Người hai lần làm thầy
Những lớp học trò đất Thủ Dầu Một do thầy Hưng giảng dạy nay nhiều người đã thành đạt. Và với họ, nghe giọng nói nhỏ nhẹ, chân tình, cử chỉ thân thiện cởi mở, gần gũi của người thầy giáo xưa lại như thấy mình sống lại tuổi học trò. Cuộc sống đời thường của nghề dạy học, thầy thuốc đã dạy ông bao điều để nghĩ, để làm, bất cứ việc gì cũng phải đào sâu suy nghĩ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu từ sách vở đến tìm hiểu thực tế và chỉ khi nào sự việc sáng tỏ mới được nói và làm. Ông tự nhủ với lòng mình: Việc gì cũng cần, cũng quan trọng, nhất là nghề dạy học và nghề chữa bệnh cứu người càng không được phép đại khái, nôn nóng mong muốn làm được tất cả mọi việc cùng một lúc. Cái gì cũng cần phải có thời gian nghiên cứu chuyên sâu, tích lũy và rút tỉa kinh nghiệm. Trong đời làm thầy ông đã dạy cho học trò đúng như những gì ông nghĩ không chỉ bằng lời nói và bằng cả những việc ông làm.
Cái tên 'Thầy Hưng la-de' mà mọi người trìu mến gọi ông để tôn vinh người con của đất Thủ Dầu Một nhiệt huyết với nghề dạy học, chữa bệnh cứu người, một trong những bậc lão thành có công xây dựng bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sông Bé và sáng lập ngành khoa học chữa bệnh bằng la-de y học Bình Dương. Cho đến nay mặc dù tuổi cao sức yếu và đã về hưu 'Thầy Hưng la-de' vẫn miệt mài nghiên cứu các bài thuốc, khoa học châm la-de, viết sách báo phổ biến kinh nghiệm và trực tiếp chữa bệnh phục vụ sức khỏe nhân dân. Ông cho rằng 'cuộc đấu tranh tư tưởng' chuyển từ nghề dạy học sang nghề thầy thuốc đối với ông quả là cuộc đấu tranh gay go, bởi ông yêu thích cả hai nghề. Với cương vị tổ trưởng bộ môn Toán - Lý trường Lâm nghiệp Trung ương II, con đường thăng tiến đang rộng mở, ông được bạn bè và lãnh đạo tỉnh Sông Bé 'rủ rê', xin về tỉnh để xây dựng bệnh viện Y học dân tộc. Vì họ thấy rõ ông cũng yêu thích nghề thuốc. Và gia đình ông vẫn có truyền thống nghề y học cổ truyền. Sau gần tháng trời 'cân nhắc', ông thấy rằng chữa bệnh bằng thuốc nam là một phương sách giúp người nghèo ít tốn kém đạt hiệu quả cao. Về với nghề thầy thuốc cũng chưa hẳn ông bỏ nghề dạy học mà chỉ là sự chuyển đổi từ dạy học môn khoa học cơ bản, đào tạo cán bộ lĩnh vực nông lâm nghiệp sang đào tạo cán bộ cho ngành y tế. Suy nghĩ cặn kẽ mọi nhẽ ông Hưng mới quyết định 'chuyển nghề'...
Thế là từ thầy thuốc 'nghiệp dư' ông Hưng trở thành thầy thuốc. Trải qua các cương vị trưởng phòng y vụ Trường đào tạo cán bộ y tế, rồi trưởng phòng kế hoạch - tổng hợp khi mới thành lập, sau là Phó giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Sông Bé, ông Hưng đã không tiếc công sức đóng góp trí tuệ để xây dựng bệnh viện trở thành bệnh viện 'nổi danh' của vùng đất Ðông Nam Bộ. Nhờ sự sốt sắng của ông mà phong trào vườn thuốc từ gia đình đến các trạm y tế được khôi phục và phát triển, ý thức sử dụng thuốc nam, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền được đề cao... Thầy Hưng còn tham gia giảng dạy các trường đào tạo cán bộ y tế của tỉnh. Rất nhiều cán bộ ngành y tế đã trở thành bác sĩ giỏi của ngành y học cổ truyền tỉnh Bình Dương và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ. Ông đã dành nhiều thời gian xuống với cơ sở, trực tiếp hướng dẫn các y bác sĩ trạm y tế về cách sử dụng la-de y học để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân các vùng nông thôn vùng sâu vùng xa. Ông không chỉ dạy cho học sinh kiến thức mà quan trọng hơn là dạy cho học sinh, sinh viên phương pháp học tập, nghiên cứu sáng tạo, tinh thần trách nhiệm với công việc. Bằng kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy trong thời kỳ còn dạy Trường THPT Bồ Ðề và Trường Lâm nghiệp Trung ương II đã giúp ông giảng dạy các tiết học về toán-lý đối với các trường trung cấp y tế, hoặc các tiết ông dạy cán bộ y tế về ứng dụng la-de vào chữa bệnh thực sự là tiết học sinh động. Bởi ông chính là tấm gương về nghiên cứu học tập, nâng cao y đức đối với các thầy thuốc trẻ, nhất là việc nghiên cứu áp dụng các bài thuốc cổ truyền, đông tây y kết hợp. Nhiều bài thuốc do ông nghiên cứu và hiến để chữa bệnh cho cộng đồng như: 'Hoạt lạc tỵ uyên phương' chữa viêm xoang, 'Nguyên dương hồi cực hoàn' chữa đau khớp, 'Cửu trân dưỡng âm cao' chữa tiểu đường tuýp 2... đạt hiệu quả cao được nhiều người tin dùng... Ðặc biệt thành công của ông trong ứng dụng quang châm la-de y học vào chữa bệnh đã lan tỏa tới nhiều tỉnh thành trong nước, tập hợp được nhiều nhà khoa học, tổ chức, cá nhân tham gia... Hiện tại hội La-de y học Bình Dương có 435 hội viên với trình độ 13 giáo sư, tiến sĩ, 38 thạc sĩ, 77 đại học, 307 tú tài trực tiếp hoặc gián tiếp đã được 'thầy Hưng la-de' đào tạo hướng dẫn. Khi được hỏi về kết quả giảng dạy, đào tạo cán bộ y tế cho ngành y học dân tộc cổ truyền, sự đóng góp của ông để hình thành Hội La-de y học Bình Dương, ông Hưng đánh giá: Từ năm 2005 đến nay các cơ sở của Hội đã điều trị bệnh bằng quang châm la-de cho hàng chục vạn lượt bệnh nhân, trong đó có 61.000 lượt bệnh nhân nghèo được điều trị miễn phí trị giá 5 - 6 tỷ đồng... Ông Hưng nói đó là điều ông vui nhất. Niềm vui thứ hai của ông Hưng là bốn người con trai gái, hai con dâu đều theo gương ông bà gắn bó với nghề dạy học và đều là những giáo viên dạy giỏi, xoay quanh ông trở thành một gia đình nhà giáo mẫu mực.
Một ngày cuối năm Canh Dần 2010, tôi đến thăm gia đình ông Hưng sau khi ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Giữa nắng chiều vẫn thấy ông lụi cụi với sách vở báo chí. Bà Dung vợ ông chỉ vào đống sách của ông nói với tôi: 'Anh thấy đấy, lúc nào ông ấy cũng chỉ với sách vở, bài thuốc mà thôi'. Ông Hưng cười quay qua 'chọc' lại bà: 'Dễ tôi cứ phải mê bà mãi chắc. Có mau giúp tôi ly cà-phê, ấm trà đãi khách không'. Ông ngừng việc quay sang tôi: 'Tôi ước gì mình có được nhiều thời gian hơn để đóng góp cho nền giáo dục và y học nước nhà'. Ông nói việc ông được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú còn nhờ công lao của nhiều người, đó là các lương y, bác sĩ, thầy giáo Vương Sanh, bác sĩ Thái Văn Minh, lương y, bác sĩ Trần Ðình Hợp... sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo tỉnh, sự đồng lòng của anh em hội viên... Tôi hỏi, vì sao những học sinh từng học ông lại có nhiều người giỏi, có người nay đã trở thành lãnh đạo, họ vẫn không quên, luôn nhớ đến ông là một người thầy mẫu mực? Nét mặt ông rạng ngời niềm vui. Ông nói nghề dạy học là nghề cao quý, muốn dạy cho học sinh biết một thì thầy phải biết mười. Ông không chỉ dạy cho học sinh kiến thức bó hẹp trong sách giáo khoa mà phải mở rộng dạy cho học sinh kiến thức thực tế bằng thí dụ cụ thể, sinh động, dạy cho học sinh biết cách học, biết vận dụng kiến thức học được để giải quyết vấn đề đặt ra, song trước hết phải dạy cho học sinh biết cách làm người.
Trong khu vườn xanh mướt sau nhà, ông lại kể cho tôi nghe về tình yêu, về nghề dạy học, nghề thầy thuốc, những gì ông đã trải nghiệm. Nhà giáo, Thầy thuốc Ưu tú Lê Hưng là như thế. Suốt cuộc đời ông luôn học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: Thầy giáo phải là 'kỹ sư tâm hồn' và thầy thuốc phải thực hiện 'lương y như từ mẫu'.