"Mùa thu vàng ngọc" của một nhà khoa học
Năm nay, Giáo sư Văn Tạo bước sang tuổi 80 (ông sinh ngày 29/4/1926). Hơn 50 năm theo cách mạng và làm khoa học liên tục từ năm 1954 đến nay, vừa học, vừa làm, vừa công tác quản lý (Viện trưởng Viện Sử học và công tác Đảng), vừa nghiên cứu khoa học, ông đã không ngừng rèn luyện mình để liên tiếp có những cống hiến trong khoa học. Cụm công trình được Giải thưởng Nhà nước năm 2000 là tập hợp hai tác phẩm cách nhau tới 20 năm: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng (1972) và Chúng ta kế thừa di sản nào trong khoa học kỹ thuật – pháp luật và hương ước, nông thôn và nông nghiệp (1993). Song từ tuổi 70 trở đi, chỉ trong vòng sàu năm (1995-2001), ông đã biên soạn được 12 cuốn sách với hơn 4000 trang, tính ra mỗi năm làm ra hai công trình có chất lượng tốt, được dư luận đánh giá cao. Thật là một thành quả lao động hiếm có ở lứa tuổi “cổ lai hy”. Chỉ có những người biết thường xuyên luyện tâm, luyện đức, luyện trí, luyện tài mới có thể vững bút cống hiến cho khoa học như thế.
Xin được điểm qua đôi nét về 12 tác phẩm này. Với khoa học luận chặt chẽ được đề cập trong Phương pháp lịch sử và phương pháp logic(1995), ông đã đóng góp công sức và trí tuệ vào công tác đào tạo đại học và trên đại học của ngành sử học. Thông qua việc biên soạn hai cuốn: Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia – 40 năm xây dựng và trưởng thành(1995) và Viện Sử học Việt Nam 1953-1998(1998) đã làm sống lại lịch sử của hai cơ quan khoa học của nước ta tồn tại từ kháng chiến chống Pháp đến nay bằng những tư liệu phong phú và có rút ra những bài học lịch sử bổ ích. Bằng ngòi bút sắc sảo, công trình Nạn đói ở Việt Nam năm 1945 - Những chứng tích lịch sử(1995) đã lên án tội ác của chủ nghĩa phát-xít ở nước ta trong nửa đầu thế kỷ trước, gây một tiếng vang cả trong và ngoài nước, đồng thời góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt - Nhật, tạo thuận lợi trong xây dựng và phát triển mối quan hệ và hợp tác hiện nay. Đặc biệt, 5 tác phảm có tính lý luận sâu sắc, có giá trị lớn đóng góp tích cực vào kho tàng lý luận của Đảng ta, bao gồm: Cách mạng Tháng Tám - một số vấn đề lịch sử (1995); Phương thức sản xuất châu Á – Lý luận Mác – Lênin và thực tiễn Việt Nam (1996); Một số vấn đề về giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam (1997); Kinh nghiệm xây dựng và quản lý chính quyền các cấp trong lịch sử (2000) và Lịch sử quân sự Việt Nam từ 1897 đến 1945 (1995).Đọc những tác phẩm này, chúng ta cảm nhận được công sức, trí tuệ của ông trong lao động khoa học và phong cách làm việc hết sức nghiêm túc. Là nhà sử học, nhưng ông không làm việc theo lối sao chép lịch sử hay “tầm chương trích cú”, sưu tầm trong các thư tịch cổ, hoặc không chỉ dừng lại ở tổng kết thực tiễn, mà cao hơn, ông đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong tư duy lý luận, đi vào những vấn đề cốt lõi của xã hội và cách mạng nướcta: Muốn hiểu xã hội cổ truyền Việt Nam không thể bỏ qua vấn đề phương thức sản xuất châu Á; tìm hiểu cách mạng Việt Nam không thể bỏ qua các vấn đề về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam và đấu tranh vũ trang đi đến thành công của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng chính quyền các cấp có sự kế thừa truyền thống của ông cha.
Công trình Sử học và hiện thựcgồm ba tập, đã sử dụng khoa học lịch sử để kiến giải hiện thực đầy sáng tạo của cuộc sống Việt Nam, như: Công cuộc đổi mới hiện nay có thể tìm lại truyền thống từ 10 cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử Việt Nam, hoặc đi vào hiện thực phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam với sự ra đời của những công nhân trí thức - chất lượng mới của đội ngũ công nhân nước ta.
Từ năm 2001 đến nay (76 đến 80 tuổi), Giáo sư Văn Tạo vẫn là đồng tác giả của nhiều công trình được xuất bản. Đó là những cuốn sách viết về các nhà lãnh đạo cách mạng nước ta qua nhiều thời kỳ, các nhân vật lịch sử như Khúc Thừa Dụ, Trần Thủ Độ, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thái Học, các triều đại phong kiến chưa được đánh giá đúng trong lịch sử Việt Nam như nhà Mạc, nhà Trịnh, nhà Nguyễn… Luận điểm khoa học của ông công bố trên báo Đảng năm 1996 về “ Công minh lịch sử và công bằng xã hội”đã có tác động tích cực đến các công trình kể trên. Đọc các bài viết của ông, người ta thấy vừa có hồn, lại có hậubởi ông đã đưa được cái tâm của mình vào nghiên cứu lịch sử cùng cách đánh giá, phán xét hết sức công tâm, rõ ràng, rành mạch giữa công và tội. Người ta không bắt gặp những bài lý luận với những từ ngữ “đao to búa lớn”, chỉ trích gay gắt kể cả trong đấu tranh ngoại giao. Ông có cách tiếp cận khoa học và dẫn ra được những luận chứng rất thuyết phục, nên tuy lời lẽ nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc, thấm đượm tình người.
Bên cạnh những công trình xuất bản thành sách, mỗi năm ông còn có hàng chục luận văn nghiên cứu, các bài báo, các tham luận ở nhiều hội thảo khoa học nhằm đưa sử học vào phục vụ thực tiễn, đáng kể nhất là 12 kiến nghị lên Trung ương Đảng và Chính phủ(trong tổng số 46 kiến nghị ông đã gửi từ 1995 đến nay), trình bày những suy nghĩ khoa học của mình đóng góp vào công cuộc đổi mới. Năm 2001, ông được mời tham gia làm uỷ viên Ban chỉ đạo biên soạn lịch sử Chính phủ.
Ở độ tuổi này, Giáo sư Văn Tạo vẫn hăng say với công việc, vẫn đi nhiều, tiếp xúc nhiều và viết nhiều. Nhiệt huyết trong lao động khoa học và cái tâm sâu nặng với đời đã giúp ông vượt qua nhiều bệnh tật, sống vui vẻ, minh mẫn và không ngừng cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Ông thường xuyên tâm nguyện một triết lý sống là luôn tự hỏi mình: Ngày hôm nay đã làm được điều gì có ích hơn ngày hôm qua? Tuổi già như ông thật đáng trân trọng. Đúng là một “mùa thu vàng ngọc”
Nguồn: Nhân dân hằng tháng, số 96, 4/2005, tr 16