Ngoảnh mặt đi không có nghĩa là làm ngơ
Các nhà nghiên cứu mới đây phát hiện thấy khi học sinh tiểu học ngoảnh mặt về phía khác với thầy cô hoặc của một người nào đó, phần nhiều chúng sẽ đưa ra câu trả lời chính xác hơn. Dường như, những cảm xúc trên khuôn mặt người thầy có thể khiến học sinh thiếu tập trung.
Các nhà khoa học cho biết rằng người lớn có xu hướng quay mặt đi tránh ánh mắt của người đang hỏi trước một vấn đề khó nghĩ. Nếu như người lớn thực hành điều này trong khoảng 85% số lần được hỏi, thì trẻ em 5 tuổi hoặc nhỏ hơn chỉ làm điều đó trong 40%.
Để tìm hiểu tại sao hiện tượng "đánh lạc hướng" này ảnh hưởng đến sự tập trung, các nhà tâm lý Đại học Stirlingở Scotland đã huy động 20 em bé 5 tuổi từ một trường mẫu giáo ở Stirlingshire. Họ huấn luyện 10 em nhìn đi hướng khác khi phải trả lời một câu hỏi. 10 bé còn lại không được hướng dẫn gì cả. Sau đó, các nhà khoa học yêu cầu mỗi bé trả lời một loạt câu hỏi về toán và ngôn ngữ, thay đổi từ dễ tới vừa phải.
Họ phát hiện thấy các em được hướng dẫn nhìn đi nơi khác trả lời đúng 72% số câu hỏi, trong khi nhóm chưa qua huấn luyện chỉ thành công trong 55%.
Gwyneth Doherty-Sneddon, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng kết quả kém hơn của nhóm thứ hai có thể là do sự xao lãng trong quá trình giao tiếp bằng mắt. Khuôn mặt người rất thu hút, vì thế nó khiến cho người đối diện khó mà làm ngơ. Chẳng hạn, nếu một giáo viên quay về phía cửa sổ khi đặt câu hỏi cho bạn, sự tập trung của bạn sẽ ngay lập tức bị kéo về hướng đó.
Phát hiện này sẽ có ích với các giáo viên, Doherty-Sneddon nói. "Điều quan trọng là phải cho lũ trẻ đủ thời gian để tìm ra câu trả lời. Chúng ta có xu hướng đòi hỏi quá nhanh, và làm ngắt mạch sự chú ý".
Việc ngoảnh mặt đi trước cái nhìn chằm chặp có thể là tín hiệu "tôi đang nghĩ". Vì thế thay vì buông ra lời quở trách, việc tránh giao tiếp bằng mắt có thể là một phương thức giảng dạy hữu ích.
Nguồn: LiveScience; vnexpress.net 13/9/2006