỏ, nên nếu tiếp tục chưng cất sẽ thu được dầu diezen và xăng dùng để chạy ôtô và xe máy. Ông Khánh bảo, từ chiếc máy này có thể sáng tạo ra thêm hàng loạt máy đốt rác thải độc hại, rác thải y tế khác. Nếu mỗi tỉnh thành có vài chiếc máy như thế này, thì không sợ rác thải nhựa và cao su phá hoại môi trường.
Đơn giản như chiếc máy chế biến tinh bột sắn. Qua tìm hiểu, ông thấy người nông dân bán củ sắn, củ khoai với giá rất rẻ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán ra nước ngoài. Nước ngoài chế biến, rồi lại nhập về Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam chế biến thành thức ăn gia súc, rồi bán lại cho nông dân chăn nuôi. Tính ra, người nông dân bán sắn nguyên liệu với giá rẻ rồi lại đi mua thức ăn chăn nuôi từ chính sắn đó với giá cao gấp hàng chục lần.
Thấy việc này quá bất công, ông Khánh đã sáng chế chiếc máy sản xuất tinh bột sắn. Chỉ việc cho củ sắn, khoai vào một đầu, đầu kia sẽ cho ra tinh bột sau khi đã loại bã. Người nông dân có thể bán tinh bột cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá cao gấp 10 lần bán nguyên liệu thô. Cũng theo ông Khánh, với ông, việc sản xuất một chiếc máy chế biến thức ăn cũng quá dễ. Nếu ông tiếp tục nghiên cứu, ông sẽ cho ra đời nhiều chiếc máy tự động biến khoai, ngô thành thức ăn chăn nuôi để phục vụ bà con.
Rồi còn hàng loạt máy móc nữa được làm ra bằng chính bàn tay, khối óc của nhà khoa học nghiệp dư nhằm phục vụ người dân như máy chế biến xà phòng, máy ép gỗ, ép mùn cưa, máy ép dầu điều, máy tuốt lúa, máy cắt cỏ, máy sản xuất cồn, máy phát điện di động, máy tách hydro và oxy từ nước… đều đã được ông Khánh nghiên cứu thành công, đang hoạt động rất tốt. Không ít “sáng chế” đã đem lại cho ông nhiều giải thưởng, huy chương, bằng khen, giấy khen, bằng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam Vifotec…Tôi hỏi, ông đã có bao nhiêu sản phẩm công nghệ, ông ngồi trầm ngâm nhẩm tính và rồi lắc đầu “không thể nhớ hết”.
Ấp ủ lớn nhất hiện nay của ông kỹ sư già Vũ Hồng Khánh là làm sao để thay thế nhiên liệu động cơ bằng nguồn vào rẻ nhất. Điều chế hydro từ nước lã đã được ông thử nghiệm thành công. Ông đã lôi chiếc ôtô của mình ra làm thí nghiệm. Với 1 lít nước lã, chiếc máy đã điều chế ra lượng hydro đủ để cho xe chạy từ Hải Phòng lên Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Khánh, việc sử dụng hydro vào chạy ôtô mới chỉ dám dừng lại ở thử nghiệm, chưa thể thực hiện đại trà được vì quá nguy hiểm. Theo lý thuyết, nếu dùng hydro để chạy xe, hydro phải được đốt sạch trong buồng đốt, nếu không, bình chứa hydro trong chiếc xe sẽ biến thành một quả bom di động khổng lồ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Muốn chuyển giao toàn bộ
Theo ông Khánh, sáng chế máy móc không có gì khó cả, chỉ cần có tấm lòng ham học hỏi và thực sự đam mê nghiên cứu. Ngày bé, cha mẹ mua cho thứ đồ chơi gì như ôtô, máy kéo cậu bé Vũ Hồng Khánh đều tháo tung ra tìm hiểu, rồi ráp lại. “có những thí nghiệm với điện, khí gas, khí hydro đã làm tôi suýt mất mạng, tưởng không thể sống được đến tận ngày nay. Thế nhưng, cũng từ những thí nghiệm đó mà tình yếu đối với máy móc ngày càng tăng dần trong tôi” ông Khánh nói.
Máy chế biến phế thải nhựa thành nhiên liệu. (Ảnh Trường Sơn) |
Và hiện nay không ít chiếc máy đã phải đắp chiếu, bụi phủ kín do nhà xưởng bị thu hồi không có đất để mở xưởng sản xuất và không có tiền để trang trải nợ nần do đầu tư thử nghiệm và sản xuất. Máy sảnxuất vành xe đạp giờ đã bỏ xó vì không còn ai đi xe đạp nữa. Máy tái chế nhựa cũng phải dừng hoạt động vì người dân không đồng ý cho đặt ở khu dân cư. Mặc dù máy không gây tiếng ồn, ô nhiễm, songnhững chiếc xe tải chở phế liệu đến tập kết đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh khu vực. Ngay cả chiếc máy điều chế hydro và oxy từ nước, một sản phẩm mà ông rất tâm huyết, đã nộp đơn cấpbằng sáng chế tại Cục SHTT ông cũng muốn chuyển giao nốt. Chiếc máy này đã lấy của ông mất đúng 5 năm trời nghiên cứu và đã tiêu tốn vào nó hơn 6,1 tỉ đồng.
Ông Khánh tâm sự: “Tôi thì đã già, mà cậu con thì chỉ ham mê sáng chế chứ không ham kinh doanh, làm giàu, người suốt ngày dầu mỡ. Do đó, tôi muốn chuyển giao tất cả các loại máy móc, sáng chế chonhững cá nhân, tổ chức, cơ quan nào đủ điều kiện và có tâm huyết để nghiên cứu, sản xuất hàng loạt, phục vụ cho đất nước”.
Anh Phạm Trường Sơn, người đã nhiều năm làm việc, gắn bó với ông cho biết, việc sáng chế ra máy sản xuất vành xe đạp và nhiều sản phẩm cơ khí khác đã đưa ông Khánh lên hàng tỉ phú, giàu có bậc nhấtđất cảng một thời. Tuy nhiên, vì thành phố mở đường mới vào xưởng của ông nên đất bị thu hồi không còn nơi kinh doanh. Ông đã vác đơn đi kiện nhiều năm nhưng chưa mang lại kết quả nên từ một tỉ phúvới những nhà máy lớn ông Khánh bỗng trắng tay, mất hết.
Có thể nói người kỹ sư già Vũ Hồng Khánh vốn nổi tiếng bởi tài sáng chế không chỉ ở đất cảng Hải Phòng mà ngay cả nhiều giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, thậm chí cả các nhà khoa học chuyên ngành cơ khí hàngđầu Việt Nam không phải ai cũng có thể sáng tạo được nhiều loại máy móc thiết thực như ông, nhưng sự trớ trêu của cuộc sống đang làm ông hiu quạnh lúc cuối đời.