Người đi tìm bí mật của gió và nước
Một lần lên mạng tìm thông tin, tôi đã bắt gặp câu chuyện thú vị về một chàng trai trẻ ở một miền quê nghèo đi tìm bí mật của “gió” và “nước” làm men chất liệu nhằm phục vụ cho tình yêu với kiến trúc đến cháy bỏng trong mình. Để đến ngày hôm nay, ngồi trong chính không gian Hội quán sáng tạo của Trung tâm Văn hóa Cà phê Trung Nguyên tại Hà Nội tôi được biết chính anh là tác giả của công trình kiến trúc này. Sau đây là câu chuyện Võ Trọng Nghĩa kể với tôi hôm đó.
... Tôi là con út trong một nhà nông ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - Nghĩa bồi hồi nhớ lại. Ký ức tuổi thơ tôi gắn với quê hương là kỷ niệm về ngôi trường lá, những cơn gió hun người và con nắng cháy sạm da. Tuổi nhỏ trôi qua, ngẫm lại thôi mà vẫn bồi hồi lắm. Nhà đông anh em lại sống bám vào đồng ruộng. Ba về hưu sớm mà anh em ai cũng được đi học.
Trong khi bọn trẻ trong làng cứ học hết cấp I, II là nghỉ thì 7 anh em trong gia đình đều được đi học đến nơi đến chốn. Đó chính là cái vốn quý báu nhất mà mẹ tôi, một bà mẹ suốt đời làm ruộng và người cha, bộ đội chuyển ngành, đã dành cho bầy con. Với tôi, những ngày đến lớp không nhiều bằng tháng ngày ngồi trên lưng bò tập đọc, bẻ nhánh cây vẽ dưới đất học toán, đường đến trường tôi không thường đi bằng lối vào rừng kiếm củi đổi gạo. Cứ như thế hôm nào cũng chập tối mới về đến nhà, loay hoay với hàng loạt công việc không tên của một gia đình đông con đang chờ “thằng út”.
Khi ấy tôi mê toán lắm, mà thời gian nào có nhiều để dành cho việc học, đêm ngủ sớm để sáng mai còn thức dậy ra đồng nhổ mạ nữa. Sợ thật, nhất là khi mùa rét về. Ngôi trường tranh, vách đất nên năm nào cũng sập. Những lần lao động làm lại trường mới cứ khát khao làm sao ngôi trường quê mình đừng bao giờ sập nữa để được đến trường, được làm những bài toán còn dở dang trong giấc ngủ đêm. Ngôi trường ấy - trường cấp I Phú Thủy đến tận bây giờ vẫn in sâu vào ký ức tôi, vùng ký ức ấy đã theo tôi đi từ Việt Namsang Nhật, từ Nhật về Việt Nam …
Ngày lên cấp II, lớn một chút, tôi trở thành một lao động “bình đẳng” với anh chị trong nhà, nghĩa là để có thêm tiền đến trường tôi phải đi bán trứng gà, bán gạo… Tuổi thơ chưa qua hết đã phải trở thành lao động chính trong gia đình. Lại gánh mạ ra đồng, lại đánh xe bò đi kéo củi thuê, những vòng bánh xe cứ lăn đi cùng thời gian cho đến ngày thi đậu vào trường chuyên của tỉnh.
Ba năm học cấp III, tôi ở nhờ nhà một người chị ở Đồng Hới, vừa đi học vừa chăn lợn và nấu rượu kiếm tiền. Lúc không có tiền đi học, phải bán thuốc lá để kiếm đồng lời chắp nối tương lai… Tốt nghiệp trung học, được một người quen thương tình cho bộ đề thi ĐH, tôi đem về ngấu nghiến học, thế rồi thi đậu 3 trường ĐH. Tôi chọn Kiến trúc chứ không phải Xây dựng hay Bách khoa, vì lúc đó tôi chỉ muốn thiết kế và xây được những ngôi trường chẳng bao giờ sập như ngôi trường ngày xưa quê mình thôi.
1999:Giải Vàng thiết kế dự thi của Tập đoàn Suzuki; 2002: Giải thưởng luận án tốt nghiệp xuất sắc khoa Kiến trúc ĐH Công nghiệp Nagoya ; Giải thưởng Hội Kiến trúc sư Nhật Bản vùng Toukai. 2003: Giải thưởng Luận văn đặc biệt của Hội Kiến trúc sư Rotary. 2004: Giải thưởng luận án Thạc sỹ xuất sắc của khoa Xây dựng ĐH Tổng hợp Tokyo (Furuichi Award); Giải đặc biệt cuộc thi Tôn vinh thành phố do Tạp chí Quy hoạch và Công ty Ashui tổ chức nhằm hưởng ứng chương trình “Lễ kỷ niệm các thành phố” do Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) phát động. 2005: Giải thưởng cao quý của Nhật Bản - Tổng trưởng ĐH Tổng hợp Tokyo (Dean of The University of Tokyo Award); 2006:Giải Nhất cuộc thi Quốc tế phương án Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM; Giải Nhất cuộc thi thiết kế Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng. 2007: Giải Nhì giải thưởng Kiến trúc Quốc gia của Hội kiến trúc sư Việt Nam; Giải Nhì giải thưởng kiến trúc Quốc tế ở Mỹ cho các công trình bằng tre; Huy chương Vàng của Hội kiến trúc sư Châu á (Arcasia Awards); Đề cử giải thưởng AR Awards (Giải thưởng lớn nhất và danh giá nhất dành cho những kiến trúc sư trẻ nổi bật trên toàn thế giới). 2008: Giải Bạc Giải thưởng Holcim khu vực châu á - Thái Bình Dương; Giải thưởng Kiến trúc quốc tế IAA (International Architecture Award); Đề cử giải thưởng AR; Giải nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia. 2009: Giải Bạc Holcim Arwards toàn cầu. |
Kết thúc năm học đầu tiên với kết quả ưu, Nghĩa là một trong 2 sinh viên ở trường được Đại sứ quán Nhật Bản nhận hồ sơ thi tuyển lấy học bổng du học toàn phần của Chính phủ Nhật và lọt vào danh sách 24 người được tuyển.
20 tuổi, Võ Trọng Nghĩa khăn gói lên đường, một mình nơi đất lạ quê người theo học ngành Kiến trúc ĐH Công nghiệp Nagoya , mà theo anh cuộc sống khi đó gặp quá nhiều khó khăn.
… Năm đầu tiên, trong khi bạn bè đóng cửa học tiếng Nhật thì tôi... đi “rông”, đến nỗi giảng viên “dọa” nếu cứ như thế sẽ không được cấp visa tiếp. Chuyện là, tôi làm quen với một người bạn Nhật vốn là sinh viên trường ĐH Waseda nổi tiếng, nên tôi cùng anh ta cứ rong ruổi hết thành phố này đến thành phố khác.
Không chỉ được học tiếng Nhật, tôi còn được bạn đưa đi “đúng chỗ, đúng nơi”, qua đó giúp tôi hiểu rộng và sâu về văn hóa, xã hội cũng như con người Nhật Bản - yếu tố quan trọng giúp ích rất nhiều cho việc học của tôi - Vậy đâu là “bí quyết” thành công của anh cho những năm tháng học tập ở Nhật Bản? - Tập trung cao độ vào những kỳ thi hoặc những bước ngoặt quan trọng, sau tôi dành hầu hết thời gian học việc ở các xưởng thiết kế.
Cứ biết được ông thầy nào giỏi là tôi lại tìm cách tới học việc, làm thêm. Ban đầu có ai để ý tới mình đâu, nhưng mình cứ vẽ, cứ... gí vào mắt người ta, bắt người ta xem, rồi hỏi phải sửa chỗ nào cho hoàn chỉnh. Cứ “lì” như vậy, tôi thực hiện hết bản thiết kế này đến bản thiết kế khác, đến khi nào được khen mới thôi!
Những năm tháng trên đất nước Nhật Bản, thành tích học tập Võ Trọng Nghĩa đạt rất cao, giải thưởng nhiều và hầu như giải nào cũng là “người nước ngoài đầu tiên đạt được ở Nhật”. Và, người Nhật sẽ không quên anh với kiến trúc nhà gỗ 5 tầng đầu tiên trên thế giới tại TP Kanazawa, miền Trung đất nước này - Chuyện là, một họa sỹ nổi tiếng muốn thiết kế một gallery với yêu cầu, mang tính truyền thống, độc đáo, mới lạ và chưa từng có bao giờ.
Miền Trung Nhật Bản là nơi có rất nhiều nhà gỗ cổ truyền nên tôi quyết phải thiết kế một ngôi nhà gỗ mà chưa ai làm được. Thời gian ấy liên tiếp gặp khó khăn, có khi tưởng như bỏ cuộc. Gõ cửa văn phòng nghiên cứu kiến trúc gỗ của trường xin giúp đỡ, họ đồng ý, tôi có thêm người “đồng chí”, mừng vì được tiếp sức cho cuộc chạy maraton lần này, thầy giáo lại ủng hộ hết lòng nên tôi vững bước và tin mình hơn.
Luật kiến trúc quy định nhà gỗ chỉ được cao 3 tầng, nhưng với cách tính của mình, Bộ Xây dựng lại ủng hộ làm 5 tầng với một yêu cầu: Căn nhà ấy đảm bảo phải cháy trong vòng 2h liên tục, và tự tắt lửa sau 3h cháy. Khó khăn vì gỗ dùng làm nhà xứ này thường là gỗ cây lá kim, không thể chịu đựng nổi những điều kiện “khó tính” như thế… Cuối cùng, lại có thêm sáng kiến mà theo anh đấy chỉ là “chuyện ngẫu nhiên trong khoa học là chuyện bình thường”.
Đó là phương pháp “ruột bút chì”. Một lõi sắt được lồng bên trong thanh gỗ sẽ giải quyết được vấn đề. Ban đầu nghĩ lồng sắt vào ruột gỗ chỉ là để chịu lực, vây mà khi đốt thử nghiệm lại thấy ruột sắt dẫn nhiệt không làm cháy gỗ, nhưng phần gỗ có sắt lồng bên trong lại không cháy vì nhiệt đã dẫn theo thanh sắt. Ngày đó, nghe tin tôi đem toàn bộ số tiền dành dụm được sau bao năm là hơn 1 tỷ đồng Việt Nam để cùng đồng nghiệp “đốt” cháy ước mơ thực hiện công trình nhà gỗ 5 tầng, người thân quê nhà ai cũng bảo điên.
Quê tôi vẫn còn đó ngôi trường nghèo năm xưa, vẫn ba mẹ già với đông anh chị em. Sau bao lần đắn đo, tôi quyết định… “đốt”. Cũng xót, nhưng hy sinh cho khoa học như vậy chưa là nhiều... Phút cuối, công trình nhà gỗ 5 tầng được duyệt và cấp phép xây dựng. Sau, báo chí Nhật bình luận: “Đây là công trình đầu tiên trên thế giới, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển nhà gỗ trên thế giới những năm tiếp theo”. Tôi không cho mình là người thành công, nhưng tôi tin lời bình ấy sẽ đúng.
…
Bước qua những tháng ngày khó khăn ở đất khách, luôn phải làm việc hết sức mình, để sau 10 năm ròng, Võ Trọng Nghĩa quay trở về quê hương để tiếp tục thực hiện niềm đam mê của mình… Giờ anh ngồi đây ôn lại kỷ niệm với chúng tôi về quê hương anh, về những nẻo đường anh đã qua. Một chàng trai với giọng nói Quảng Bình điển hình lúc bổng lúc trầm, khiêm tốn nói về thành công của mình chỉ có bấy nhiêu thôi mà không thể nói nhiều hơn vì muốn làm được nhiều rồi hãy nói…
Võ Trọng Nghĩa giản dị trong chiếc áo sơ-mi ngắn tay và nụ cười hiền lành, anh độc thân, giàu có và tài năng, anh thừa cơ hội để làm việc và định cư ở nước ngoài nhưng với anh, dường như “những gì dễ thương nhất” một lần nữa lại thuộc về quê hương - Nước, gió là 2 yếu tố chính của những công trình thiết kế của anh (?) - Đúng! Công thức của tôi là “wNw” tức là Wind and Water - Gió và Nước. Sinh ra ở vùng đất Quảng Bình đầy gió và nắng, nóng lắm, nhà tôi lại không có điện. Mỗi lúc ngủ trưa, tôi luôn lật qua lật lại cho bớt nóng nhưng lật đến đâu thì mồ hôi tỏa ra đến đó.
Chỉ có khe cửa - nơi gió lùa vào là mát nhất. Cảm giác của những giấc ngủ trưa hè ngày xưa là khơi nguồn cho những cảm xúc trong tôi. Nước và gió đã đi vào máu thịt từ lúc nào không thể nhớ. Với tuổi thơ tôi, có những lúc 2 thứ đó còn quý hơn cả cơm gạo. Đói có thể ăn thứ này hay thứ khác để bù đắp, nhưng nóng bức thì không thể chịu được. Đó phải chăng minh chứng cho những công trình của anh, mải mê tìm kiếm những giải pháp tối ưu nhất cho các công trình tận dụng nguồn lực thiên nhiên phong phú. Một “Đô thị của gió và ánh sáng”, “Cà phê Gió và Nước”, “Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh”… là những điểm nhấn cho chặng đường đi trong sự nghiệp của chàng kiến trúc sư hào hoa nổi tiếng này.
Tất cả như một cuộc chạy đua và dồn lực cho phút cuối, chạy bằng cả sức lực của chính mình và luôn chạy như thế bằng cả trí tuệ, xương máu từ cái thuở khởi đầu. Nó được chứng minh bằng cái đẹp ở công trình, đẹp từ những gì rất bình dị có tại quê hương như tre, gỗ, gốm, gạch… như sự gắn bó bền chặt, vĩnh cửu của những người con đất Việt, qua bao thăng trầm của tháng năm...