Nexamine chỉ là thuốc bổ thần kinh
Thực chất là vitamin 3B
Hỏi mua thuốc Nexamine (do Công ty Cổ phần Dược vật tư y tế Thanh Hoá sản xuất, phân phối bởi Công ty Cổ phần dược phẩm quốc tế Pháp), rất nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội không bán. Chủ hiệu thuốc 23 Lò Đúc cho rằng, đây thực chất là vitamin 3B (tức B1, B6, B12) có tác dụng tốt cho hệ thần kinh. Một số hiệu thuốc khác trên tuyến phố Quán Sứ, Ngô Thì Nhậm, Lê Đại hành… còn giới thiệu: để chữa trị bệnh đau dây thần kinh, nhiều thuốc khác có thành phần tương đương như: Nebamin, Vevramin… Chủ một hiệu thuốc trên phố Lê Đại Hành còn quả quyết: “Đau dây thần kinh chứ gì? Chị sẽ kê đơn cho em, đảm bảo 3 ngày sau thấy đỡ”. Tại một hiệu thuốc trên phố Khâm Thiên, chúng tôi đã mua được một hộp Nexamine với giá 120.000 đồng và nhận được lời tư vấn: Đây là thuốc bổ thần kinh, nhưng là hàng cao cấp chứ không phải là loại bình thường. Sử dụng nó có tác dụng tức thì, giảm đau rõ rệt. (!?).
Tìm mua thuốc bổ thần kinh, mới thấy thị trường thuốc loại này rất phong phú, đa dạng, người bán lại nhiệt tình. Có những loại thuốc mua bao nhiêu cũng có, không cần đơn của bác sĩ. Tại hiệu thuốc Vĩnh Phúc (phố Hoàng Hoa Thám) một nhân viên bán hàng cho biết: Nexamine giá thành đắt, vì vậy hiệu thuốc không bán. Chị nói thêm: “Có rất nhiều thuốc cũng rất tốt. Mọi người cứ nghe quảng cáo rồi tìm mua thuốc này, thuốc nọ. Đâu phải cứ thuốc đắt là tốt!”.
Quả thực, đoạn quảng cáo khoảng 15 giây về tác dụng của thuốc Nexamine với những lời lẽ, hình ảnh, âm thanh đập vào thị giác, thính giác người xem truyền hình có thể khiến người tiêu dùng ảo tưởng về “thuốc tiên”. Thuốc là loại hàng hoá có thể đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất và phân phối nhờ hiệu quả của quảng cáo. Nhưng với loại hàng đặc biệt này, xem ra, quảng cáo đang là “con dai hai lưỡi”. Chỉ nhìn vào quảng cáo, rất nhiều người vội vã mách nhau tìm mua thuốc để uống. Đôi khi chính người bán thuốc “tư vấn viên” thay bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân dựa vào quảng cáo.
Nên xiết chặt quảng cáo thuốc
Theo PGS. TS Hà Kim Trung (Phó khoa Thần kinh, bệnh viện Việt Đức), đau dây thần kinh cổ, vai, lưng… thuộc loại đau rễ thần kinh. Có rất nhiều loại thuốc để điều trị bệnh này (như thuốc giảm đau, kháng viêm). Nhưng những thuốc này chỉ chữa trị triệu chứng chứ không làm khỏi bệnh được. Để khỏi bệnh thì phải tìm nguyên nhân. PGS Trung cho biết thêm: “Tôi chưa dùng Nexamine cho bệnh nhân bao giờ. Khi đau mỏi cơ, việc đi khám tìm nguyên nhân là quan trọng nhất. Ngoài sử dụng thuốc, còn phải vận động, phục hồi chức năng”. Một bác sĩ khác cũng tại khoa thần kinh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, một loại thuốc không thể chữa tất cả các bệnh đau dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh. Thực tế, mỗi vị trí đau có loại thuốc khác nhau.
Chuyên gia về cơ - xương - khớp, GS Trần Ngọc Ân (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Tôi không để ý đến loại thuốc này. Cùng một bệnh, có rất nhiều đơn thuốc khác nhau. Không thể một loại thuốc áp dụng cho tất cả các bệnh về thần kinh. Sử dụng thuốc còn phải căn cứ vào độ tuổi và thể trạng, nguyên nhân mắc bệnh của người bệnh nữa”.
GS Lê Đức Hinh (Nguyên trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai) thì hóm hỉnh cho rằng, thuốc được quảng cáo và bán rộng rãi, người tiêu dùng có quyền mua và sử dụng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng “có quyền” đi cấp cứu nếu có biến chứng và “có quyền” chi trả những chi phí nằm viện do hậu quả dùng thuốc bừa bãi. GS Hinh cũng bộc lộ quan điểm: quảng cáo thuốc chữa đau dây thần kinh tốt thế, ai mà chả tin. Cục quản lý dược phải xiết chặt hơn khi xét duyệt quảng cáo về thuốc, tránh để người bệnh ngộ nhận.
Nguồn: Khoa học & Đời sống, số 47, 14/6/2007, tr.8