Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 19/07/2010 23:24 (GMT+7)

Người có nhiều cống hiến cho ngành chăn nuôi Gia Lai

Phát triển quy mô và chất lượng đàn gà, heo

Anh Đức tham quan trại heo giống.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp II khoa Chăn nuôi Thú y năm 1983, Lê Minh Đức rời quê ở xứ Bắc đến Gia Lai lập nghiệp. Lúc đó, đàn heo, đàn bò của địa phương còn rất nhỏ bé về tầm vóc. Giống heo nhỏ, nuôi cả năm cũng chỉ được vài ba chục kg một con, đàn gà cũng chưa phát triển.

Năm 1995, Lê Minh Đức làm chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu mô hình nuôi gà công nghiệp tại hộ gia đình ở Pleiku”. Mô hình của đề tài đã nhân rộng ra toàn thành phố, với nhiều trại gà công nghiệp ra đời.

Năm 1998, anh làm Chủ nhiệm Dự án sản suất thử nghiệm cấp Nhà nước: “Lai cải tạo đàn dê địa phương bằng giống dê Bách Thảo tại Gia Lai”. Dự án thành công, đàn đê địa phương được cải tạo bằng cách đưa dê đực Bách Thảo nuôi thả với dê địa phương. Từ đó đến nay, đàn dê địa phương đã có tầm vóc to và đã nhân rộng ra toàn tỉnh.

Năm 1999, với đề tài nghiên cứu cấp tỉnh: “Nuôi thử nghiệm heo thịt có tỷ lệ nạc cao”, anh đã mạnh dạn đưa heo ngoại giống Landrace thuần chủng về nuôi tại Pleiku. Sau 2 năm lăn lộn đi mua con giống, làm chuồng trại theo hướng hiện đại và nuôi thử thành công, heo hướng nạc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nuôi heo địa phương về phẩm chất thịt và năng suất, là căn cứ để UBND tỉnh có chủ trương phát triển heo thịt theo hướng hiện đại.

Năm 2000, anh đã thực hiện đề tải “Khảo sát thực trạng đàn heo nái tại khu vực Pleiku, từ đó đề xuất các biện pháp nâng cao năng suất sinh sản trong chăn nuôi”. Đề tài đã xây dựng được quy trình kỹ thuật chăn nuôi, truyền giống nhân tạo heo. Đa số các hộ dân trên địa bàn đã áp dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất, chuyển hướng sang chăn nuôi heo lai (F1,F2), heo nái ngoại để thu được hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đưa cừu lên phố núi

Nhận thấy ở Phan Rang (Ninh Thuận) có giống cừu phát triển trên điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt hơn ở Gia Lai nhiều, Lê Minh Đức đã nghiên cứu đề tài: “Đánh giá khả năng thích nghi của giống cừu Phan Rang nuôi tại Gai Lai”. Anh lặn lội đến Ninh Thuận mua cừu giống về nuôi thử nghiệm tại Krông Pa và Pleiku. Cừu Phan Rang thích nghi trên đất Gia Lai, sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay đàn cừu với khoảng 300 con đã phát triển rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Từ những kết quả của các đề tài, dự án, anh cùng các đồng nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi heo, gà, dê, cừu, chế biến thức ăn cho gia súc. Nhân dân thường trầm trồ khen anh. Họ hay gọi con vật nuôi của mình là heo ông Đức, cừu ông Đức..., những cái tên hàm chứa lòng biết ơn công lao của anh đã giúp cho người chăn nuôi thu được nhiều lợi nhuận, góp phần cải thiện đời sống. Nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu từ nghề chăn nuôi.

Trung tâm giống gia súc do anh làm Giám đốc hiện nay có hai cơ ngơi: Trạm truyền giống gia súc hiện đại với diện tích 1.890 m 2, hơn 600 con giống các loại, có phòng thí nghiệm, đáp ứng nhu cầu thụ tinh nhân tạo cho gia súc trên địa bàn Pleiku và vùng lân cận; Trại giống bò, có tổng đàn 1.148 con, diện tích đồng cỏ 188 ha, diện tích đất chuồng trại, văn phòng 14.140 m 2...

Đối với anh Đức làm chăn nuôi có cái thú riêng. Mỗi buổi chiều xong việc ngắm nhìn đàn heo to khoẻ, đi lại núc ních thịt, những đàn heo con bú mẹ như những đứa trẻ dễ thương, anh cảm thấy thật hạnh phúc, mọi mệt nhọc đều xua tan hết. Với anh, những đàn heo, đàn bò, dê, cừu phát triển nhanh cho nhiều lợi nhuận và sự tin yêu của bà con nông dân chính là phần thưởng lớn nhất, cao quý nhất.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.