Ngôi nhà cho vùng bão
Kết quả là với sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, đóng góp của nhiều tấm lòng hảo tâm, cậu bé đã được bước tiếp trên con đường học vấn của mình. Cậu bé mồ côi đó giờ đã trưởng thành. Công trình mô hình 'nhà chống bão' cho người dân miền trung được giới khoa học đánh giá cao vì khả năng ứng dụng thực tiễn, cũng như sự tri ân của sinh viên Phan Văn Sinh với miền quê nghèo...
Tâm nguyện vì miền trung
Anh sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng dân dụng, Trường ÐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh kể, ở miền trung, việc xây dựng nhà ở của bà con có rất nhiều khiếm khuyết. Hầu hết bà con đều thuê thợ hồ làm thợ chính, lao động của gia đình, chòm xóm làm thợ phụ. Nguyên vật liệu như gỗ, tre thì có chuẩn bị trước còn gạch, xi-măng... thì tự mua sắm. Nhà ở nông thôn xây không phép, không quy hoạch và thiết kế lại càng không. Người ta cứ 'canh' khả năng tiền bạc và nhu cầu mà 'định trong đầu' một ngôi nhà 'như thế này như thế kia' và cứ theo thói quen mà làm. Chính những khiếm khuyết này làm cho thiệt hại về bão lũ thêm trầm trọng.
Công trình khoa học 'Giải pháp xây dựng và bảo vệ công trình nhà ở nông thôn vùng bão miền trung Việt Nam ' của Phan Văn Sinh bắt đầu từ thực tế đó. Khắc phục những điểm yếu của các nhà ở tại vùng gió bão với những biện pháp dễ làm, với nguyên vật liệu tại chỗ, Sinh đề xuất xây nhà tập trung và so le nhau dựa vào địa hình khu vực để cản gió. Mỗi căn nhà xây thêm một phòng bằng bê-tông cốt thép kiên cố đủ sinh hoạt trong vài ngày bão hoành hành. Ðối với những căn nhà trụ trên vùng đất yếu ven biển thì móng phải sâu 1,5 - 2 m. Sinh bảo: 'Với các kiến trúc sư tên tuổi đã vào nghề lâu, có nhiều kinh nghiệm thì những biện pháp mà tôi đưa ra có lẽ là bình thường. Tuy nhiên, tôi vẫn chọn đề tài này như một bài tìm hiểu, và mong đề tài nhà chống bão sẽ được sự quan tâm nghiên cứu đầy đủ của những kiến trúc sư nhiều kinh nghiệm để giúp cho bà con vùng bão'.
Theo thiết kế, 'nhà chống bão' có nguyên liệu chủ đạo làm các kết cấu chịu lực là gỗ. Ðể tăng độ bền và chống côn trùng xâm hại, gỗ phải được ngâm nước trong thời gian hai năm hoặc phải qua xử lý hóa chất. Ở mô hình ngôi nhà của Sinh, phần móng vốn đòi hỏi phải có tính kiên cố thường bắt buộc phải chọn gạch đá, bê-tông cốt thép, nhưng tác giả không chọn vì có chi phí cao. Tùy khả năng kinh tế, người dân có thể chọn nguồn vật liệu khác nhau: móng đá chẻ (chiều rộng móng tối thiểu 0,4 m), gạch đất sét nung (xây bằng vữa tam hợp hoặc xi-măng - cát), móng trụ tre, luồng, gỗ... Phần cấu trúc mái nhà, tác giả không chọn những cấu trúc có hình dáng phức tạp. Qua nghiên cứu, Sinh nhận thấy mái dạng cong là tốt nhất, áp lực giữ mái lớn, không tạo ra vùng quẩn gió. Trong khi những dạng mái nhà có hình dáng phức tạp sẽ tạo dòng rối cục bộ hoặc hút gió. Mái hiên phải tách rời với mái chính của nhà, tránh sự thò dài của mái trong vùng áp lực gió. Tốt nhất thiết kế dạng mái hiên có thể linh động sập xuống khi có bão và được liên kết chặt vào công trình tránh dao động. Ðiều đặc biệt là phần mái nhà được làm bằng rơm rạ trộn với bùn. Ðây là những nguyên liệu rẻ nhất nhưng hiệu quả không nhỏ. Phan Văn Sinh chia sẻ: 'Nhìn từ thực tế, nhà ở nông thôn thường sử dụng mái với hệ thống vì kèo, xà gồ bằng gỗ, mái lợp bằng tôn hoặc ngói. Tuy nhiên đối với mái tôn, lực tốc mái khi có gió bão có thể đạt đến 60-70kg/m2 do trọng lượng mái chỉ 6-10kg/m2, còn mái ngói là 40-45kg/m2, thế nên mình chọn rơm rạ trộn lẫn với bùn, đắp dày trên sàn tre hoặc gỗ. Lớp đất dày có tác dụng tăng trọng lượng riêng của vật liệu làm mái, thắng được áp lực gió tốc mái. Còn lớp che mưa, nên đan từ các nan tre thành phên, cót ép vào nhau thành lưới ô vuông đặt trên mái. Cái hay là lớp này có thể được thay thế thường xuyên qua mỗi mùa gặt'.
Ðể giúp ngôi nhà vững vàng hơn, theo tác giả, kích thước nhà phải hợp lý, tránh nhà mảnh và dài. Ðơn giản nhất là mặt bằng hình chữ nhật có chiều dài bé hơn ba lần chiều rộng. Nguyên tắc này nhằm giảm áp lực gió khi lên cao. Ðể tránh hứng túi gió hoặc luồng xoáy nguy hiểm, không nên xây nhà cao quá 10 m. Ðặc biệt, cần chú trọng gia cường khung sườn bằng giằng đứng, giằng ngang trong thân tường để bảo đảm thân tường ổn định, chống lực xô ngang và lực rung. Giằng xiên gia cố thêm tại vị trí cửa và đầu hồi của công trình để tăng độ cứng cho tường và giảm thiểu dao động của kết cấu gây nứt, gãy đổ. Bằng cách làm này công trình có thể bảo đảm được sự kiên cố, không dao động mạnh cũng như mất ổn định trong bão. Các lỗ cửa phải đặt đối xứng nhau để giảm áp lực gió và không nên trổ cửa quá nhiều và khâu cuối cùng không kém phần quan trọng là trồng cây chung quanh nhà để tránh, giảm vận tốc luồng gió đi thẳng vào nhà. Ngoài ra, việc chọn vị trí xây nhà thích hợp cần chú ý lợi dụng địa hình, địa vật. Cần xây dựng tập trung thành từng khu vực, bố trí các nhà nằm so le nhau giúp lưu thông gió dễ dàng; tránh bố trí các nhà thẳng hàng, dễ tạo túi gió hoặc luồng xoáy nguy hiểm.
Quá trình 'hóa giải' khó khăn
Kể về lý do chọn đề tài nghiên cứu này, Sinh kể: 'Ở miền trung quê em, năm nào cũng có bão. Rất nhiều gia đình rơi vào cảnh quanh năm làm ăn cực nhọc, đến lúc có trận bão đi qua, nhà cửa bị hư hại hoặc bị phá hủy, thế là bao nhiêu của cải ky cóp cả năm phải dùng vào việc khắc phục hậu quả bão lũ. Ðứng từ góc nhìn những người sinh ra và lớn lên ở miền trung, em nhận thấy cần phải có sự tổng hợp các giải pháp xây dựng và bảo vệ nhà ở trong vùng bão phù hợp với điều kiện và cách sống của người dân. Những giải pháp đó phải đơn giản, thực hiện trong thời gian ngắn, sử dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương'.
Mô hình 'nhà chống bão' của Sinh đã được đánh giá cao vì không những có tính thời sự, khả năng chuyển giao cao mà có thể áp dụng trong thực tiễn một cách phong phú dựa trên đặc điểm địa hình, tính chất cơn bão, vật liệu có sẵn ở địa phương và có thể xây dựng ở những vùng lân cận, cũng ảnh hưởng bão lũ. Phó Chủ tịch Hội Kỹ thuật xây dựng TP Hồ Chí Minh Phan Hùng Sanh nhận xét: Tác giả chọn hướng nghiên cứu vô cùng thiết thực. Nếu được bổ sung vài chi tiết thì đề tài này sẽ ứng dụng được ngay. Tôi đánh giá cao những đề xuất của tác giả về việc sử dụng vật liệu tại chỗ rất gần gũi, kinh phí hợp lý...
Không nói nhiều về những khó khăn của một sinh viên nghèo nghiên cứu khoa học, theo Sinh, để thực hiện được mô hình này thì không chỉ có kiến thức mà cần phải có tâm huyết. Khi thực hiện 'nhà chống bão', trong tay Sinh không có kinh phí để mua vật liệu thử nghiệm. Nhưng bù lại, em đã có một 'tài sản lớn' là kiến thức được tích lũy qua những ngày tìm hiểu về đặc điểm phá hoại, thời gian xuất hiện trong năm cũng như tốc độ, hướng đi của bão qua... Với kiến thức cơ bản đã được học, cùng kinh nghiệm thực tế của người sinh ra và lớn lên ở vùng bão đã giúp Phan Văn Sinh vượt qua những khó khăn ban đầu để thực hiện mô hình có khả năng ứng dụng hiệu quả vào thực tế với chi phí không cao.
Phan Văn Sinh lớn lên ở xã Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, mảnh đất nằm trong vùng rốn bão, luôn hứng chịu nhiều cơn bão từ biển Thái Bình Dương. Năm lên sáu tuổi, ba em mất vì căn bệnh ung thư, bỏ lại sáu anh em côi cút. Nhà nghèo, mẹ phải gửi Sinh cho ông bà nội nuôi. Sáu tuổi, Sinh đã biết ra đồng cắt lúa, cuốc đất, trồng rau cùng ông bà, biết phụ giúp ông bà dựng lại nhà sau mỗi khi bão đi qua. Cuộc sống sớm trải qua bao khó khăn, vất vả đã làm cho cậu bé sáu tuổi có suy nghĩ già dặn: Làm sao để nhà có thể vững chắc không bị gió bão cuốn đi, để bà con còn có nơi cư trú ổn định khắc phục những thiệt hại kinh tế sau mỗi lần bão đi qua? Nỗi trăn trở đó được ấp ủ bằng việc phấn đấu phải học cho giỏi, có kiến thức mới làm được.
Năm 2006-2007, Sinh thi đậu hai trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và ÐH Khoa học tự nhiên. Biết hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Sinh đã xin bảo lưu kết quả. Cánh cửa đại học đã mở ra khi rất nhiều tấm lòng hảo tâm trong cả nước biết chuyện cậu bé mồ côi đỗ hai trường đại học đã tình nguyện đóng góp kinh phí giúp đỡ em được tiếp tục con đường học tập. Và ngày hôm nay, nhìn mô hình 'nhà chống bão' của mình có thể ứng dụng hiệu quả, Sinh không khỏi bồi hồi xúc động. Ðây là phần thưởng lớn động viên Sinh trên con đường biến mô hình thành thực tế.