Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 08/05/2009 23:42 (GMT+7)

Người khôi phục giống chuối Laba

“Trẻ trồng na, già trồng chuối"

Đó là câu nói cửa miệng của ông cha ta với hàm ý chỉ dẫn cách trồng cây. Và điều này thật đúng với trường hợp ông Xuyên.

Sinh ra và lớn lên ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), ông Xuyên vào Lâm Đồng lập nghiệp cách đây gần 30 năm. Năm 1980, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện, năm 1987, chuyển sang làm Phó chánh văn phòng huyện.

Suốt những năm tháng làm hành chính, ông Xuyên không ngờ lại có ngày mình cầm cuốc, bón phân cho cây như một nông dân thực thụ. Có lẽ, ông phải cám ơn người bạn đã kể cho nghe về giống chuối quý của Đà Lạt đang bị thoái hoá và mất dần, đó là chuối Laba.

Sau khi nghỉ hưu, ông bắt tay vào việc xới cỏ, dọn dẹp hơn 2 sào vườn (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) rồi khăn gói vượt hơn 40km đến huyện Lâm Hà mua chuối Laba về trồng thử. Thật không ngờ, người chủ vườn chuối lại lắc đầu nguây nguẩy không bán. Hỏi ra ông Xuyên mới biết, người ta cho chứ không bán vì giống chuối này đang bị hỏng gần hết, năng suất rất thấp.

Nhìn những cây chuối xơ xác, xiêu vẹo, ông Xuyên khá thất vọng nhưng ngay lập tức, quyết tâm làm kinh tế trong ông lại trỗi dậy. Vậy là ông quyết định thuê ô tô mang toàn bộ số chuối Laba đó về nhà.

Thành công ngoài mong đợi

Khi đào những hố trồng chuối đầu tiên, ông Xuyên đã đặc biệt chú ý đến khâu kỹ thuật. Nhiều người thấy ông đem chuối về trồng đã lắc đầu ngán ngẩm: bao nhiêu loại cây kinh tế cao không trồng lại đi lao đầu vào trồng giống chuối đang thoái hoá. Bỏ ngoài tai những lời bàn tán, ông và vợ vẫn dành hết công sức chăm bẵm cho vườn chuối. Hằng ngày ông tưới cây, bón phân rồi xin xơ dừa về ủ cho gốc chuối. Cây không phụ công người, 3 tháng sau ông đã có những buồng chuối to đẹp, nặng trĩu mang bán. Mặc dù lứa đầu không được bao nhiêu tiền nhưng ông bảo, điều quan trọng là từ những cây giống ban đầu, nay đã nhân lên hàng trăm cây, cả khu vườn giờ đã chật kín chuối.

Từ khi ông Xuyên trồng chuối đến nay đã 17 năm nhưng chuối Laba không hề giảm chất lượng cũng như năng suất. Ông khấp khởi mừng thầm bởi có lẽ, giống chuối Laba đã được phục hồi. Năm 2007, ông được Trạm Khuyến nông huyện Đức Trọng và Phòng Nông nghiệp huyện cùng Viện Giống cây trồng miền Nam mời tham gia dự án phục chế, xây dựng thương hiệu chuối Laba - Đà Lạt. Ông còn được Viện đặt mua hơn 300 cây giống, tiếp đó, Trường Đại học Lâm nghiệp Đà Lạt cũng đặt hàng cho sinh viên làm thí nghiệm.

Từ những thành công ấy, ông Xuyên bắt đầu bán cây giống cho những ai muốn làm giàu từ loại cây này. Theo ông Xuyên, trồng chuối Laba không khó, chăm sóc đơn giản, chỉ trồng một lần mà thu hoạch cả đời. Quan trọng là sau khi thu hoạch phải hạ cây, đào hết gốc, rồi lấy xác cây làm phân ủ bề mặt để giữ ẩm cho đất. Chuối Laba là cây chịu hạn tốt nên không cần tưới. Từ khi trồng cho đến thu hoạch khoảng gần 1 năm, khi phát triển cây có thể cao 2,5 - 3m. Chuối Laba khi chín quả có màu vàng đặc trưng, ăn rất ngọt và thơm.

Nhờ những ưu điểm nổi bật đó nên chuối Laba của ông Xuyên ngày càng được nhiều người biết đến. Giờ đây, hai vợ chồng ông không còn phải lo chuyện tiêu thụ mà chỉ việc ngồi nhà chờ thương lái đến thu mua. Năm vừa qua, tính riêng tiền bán chuối hai vợ chồng ông cũng bỏ túi gần 60 triệu đồng. “Thử hỏi còn loại cây nào mà công chăm sóc ít nhưng đem lại lợi nhuận cao như vậy, đúng là cây vàng...”, ông Xuyên cười nói.

Từ thành công của mình, ông Xuyên đã chứng minh rằng về hưu không có nghĩa là không còn khả năng làm kinh tế. Hơn thế, chuối Laba còn phá vỡ thế độc quyền của những loại cây trồng vốn được đánh giá cao. “Điều quan trọng là trước khi trồng bất cứ loại cây nào, bà con cần nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, thông tin thị trường...”, ông Xuyên nói.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.