Nghiên cứu sự sống trên mặt trăng Europa của Sao Mộc
Theo ông Simon Conway Morris, giáo sư cổ sinh học tại trường Đại học Cambridge , tới nay chúng ta mới chỉ biết rằng cơ hội tìm thấy sự sống ngoài Trái đất là rất mong manh, trong khi đó cơ hội có sự sống ở Europa cao hơn Sao Hỏa.
Trên Sao Hỏa, nếu như tồn tại sự sống, nó có thể hầu như đã tuyệt chủng và chúng ta cần các nhà cổ sinh vật học lên Sao Hỏa để nghiên cứu cấu trúc sinh học và trầm tích nếu có. Ông Morris nói, chỉ có các nhà cổ sinh vật học mới được đào tạo để nghiên cứu cuộc sống tuyệt chủng.
Cần nhiều thời gian hơn để tới được Europa so với Sao Hỏa do Europa nằm phía ngoài hệ mặt trời.
Theo ông Robert Gaines, nhà cổ sinh vật học tại trường Pomona ở Mỹ, Europa quá lạnh giá và khắc nghiệt để sự sống xuất hiện và con người vẫn chưa biết gì về địa chất bề mặt hành tinh này.
Ông nói thêm, sẽ rất ngạc nhiên nếu tìm thấy sự sống trên hành tinh này, nhưng nhiều điều gây ngạc nhiên đã trở thành hiện thực.
Europa có kích thước gần bằng Mặt trăng của Trái đất và được bao phủ bởi một lớp vỏ dày băng tuyết. Các nhà khoa học đoán rằng những dạng sự sống có thể tồn tại dưới lớp vỏ băng, sống trong đại dương phía dưới.
Một thí nghiệm của Stanley Miller năm 1953 cho thấy rằng trong điều kiện có nước, một chất khí nhất định và hơi nóng, các thành phần thiết yếu cho sự sống có thể được hình thành trong một phản ứng nhất định.
Dựa vào thí nghiệm này, các nhà khoa học tin rằng sự sống có thể tồn tại trên Europa do hành tinh này chứa nước và hơi nóng do sóng thủy triều lớn gây ra bởi Sao Mộc và các mặt trăng láng giềng.
Kế hoạch đặt chân lên mặt trăng Europa đã được bàn thảo tại cả châu Âu và Hoa Kỳ.
Một trong những chuyến bay vũ trụ được NASA lập kế hoạch trong ba năm tới là một vệ tinh bay quanh quỹ đạo Europa. Nó sẽ vào quỹ đạo mặt trăng và quét lớp bề mặt bằng radar để xác định độ dày của lớp vỏ băng đá, và độ sâu của đại dương nếu có.
Tuần trước, khoảng 15 nhà cổ sinh vật học của Trung Quốc và nước ngoài, gồm cả ông Conway Morris và Robert Gaines, đã nghiên cứu đất đá và hóa thạch ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, nơi lưu giữ nhiều bằng chứng sự sống thời kỳ đầu trên Trái đất. Các nhà khoa học đã tới Trung Quốc để tham dự chuyên đề Kỷ Cambri cổ đại, được tổ chức tại thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Nguồn: nhandan.com.vn 22/8/2005