Nghiên cứu về tiếng bập bẹ của trẻ
Các âm thanh do trẻ phát ra khi chúng nói hay bập bẹ được cho là chìa khoá để tìm hiểu sự phát triển của ngôn ngữ. Theo tờ tạp chí Khoa học (Science) của Mỹ, hai nhà nghiêng cứu cở Trường Đại học Texas đã phát hiện ra rằng bốn mô hình từ thường được trẻ dùng lại chính là những từ đầu tiên, chúng từng nói (Holowka & Pettito, 2002). Cách thức chúng ta nói được phát triển theo một cách thức nhất định bởi những chuyển động tự nhiên của miệng. Các âm thành dễ nhất mà chúng ta tạo ra là khi ta nâng hàm dưới lên và hạ nó xuống. Chính những âm này có thể là chìa khoá cho việc phát triển ngôn ngữ. Khoảng 60 – 80% các âm do trẻ trên toàn thế giới tạo ra đã được cấu âm theo các cách thức chuyển động tự nhiên như vậy (Hawkins, 1987; MacNeilage & Davis, 2000).
Có thể thấy danh sách các từ chỉ bố mẹtrong một số ngôn ngữ tiêu biểu như bảng dưới đây. Từ những năm 50 của thế kỉ trước nhà nhân học Mĩ George P. Murdock đã khảo sát lớp từ chỉ “mẹ” và “bố” trong 470 ngôn ngữ trên thế giới.
Tác giả đã phát hiện ra rằng từ chỉ “mẹ” có dạng âm tiết là ma, mẹhay motrong 52% ngôn ngữ ông đã khảo sát và từ chỉ “bố” có dang âm tiết là pahay po, tahay totrong 55% ngôn ngữ đã khảo sát (Murdock, 1957). Sau đây là một số ví dụ:
Ngôn ngữ | Mother | Father |
Swahili | Mama | Baba |
Kikuyu (Tây Phi) | Nana | Baba |
Xhosa ( Nam Phi) | -mama | -tata |
Tagalog ( Philippines ) | Nanay | Tatay |
Malay | Emak | Bapa |
Romanian | Mama | Tata |
Welsh | Mam | Tad |
Urdu | Mang | Bap |
Turkish | Ana, anne | Baba |
Pipil ( El Salvador ) | Naan | Tatah |
Kodon ( New Guinea ) | Amy | Bap |
Basque | Ama | Aita |
Hungarian | Anya | Apa |
Dakota (Mỹ) | Ena | Ate |
Nahuatl ( Mexico ) | Naan | Ta’ |
Luo ( Kenya ) | Mama | Baba |
Apalai (Amazon) | Aya | Papa |
Chechen ( Caucasus) | Naana | Daa |
Cree ( Canada ) | -mama | -papa |
Quechua ( Ecuador ) | Mama | Tayta |
Madarin Chinese | Mama | Baba |
Việt | Mỏ/mẹ | Ba/bố |
(Bảng trên được trích từ công trình về từ chỉ “bố mẹ” trong các ngôn ngữ trên thế giới của Murdock (1957). Thí dụ tiếng Việt trong bảng là chúng tôi mới bổ sung vào (P.H)).
Những gợi mở trong bài báo của Murdock đã thôi thúc Jakobson viết một bài báo cũng rất nổi tiếng cho tập Các bình diện của lí thuyết tâm lí họcnăm 1959. Trong bài báo này Jakobson cho rằng “các cái tên chỉ “mẹ” hay “bố” trong giai đoạn “mầm” là những đơn vị có nghĩa đầu tiên nảy sinh từ lời nói của trẻ (infant) và chúng vốn dựa trên sự lưỡng phân giữa phụ âm tối ưu và nguyên âm tối ưu” (Jakobson & Halle, 1957). Ngay khi đứa trẻ chuyển từ các hoạt động bập bẹ sang giai đoạn tiếp thu ngôn ngữ đầu tiên thì chúng đã gắn bó với cái mô hình “phụ âm cộng nguyên âm” (Jakobson, 1971:25).
Bốn mô hình từ thường gặp ở trẻ bập bẹ mà các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Texas đưa ra là các âm như “ma – ma”, “da – da”, “ba – ba” và “ta – ta”. Các âm này rất thông dụng trong nhiều ngôn ngữ và chúng tạo thành những từ đầu tiên mà trẻ nhỏ học khi chúng bắt đầu học nói. Như vậy quan điểm của Jakobson, sau gần 40 năm, đã được kiểm chứng lại và được chia sẻ trong những người nghiên cứu về ngôn ngữ trẻ em.
John Locke, một chuyên gia về ngôn ngữ học và ngôn ngữ trẻ em ở Trường Đại học Cambridge cho rằng “chính điều này là một điều đặc biệt. Ngay cả khi không cần có bất cứu chuyển động nào khác, chỉ cần đưa lưỡi ra phía trước miệng giống như khi ăn là đã có thể có các âm như “da – da” …. “ta – ta” … “na – na” hay “ya – ya” (Locke, 2000). Những âm này chính là đa số các âm mà trẻ bập bẹ tạo ra. Chúng cũng được trẻ con phát âm chuẩn hơn cả và dường như chúng có mặt trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Giáo sư Locke cũng cho rằng (ngôn ngữ) trẻ em có lẽ là một nguồn dữ liệu cho việc nghiên cứu và tìm hiểu các ngôn ngữ của chúng ta đã hình thành qua hàng nghìn năm như thế nào. Cũng theo ông thì hoàn toàn có khả năng rằng những đứa trẻ cổ xưa đã sản sinh ra các âm giống như các đứa trẻ hiện đại phát ra và giống như là việc ngôn ngữ phát triển các âm này.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích chuyển động miệng của trẻ lúc trẻ bập bẹ, lúc cười hay lúc chúng tạo ra các âm thanh khác và đã đưa ra kết luận rằng các âm do trẻ phát ra xuất phát trực tiếp từ những cố gắng nắm được ngôn ngữ và lời nói của trẻ. Laura – Ann Petitto, giáo sư tâm lí học và khoa học về não của Dartmouth College, đồng thời là tác giả chính của công trình nghiên cứu có tên “Trẻ em thực sự xây dựng một hệ thống tri thức âm thanh trong ngôn ngữ của chúng” cho rằng khi một đứa trẻ bập bẹ “rất khó để có thể tìm ra hệ thống âm thanh trong ngôn ngữ của chúng và làm sao các âm này lại được đặt cạnh nhau”. Trong một nghiên cứu mới đây, trong đó nghiên cứu 10 đứa trẻ từ 5 đến 12 tháng tuổi, bà cho rằng các âm thanh đặc trưng của tiếng bập bẹ của trẻ được kích thích bởi các tín hiệu từ một vùng của não trong khi các âm thanh khác hay các chuyển động của miệng lại do các vùng khác trong não chỉ huy. Tác giả cho rằng “chính điều này gợi mở rằng các chức năng của ngôn ngữ được chuyên biệt hoá trong não từ rất sớm”. Cũng trong nghiên cứu này, các tác giả đã phân tích chuyển động của trẻ khi chúng bập bẹ, khi chúng tạo ra các âm thanh khác, và khi chúng cười. Những đứa trẻ này, bao gồm 5 trẻ trong gia đình nói tiếng Anh và 5 đứa trẻ trong gia đình nói tiếng Pháp, đã được quay phim khi chúng tạo ra âm thanh. Đoạn phim sau đó được làm chậm lại để các nhà nghiên cứu có thể phân tích kĩ các chuyển động của miệng.
Các tác giả đã phát hiện ra rằng khi trẻ bập bẹ, chuyển động rõ ràng hơn ở phía bên phải của miệng. Còn khi trẻ cười thì phía bên trái của miệng lại mở rộng hơn. Đối với các phát âm ngẫu nhiêm thì miệng lại cân đối với cả hai bên đều hoạt động bằng nhau. Petitto cho rằng sự khác biệt về chuyển động này phản ánh trực tiếp các vùng đang điều khiển hoạt động của miệng. Khi đứa trẻ cất những tiếng bập bẹ thì phía bên phải của miệng có độ mở rộng hơn và nó xệ xuống một chút. “Cũng vậy, khi đứa trẻ cười thì phía bên trái của miệng lại có độ mở lớn hơn và có thể thấy sự co lại phía quanh mắt trái”. Khi đứa trẻ phát ra những âm mà không phải là bập bẹ thì miệng mở rộng và đều. Petitto cho rằng bởi lẽ phía trái của não điều khiển phía phải của miệng nên phát hiện này cho thấy phía trái não sẽ gửi các tín hiệu để trẻ bập bẹ.
Theo Petitto thì các chuyên gia từ trước đến nay đều coi tiếng bập bẹ và các âm thanh khác của trẻ là giống nhau. Tiếng bập bẹ thực thụ phải có nguyên âm và phụ âm và một âm có dạng giống như âm tiết được lặp đi lặp lại. “Khi một đứa trẻ phát âm da-da-da-da, hay ba-ba-ba hay ga-ga-ga-ga thì chúng có thể dễ dàng nghe thấy. Đó chính là tiếng bập bẹ; nó đối lập với các âm mà trẻ phát ra bằng miệng khác, chẳng hạn như âm thanh ahhhhhh”. Các tác giả cũng lí giải tại sao lại nghiên cứu trên cả trẻ trong gia đình nói tiếng Anh và trẻ trong gia đình nói tiếng Pháp là nhằm để đảm bảo rằng các chuyển động của miệng trong thời gian trẻ bập bẹ không phải là đặc trưng của một ngôn ngữ riêng biệt nào. Các tác giả tin rằng cách thức chuyển động miệng của trẻ như vậy mang tính phổ quát, và hi vọng rằng qua cách giải mã chính xác tính bập bẹ của trẻ các nhà nghiên cứu có thể phát triển một hệ thống chẩn đoán các vấn đề về giọng nói ngay từ lúc bé và có thể bắt đầu chữa trị sớm. Bởi vì “khi trẻ em gặp vấn đề về ngôn ngữ, một trong những khó khăn lớn nhất đó là chúng ta phải chờ cho tới khi chúng nói được thì mới phát hiện ra rằng chúng bị vấn đề về ngôn ngữ”.
Như chúng ta đã biết từ cách đây vài năm nhiều người mang bầu đã mở đĩa nhạc Smart Symphony và áp vào bụng để cho thai nhi nghe với niềm tin là thai nhi trong bụng có thể nghe được và kích thích sự phát triển trí não của trẻ sau này. Các nhà nghiên cứu thì cho rằng nói với thai nhi sẽ làm cho nó nhận biết được đa dạng của dòng âm thanh lời nói - một nền tảng quan trọng của ngôn ngữ. Khi một đứa trẻ bình thường tròn một tuổi thì lượng từ vựng của nó khoảng 36 từ. Dường như hầu hết các cuộc đàm thoại của người lớn không có ý nghĩa gì với trẻ thì chúng lại có thể phân biệt được độ cao, âm điệu của lời nói.
John Locke cho rằng trẻ con bắt đầu nhận biết âm điệu của lời nói trước khi chúng ra đời. “Đứa trẻ mới sinh thích giọng nói của mẹ nó hơn không phải vì nó phân biệt được ngôn ngữ của mẹ nó với các ngôn ngữ khác mà bởi vì nó phân biệt được giọng nói của mẹ nó với giọng nói của người khác. Nếu mẹ đứa trẻ nói tiếng Đức trước khi đẻ thì sở thích của đứa trẻ sau khi đẻ sẽ là tiếng Đức”. Giáo sư Locke là một trong số những nhà khoa học bất đồng quan điểm với Chomsky – nhà ngôn ngữ học nổi tiếng thế giới. Chomsky cho rằng sự phát triển ngôn ngữ sẵn định về mặt di truyền và hoạt động độc lập với kinh nghiệm (Chomsky, 1965, 1980).
Nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em nói chung và nghiên cứu giai đoạn bập bẹ của trẻ nói riêng là rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong nghiên cứu tiếp thu ngôn ngữ, sự phát triển ngôn ngữ, và nguồn gốc ngôn ngữ. Nói như Pinker S., một nhà tâm lý học thực nghiệm và khoa học tri nhận Mĩ, người đã được tạp chí Times bầu chọn là một trong số 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2004 và được tạp chí Prospect của Anh bình chọn trong danh sách 100 học giả nổi tiếng năm 2005, “trẻ em giống như một người được trang bị một thiết bị âm thanh với rất nhiều nút và công tắc nhưng lại mất tài liệu hướng dẫn sử dụng. Trong hoàn cảnh này người ta sẽ phải viện tới cái mà các hacker gọi là frobbing - nghịch để kiểm soát xem nó hoạt động thế nào (tiếng Việt ta hay gọi là “vọc”). Trẻ đã được cấp cho một bộ các lệnh nơron để có thể di chuyển vị trí cấu âm theo các kiểu để có thể ảnh hưởng đến âm thanh được tạo ra. Qua việc nghe các tiếng bập bẹ của chính mình, thực tế trẻ sẽ tự ghi sách hướng dẫn sử dụng của riêng chúng; chúng học cách chuyển động cơ miệng để làm sao thay đổi được âm thanh. Đây là điều kiện tiên quyết để lặp lại lời nói của bố mẹ chúng. Nhờ chính điều này, một vài nhà khoa học máy tính tin rằng một robot tốt thì cần phải có một mô hình phần mềm nội tại mà có thể học các âm phát ra của nó qua việc quan sát kết quả các tiếng bập bẹ và tiếng gõ dập (failing) của chính nó (Pinker, 1994:266)”.
Tài liệu tham khảo
- Chomsky, N. (1965) – Aspects of the theory of syntax. Cambridge , Mass: M.I.T.Press.
- Chomsky, N. (1980) – Rules and representation. Oxford ” B. Blackwell.
- Elliot, A. J. (1981) – Child language. Cambridge; New York; Melbourne: Cambridge University Press.
- Hawkins, E. (1987) – Awareness of language: an introduction (Rev. ed). Cambridge; New York; Melbourne: Cambridg University Press.
- Holowka, S. & Petitto, L. A (2002). Left Hemispherre Cerebral Specialization for Babies While Babbling. Science, 297 (1515).
- Jakobson, R. (1968). Child language: Aphasia and phonological universals. The Hague; Paris : Mouton.
- Jakobson, R.(1971). Studies on child language and aphasia. The Hague : Mouton.
- Jakobson, R & Halle, M. (1957). Phonology in relation to phonetics. In S. Keiser(Ed), Manual of Phonetics (pp.215 – 251). Amsterdam .
- Locke, J. (2000). LANGUAGE: Movement Patterns in Spoken Language. Science, 449 – 451.
- MacNeilage, P. F., & Davis, B.l. (2000). On the Origin of Internal Structure of World Froms, Science, 288 (5465), 527 – 531.
- Murdock, G. P. (1957). World Ethnographic Sample. American Anthropologist.
- Pinker, S. (1994). The language instinct. New York : W. Morrow and Co.