Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 06/08/2010 23:16 (GMT+7)

Ngày 19 tháng 8 năm nay có gì lạ?

Ở đây không phải chỉ nói về ngày Cách mạng tháng Tám xảy ra 65 năm trước - ngày kỷ niệm sự kiện lịch sử vĩ đại ấy luôn nhắc nhở chúng ta chớ quên mối lo thành quả độc lập-tự do-hạnh phúc ông cha ta giành được bằng xương máu đang bị đe dọa huỷ hoại bởi các thế lực ngăn cản tiến bộ xã hội ở trong và ngoài nước.

Bài này muốn nói về niềm vinh dự cao quý mà một đồng bào của chúng ta có thể mang lại cho tổ quốc Việt Nam - đó là giải Phin (Fields), còn gọi là giải Nobel Toán học.

Nhà toán học Ngô Bảo Châu 38 tuổi công dân Hà Nội Việt Nam có đến 99% khả năng sẽ được trao giải Fields năm 2010.

Tên tuổi các chủ nhân giải này sẽ được công bố trong phiên khai mạc Đại hội quốc tế các nhà toán học (ICM - International Congress of Mathematicians) lần thứ 26 họp tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 19 tháng 8 năm nay.

Giải Fields (Fields Medal Prize) gồm một huy chương vàng và tiền thưởng 15000 USD. Đây là giải thưởng danh giá nhất trong giới toán học, được đánh giá tương đương giải Nobel, thậm chí cơ hội xét thưởng còn hiếm hoi hơn, vì 4 năm mới xét thưởng một lần và chỉ trao cho người dưới 40 tuổi (tính đến ngày 1 tháng 1 năm xét giải). Giải Fields chỉ trao cho không quá 4 người, thông thường là 2 người.

Niềm vinh dự này vô cùng to lớn, vì trong suốt 74 năm qua, cả thế giới mới có 48 nhà toán học được tặng giải Fields, và cả châu Á chỉ mới có một quốc gia duy nhất có công dân được nhận giải này. Nếu Ngô Bảo Châu được trao giải Fields 2010 thì Việt Nam nghiễm nhiên trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật Bản có công dân được nhận vinh dự này.

Đây có lẽ là vinh dự thực sự cao quý nhất mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong suốt lịch sử tồn tại của mảnh đất hình chữ Snày. Giải Fields thừa nhận trí tuệ của người Việt Nam, một dân tộc không chỉ giỏi giữ gìn độc lập quốc gia mà còn giỏi làm toán. Đây sẽ là món quà có ý nghĩa nhất dâng lên ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Nhà toán học Ngô Bảo Châu từng có công trình nghiên cứu được tạp chí Time tôn vinh là 1 trong 10 khám phá khoa học quan trọng nhất của năm 2009. Giáo sư Châu đã được mời đọc báo cáo trong phiên họp toàn thể tại Đại hội quốc tế các nhà toán học năm 2010. Thông thường, vinh dự ấy gắn liền với cơ hội được trao giải Fields. 

Ngô Bảo Châu xuất hiện trong nhiều danh sách dự đoán các ứng viên giải Fields năm nay. Anh đứng đầu danh sách một dự đoán trên mạng mathoverflow.net; một bài trên mạng math.columbia.edu khẳng định: nhiều người nghĩ rằng “Ngô là người chắc chắn thắng nhờ công trình của ông về bổ đề cơ bản (Ngo is a shoo-in for his work on the fundamental lemma)”.

Dưới đây xin giới thiệu một số dự đoán về giải Fields năm nay, lấy từ các mạng của nước láng giềng Trung Quốc, nơi “khát” các giải thưởng quốc tế nhất.

Tình hình gần đây của giới toán học quốc tế có vẻ trầm lắng, không ồn ào như mấy năm trước, nhất là khi cả thế giới sững sờ trước tin nhà toán học tài ba Perelman từ chối nhận giải Fields 2006 và giải thưởng 1 triệu USD của Viện Clay tặng cho người chứng minh được giả thuyết Poincaré. Hồi ấy các mạng Trung Quốc còn xôn xao với tin một người Hoa quốc tịch Mỹ là Khưu Thành Đồng (Shing-Tung Yau, sinh 1949, giải Fields 1982 và giải Wolf) cùng hai nhà toán học Trung Quốc khác “có liên quan” tới công trình của Perelman (thực ra là không có liên quan). Họ cũng tranh cãi về việc nhà toán học Terence Tao giải Fields 2006, tên chữ Hán là Đào Triết Hiên, có phải là người Trung Quốc hay không (thực ra ông này là công dân Australia gốc Hoa).

Theo thông lệ, Hội Liên hiệp Toán học quốc tế (IMU, International Mathemathical Union) sẽ cử ra một tiểu ban xét chọn giải Fields gồm khoảng 10 người, đứng đầu là đương kim Chủ tịch IMU - ông Laszlo Lovasz, nhà toán học người Hungary. Chức vụ trưởng tiểu ban có ảnh hưởng rất lớn đối với kết quả xét chọn giải Fields. Nghe nói năm xưa Atiyah khi làm trưởng ban xét chọn giải Fields đã bỏ ngoài tai mọi xì xào, nhất quyết chọn nhà vật lý người Mỹ Witten làm chủ nhân giải Fields 1990. Từ đó tới nay, ngành toán-vật lý luôn hoạt động sôi nổi, chứng tỏ Atiyah là người có tầm nhìn.

Vì thế để dự đoán giải Fields năm nay, có lẽ cũng nên xem Laszlo Lovasz có sở thích gì. Ông này khi học trung học đã giành 3 huy chương vàng thi Olympic Toán quốc tế (IMO, International Mathemathical Olympiad) các năm 1964, 1965 và 1966. Một điều thú vị: con trai ông cũng đoạt huy chương vàng IMO 2008. Lovasz chủ yếu chuyên làm về lĩnh vực tổ hợp học (combinatorics), từng đoạt giải Wolf lĩnh vực này. Gần đây trang bìa tạp chí Nature số tháng 8 có đưa tin về hai nhà toán học ở Princeton là Salvatore Torquato và Yang Jiao đã có thành tựu lớn về cải tiến 5 loại khối đa diện Plato và các bố trí của khối đa diện Archimedes; Yang Jiao là nghiên cứu sinh ở Princeton. Nhưng thành tựu trên còn xa mới với tới giải Fields, vì hai người này thậm chí không được mời làm báo cáo về tổ hợp học. Cho nên có lẽ lĩnh vực này khó có ứng viên cho giải Fields, dù nhà tổ hợp học Lovasz làm trưởng ban xét chọn; tương tự như Trung Quốc năm 2002 là nước chủ nhà của Đại hội quốc tế các nhà toán học nhưng không người Trung Quốc nào đoạt giải Fields.

Về lĩnh vực xác suất (probability theory), vì năm 2006 Werner và Okounkov đã nhận giải Fields ở Madrid rồi nên năm nay lĩnh vực này sẽ không có dịp được xét tặng giải nữa.

Vậy ta hãy xem trong số các nhà toán học dưới 40 tuổi được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể Đại hội quốc tế các nhà toán học 2010, ai xứng đáng là ứng viên giải Fields năm nay?

Nói chung những người này đều là nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực của họ, có nhiều khả năng đoạt giải Fields.

Lĩnh vực đại số có Bao-Chau Ngo (tức Ngô Bảo Châu), người Việt Nam, có lẽ là nhà đại số học danh tiếng nhất hiện nay. Trên mạng có rất ít tư liệu về ông, tư liệu hiện có chủ yếu bằng tiếng Việt Nam, khi dùng công cụ dịch của Google dịch ra tiếng Trung Quốc thì không tài nào hiểu được. Các bloger Trung Quốc đành trước tiên dịch ra Pháp ngữ (vì họ cho rằng tiếng Việt gần với tiếng Pháp), sau đó dịch ra tiếng Anh, thấy hiệu quả rất tốt.

Cống hiến chínhcủa Ngô là đã cùng thầy mình là Gerard Laumon chứng minh được bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita kết quả này có thể dẫn tới việc chứng minh nhiều định lý quan trọng khác của đại số học. Ngô sinh năm 1972 tại Hà Nội, học trung học ở trường chuyên toán thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, có tài năng toán học cực cao, hai lần đoạt huy chương vàng IMO các năm 1988, 1989 với số điểm tối đa. Sau đó ông nhận học bổng toàn phần tại Đại học Sư phạm Paris. Trường này từng có 7 người đoạt giải Fields, so với Đại học Princeton chỉ có 2. Hiện nay ông làm việc tại Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton. Nghe nói năm 2008 Ngo lại chứng minh được bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands, vì thế giới toán học quốc tế lại một lần nữa quan tâm tới ông.

Nếu dịch hết các trang mạng Việt Nam viết về Bao-Chau Ngo thì có thể thấy họ hết sức đề cao ông. Nhưng khả năng đoạt giải Fields của Ngo thì tuyệt đối là dựa vào thực lực của ông, chứ không phải do dư luận tâng bốc.

Một bloger viết bài rất nực cười như sau: Khưu Thành Đồng, Đào Triết Hiên đều là người Hoa Nam, Trần Tỉnh Thân (thầy của Khưu, ở Mỹ) người tỉnh Triết Giang, cũng có thể coi là người miền Nam, nay lại thêm Ngo người Việt Nam, qua đó có thể thấy người Đông Nam Á thích hợp làm toán học.

Một nhà toán học khác rất có triển vọng là Artur Avila, sinh năm 1979 tại Brazil, 16 tuổi đoạt huy chương vàng IMO, 19 tuổi viết bài báo đầu tiên về toán học, 21 tuổi đi Pháp học, lấy bằng tiến sĩ, đúng là lý lịch chuẩn của một thiên tài thiếu niên. Avila chủ yếu làm về lĩnh vực hệ thống động lực, đã đạt nhiều thành tựu có tính sáng tạo đầu tiên, từng nhận giải Grand Prix Jacques Herbrand của Viện Khoa học Pháp giành cho các nhà khoa học dưới 35 tuổi (Werner năm 2003 cũng đoạt giải này, sau đó năm 2006 đoạt giải Fields). Avila hiện làm việc tại Viện Toán Clay.

Dĩ nhiên, trong số các nhà khoa học không được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể Hội nghị toán học thế giới 2010 tổ chức ở Ấn Độ cũng có nhiều tài năng xuất sắc. Thí dụ Damny Calegari, hiện là giáo sư Viện Công nghệ California, năm 2009 từng được tặng giải Clay. Ngoài ra Calegari còn là một nhà văn. Truyện ngắn A Green Light của ông từng được Hội Nhà văn quốc tế tặng giải Truyện ngắn hay nhất năm 1992.

Tóm lại qua dự đoán của nhiều người trên thế giới cũng như của các bloger Trung Quốc kể trên, có thể thấy Ngô Bảo Châu rất có triển vọng trở thành chủ nhân giải Fields năm nay. Con người khiêm tốn hiền lành ấy sẽ làm rạng rỡ non sông đất Việt và rất có thể sẽ làm cho vị trí của khoa học công nghệ nói riêng và của trí thức nước ta nói chung được nâng lên đúng tầm.

Cầu Trời cho mong ước của chúng ta sẽ trở thành sự thật!

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.