Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 12/02/2010 18:08 (GMT+7)

Ngô Bảo Châu – Niềm tự hào của toán học Việt Nam

Từ ngày 19 đến 27-8-2010, Đại hội Quốc tế các nhà toán học sẽ diễn ra tại Hyderabad (Ấn Độ). GS Ngô Bảo Châu là một trong số 19 nhà toán học danh tiếng được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể, trước sự có mặt của khoảng 3.000 nhà toán học các châu lục. Hầu hết trong số 19 nhà toán học “cây đa cây đề” ấy đều trên 40 tuổi, chỉ có mấy người dưới tuổi 40 tuổi..

Đại hội sẽ trao tặng từ 2 đến 4 Huy chương Fields cho những nhà toán học xuất sắc nhất thế giới dưới 40 tuổi. Ngô Bảo Châu, quốc tịch Việt Nam , giáo sư kiêm chức của Viện Toán học Hà Nội, vừa bước sang tuổi 38.

Anh hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton(Mỹ). Gần 20 năm sống xa Tổ quốc, anh vẫn mang tấm hộ chiếu phổ thông của Việt Nam …

Nội dung công trình khoa học của GS Ngô Bảo Châu đã được giới thiệu nhiều trên các tạp chí khoa học. Dưới đây chúng tôi chỉ xin cập nhật một số mẩu chuyện về nhà khoa học tài năng này.

GIẢI THƯỞNG CLAY VÀ NỖI KHÓ KHĂN KHI MANG HỘ CHIẾU VIỆT NAM

Những ngày giữa tháng 10-2004, Ngô Bảo Châu dự Hội nghị quốc tếvề các dạng tự đẳng cấu và công thứcvết được tổ chức tại Viện Fields, Canada. Cùng với nhiều nhà bác học nổi tiếng thế giới, GS Ngô được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể. Anh trình bày công trình mà anh vừa cùng GS Gérard Laumon hoàn thành và công bố trên mạng Internet. Đó là công trình 100 trang về Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita, giải quyết một trở ngại lớn trên con đường phát triển lý thuyết tự đẳng cấu (automorphic forms theory), dần dần thực hiện Chương trình Langlands ( Langlands Program).

Trước Hội nghị Canada , anh nhận được bức thư điện tử của James Carlson, Chủ tịch Viện Toán học Clay, viết:

“Giáo sư Ngô thân mến,

Tôi vui mừng báo để ông biết: Viện Toán học Clay vừa chọn ông và ông Gérard Laumon là hai người được tặng Giải thưởng Nghiên cứu Clay sẽ trao vào ngày 5-11-2004 tại Cambridge, bang Massachusetts trong phiên họp hằng năm của viện. Mục đích của giải thưởng này là để công nhận công trình nghiên cứu chung của hai ông. (...)

Nhân đây tôi muốn hỏi ý kiến ông về những gì mà viện chúng tôi có thể giúp ông và ông Laumon trong nghiên cứu khoa học vào những năm sắp tới. Phạm vi giúp đỡ khá rộng, hai ông có thể tuỳ ý lựa chọn, bao gồm cả kinh phí những chuyến đi ra nước ngoài của hai ông và những người mà các ông muốn cộng tác để tổ chức hội thảo chuyên đề, v.v.

Tôi cũng muốn mời ông dự cuộc họp hằng năm của viện chúng tôi tại Cambridge vào thứ sáu 5-11 để nhận giải thưởng...”.     

Đối với anh, bức email này thật quá bất ngờ! Công trình của anh và G. Laumon mới công bố ở dạng tiền ấn phẩm. Vả chăng hộ chiếu của anh sắp hết hạn, khi trở về Paris , phải xin gia hạn. Sau đó, liệu có còn đủ thời gian để làm thủ tục visa vào Mỹ hay không? Do quá sợ khủng bố, việc cấp visa cho người dân các nước Á, Phi mang hộ chiếu phổ thông vào Mỹ thường kéo dài cả tháng! Trong thư trả lời J. Carlson, anh nêu lên trở ngại ấy.

Hội nghị Canada kết thúc. Anh trở về nhà ở vùng ngoại ô Paris với vợ và ba cô con gái nhỏ. Việc gia hạn tấm hộ chiếu xanh, Đại sứ quán nước ta giải quyết ngay cho anh. Nhưng, còn việc xin visa vào Mỹ? Đang đợi chờ gần như tuyệt vọng, anh bỗng nhận được điện thoại từ Đại sứ quán Mỹ. Thì ra Viện Clay đã nhờ cựu Thượng nghị sĩ Mỹ E. Kennedy can thiệp. Kennedy liền gọi điện từ Bostonsang Paris cho Đại sứ quán Mỹ và, ngay sau đó, nhân viên sứ quán nước này gọi điện cho anh. Thế là, chỉ trong một ngày, anh được cấp visa!

HUY CHƯƠNG FIELDS VÀ CÁC GIẢI THƯỞNG TOÁN HỌC KHÁC

Như nhiều người đã biết, Giải thưởng Nobel về khoa học tự nhiên chỉ dành cho các phát minh xuất sắc trong vật lý, hoá học, sinh học. Không có Giải thưởng Nobel cho toán học! Tại sao? Vì, theo đúng luật, phải thực hiện di chúc của A. Nobel. Thế mà trong di chúc, ông này không ghi điều đó! Nhưng, tại sao A. Nobel lại “loại” các nhà toán học ra khỏi giải thưởng mang tên ông? Sinh thời, GS Lê Văn Thiêm có kể cho tôi nghe một mẩu giai thoại đã được in thành sách phổ biến ở châu Âu kể rằng bà vợ của Nobel trót có mối cảm tình “quá mức tình bạn” với một nhà toán học Thuỵ Điển! Do vậy mà Nobel “ghét lây” cả giới toán học thế giới!

Để bổ khuyết tình trạng không công bằng ấy, giới toán học quốc tế bèn lấy tên nhà toán học người Canada J. C. Fields (1863-1932) đặt cho một giải thưởng mới, dành riêng cho toán học, gọi là Huy chương Fields ( Fields Medal), được coi có giá trị ngang Giải thưởng Nobel ( Nobel Prize), thậm chí còn có phần còn khó hơn: 4 năm mới tặng Huy chương Fields một lần, vào dịp Đại hội Toán học thế giới, và người được nhận bắt buộc phải dưới 40 tuổi! Giải thưởng Nobel không hạn chế tuổi, đã có trường hợp 88 tuổi vẫn còn được tặng như Karl von Frish nhận Giải thường Nobel năm 1973 về công trình nghiên cứu ngôn ngữ của loài ong.

Nói chung, quy định độ tuổi như vậy là hợp lý, bởi vì các nhà toán học thường có phát minh lớn ngay khi tuổi còn rất trẻ. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ rất đáng tiếc! Năm 1994, khi công bố công trình hoàn chỉnh chứng minh định lý cuối cùng của Fermat, thì Andrew Wiles đã 41 tuổi, do đó, “nhà toán học nổi tiếng nhất thế kỷ 20” ấy không được nhận Huy chương Fields!

Tính từ năm 1936 (năm đầu tiên tặng Huy chương Fields) đến nay, mới có 48 nhà toán học được tặng huy chương này, nhiều nhất là Mỹ, Pháp, Nga, rồi đến Nhật Bản, Anh, CHLB Đức, Italia, Thuỵ Điển, Na Uy, Bỉ, New Zealand. Có 2 nhà toán học người Mỹ gốc Hoa được tặng Huy chương Fields là: Shing-Tung Yau (Khâu Thành Đồng) năm 1982, và Terence Chi-Shen Tao(Đào Triết Hiên) năm 2006. Còn các nhà toán học mang quốc tịch CHND Trung Hoa, thì chưa có ai nhận được vinh dự khoa học cao quý ấy; mặc dù có một số người rất nổi tiếng như Shiing-Shen Chern(Trần Tỉnh Thân) nhưng, đáng tiếc, khi đạt tới thành tựu đỉnh cao, thì tuổi đã quá 40!

Hàn Quốc, Singapore, khoa học và công nghệ phát triển hơn nước ta nhiều, nhưng vẫn chưa có ai được tặng Giải thưởng Nobel hay Huy chương Fields.

Quy định ngặt nghèo về độ tuổi hoá ra cũng có chỗ không hay! Bởi vậy, gần đây, một số giải thưởng lớn về toán học đã được lập ra thêm, không hạn chế tuổi, như Giải thưởng Abel, Giải thưởng Clay.

Những người được tặng Giải thưởng Clay là những nhà toán học xuất sắc trên thế giới hiện nay: A. Wiles đã giải quyết được bài toán Fermat; A. Connes, E. Witten và L. Lafforgue, về sau, được tặng Huy chương Fields.

Chính A. Wiles, người chứng minh được định lý cuối cùng của Fermat, hoá giải được “thách đố từng làm bối rối những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại suốt 358 năm”, đã tiến cử Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon nhận Giải thưởng Clay.

NHẬN GIẢI THƯỞNG OBERWOLFACH VÀ GIẢI THƯỞNG CỦA VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC PHÁP

Đây là giải thưởng toán học ba năm mới tặng một lần cho 1 hoặc 2 nhà toán học dưới 36 tuổi có công trình đặc biệt xuất sắc ở châu Âu. Giải thưởng Oberwolfach (Oberwolfach Prize) năm 2007 dành cho một mình Ngô Bảo Châu, do công trình nổi bật 188 trang về đại số và lý thuyết số. Giải do Quỹ Oberwolfach và Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach ở Đức trao tặng. Công trình mới của nhà toán học Việt Nam làm việc tại Pháp nhằm giải quyết trọn vẹn Bổ đề cơ bản (Fundamental Lemma) theo phỏng đoán của Langlands và Shelstad. Với những chứng minh xác đáng, Ngô Bảo Châu được thừa nhận là chuyên gia dẫn đầu ở nơi gặp gỡ giữa hình học đại số và lý thuyết các dạng tự đẳng cấu. Nếu năm 2004, cùng G. Laumon, Ngô Bảo Châu mới giải quyết Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita; thì giờ đây, anh đưa ra lời giải cho trường hợp tổng quát. Nếu trước kia, anh làm việc với thầy, thì giờ đây, anh “một mình một ngựa”.

Đọc diễn văn ca ngợi ( laudatory speech) tại buổi lễ trao giải thưởng được tổ chức năm 2008, GS Rapoport coi công trình mới của Ngô Bảo Châu là “một thành tựu sáng chói” (a brilliant achievement).

Ngay sau đó, GS Ngô Bảo Châu còn nhận được Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

Công trình của Ngô Bảo Châu giải quyết trọn vẹn Bổ đề cơ bản công bố năm 2007, được giới toán học thế giới kiểm tra trong năm 2008, và xác nhận là đúng vào năm 2009. Vì vậy, tạp chí Time mới xếp công trình của anh vào 10 khám phá khoa học nổi bật trên thế giới trong năm 2009.

SỰ MẾN PHỤC CỦA NHỮNG ĐỒNG NGHIỆP “KHÓ TÍNH”

Đánh giá về thành công của Ngô Bảo Châu, GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn:

“Đầu năm 2004, Ngô Bảo Châu và GS G. Laumon đã làm nên “một quả bom tấn” khi công bố kết quả đột phá về Bổ đề cơ bản trong Chương trình Langlands, gây tiếng vang lớn trong giới toán học thế giới. Với kết quả ấy, anh và GS Laumon được tặng Giải thưởng Clay danh giá; anh được mời làm giáo sư Đại học Paris 11 (tức Đại học Orsay). Đầu năm 2007, anh lại gây xôn xao khi giải quyết hoàn toàn Bổ đề cơ bản. Với những thành công như thế, anh được Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton của Mỹ, nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, mời sang làm việc dài hạn.”          

Còn GS Nguyễn Tiến Dũng ở Đại học Toulouse(Pháp) thì nhận xét:“Nếu chúng ta có thể tự hào về trống đồng, thì cũng có thể tự hào về một người Việt Nam đạt được thành tựu toán học nổi tiếng thế giới như GS Ngô Bảo Châu.”

Ngô Bảo Châu là nhà toán học Việt Nam đầu tiên được mời báo cáo tại phiên họp toàn thể của Đại hội Quốc tế các nhà toán học.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.