Người đi tìm mô hình công nghệ sau thu hoạch
Đã từng là Giám đốc Cơ khí tỉnh Yên Bái, ông cho biết: chì là một loại cây công nghiệp dài ngày, chủ lực của Yên Bái, qua mấy chục năm, cây chè đã khẳng định được vai trò vị trí trong cơ cấu kinh tế của Yên Bái nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung; Riêng ngành chè Yên Bái trong nhiều năm không những đã đóng góp một lượng ngân sách đáng kể cho nhà nước mà còn góp phần giả quyết hàng nghìn lao động có công ăn việc làm ổn định; thế nhưng công nghệ chế biến chè vẫn cứ phải nhập khẩu của nước ngoài, tiêu tốn hàng triệu đô la của Nhà nước. Đơn cử như máy vò chè thường xuyên phải nhập khẩu của Liên Xô (cũ) với giá 200 triệu đồng VN/chiếc, lại được chế tạo bằng gang nên dễ gãy, mà phụ tùng thay thế lại khan hiếm.
Về hưu năm 1990, là thời kỳ mà sự nghiệp đổi mới - nhất là đổi mới tư duy về kinh tế và phát triển kinh tế nhiều thành phần do Đảng và Nhà nước ta khởi xướng; ý tưởng chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp Việt Nam hình thành trong khi ông còn là sinh viên khoa Chế tạo máy - Học viện Nông lâm Liên Xô, những năm 1964 – 1971; lúc này được tiếp tục khơi dậy. Nhưng vấn đề là vốn lấy đâu ra, khi bản thân mới chỉ có sự trải nghiệm và kiến thức. Lấy ngắn nuôi dài, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, ông quyết định đi lên từ cái dao, cuốc, xẻng, kiềng với hàng ngàn sản phẩm được tiêu thụ, và từ đó Tổ hợp khí Hồng Hà ra đời, do ông phụ trách. Thành công bước đầu cùng sự quan tâm của các ban, ngành địa phương đã tiếp sức cho ông làm cuộc hành trình đến tất cả các đống sắt vụn, bãi thải phế liệu, có nơi xa đến hàng trăm cây số như Việt Trì, Phú Thọ, để nhặt nhạnh, chọn lựa thu mua đồ phế thải; đồng thời sưu tầm, nghiên cứu tài liệu có liên quan đến cơ khí chế tạo (mà như ông nói: mở chiến dịch sưu tầm tài liệu). Quả là cam go khi nghe ông kể: để sản xuất được từng bộ phận của máy đã khó, thì việc gắn kết các bộ phận máy với nhau tạo thành một cỗ máy lại càng khó hơn; mà lúc này chưa có các phương tiện chế tạo như máy hàn, máy tiện; dù đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn cứ lóc cóc chở đi thuê hàn, tiện; thậm chí khi không đủ các phụ tùng lắp ráp ông dùng gỗ để chế tạo mô hình chạy thử… Qua thử nghiệm nhiều lần, liên tục cải tiến, bổ sung, thay đổi vật liệt các chi tiết, đến năm 1997, chiếc máy vò chè đầu tiên do ông sản xuất đã thành công. Qua thực tế sử dụng cho thấy: máy do ông chế tạo có những ưu thế so với máy vò chè Liên Xô ở chỗ; không cần loại máy cái to để chế tạo ra nó, máy lại được sản xuất bằng thép chế tạo nên có độ bền cao, mức tiêu thụ điện năng thấp hơn (5,5 kw/h, máy Liên Xô là 7,5 kw/h) các bộ phận máy nhỏ hơn 2 – 3% giá thành 30.000.000đ/chiếc (bằng 1/6 giá máy Liên Xô); công suất vò chè tương đương (2500 kg chè/h) chất lượng chè vò vẫn được đảm bảo. Ngày 4/3/2002, với sự giúp đỡ của Sở Khoa Học và Công nghệ Yên Bái; phương pháp chế tạo máy vò chè của ông đã được Cục Sở hữu công nghiệp (nay là cục Sở Hữu trí tuệ) Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Từ đó đến nay gần 300 máy vò chè của ông đã được sử dụng khắp các tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bá,i…
Đặc biệt đã có doanh nhân người Đài Loan đến hợp tác với ông để sản xuất máy vò chè.
Có thể nói, máy vò chè được chế tạo thành công là linh hồn của sự phát triển tổ hợp cơ khí Hồng Hà thành Công Ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Cơ khí và Xây Lắp Hồng Hà vào năm 2002. Không dừng ở đó, ông tiếp tục mải mê chế tạo, cải tiến kỹ thuật nằm đa dạng hoá sản phẩm. Đến nay, các chủng loại mát do ông sản xuất không chỉ là máy vò chè, còn là sàng tơi chè, máy sàng bằng, sàng vòi phân loại chè, máy sấy chè, máy sàng vòng, máy hút râu sơ chè, máy trộn chè; quạt hút nhiệt, phun sương, nồi cất tinh dầu quế, dây chuền sản xất vi sinh, xe đẩy rác, khung nhà thép nhiều khẩu độ. Vậy là kết quả lao động sáng tạo khoa học và ứng dụng công nghệ của ông đã giúp công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà tiếp tục được khẳng định và phát triển, bao gồm 3 cơ sở sản xuất có đầy đủ các trang thiết bị như máy tiện, máy hàn, phương tiện vận tải, giao dịch, máy vi tính… giả quyết công ăn việc làm cho 60 lao động ổn định quanh năm. Nhiều năm qua ông và Công ty được Bộ Công nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái tặng nhiều bằng khen và giấy khen.
Hiện nay, ông đang được Ban tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh yên bái hướng dẫn làm thủ tục đăng ký dự thi sáng tạo khoa học và công nghệ lần thứ nhất.
Chứng kiến không khí làm việc tập tuỵ, say sưa của công nhân tại xưởng, và những thành quả của Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà, chúng tôi không khỏi cảm phục trước nghị lực và sự sáng tạo không mệt mỏi trong quá trình ứng dụng khoa học, công nghệ của một cán bộ khoa học, sau khi đã nghỉ chế độ gần như từ bàn tay trắng. Những điều đó không chỉ đơn thuần là sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, là thu nhập, là tạo công ăn việc là; mà ý nghĩa sâu xa hơn là: khoa học và công nghệ không chỉ là lĩnh vực dành cho những người đang đương chức, đương nhiệm, mà nó còn là yếu tố căn bản quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của một doanh nghiệp ngay cả trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH; nhất là CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn; thì những thành quả ứng dụng sáng tạo khoa học, công nghệ sau thu hoạch, phục vụ phát triển nông nghiệp miền núi của một cán bộ khoa học Vũ Hữu Lê, sau 13 năm miệt mài, khổ công tìm kiếm, ứng dụng, quả là đáng trân trọng và khích lệ.
Nguồn: Diễn đàn trí thức, 11 – 2005