Ngô Bảo Châu: Bài toán khó cần giải tiếp sau “Bổ đề cơ bản”
Tôi cho rằng sự kiện Ngô Bảo Châu cần phải được xem là một cơ hội để chúng ta thu hút sự chú ý và ủng hộ của dư luận và chính phủ cho sự phát triển lành mạnh của khoa học Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế, để Việt Nam vươn lên được như các cường quốc năm châu.
Sự kiện Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields là một tin vui lớn cho đất nước, tuy nhiên cũng nên tránh để bị lạm dụng thành chiêu thức quảng cáo một chiều khoa trương thành tích mà quên đi những yếu kém và bất cập của khoa học và giáo dục của đất nước. Khoa học được vinh danh bởi cộng đồng quốc tế không thể đồng hành cùng với những gian dối, hư danh, làm giả ăn thật, bất chấp các chuẩn mực khách quan quốc tế và tiến trình hội nhập đang diễn ra.
Thời gian trước mắt là làm thế nào để giúp cho khoa học Việt Nam phát triển về tổng thể, chứ không chỉ lên lớp cho một số sinh viên... Trong ảnh: Sinh viên trong giảng đường ở một trường đại học tại TP.HCM (Ảnh: Lê Hưng) |
Để người Việt Namvươn cao và Việt Nam hóa rồng, có lẽ không cần khẩu hiệu và những lời mỹ miều! Ở đây, cần có cơ chế chính sách đồng bộ để các nhà khoa học và giới trẻ mọi lĩnh vực có điều kiện học tập và phát huy tiềm năng của mình tới chuẩn mực quốc tế.
Chúng ta cần nhiều nhà khoa học khá, chứ không chỉ một vài người giỏi, trong mọi lĩnh vực từ lý thuyết tới ứng dụng triển khai.
Khoa học Việt Nam phải là một cơ thể khỏe mạnh, hoàn chỉnh giúp ích thực sự cho sự phát triển của đất nước, chứ không phải chỉ phổi khỏe nhưng ung thư di căn tràn lan ở những chỗ khác.
Chúng ta đang cần vượt một ngưỡng tối thiểu (critical mass) những nhà khoa học làm việc thực ở chuẩn mực khách quan quốc tế, để tạo được một môi trường khoa học giáo dục lành mạnh ở Việt Nam như xuất phát điểm cho phát triển.
Có nên tự hào thái quá rằng, Việt Nam hơn Trung Quốc vì đã có được giải thưởng Fields trong khi ta hãy thử nhìn vào ngành công nghiệp đóng tàu xuất khẩu chủ lực - mà Việt Nam mới chỉ đảm nhiệm được những phần việc gia công lắp ráp thấp cấp nhất và ô nhiễm môi trường, trong khi từ cái ốc vít cho con tàu cũng phải nhập từ Trung Quốc.
Đúng là có sự hẫng hụt trong quan tâm của thế hệ trẻ hiện nay đối với toán lý thuyết so với mấy mươi năm trước, và nhiều bạn trẻ giỏi ngày nay thích học ngoại thương để làm kinh tế hơn là làm khoa học. Nhưng phải nhìn rộng ra đó là vấn đề chung của mọi lĩnh vực của khoa học Việt Nam hiện nay mà chúng ta phải thấy để có được giải pháp tổng thể, khỏi phải bận tâm quá nhiều vào giải thích ngành toán có lợi như thế nào.
Thời gian trước mắt là làm thế nào để giúp cho khoa học Việt Nam phát triển về tổng thể, chứ không chỉ lên lớp cho một số sinh viên và giúp lập một cái tháp ngà riêng cho ngành toán. Đây sẽ là một trách nhiệm và là bài toán khó tiếp sau “Bổ đề cơ bản” đối với Ngô Bảo Châu và các đồng nghiệp của anh.