Năng lượng tái tạo, tiềm năng chưa được đánh thức
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang hối hả phát triển, ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. Nguyên nhân chính là năng lượng truyền thống (than, dầu, khí...) sắp cạn kiệt, nguồn cung cấp biến động về giá cả, chịu ảnh hưởng của chính trị và việc sử dụng chúng làm phát thải khí nhà kính, gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, theo TS Nguyên, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược tổng thể về vấn đề này và hiện Bộ Công nghiệp mới đang soạn thảo chính sách phát triển năng lượng tái tạo để trình Chính phủ. Dự kiến, Việt Nam sẽ phấn đấu để tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm khoảng 3% tổng công suất điện năng tới năm 2010 và 6% vào năm 2030. Tỷ lệ này thấp hơn so với Thái Lan (8-9% tới năm 2020).
- Thuỷ điện nhỏ và phong điện
Các đề tài nghiên cứu đang được tiến hành cho thấy Việt Nam có thể phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo. Từ lâu, thuỷ điện nhỏ đã được sử dụng ở Việt Nam nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình và cộng đồng nhỏ, chủ yếu là vùng trung du miền núi. Thuỷ điện nhỏ có sức cạnh tranh so với các nguồn năng lượng khác do điện từ đó có giá thành cạnh tranh, trung bình khoảng 600 đồng/KWh. Ước tính Việt Nam có khoảng 480 trạm thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt là 300MW, phục vụ hơn 1 triệu người tại 20 tỉnh. Trong số 113 trạm thuỷ điện nhỏ, công suất từ 100KW-10MW, chỉ còn 44 trạm đang hoạt động. Con số 300MW quả là quá nhỏ bé so với tiềm năng của thuỷ điện nhỏ ở Việt Nam là 2.000MW, tương đương với công suất của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.
Một loại năng lượng tái tạo nữa là gió. Theo thống kê của ngành điện, sản lượng điện năng sản xuất từ sức gió hiện nay trên thế giới tăng liên tục, năm 1994 là 3.527,5MW; năm 1997 là 7.500MW và hiện nay là trên 10.000MW... Sử dụng nguồn điện bằng sức gió không lo hết nhiên liệu hay cạn kiệt nguồn nước như thủy điện và nhiệt điện, đặc biệt là không gây những tác động đáng kể đến môi trường. Mặc dù Việt Nam không có nhiều tiềm năng gió như các nước châu Âu, song so với Đông Nam Á thì lại có tiềm năng tốt nhất. Đáng tiếc là cho tới nay phong điện ở Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
TS Nguyên cho biết tiềm năng xây dựng phong điện ở Việt Nam từ nay tới năm 2030 là 400 MW. Muốn phát triển phong điện, cần phải đo tốc độ gió cụ thể tại các vùng miền. Cho tới nay, Việt Nam đã xây dựng xong và đang vận hành một cột gió phát điện công suất 850 KW ở Bạch Long Vĩ. Ngoài ra, Trung tâm năng lượng tái tạo và thiết bị nhiệt (RECTARE), ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đã lắp đặt trên 800 cột gió ở hơn 40 tỉnh thành, tập trung nhiều nhất gần Nha Trang (135 cột đang hoạt động). Nha Trang cũng là nơi có một trong hai làng gió ở Việt Nam. Việc xây dựng các cột gió ở làng này do Bộ Khoa học và công nghệ cùng với Hiệp hội Việt Nam-Thuỵ Sĩ tài trợ. Ngôi làng gió thứ hai nằm ở Cần Giờ nơi 50 cột gió đã được lắp đặt thông qua sự hỗ trợ của Pháp. Tuy nhiên, đa số các cột gió nói trên có công suất thấp, chỉ sử dụng cho hộ gia đình và ít thành công do không được bảo dưỡng.
Hiện còn có dự án xây dựng 20 cột gió với tổng công suất 15MW tại khu bờ biển bán đảo Phương Mai, Thành phố Quy Nhơn và một phần huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Viện Năng lượng đang chuẩn bị nghiên cứu khả thi xây dựng các trang trại gió quy mô lớn, một trong số đó là trang trại 20 MW ở Khánh Hoà. Tổng công ty điện lực Việt Nam dự định tài trợ để xây dựng một trang trại nữa với công suất 20 MW, cũng ở Khánh Hoà. Giá phong điện hiện ở vào khoảng 800 đồng/kWh.
- Sinh khối và mặt trời
Ngoài phong điện, tiềm năng sinh khốitrong phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam cũng khá lớn. Lợi thế to lớn của sinh khối so với các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió và mặt trời là có thể dự trữ và sử dụng khi cần, đồng thời luôn ổn định, tình hình cấp điện không bị thất thường. Nguồn sinh khối chủ yếu ở Việt Nam là trấu, bã mía, sắn, ngô, quả có dầu, gỗ, phân động vật, rác sinh học đô thị và phụ phẩm nông nghiệp. Theo nghiên cứu của Bộ Công nghiệp, tiềm năng sinh khối từ mía, bã mía là 200-250MW trong khí trấu có tiềm năng tối đa là 100MW. Hiện cả nước có khoảng 43 nhà máy mía đường, trong đó 33 nhà máy sử dụng hệ thống đồng phát nhiệt điện bằng bã mía với tổng công suất lắp đặt 130MW. Tuy nhiên, nếu thừa điện thì các nhà máy này cũng không bán được.
Ngoại trừ mía đường, các nguồn sinh khối khác vẫn chưa được khai thác để sản xuất điện. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã chuẩn bị các nghiên cứu khả thi về sử dụng rác sinh học đô thị để sản xuất điện, mặc dù vậy chưa có một nhà máy sinh khối thương mại nào ở Việt Nam. Chính phủ đang đàm phán với các nhà đầu tư Anh, Mỹ để ký một hợp đồng BOT trị giá 106 triệu đôla để xây dựng một nhà máy sinh khối tại TP Hồ Chí Minh. Dự án này sẽ xây dựng một nhà máy xử lý 1.500-3.000 tấn rác mỗi ngày, sản xuất 15MW điện và 480.000 tấn NPK/năm.
Nguồn khí sinh học (biogas) từ bãi rác chôn lấp, phân động vật, phụ phẩm nông nghiệp hiện mới chỉ được ứng dụng trong đun nấu. Lý do đây là nguồn phân tán, khó sản xuất điện. Ước tính cả nước có chừng 35.000 hầm khí biogas phục vụ đun nấu gia đình với sản lượng 500-1.000m 3khí/năm cho mỗi hầm. Tiềm năng lý thuyết của biogas ở Việt Nam là khoảng 10 tỷ m 3/năm (1m 3khí tương đương 0,5 kg dầu). Hiện tại đang có một số thử nghiệm dùng biogas để phát điện. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Môi trường, nếu mỗi ngày chạy 1 máy phát (công suất 1-2kw) trong thời gian 2 tiếng thì cần phải nuôi 20 con lợn. Giá thành của khí sinh học ở vào khoảng 800 đồng/kwh.
Còn về điện mặt trời, Việt Nam đã phát triển nguồn năng lượng này từ những năm 1960, song cho tới nay vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi. Theo đánh giá của các chuyên gia thì hiệu quả nhất của năng lượng mặt trời là đun nước nóng. TS Nguyên cho rằng nên phát động phong trào sử dụng loại hình năng lượng này ở thành phố nhằm tiết kiệm điện. Bức xạ nắng mặt trời sau khi đi qua tấm kính có thể đun nóng nước tới 80 độ C và nước được nối qua bình nóng lạnh để tắm rửa hoặc đun nấu. Với một bể 500l nước nóng/ngày, một hộ gia đình cần đầu tư 3 triệu đồng để mua thiết bị và 3 năm sẽ thu hồi được vốn. Pin mặt trời hiện chỉ được dùng ở vùng sâu, vùng xa, phục vụ sinh hoạt, thông tin và liên lạc tàu bè.
Việt Nam hiện có trên 100 trạm quan trắc toàn quốc để theo dõi dữ liệu về năng lượng mặt trời. Tính trung bình toàn quốc thì năng lượng bức xạ mặt trời là 4-5kWh/m 2mỗi ngày. Tiềm năng điện mặt trời là tốt nhất ở các vùng từ Thừa Thiên Huế trở vào miền Nam và vùng Tây Bắc. Vùng Đông Bắc, trong đó có Đồng bằng sông Hồng, có tiềm năng kém nhất. Do giá thành còn cao (8000 đồng cho 1kWh) nên điện mặt trời chưa được dùng rộng rãi. Hiện mới chỉ có 5 hệ thống điện mặt trời lớn, trong đó có hệ thống ở Gia Lai, với tổng công suất 100kWp (công suất cực đại khi có độ nắng cực đại). Chính phủ cũng đã đầu tư để xây dựng 100 hệ thống điện mặt trời gia đinh và 200 hệ thống điện mặt trời cộng đồng cho cư dân ở các vùng đảo Đông Bắc với tổng công suất là 25kWp. 400 hệ thống pin mặt trời gia đình nữa do Mỹ tài trợ đã được xây dựng cho các cộng đồng ở Tiền Giang và Trà Vinh với tổng công suất 14kWp.
Nguồn:www.vnn.vn ngày 31-5-2005
Một nhà máy năng lượng sinh học. |
Một số cột gió phát điện. |
PGS. TS Nguyễn Tiến Nguyên. |