Người bắt đất sỏi "đẻ" ra vàng
Ông Nuôi đón chúng tôi rất hồ hởi, tôi chợt nhận ra đây chính là người đã gặp tại Hội nghị biểu dương phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2005-2008 của tỉnh khi ông lên nhận bằng khen. Bên chén trà xanh thơm lừng, ông kể: “Trước năm 2001, vùng đất gò Tân An này rất hoang vu. Khi Nhà nước mở đường và thành lập Khu tái định cư Tân An mới có 20 gia đình ở hai xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) đến lập nghiệp, trong đó có vợ chồng tôi. Vừa ở được một thời gian ngắn đã có đến 50% số gia đình quay về chỗ cũ vì điều kiện sinh sống ở đây rất khó khăn. Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định bám đất, lập trang trại, xây dựng cuộc sống mới”. Năm 2002, ông vào tận Đồng Nai mua 1.250 cây quýt Thái, với giá 10.000 đồng/cây giống đem về trồng trên diện tích 3,4ha. “Thấy vợ chồng tôi trồng quýt, mọi người xung quanh đều cười bảo: Vợ chồng thằng Trương Nuôi điên quá, đất sỏi đá, thiếu nước thế này mà đem cây ăn quả đến trồng”.
Nhưng đất không phụ công người, sau hơn 3 năm chăm sóc, lứa quýt Thái đầu tiên đã cho thu hoạch. Tuy năng suất không cao, trái thưa nhưng đã khơi dậy trong ông niềm tin về hướng phát triển kinh tế mới và ông quyết tâm làm giàu bằng phát triển kinh tế trang trại. Từ năm thứ 4 trở đi, quýt Thái cho năng suất bình quân 20 kg quả/cây, với giá bán 15.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Trao đổi về kỹ thuật trồng, quýt, ông cho biết: “Mỗi năm tôi bón phân cho quýt 2 lần, lần 1 vào tháng 2-3 (2kg Humik + 1kg NPK 16-16-8/gốc); lần 2 vào tháng 10- 11 (0,5kg NPK 16-16-8 + 0,1kg lân Lâm Thao/gốc). Khi cây chuẩn bị thu hoạch, bổ sung thêm 2 đợt. Đợt 1 trước khi thu hoạch khoảng 30 ngày (0,5kg NPK 16-16-8 + 1kg Humik/gốc), đợt 2 trước khi thu hoạch 15 ngày (0,5kg urê + 0,5kg kali/gốc). Giai đoạn cây con, 1-2 ngày tưới nước 1 lần, cây trưởng thành 3-7 ngày tưới nước 1 lần, tuỳ theo thời tiết”. ông cho biết thêm, đối tượng gây hại nguy hiểm nhất đối với quýt là ruồi vàng (ong đục quả), có thể sử dụng thuốc diệt ruồi trộn với rỉ đường để phòng trị. Sau khi thu hoạch, ông thường tiến hành cắt tỉa, tạo tán, bón phân.
Ngoài ra, ông còn đưa vào trồng xen trong vườn quýt 6.000 cây sao đen và 4.000 cây lim xanh, xung quanh vườn trồng gần 2.000 cây mây nếp, đó là chưa kể 12ha keo lai đã được 1-3 năm tuổi.
Mới đây, ông đầu tư trên 200 triệu đồng mua 9 con heo rừng lai bố mẹ và một số heo con. Đàn heo phát triển tốt và đã sinh sản, nâng tổng số heo rừng lai của ông lên 44 con. Không dừng lại ở đó, ông Nuôi còn đào 1 ao, lót bạt để nuôi cá trong thời gian tới.
Nhờ năng động, không cam chịu đói nghèo, gia đình ông Nuôi đã vươn lên làm giàu chính đáng, xây được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình ông Nuôi đã được nhiều chi hội, đoàn thể trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập.