Nghiên cứu tại các trường đại học Hoa Kỳ
Trang bìa bản báo cáo năm 1989 của Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NFS) có trích dẫn những dòng viết của Albert Einstein:
"Hãy luôn luôn nhớ trong đầu rằng, những điều thú vị mà bạn học được ở trường chính là công sức của rất nhiều thế hệ...Tất cả những điều này đang được đặt vào đôi tay của bạn, bạn có thể thừa hưởng chúng, hãy trân trọng chúng, hãy phát triển chúng lên, và rồi một ngày, hãy thân ái mà trao lại chúng cho những đứa trẻ của bạn".
Nền tảng lịch sử và những bước đi đầu tiên.
Theo nhiều nhà nghiên cứu cổ sử, các trung tâm học vấn và giáo dục đầu tiên đều được bắt nguồn từ những nền văn minh cổ ở Trung Đông, Hy Lạp, Châu Phi và Nam Mỹ. Tuy nhiên, sự ra đời của những trường đại học nghiên cứu ở Mỹ có lẽ lại là một kết quả ngoài dự định nảy sinh từ những cuộc chinh phục, xâm chiếm của Napoleon.
Những chiến thắng của Napoleon năm 1806 đã làm sụp đổ hệ thống chính trị và quân sự của Vương quốc Phổ. Trong những nỗ lực tái thiết, công việc đầu tiên của nước Phổ là vực dậy toàn bộ hệ thống giáo dục của nó dưới sự điều hành của Bộ nội vụ. Đại học Berlin được thành lập năm 1809 cùng với sự ra đời của Hội Hoàng gia, để hình thành một trung tâm giáo dục và nghiên cứu không giống bất cứ trung tâm nào đã biết trước đó. Đây là một trường đại học mà các giáo sư trong trường đều là những học giả không chịu bất cứ sự ràng buộc nào mang tính tôn giáo và hệ tư tưởng triết học với nhiệm vụ hàng đầu là tạo ra một môi trường tự do trong nghiên cứu để tìm ra chân lý, sau đó mới là hoạt động giảng dạy và phổ biến kiến thức. Và Đại học Berlin đã đạt được những thành công rất lớn lao, thu hút được rất nhiều học giả lừng danh trên thế giới đến làm việc. Sau đó Đại học Born được tái thành lập cũng đi theo con đường của Đại học Berlin và các trường đại học ở Đức đã trở thành hình mẫu chuẩn mực được áp dụng rộng rãi ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á.
Những học giả và những sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đều được chào đón ở các trường đại học Đức. Trong khoảng thời gian 100 năm, từ 1820-1920, khoảng 9000 học giả đã nghiên cứu tại các trường đại học Đức, hầu hết họ đều giành được học vị tiến sỹ, trong đó có rất nhiều những học giả Mỹ từng làm việc và học tập ở Đức. Họ đã trở về Mỹ và xây dựng những trường đại học của họ theo mô hình của Đức.
Các trường đại học nghiên cứu ở Đức phát triển mạnh mẽ và trở nên cực kỳ danh tiếng trên thế giới cho đến khi nhà nước quốc xã xuất hiện. Tất cả trở thành một thảm kịch khi chế độ quốc xã đã bóp chết sự tự do trong giáo dục và nghiên cứu, kèm theo đó là sự loại bỏ những học giả "không phải là người Aryan" ra khỏi các viện nghiên cứu, tiếp đến là chiến tranh, các trường đại học Đức bị tàn phá nghiêm trọng.
![]() Mặc dù lĩnh vực nghiên cứu đã phát triển nhưng đến cuối những năm 1860, nhiệm vụ chủ yếu của các trường đại học vẫn chỉ là giảng dạy. Vào thời điểm 1868-1869, các thống đốc Andrew White ở Cornell và Charles Eliot ở Havard vẫn chủ trương tập trung vào giảng dạy. Một số người điều hành trường đại học đã đưa ra báo động về việc phải làm tăng thêm tính chuyên sâu trong nghiên cứu khoa học. Thậm chí vào năm 1976, người đứng đầu Đại học Johns Hopkins - một trường theo mô hình Đức đã phát biểu rằng, giảng dạy phải là bổn phận bắt buộc, còn chuyện nghiên cứu thì cứ tùy ý. Kể từ những năm 1880, nhiệm vụ nghiên cứu của các đại học Hoa Kỳ đã bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Chẳng hạn, năm 1880, Havard đã thiết lập những trung nghiên cứu đầu tiên, hoạt động vào các kỳ nghỉ phép. Những trung tâm này đã giải phóng các nhà khoa học khỏi công việc giảng dạy để họ có thể tự do theo đuổi đề tài nghiên cứu của riêng mình. Havard có lẽ là nơi đầu tiên nhận được một khoản tiền lớn để hỗ trợ cho việc nghiên cứu. Năm 1880, một cá nhân đã dành cho Havard số tiền 115.000 USD với điều kiện Havard phải bỏ ra 75.000 USD để tài trợ cho chi phí hoạt động của cái gọi là Phòng thí nghiệm Vật lý Jefferson. Năm 1888, các đại học California và Chicago cũng đã xây dựng những đài quan sát thiên văn với nguồn tài chính giống như vậy. Bầu không khí cũng đang thay đổi ở một số cơ sở nghiên cứu, năm 1893, người đứng đầu Đại học Chicago, William Harper đã vạch ra nhiệm vụ nghiên cứu học thuật và xuất bản các công trình nghiên cứu. Đầu những năm 1900, những trung tâm nghiên cứu trọng điểm, chẳng hạn như Viện Carnegie đã được xây dựng. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn là ngôi nhà chính của tất cả những nỗ lực nghiên cứu. Trước sự vươn lên của các trường đại học, năm 1900, Hội Liên hiệp các Đại học Mỹ ra đời với 12 thành viên đầu tiên. Sự thi đua để giành được uy tín cũng như tài chính đã thúc đẩy các trường đại học nâng cao năng lực giáo dục cũng như đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu. Và khi nghiên cứu ngày càng lớn mạnh, các chương trình đào tạo tiến sỹ cũng được mở rộng. Johns Hopkins trở thành trường có số tiến sỹ nhiều nhất trong những năm 1880 và 1890. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ 20, Havard, Columbia và Chicago đã vươn lên dẫn đầu về thành tích này. Đầu thế kỷ 20, một số cải cách đã được thực hiện đối với lĩnh vực nghiên cứu phát triển ở đại học như Đại học Chicago được xây dựng như một đại học "dịch vụ", một phần của tính chất dịch vụ ấy là sự đòi hỏi phải có một chiến lược nghiên cứu năng động. Cùng với chiến lược nghiên cứu, nó cũng mở rộng thời gian một năm học cho cả bốn mùa, kể cả mùa hè. Điều này đã cho phép các sinh viên hoàn thành quá trình học tập nhanh hơn, tạo cơ hội để họ có thể hoàn thành chương trình cử nhân trong 3 năm. Đến năm 1920, Hoa Kỳ đã có 16 trường đại học nghiên cứu, bao gồm Đại học California, Illinois, Michigan, Minnesota, Wisconsin, Caltech, Chicago, Columbia, Cornell, Havard, Johns Hopkins, MIT, Pennsylvania, Princeton, Stanford và Yale. Bất cứ lúc nào, tất cả những trường này cũng đều là những trường nghiên cứu rất mạnh. Năm 1915, Hội Liên hiệp các Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) được thành lập. Sự chuyên nghiệp hóa và liên kết chuyên môn này cũng đã hỗ trợ cho chiến lược nghiên cứu. Các nguyên tắc về sự thông thoáng trong học vấn cũng như việc bổ nhiệm chức vụ cũng đã được thiết lập, những nguyên tắc này đã bảo vệ những nhu cầu nghiên cứu tự do khỏi sự chi phối quá đáng của quyền lực cũng như các tư tưởng bè phái tôn giáo. Sự hỗ trợ nghiên cứu từ chính phủ
![]() Cuộc khủng hoảng lớn vào đầu những năm 1930 đã tác động xấu đối với các trường đại học và viện nghiên cứu của Hoa Kỳ hồi ấy. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau chiến tranh thế giới II, những nỗ lực thực sự đã được thực hiện ở mức toàn liên bang để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ song song với giáo dục đại học. Chính điều này đã có ý nghĩa rất lớn đến sự thịnh vượng và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Năm 1950, Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) được thành lập. Cũng vào năm đó, Đạo luật Quỹ Khoa học Quốc gia đã thiết lập nền tảng pháp lý cho việc hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu khoa học và đào tạo. Năm 1955, NSF đã tiến tới một sự đầu tư khoa học lớn bằng việc xây dựng những trung tâm thiên văn và khoa học khí quyển. Trong những năm 1957-1958, sự thành công của Liên Xô với Sputnik I đã mở rộng tầm với của con người ra vũ trụ, điều này đã tạo ra một cú sốc đối với cộng đồng chính trị và khoa học của Hoa Kỳ. Yêu cầu đặt ra cho Hoa Kỳ là phải đẩy mạnh hơn nữa đào tạo nhà khoa học và nghiên cứu cơ bản để duy trì vị trí số một thế giới của họ. Và tất nhiên, tiếp sau đó là sự đầu tư mạnh tay hơn rất nhiều của liên bang. Năm 1968, một sự bổ sung chỉnh lý cho Đạo luật NSF đã mở rộng nhiệm vụ của nó đến việc hỗ trợ cho các nghiên cứu ứng dụng và khoa học xã hội. Mặc dù đã có một sự chững lại trong việc hỗ trợ NSF cho nghiên cứu và đào tạo khoa học vào đầu những năm 1980 - khoảng 1 tỷ USD, nhưng năm 1988, tổng thống Ronald Reagan đã đề nghị tăng gấp đôi ngân sách NSF trong vòng 5 năm. Đến năm 1990, 40 năm sau khi ra đời, ngân sách hàng năm của NSF lần đầu tiên đã vượt quá 2 tỷ USD. Mối quan hệ giữa nghiên cứu của trường đại học và nền công nghiệp Nguồn: Tia sáng, số 12, 20/06/2006
|