Người có hai sáng kiến đoạt giải
Sáng kiến đoạt giải Ba là “ Cải tiến dùng máng trượt mủ máy cán cắt cao su”. Trong quá trình chế biến, thường xảy ra hiện tượng: Mủ tờ từ băng tải số 4 chuyển vào máy cắt thường bị tắc nghẽn, hoặc dồn cục ngay ở miệng máy, có khi trượt qua miệng máy gác lên nắp bảo hiểm cuả máy. Đặc biệt khi gặp mủ đánh đông hơi chai cứng vì do mủ lưu hoá trong mương máng thời gian kéo dài. Anh Lợi tính toán, cứ bình quân 1 giờ máy chạy lại bị ùn tắc một lần khoảng 4 phút. Mỗi ngày hai ca sản xuất ùn tắc mất 64 phút (lúc này máy chạy không tải). Mặt khác, công nhân vận hành máy, mỗi lần máy bị ùn tắc mủ không cắt được lại phải leo lên máy để dùng tay kéo tở mủ đưa vào máy cán cắt rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn lao động.
Từ thực tế trên, anh Lợi đã nghiên cứu và đề xuất với đơn vị cho lắp them bộ phận máng trượt, dùng lực lực nước đẩy tờ mủ vào miệng lưỡi dao máy cán cắt. Anh đã lắp máng trượt với độ nghiêng 45 độ chắn trước cửa miệng máy cán cắt và trục phối liệu, đồng thời dùng ống nước có khoan hàng lỗ để phun nước đặt chính diện ngay phương thẳng đứng của miệng dao và trục cấp liệu của máy cán cắt cùng chiều với tờ mủ đi vào lưỡi dao.
Anh Lợi cho biết, máy chạy liên tục, nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn trong lao động. Chỉ riêng việc khắc phục hạn chế máy chạy không tải, giải pháp của anh đã giúp tránh tổn thất 237kw/h mỗi năm, ước trên 106 triệu đồng.
Sáng kiến: “ Sử dụng bơm nước hồi lưu trong chế biến cao su” đoạt giải Khuyến khích vì vừa góp phần tiết kiệm nước, vừa đảm bảo chất lượng mủ do sử dụng lại nước ở công đoạn đánh đông bơm hồi lưu.
Việc bơm nước hồi lưu, nói ra thì việc bình thường, nhưng nếu sử dụng máy bơm bán ngoài thị trường không phù hợp với nước đã sử dụng khi đã chế biến mù cao su vì nước có chất axit và các chất thải rắn, chất thải có độ dẻo cao như miếng mù dây, các chất sêrum do các hạt mủ cao su chưa đông tụ hoàn toàn gây tắc bơm. Anh Lợi có sáng kiến làm mới lại máy bơm bằng cách: Phần cánh, buồng, trục bơm được anh làm bằng inox (tận dụng vật liệu sẵn có trong Nhà máy rồi thuê gia công theo tính toán). Máy bơm của anh có động cơ với công suất 2hp, vòng tua 1450v/p. Đầu bơm được nối với động cơ qua khớp nối và trục cánh bơm. Riêng buồng và cánh bơm anh thiết kế vừa bơm được nước, vừa xé được các mảnh mủ vụn và sêrum.
Sáng kiến này đã giúp Nhà máy tiết kiệm 66% lượng nước cần dung trong chế biến (cứ 5 mương nước, tận thu được 4 mương), làm ra một tấn sản phẩm tiết kiệm được 5 mét khối nước. Mỗi năm Nhà máy sản xuất 9.000 tấn quy ra tiền thì tiết kiệm được khoảng 180 triệu đồng, ngoài ra còn giảm được lượng nước thải nên giảm chi phí xử lý nước thải.