Ngừa trị sâu tơ rau họ cải
Trong thập niên 1950, nông dân làm vườn ở Đà Lạt, Liên Khương, Tùng Nghĩa, Lạc Lâm khi thấy thuốc DDT, rồi sau đó HCH, Lindan không còn hiệu quả thì chuyển qua thuốc Malathion, Diazinon, Dibrom (Cibro 50) v.v... thuộc hữu cơ-lân rồi đến nhóm carbamat như Sevin, nhóm pyrethroid như Baythroid, Sherpa, nhóm thio-carbamat như Padan (Cartap). Thế nhưng hiệu quả của thuốc mỗi ngày một bớt dần. Phản ứng của bà con nông dân là tăng thêm nồng độ thuốc hay phun thuốc nhiều lần hơn. Hậu quả lại càng tai hại hơn nữa vì lẽ sâu tơ không những sinh trưởng quanh năm mà còn có thể tá túc phá hại nhiều loại cây khác ngoài loài cây họ cải. Do có các dòng, nòi sâu kháng thuốc càng phát triển mau chóng hơn trước. Việc sử dụng thuốc một cách thiếu suy xét như vậy lại làm cho những sâu trước đây ít phá hại trở nên trầm trọng như sâu ăn tạp (sâu khoang, sâu ổ Spodoptera littoralis), sâu ăn nõn Hellula undalisv.v... vì các thiên địch của các loại sâu này cũng bị thuốc phun giết luôn.
Hiện nay, biện pháp ngừa trị tổng hợp sâu tơ chú trọng đến các biện pháp sau đây:
1- Giống kháng
Vào khoảng thập niên 1980, ở Đại học Cornell (Mỹ) có tìm ra một giống cải bắp lá xanh đậm và láng Pl 234599 rất kháng các loài sâu bướm và đã sử dụng giống này để lai giống tuyển lựa ra nhiều giống cải bắp và cải bông kháng sâu bướm. Một số dòng kháng sâu được Trung tâm quốc tế rau cải AVDRC (Đài Loan) du nhập để truyền gen kháng sang các giống cải bắc thảo và cải bông. Tuy nhiên, các dòng kháng như dòng cải bắc thảo NYIR 116, dòng cải bắp kháng có lá xanh đậm và láng, cải bông lại vàng vàng chưa đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy vậy, các dòng cải Cornell cũng quan trọng để tiếp tục tạo ra các giống cải kháng những năm tới.
2- Kỹ thuật trồng trọt
a- Sửa đổi cách tưới vườn cải
Trung tâm rau đậu quốc tế nhận thấy rằng mưa nhiều thì sâu tơ ít phá hại hơn. Và trung tâm đã thay các vòi tưới mưa phùn, tưới vào lúc chạng vạng tối (sau hoàng hôn), vì nghiên cứu thấy sâu tơ cặp đôi nhiều để đẻ trứng vào lúc hoàng hôn. Tưới lúc này thì bướm sâu ít hoạt động hẳn đi. Còn tưới thấm hay tưới nhỏ giọt (drip irrigation), nhộng và sâu nhiều hơn là tưới mưa phùn. Dùng bẫy có tẩm chất hút dẫn có dục tính (sex attractants, sex pheromones) thì cũng thấy sâu bướm tơ đực ít hoạt động khi tưới mưa phùn vào lúc chạng vạng tối hơn là tưới nhỏ giọt. Như vậy, cách tưới bằng vòi hoa sen vào lúc sắp tối của nhà vườn cũng có thể làm giảm bớt sâu tơ phần nào.
b- Trồng xen kẽ giữa hàngcải các cây khác họ cải như hành, tỏi, cà chua, đậu phụng, đậu xanh v.v...thì sâu tơ tăng giảm bất thường. Nhưng lề lối đa canh, nhất là khi trồng các loài cây hòa bản hay mễ cốc như lúa cạn, lúa miến, bắp thì làm giảm mức độ phá hoại của mọi loài sâu kể cả sâu tơ.
3- Biện pháp dùng virus hình viên (đơn góc)
Năm 1983, Trung tâm rau đậu quốc tế đã định danh được một loại virus viên (granulosis virus) bằng kính hiển vi điện tử và đã nuôi thêm virus ở cải bắp. Sau khi pha, xịt virus thì lại lượm xác sâu chết để nghiền, chế thuốc nước chứa virus. Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng mức giết sâu của virus giảm dần từ 90% xuống số không, khi nhiệt độ khí trời tăng dần từ 20 độ lên 40 độ. Cho ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào các đĩa nuôi sâu thì số sâu bị virus giết chỉ còn 10% thay vì toàn thể sâu bị giết.
Để ánh nắng mặt trời ít giết virus hơn, người ta pha trộn thêm vào nước có virus mực in, bột than hay meo nấm. Mực đỏ thì lại hay giết cây cải.
Tuy nhiên, virus không lan tràn thành dịch giết sâu cho nên phải xịt nước thuốc virus mỗi tuần một lần mới có hiệu quả. Virus thường không giết 100% sâu nên phải áp dụng chung với các biện pháp khác. Các loại thuốc virus đa góc (polyhedra) cũng có thể rất hữu hiệu và đã được áp dụng để trị sâu bướm phá hại trái bông vải ở Phan Rang.
4- Dùng vi khuẩn BT
Sau thế chiến thứ hai, ở Âu châu, Nga, Mỹ các dòng vi khuẩn BT ( Bacillus thuringiensis) được nghiên cứu nhiều để giết sâu. Ở ViệtNam, vào cuối thập niên 1960 cũng đã nhập thuốc chứa BT gọi là Thuricide. Đến thập niên 1970, một dòng BT mới là HD1, hữu hiệu hơn được tung ra thị trường. Trước năm 1977, các dòng BT chỉ giết được sâu bướm mà thôi, nhưng sau đó khám phá ra các dòng BT giết được các loài hai cánh (diptera) như ruồi, muỗi. Năm 1983 lại tìm ra được các dòng BT giết được sùng của loài cánh cứng (Colcoptera). Chính các protein tinh thể (protein crystal) ở bao tử BT mới giết sâu. Năm 1990, người ta quy định được 17 gen (di tử) quy luật (coding) việc tế bào sản xuất ra các tinh thể này. Gen của tinh thể HD1 trong thuốc Thuricide gọi là gen Cry I A (a). Các tinh thể được xếp thành 4 nhóm.
- Nhóm Cry I giết được sâu bướm. Ở nhóm này các Cry I (a), Cry I (b) và Cry I (c) tương tự nhau. Hai tinh thể Cry I đã được Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI ở Philippines cộng tác với Công ty Nhật Bản Mitsubishi theo công nghệ di truyền để tạo ra các giống lúa chứa tinh thể BT có thể giết sâu nách (sâu đục thân) màu vàng, phá hại lúa mà không phải xịt thuốc.
- Nhóm Cry II trước đây gọi là nhóm protein P2 giết được các loài sâu hai cánh hay các loài sâu bướm (Cry II A) hay chỉ giết được các loài sâu bướm mà thôi (Cry II B).
- Nhóm Cry AIV chỉ giết được loài hai cánh.
- Nhóm Cry III (A, B, C) giết được sùng của loài cánh cứng.
Hiện nay nhiều khảo cứu đang cố gắng tìm thêm những gen tổng hợp, quy luật sản xuất các tinh thể với độc tính lớn trên sâu hay giết được các loài sâu khác loài với ba loài trên.
Trung tâm rau đậu quốc tế mấy năm trước đã du nhập để thử 13 dòng BT như dòng ABG, ABG 6162, Bactospeine, Bag A-bus, Biotrol, Dipel, Dipel X, H3a3b, H7, San 415, Thuricid, Toarov. Mức độ giết sâu thay đổi rất nhiều. Hễ nhiệt độ càng thấp thì BT lại càng giết nhiều sâu hơn.
Cũng như virus, BT không gây ra dịch nên phải xịt BT làm nhiều lần.
Một dòng vi khuẩn BT có thể chứa nhiều protein tinh thể khác nhau. Tuy nhiên, người ta cũng đã phát hiện ra rằng sau nhiều đời, sẽ có những dòng, nòi sâu kháng BT. Tỷ như nếu dùng thuốc chứa tinh thể Cry IA(c) liên tiếp để trị sâu đục trái cà chua Heliothis virensthì sau 7 đời, sâu trở nên kháng thuốc BT. Tuy nhiên sâu kháng một tinh thể nào đó không đương nhiên là kháng các tinh thể khác. Mức kháng của một dòng sâu tùy thuộc độ tiếp nhận (receptors) các protein tinh thể của biểu bì giữa bụng sâu (mid-gut epithelium cells).
5- Biện pháp sinh học dùng ong ký sinh
Ong Diadegma semiclausumđã được nghiên cứu rành rẽ ở Cao nguyên hai đảo Java vàSumatracủaIndonesiađể chặn đứng sự lan tràn của sâu tơ. Trung tâm đã du nhập và nuôi loại ong Diadegmanày. Thí nghiệm cho biết một tháng sau khi thả sâu, sâu chỉ ký sinh 1,3% tổng số sâu tơ mà thôi, nhưng khi thu hoạch vườn cải thì mức độ ký sinh lên đến 65%. Sau đó Trung tâm lại nuôi thêm hai loài ong khác là ong Cotesia plutellaeký sinh sâu và loài ong Diadromus collariský sinh nhộng sâu tơ ởMalaysia. Loại ký sinh nhộng dễ nuôi hơn là loại ký sinh sâu. Các loài ong Diadegma semiclausum, Cotesia plutellae,Diadromus collarissau khi thả ra ở vườn cải thì tồn tại lâu năm nên khỏi phải nuôi để thả lại hàng năm. Trước khi dùng biện pháp thả ong, nhà vườn cải ở Đài Loan phải pha trộn 7 đến 9 loại thuốc khác nhau để xịt và phải xịt thuốc 5 hay 6 ngày một lần để ngừa trị sâu tơ. Nhưng thả ong thì chỉ dùng có một loại thuốc BT mà thôi và chỉ xịt 9 hay 10 ngày một lần để ngừa trị. Năng suất lại cao hơn. Tuy nhiên muốn các loài ong sống thì phải chấm dứt việc xịt thuốc hóa học đã quen dùng từ hơn 30 năm nay. Đây là một khía cạnh giáo dục khuyến nông. Vi khuẩn BT không giết ong mà chỉ giết các loài sâu bướm như sâu do Trichoplusia ni, sâu bướm trắng Pieris rapae, và các sâu ăn tạp như sâu keo Spodoptera littoralis.
6- Các thuốc biệt tính (có chọn lọc cao)
Mới đây có hai loại thuốc nguồn gốc điều hoà sinh trưởng (growth regulators) IGR thuộc nhóm ureabenzoyl là Chlorfluozuron và Teflubenzuron được du nhập ở Đài Loan và một vài xứ ĐôngNamá để giết sâu tơ và các loài sâu bướm.
Trên thế giới ngày nay các thuốc căn bản là chất điều hoà sinh trưởng IGR được phổ biến gồm nhóm thảo hạch đồng tử(JH, juvenile phyto-hormone) hay thảo hạch chống đồng tử(anti-juvenile hormone) và các chất hút dẫn có dục tính (sex pheromone).
Các hạch đồng tử luôn luôn có ở sâu con (ấu trùng) hay sâu đã trưởng thành (thành trùng), nhưng đã biến mất đi một thời gian ngắn khi sâu chuyển từ tình trạng ấu trùng sang thành trùng. Trong thời kỳ này nếu sâu đụng phải thuốc thảo hạch đồng tử thì sâu không lớn nữa hay chết đi... Năm 1968, Bowers đã tìm ra thảo hạch đồng tử trên cây mè Sesamum indicumlà chất Sesamolin. Và sau đó các chất tương tự (analogs) nhưng hữu hiệu hơn Sesamolin được tổng hợp. Năm 1980 lại khám phá ra một thảo hạch đồng tử khác là juvomicen trên cây húng quế (Ocimum basilicum) và một số tương tự thảo hạch đồng tử đời hai được tổng hợp tỉ như Fenoxycab và Sumilarv. Nhưng các thảo hạch đồng tử khó áp dụng vì lẽ nhiều sâu đã phá hại cây trước giai đoạn sâu trưởng thành. Vì thế người ta cố gắng tìm cho ra các thảo hạch kháng đồng tử (anti JH). Năm 1976 đã khám phá ra thảo hạch kháng đồng tử Prococene ở cây Ageratum houstonianumvà thảo hạch kháng đồng tử Polyacetylenic sulfoxide từ cây cúc Chrysanthemum coronarium. Nhưng cho đến ngày hôm nay, chưa có chất nào được thương mại hoá.
Còn chất hút dẫn có dục tính (sex pheromone) thì đã được nghiên cứu hơn 30 năm nay. Khởi đầu bằng chất hút dẫn có dục tính của con bướm (con ngài) dâu tằm năm 1959 và sau đó các chất khác được khảo cứu nhiều nhờ phương pháp đo lường phát điện của râu bướm tằm (electroantennegram). Tuy nhiên mãi đến đầu thập niên 1980 mới khám phá ra các thảo hạch hút dẫn có dục tính ở cây thuộc họ thơm ổi ( Verbena) và họ tùng bách ( Spruce oil).
Các loại thuốc IGR cũng như các loại thuốc BT đều không giết ong ký sinh. Dùng các loại thuốc này thì ong ký sinh sinh sôi nảy nở nhiều. Vì vậy có thể giảm dần việc xịt thuốc IGR, ba tuần một lần thay vì mỗi tuần .
Nguồn:Phụ san khoa học phổ thông, số 234, 1994