Nét đặc sắc của ngôn từ trong truyện “Thầy bói sờ voi”
Truyện có nhiều dị bản. Một bản kể như sau:
“Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói nói chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem. Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.
Đoạn, năm thầy ngồi bàn tán với nhau.
Thầy sờ vòi bảo:
- Tưởng con voi nó như thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa.
Thầy thì sờ ngà bảo:
- Không phải! Nó dài như cái đòn càn.
Thầy sờ tai bảo:
- Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.
Thầy sờ chân cãi:
- Ai bảo! Nó sừng sững như cái cột đình.
Thầy sờ đuôi lại nói:
- Các thầy nói sai cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn.
Năm thầy, thầy nào cũng cho mình đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toạc đầu chảy máu”...
Truyện cho thấy cái bi hài kịch của một loại người hết sức mù mờ dốt nát tầm thường, thế mà lại vô cùng chủ quan huênh hoang tự phụ. Sự tương phản cực đoan đến mức ấy và những biểu hiện bất thường oái oăm của nó khiến ta ngạc nhiên và không nhịn được cười.
Góp phần làm nên chất trào phúng và ngụ ngôn, không thể không kể đến ngôn từ trong truyện. Đó là thứ ngôn từ làm nên một giọng điệu đặc sắc, tưởng như chỉ sống động nôm na hồn nhiên ngộ nghĩnh, nào ngờ lại thâm trầm sâu sa, có khi lại ở trong góc khuất và phải tinh mắt nhìn mới thấy.
Chắc không phải ngẫu nhiên mà truyện đã kể rằng các ông thầy xin cho voi dừng lại để “cùng xem”, và rồi sau đó lại “sờ”. Trong tiếng Việt, từ xemchỉ động tác “nhận biết bằng mắt”, còn sờchỉ hành động “nhận biết bằng cách đặt và di bàn tay trên bề mặt của vật”. Sự phân biệt căn bản ở đây là một đằng thì “bằng mắt”, một đằng thì “bằng tay”. Tình tiết này thường được hiểu rằng người kể có ẩn ý các ông thầy đều mù loà (mù nên mới làm nghề bói toán, mới phải sờ và vì thế không thể thấy được toàn thể con voi), nhưng có lẽ còn cả một hàm ý châm biếm. Các ông thầy đều xin “xem”, tức là nhất loạt không thừa nhận khuyết tật cố hữu của mình, ra vẻ ta đây tinh tường chẳng kém gì ai. Từ đó, người nào cũng coi nhận định của mình là đúng nhất.
Truyện mang tính kịch khá rõ, với cung cách đối thoại, nhịp độ diễn biến của xung đột. Trong đó, mâu thuẫn được đẩy lên đến cao trào khi các thầy lần lượt bày tỏ ý kiến.
Để chuẩn bị tình huống cho sự thể hiện mâu thuẫn này, người kể đã sử dụng một chuỗi các phát ngôn liên tiếp có cấu trúc như nhau, dùng để miêu tả: Thầy thì sờ vòi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi...
Trong các phát ngôn kể trên, cùng với cụm từ lặp đi lặp lại thầy thì sờ..., thầy thì sờ...,trợ từ thì không chỉ được dùng để liên kết hai phần chính (đề và thuyết), mà chủ yếu nhằm nhấn mạnh đến điều sắp nói, là sờ vòi, sờ ngà, sờ tai...Thầy nào cũng “xem” theo cách “bằng tay”, và mỗi người một khoảnh.
Cách lặp lại như thế xuất hiện không ít lần trong truyện, cả ở lời kể và ngôn ngữ của nhân vật, chẳng hạn: Thầy sờ vòi bảo, Thầy sờ chân cãi, Thầy sờ đuôi lại nói...;hoặc: Nó sun sun như con đỉa, Nó bè bè như cái quạt thóc, Nó tua tủa như...Cách lặp (còn gọi là “điệp”) từ ngữ và cấu trúc cú pháp này đem lại hiệu quả là tạo thành một tiết tấu trong lời nói và một chỗ lặng trong tâm lí người nghe. Người có tài kể chuyện thường dùng cách này để nhất thời ru ngủ hoặc làm nên sự đợi chờ, chuẩn bị cho một bất ngờ ngạc nhiên sắp đến. Đây có thể được xem như một thủ pháp trong nghệ thuật trào phúng.
Trong truyện, lối nói của các nhân vật rất đặc trưng cho ngôn ngữ kịch. Ngoài đặc tính khẩu ngữ, sinh động và giàu hình ảnh, những lời nói này còn mang tính hành động cao. Tính hành động ngôn từ thể hiện rõ trong chủ đích của các ông thầy khi tham gia đối thoại: người nào cũng nhằm tác động tích cực đến tâm lý người đối thoại, không phải chỉ đơn giản là bày tỏ, mà tranh luận để phủ định, rồi đưa ra ý kiến mới thay cho ý kiến đã có, chứ không có ý định thoả hiệp. Chiến thuật hành động bằng ngôn từ của các thầy như nhau: mỗi thầy đều có hai hành vi ngôn ngữ theo một trật tự duy nhất, là phủ định cái đã có và khẳng định quan niệm mới của mình. Kết quả là, cũng như trong kịch, không phải chỉ là nói qua nói lại, mà những hành vi ngôn ngữ của các thầy cuối cùng đưa họ đến một mâu thuẫn cao trào, từ đó xuất hiện quan hệ mới và cách ứng xử với nhau khác hẳn (ít ra là về mặt hình thức) so với ban đầu: sự đồng tâm và đồng sự (cùng phàn nàn, chung nhau biếu tiền để cùng xem) lúc trước đã thay bằng xung khắc cãi cọ, rồi không nói với nhau ‘bằng miệng” nữa, mà “bằng chân tay”.
Có một sự tương thích phù hợp với sự hình dung thuận chiều tự nhiên, giữa thứ tự những bộ phận của con voi (vòi, ngà, tai, chân, đuôi) và trật tự phát biểu của các thầy có liên quan đến những bộ phận này. Tuy nhiên, trật tự này đã được sử dụng trong cách thức biểu lộ hành vi phủ định, tạo nên sự hợp lý diễn biến và góp phần thúc đẩy xung đột. Chúng ta đã biết, phủ định dẫn đến bác bỏ là mục đích thứ nhất trong phát ngôn của mỗi thầy, nhưng các câu hỏi phủ định cái gì và phủ định như thế nào lại được các thầy trả lời không hoàn toàn như nhau, và điều đó có liên quan đến việc ai nói trước và ai nói sau:
- Tưởng con voi nó như thế nào, hoá ra...
- Không phải!...
- Đâu có!...
- Ai bảo!...
- Các thầy nói sai cả...
Trật tự và cách nói trên hoàn toàn không ngẫu nhiên. Bốn thầy nói trước đều có những phát ngôn phủ định phiếm chỉ trống không vu vơ. Thầy sờ vòi (bộ phận trước hết của con voi) là người đầu tiên phát biểu ý kiến, nên cái phủ định là phương pháp nhận thức trước đó. Có vẻ như thầy này đang nói về chính mình nhưng cũng có thể ông đang tự cho mình quyền đại diện nói thay cho mọi người, rằng cứ nghĩ và tin chắc hình thù con voi phải thế này thế nọ (và điều đó thật là vô căn cứ), không ngờ sự thật hiển nhiên rất đơn giản và khác hẳn thế. Đặc tính vu vơ của câu nói Tưởng con voi nó như thế nào, hoá ra...cho phép hiểu nó theo hướng không phương hại đến thể diện người nghe (nếu người nghe muốn hiểu như vậy), rằng hình như ông thầy chỉ đang đứng trên mình và tự giễu mình.
Theo cách gối lời, ba thầy tiếp theo thể hiện hành vi phủ định bằng những câu buông sõng đầy vẻ khinh khi, chắc như đinh đóng cột ( Không phải! Đâu có! Ai bảo). Có vẻ như sự phủ định ấy chỉ dành cho người vừa nói trước mình, nhưng cũng có thể hiểu mỗi thầy đang bác bỏ và bày tỏ sự xem thường đối với tất cả những ý kiến của các thầy khác. Thế rồi đến lượt thầy sờ đuôi (bộ phận sau cùng của con voi): là người phát biểu sau cùng, ông này đã tự gánh lấy trách nhiệm phủ định hiển ngôn (chứ không úp mở nữa) quan niệm của tất cả các thầy khác. Bằng một phát ngôn có cấu trúc đầy đủ, toát lên vẻ cân nhắc điềm đạm như cách tổng kết (Các thầy nói sai cả...),ông đã thêm giọt nước cuối cùng làm tràn li, chẳng khác gì nói lời tuyên bố rằng ở đây không thể theo nguyên lý cộng tác và lịch sự.
Khi thực hiện hành vi khẳng định quan niệm mới của mình, các ông thầy đã sử dụng cùng một kiểu phát ngôn. Đó là cấu trúc so sánh, được dùng khi đối chiếu hai hay nhiều sự vật khác loại có cùng (hay được xem là có cùng) đặc điểm chung nào đấy, đồng thời qua sự liên tưởng để diễn tả đặc điểm sự vật một cách hình ảnh:
A - t - như - B
(trong đó: A: sự vật được so sánh
t: đặc điểm của sự vật được so sánh
như: phụ từ biểu thị quan hệ tương đồng (chung) khi so sánh B: sự vật so sánh)
Với cấu trúc như trên, các thầy đã tiến hành các thao tác so sánh như nhau và hợp với lẽ thường. Trước hết, mỗi thầy xác định một đặc điểm của sự vật. Đặc điểm như thế gợi nên ở họ sự liên tưởng tới một sự vật khác từng biết cũng có đặc điểm như vậy, và họ dùng sự vật khác này để diễn tả đặc điểm của sự vật ban đầu:
- Hoá ra nó sun sun như con đỉa.
- Nó dài dài như cái đòn càn.
- Nó bè bè như các quạt thóc.
- Nó sừng sững như cái cột đình.
- Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn...
Kết quả là đặc trưng của từng bộ phận cơ thể con voi đã được xác định, đều được gọi bằng các từ láy tượng hình ước lệ, sun sun, dài dài, bè bè, sừng sững và tua tủa. Quả thực, các đặc trưng này đều thấy ở các sự vật so sánh, là con đỉa, cái đòn gánh, cái quạt thóc, cái cột đình và cái chổi xể cùn... Sự so sánh như vậy hết sức khập khiễng, vì căn cứ trên sự liên tưởng và nhằm mục đích tu từ (khác với sự so sánh luận lí) và đó cũng là điều thường gặp. Nghĩa là sẽ không thấy có gì bất thường oái oăm, nếu như tên gọi tương ứng với sự vật cần gọi. Thực tế không phải như vậy: Người nói dùng từ nóđể quy chiếu vào “con voi”, và muốn người nghe hiểu rằng mình đang nói đến “con voi”, thế nhưng hoàn cảnh nói năng và cái mà họ diễn tả lại khiến người nghe không quy chiếu nóvào “con voi” mà vào “cái vòi, cái tai, cái đuôi...”.
Trong thực tế nói tiếng Việt, phép so sánh tu từ không chỉ giúp nhận thức sâu sắc về một phương diện nào đó của sự vật, mà còn là một phương tiện để biểu cảm. Đối với nhiều dân tộc Á Đông, con voi với dáng vẻ to lớn đường bệ và sức mạnh phi thường, thường được coi là biểu tượng của sự kỳ vĩ tôn quý và quyền uy, thậm chí được coi là con vật thiêng liêng và hoá thân của thần thánh. Vậy mà các ông thầy bói nọ đã “xem” mà không “thấy”, đã so sánh con voi với các sự vật của làng quê dân dã (là con đỉa, cái đòn càn, cái chổi xể cùn...). Điều đó có thể và vô tình, nhưng cũng có thể các ông thầy làm thế vì sĩ diện, hoặc có lẽ người kể chuyện muốn ghép các thầy vào tội coi thường và cố ý báng bổ...
Vâng, thường thì người kể chuyện trào phúng dân gian không chỉ kể để mua vui, mà vừa để vui vừa ngụ ngôn hàm ý. Lẽ nào chỉ bằng cách nhận biết phiến diện từ góc nhỏ hẹp mà thấy được toàn bộ sự vật hay chân lí ư? Nhưng mặt xã hội của truyện có thể còn ở khía cạnh khác mà ta thường bỏ qua: có tới năm ông thầy bói trong truyện, mặc dù chỉ cần hai ông đối thoại là đã có thể cãi nhau. Có thể chỉ là vì năm người này ứng với 5 bộ phận đặc trưng của con voi, nhưng con số này cũng còn phục vụ cho một ý đồ khác nữa của người kể chuyện: tuy con voi không nhỏ, nhưng có tới năm ông thầy cùng “xem” một lúc, cùng một cách, rồi phát biểu ý kiến theo cùng một kiểu làm cho không gian trong truyện trở thành chật chội dễ gây bực dọc xung khắc, đồng thời không còn chỗ cho sự trao đổi và hợp tác nữa.
Nhưng không cần đợi đến lúc có voi đi qua thì tình hình mới xấu đi, nói đúng hơn là không phải tại con voi. Mở đầu truyện, người kể đã giới thiệu rằng năm ông thầy trò chuyện nhân buổi ế hàng. Từ nhân biểu thị điều sắp nêu ra (ế hàng) là hoàn cảnh thuận tiện diễn ra sự việc đang nói đến (trò chuyện). Thế nhưng ai cũng biết rằng ở một chợ có tới năm ông thầy bói thì chẳng còn thần thánh ma quỷ nào lai vãng đến, và “ế hàng” là lẽ thường tình. Vậy thì con voi kia chẳng phải chỉ là cái cớ để các thầy trút đi nỗi bực dọc tị hiềm và tỏ ra hơn người trong cuộc đua tranh mưu sinh bằng cách buôn thần bán thánh đó sao?
Ai cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai khi bàn tán về hình thù con voi, bác bỏ một sự ấu trĩ này để khẳng định một sự phiến diện khác, trong một không gian chật chội, với một tâm thế khinh thị và gây sự, mà nguyên nhân sâu xa lại không liên quan gì đến hình thù con voi, thì nếu không thành ra xô xát và đánh nhau toạc đầu chảy máu mới là chuyện lạ.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Trương Chính - Bình giải ngụ ngôn ViệtNam, NXB Giáo dục, H, 1998.
2. Tập thể tác giả - Từ điển văn học, NXB KHXH, H, 1983.
3. Trần Đình Sử - So sánh các dị bản truyện “Thầy bói sờ voi” và suy nghĩ về tâm thức dân gian Việt, T/c Văn hoá dân gian, số 4 (100) 2005.
4. Viện Ngôn ngữ học - Từ điển tiếng Việt 2000, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 2000.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 3 (125), 2006