Người 20 năm bảo vệ Cụ Rùa
Là người Việt Nam, ai cũng biết đến truyền thuyết vua Lê Lợi trả lại gươm báu cho rùa thần ở Hồ Gươm. Rùa Hồ Gươm (dân ta yêu mến gọi là Cụ Rùa) không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh, thể hiện bề dày lịch sử của ngàn năm Thăng Long mà còn là loại động vật quý hiếm. Thế nhưng, cho đến nay, mới chỉ có một người nghiên cứu về Rùa Hồ Gươm là PGS. Hà Đình Đức.
PGS.TS Hà Đình Đức sinh ngày 23/3/1940 tại xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1987, ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ với đề tài: “Hình thái và Giải phẫu một số loài động vật có xương sống ở Việt Nam ”. Năm 1988, nhận bằng tốt nghiệp khoá huấn luyện về: “Bảo vệ và Quản lý động vật hoang dã” do Viện Smithsonian của Mỹ và Cơ quan Vườn Quốc gia Malaysia tổ chức. Năm 1991, ông được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư.
Từ năm 1963 đến nay, ông giảng dạy tại Khoa Sinh học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên). Ông là thành viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, là thành viên quốc tế Bảo vệ động vật thực vật quý hiếm. Ông nghiên cứu về Rùa Hồ Gươm từ năm 1991 và đã có 6 công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về Hồ Gươm.
Ông cũng là tác giả của tờ trình xây dựng Tháp “Hà Nội Km 0” tại khu vực Hồ Gươm... Với những thành tích này, năm 2009, ông được đề cử giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” (cùng với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và nhà văn Băng Sơn).
Đưa tay chỉ ra mặt Hồ Gươm, PGS. Hà Đình Đức lo lắng nói: “Tháng 8 vừa rồi Cụ Rùa bị dính lưỡi câu chùm. Có tay câu đêm còn khoe câu được cả Cụ Rùa và lôi vào bờ. Sự an nguy của Cụ Rùa bị đe dọa bất cứ lúc nào bởi nạn câu đêm ngày một tăng nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra bảo vệ. Cụ Rùa cũng chưa có tên trong Sách Đỏ mà vẫn đang “ngoài vòng pháp luật”. Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mời tôi lên hỏi ý kiến về tiêu hủy rùa tai đỏ, tôi cũng đã đề nghị Bộ trưởng cần đưa Rùa Hồ Gươm vào Sách Đỏ”.
Nói chuyện về rùa, “Nhà rùa học”, “Giáo sư rùa” Hà Đình Đức (như người ta vẫn thân mật gọi ông) hầu như không bao giờ biết mệt, cứ say sưa hết chuyện nọ sang chuyện kia. Trong chiếc túi cũ kỹ ông mang theo bên mình, luôn luôn có chiếc máy ảnh và một tập ảnh Rùa Hồ Gươm cùng các văn bản liên quan đến bảo vệ rùa. Và như một người thuyết giáo, trong câu chuyện bao giờ PGS cũng nhắc đi nhắc lại rằng Chính phủ cần ra một Nghị định đặc biệt để bảo vệ Cụ Rùa với các quy định xử phạt nghiêm. Quy định bảo vệ động vật quý hiếm đã được chỉnh sửa nhiều lần nhưng Rùa Hồ Gươm vẫn chưa được đưa vào Sách Đỏ. Trong khi đó, đây là loại rùa cực kỳ quý hiếm, trên thế giới hiện chỉ còn 4 cá thể và đây là loài được liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. “Không có biện pháp bảo vệ sớm, rất có thể nay mai Cụ Rùa sẽ chỉ còn là huyền thoại”, PGS buồn rầu.
Lo lắng cho số phận Cụ Rùa, suốt gần 20 năm nay, ngày nào “Giáo sư rùa” cũng lọ mọ ra Hồ Gươm để nghe ngóng. Ông đã viết hàng trăm bài báo về Rùa Hồ Gươm, có sáu công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về Hồ Gươm, có bộ sưu tập ảnh khổng lồ về Rùa Hồ Gươm, với số lượng lên tới hàng nghìn chiếc... Ông cũng là người đã chứng minh được với thế giới rằng, Rùa Hồ Gươm có tên quốc tế là Rafetus Leloi (rùa Lê Lợi). Có lẽ, sẽ chẳng có ai làm được điều này nếu không có một tình yêu với Hà Nội, với Hồ Gươm da diết.
Dù chuyên ngành nghiên cứu của ông không hề liên quan tới rùa, nhưng chỉ sau lần đầu tiên nhìn thấy Cụ Rùa, Rùa Hồ Gươm đã gắn bó với PGS. Hà Đình Đức như một duyên nợ. Lần giở những tài liệu được chất cao như núi trong căn nhà nhỏ ở Kim Ngưu (Hà Nội), PGS. kể lại: “Lần đầu tiên tôi trông thấy Cụ Rùa bằng xương bằng thịt là ngày 15/3/1991. Như một điềm báo, sau đó, tôi được mời tham gia dự án “Khai thác Hồ Gươm và bảo vệ đàn rùa quý”. Cuộc đời tôi gắn với Cụ Rùa từ đấy”.
Gần 20 năm đã trôi qua, Ông Đức cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần ông viết thư, gọi điện, viết đơn cho các cơ quan chức năng trình báo, kêu cứu cho Cụ Rùa. Lúc thì Cụ Rùa bị ốm, lúc bị vướng vào cành cây, lúc bị lưỡi câu móc vào, lúc bị thương do cọc tre... Những việc làm của ông bị nhiều người cho là “nhiều chuyện, rỗi hơi, thổi tù và hàng tổng”. Mặc kệ, ông vẫn miệt mài với việc đấu tranh bảo vệ sự an nguy cho Cụ Rùa, thậm chí đấu tranh với cả cơ quan chức năng. Mấy năm trước, Hà Nội có dự án cải tạo, nạo vét lòng hồ bằng thiết bị cơ giới, dự án thả hoa súng, hoa sen vào Hồ Gươm, dự án xây dựng nhà vệ sinh ngầm ven hồ... Vừa nghe các dự án này, ông đã lập tức đăng đàn phản đối, vác đơn lên tận Chính phủ để “kêu” hộ Cụ Rùa. Nỗi lo lắng về môi trường sống của Cụ Rùa bị xáo trộn, dẫn đến nguy cơ bị diệt chủng, thậm chí ông cũng đã đưa ra ý tưởng xây dựng bãi nghỉ ngơi và sinh sản cho loài Rùa Hồ Gươm trên Gò Rùa ở giữa hồ Hoàn Kiếm.
Đóng góp nhiều cho Hà Nội là vậy nhưng PGS. Hà Đình Đức không đòi hỏi gì. Ông kể, nhiều bạn bè đã cười mà hỏi: “Ông không được vinh danh “công dân Thủ đô ưu tú à?”, nhưng với ông, danh hiệu không có ý nghĩa bằng việc ông đã góp một phần vào việc bảo vệ Rùa Hồ Gươm- hồn cốt Thăng Long. Cũng có người nhầm tưởng, bao nhiêu năm nay ông bỏ tiền, bỏ công sức nghiên cứu, bảo vệ Cụ Rùa thì chắc là được các cấp rót tiền về nhiều lắm nhưng ông chỉ cười. Hiện tại, dù đang là chủ nhiệm dự án “Phục hồi và ổn định bền vững Hồ Gươm” nhưng một văn phòng nhỏ đến nay đối với ông vẫn chưa có. “Văn phòng của tôi là ở nhà và đi lang thang khắp Hà Nội”, PGS cười hóm hỉnh. Dù không tiền, không văn phòng nhưng ông vẫn dốc hết tâm huyết vào sự nghiệp bảo vệ rùa của mình. Dường như, ông đã tự đặt cho mình nhiệm vụ là người lính già bảo vệ Rùa Hồ Gươm.