Mừng Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, anh hùng lao động, nhà khoa học chiến sĩ, tròn 88 tuổi
Ngày 12 - 10 - 1945, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Thành nhập ngũ, được biên chế về chi đội Vi dân Nam tiến. Năm 1946, được bổ nhiệm làm đội trưởng đội phẫu thuật dã chiến của mặt trận Play Móc Đen, Bô Keo, đứng chân tại căn cứ Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Từ cuối năm 1946 đến tháng 4 - 1947, ông lần lượt đảm nhiệm các cương vị Chủ nhiệm Quân y khu 5, Trưởng Khoa Lâm sàng thuộc quân y Phân cục Trung bộ, tham gia đào tạo khóa y tá đầu tiên của Quân y Trung bộ tại bệnh viện Mang Cá (Huế) và kiêm đội trưởng đội phẫu thuật A thuộc Trung đoàn Cao Vân, mặt trận Bắc Thừa Thiên.
Tháng 5 - 1947, BS Nguyễn Thiện Thành được bổ nhiệm làm Quân y Vụ trưởng Khu 9, kiêm kiểm soát viên Dân y miền Tây Nam bộ, Hiệu trưởng Trường Hộ sinh Trưng Trắc và tham gia đào tạo lớp cán bộ quân y, dân y đầu tiên của Khu 9.
Là người đam mê khoa học, từ năm 1948 trở đi, BS Nguyễn Thiện Thành bắt đầu làm quen với công tác nghiên cứu. Chỉ một năm sau, Sở Y tế Nam bộ đã cho xuất bản công trình đầu tay của ông mang tên “Khẩn cấp nội khoa”.
Ngày 7 - 1 - 1950, BS Nguyễn Thiện Thành bị giặc Pháp bắt trong một trận càn, bị giam giữ ở khám “Virgile”, thuộc trại giam Chí Hòa (Hòa Hưng, Sài Gòn) cho đến ngày 29 - 12 - 1950. Tại đây, không bỏ phí thời gian, BS Nguyễn Thiện Thành tìm mọi cách tiếp cận với những tài liệu mới về y học của Pháp; đặc biệt là phương pháp chữa bệnh theo học thuyết Filatov. Ông đã miệt mài nghiên cứu để khi có cơ hội sẽ áp dụng.
Sau chiến dịch biên giới cuối năm 1950, BS Nguyễn Thiện Thành được trao đổi với tù binh Pháp và trở về vùng tự do. Bộ Tư lệnh Nambộ cho đón ông về căn cứ Đồng Tháp Mười (khu 8), sau đó về U Minh (miền Tây Nam bộ). Trong thời gian này, Sở Y tế Nam bộ đã cho xuất bản công trình nghiên cứu thứ hai của ông, có tựa đề “Từ chứng đến bệnh”.
Trong vòng 3 năm (từ 1951 – 1954), BS Nguyễn Thiện Thành miệt mài với những công trình nghiên cứu ứng dụng. Trên cương vị Trưởng phòng Quân y Phân khu miền Tây Nam bộ, ông đã nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp chữa bệnh theo học thuyết Filatov (1951); sản xuất huyết thanh Bogomoletz (1952). Năm 1951, Phòng Quân y Phân liên khu miền Tây đã cho xuất bản công trình “Phương pháp Filatov, một ứng dụng huyền diệu của luật mâu thuẫn”. Năm 1952, xây dựng công trình “Huyết thanh Bogomoletz”. Và sau đó, năm 1953, công trình nghiên cứu về “học thuyết Paplov”. Như vậy, liên tục trong 3 năm, 3 công trình của BS Nguyễn Thiện Thành đã được xuất bản và phổ biến ứng dụng trong các chiến khu và vùng giải phóng Nam bộ.
Tháng 8 - 1954, BS Nguyễn Thiện Thành tập kết ra Bắc. Sau đó, ông được cử làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Trong thời gian này, BS Nguyễn Thiện Thành đã cho công bố công trình “Thành lập phản xạ có điều kiện với kích thích dây chuyền gồm ba nhân tố” (viết bằng tiếng Nga, năm 1959).
Về nước, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ chuyên ngành hoạt động thần kinh cao cấp (từ 1960 - 1964), BS Nguyễn Thiện Thành được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Quân sự, thuộc Tổng cục Hậu cần.
Với lòng nhiệt huyết của mình, năm 1964, BS Nguyễn Thiện Thành xung phong đi khảo sát, nghiên cứu giải pháp chống chiến tranh hóa học và vi trùng. Tháng 8 - 1964, ông xin vào chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ.
Từ năm 1964 - 1975, BS Nguyễn Thiện Thành liên tiếp được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng như Phó Chủ tịch Quân y Miền (B2), kiêm đặc trách sức khỏe ở các cơ quan Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền và Trung ương Cục miền Nam kiêm Viện trưởng Viện K71. Đặc biệt, khi ông phụ trách Bệnh viện K71, trong những tháng 5 và 6 - 1970, là lúc Mỹ đưa cả vạn quân đánh lên Campuchia. Tại khu vực Móc Câu, bệnh viện bị bao vây suốt gần 60 ngày đêm, ông cùng Chính ủy Lê Bình lãnh đạo và chỉ huy cuộc chống càn thắng lợi, bảo vệ an toàn cả ngàn sinh mạng thương bệnh binh, bà mẹ, trẻ em, cán bộ công nhân viên và tài sản của bệnh viện, được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất và Bộ Quốc phòng tặng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Cuối năm 1974, BS Nguyễn Thiện Thành được gửi đi đào tạo chuyên khoa ở Liên Xô và Nhật Bản về bảo vệ sức khỏe cho cán bộ cao tuổi.
Tháng 1 - 1975, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng bảo vệ Sức khỏe Trung ương và tháng 10 năm đó, kiêm thêm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất.
Trên những cương vị công tác khác nhau, từ 1964 - 1975, vừa nghiên cứu, vừa làm công tác quản lý, Nguyễn Thiện Thành - nhà khoa học chiến sĩ - đã hoàn thành 32 công trình nghiên cứu y học và đưa vào ứng dụng phục vụ yêu cầu bức bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ.
Do những cống hiến to lớn và nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quân y nước nhà, nhà khoa học chiến sĩ Nguyễn Thiện Thành đã được phong là Giáo sư Y khoa, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý và được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.