Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 20/08/2010 20:59 (GMT+7)

“Muốn sang thì bắc cầu… bê-tông”

Bao năm qua rồi, nhưng dường như thời gian, kể cả những thành công của ông và tập thể Hội KHKT Cầu đường Bến Tre có được, vẫn không thể làm ông thay đổi trong cách cư xử với mọi người; ông luôn vui vẻ, dễ gần. Còn nhớ khi giới thiệu về ông, một tờ báo giật tít khá bạo: Người ăn xin thế kỷ!Ông cười khà khà, rồi thôi. Bởi lẽ người ta nói cũng không sai tính chất việc làm của ông, như một vòng tuần hoàn: đi xin của người này về cho lại địa phương kia. Sự vận động không mỏi mệt của ông đã góp phần giúp tỉnh Bến Tre nâng số cầu được xây dựng ở nông thôn lên từng ngày. Với chương trình hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn, khoảng 2.900 ngày, Hội bắt nhịp cho 1.025 cây cầu lớn nhỏ (trên 115 tỷ đồng) ra đời ở khắp các huyện thị trong tỉnh; tư vấn, giới thiệu nhà tài trợ cho các tỉnh  Sóc Trăng, Bạc Liêu...

Toni Ruttimann, người Thụy Sĩ, từng nhận xét ưu ái dành cho người làm cầu: Mặt trời không bao giờ lặn; một sự lao động không mệt mỏi… Bến Tre là nơi Toni thực hiện “hai nhất”: dừng chân lâu nhất và tài trợ cầu cáp treo nhiều nhất (48 cầu). Chiếm đầy trong tình cảm đậm tình hữu nghị đấy là “Mr Mai Sơn”. Toni khâm phục: Tại sao người đàn ông tầm thước ấy (ông Mai Sơn) lại có thể huy động hàng chục, hàng trăm người dân ra làm cầu. Không phải một mình Toni mà nhiều, rất nhiều tổ chức, cá nhân cũng bị Hội của ông Mai Sơn thuyết phục… xây cầu.

Ngoài việc tổ chức bài bản, ông có một bí quyết không mới: Giữ chữ tín. “Số tiền vận động này là tình nghĩa đồng bào dành cho nhau, Hội KHKT Cầu đường Bến Tre chỉ là nhịp cầu nối” - ông xác định ngay từ đầu. Vì vậy, dù đôi ba chục triệu hay đến 3 tỷ cho 1 cây cầu, các ông đều áp dụng chung phương thức “địa phương hóa”: giao địa phương quản lý tiền, lập tổ giám sát công trình và công khai “người và việc” trên báo - phần này ông đảm trách. “Nhiều mắt, nhiều tay trông vào nên việc “rút ruột” công trình khó xảy ra” - một người dân ở huyện Mỏ Cày Nam nói với tôi.

Chặng đường làm cầu cũng là con đường đưa ông đến “Vinh quang Việt Nam” năm 2009, là điều ông không hề biết trước. Có mặt tại Thủ đô, cùng với những cá nhân, tập thể điển hình cả nước được vinh danh, ông vẫn chưa hết bất ngờ, vì trong thâm tâm, ông xem việc vận động để xây cầu, làm đường như cách đền đáp nghĩa ân tình của người dân vùng kháng chiến xưa. Mai Sơn nghỉ hưu, nhưng xem ra ông đi còn nhiều hơn hồi còn đương chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Các địa danh trong tỉnh, nơi nào dường như cũng có bước chân ông. Hoàn thành một cây cầu, người dân sở tại mừng một, ông vui tới mười.

Thời gian có trôi qua, nhưng “lịch khóa biểu” của ông vẫn chừng ấy việc: đi khảo sát, vận động nhà tài trợ, giám sát, khánh thành cầu và viết tin bài cộng tác với báo! Ông thường một mình, một xe mà đi, gần như… bất chấp cái tuổi gần thất thập của mình. “Công việc quen thuộc nhưng chưa bao giờ nhàm chán”, ông nói. Vì sao? “Đơn giản vì tình thương, trách nhiệm”. Có người nhận xét: Đối với nhà báo, mọi cuộc đi chơi cũng là đi làm. Tuy không phải là nhà báo, vậy mà đi đám tiệc, chơi quần vợt… ông cũng vận động được tiền xây cầu. Ông nhớ rõ từng nhà tài trợ dù là thân hữu hay sơ giao; có người không những sẵn sàng có mặt mà còn giới thiệu thêm nhà tài trợ mới; có người ở ngoại tỉnh, thậm chí ở nước ngoài. Họ đã không tiếc tiền và công sức khi đến Bến Tre và quay lại Bến Tre.

Nhìn thành quả của ngày hôm nay có ai ngờ xuất phát điểm của ông là những ngày vừa thoát khỏi căn bệnh ngặt. Bây giờ, có biết bao kỷ niệm đọng lại trong lòng Mai Sơn. Hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng trao số tiền tiết kiệm ít ỏi; nhà tài trợ không tiếc bạc triệu xây cầu nhưng không dám mua trái sầu riêng để ăn; những người bạn quốc tế không quản đường sá xa xôi như: Toni Ruttimann, đại diện tổ chức W.P.Schmitz - Stiftung (CHLB Đức)… luôn làm Mai Sơn đau đáu. Có lần tôi đùa, lỡ hai ba năm sau hết sông để xây cầu, các ông… thất nghiệp thì sao? “Thì làm chuyện khác” - ông cười vang, rồi trầm giọng - “Hồi đó, dân mình không có nhiều tiền để làm cầu qui mô nên giờ cần phải làm lại; với lại ở vùng sâu vẫn còn nhiều con sông chưa bắc được cầu… Chúng tôi phải phấn đấu, góp phần với tỉnh đảm bảo an toàn cho người dân chớ”…

Nhiều tấm lòng chia sẻ những khó khăn, vất vả ông đã trải qua và cùng song hành về phía trước. Vì vậy, mỗi cây cầu như có một… giai thoại. Sư cô An Nghĩa (ở TP.HCM) sau khi được Hội từ thiện Phật Quang (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giới thiệu, đã điện thoại tìm ông Mai Sơn để ủng hộ. Đoàn Chiêu Tâm đọc bài viết về ông trên báo; cháu nội của nhà bác học Trương Vĩnh Ký - ông Trương Vĩnh Tống - hơn 80 tuổi, hiện định cư ở Pháp… cũng tìm đến Bến Tre gặp ông. Đặc biệt, có những người trước khi nhắm mắt đã để lại di nguyện: đóng góp tiền phúng điếu để xây cầu! Người lãnh trọng trách ấy là “ông Hai cầu đường” Trịnh Mai Sơn!

Thời điểm này, Chủ tịch Trịnh Văn Y đã chuẩn bị xong tất cả các thứ liên quan, để báo cáo thành tích tại Đại hội Thi đua yêu nước vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cấp toàn quốc. Sắp tới, ông sẽ đi dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Món quà ông “mang” ra Hà Nội là sự hoàn thành cầu Lịch Sử - cây cầu thứ 1.000 của Hội - ở mảnh đất hào hùng cuối đất Bến Tre: Thạnh Phong.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.