Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 15/12/2009 00:13 (GMT+7)

Một số tiểu từ tình thái biểu đạt tính lịch sự trong hành động ngỏ lời bằng tiếng Việt

1. Đặt vấn đề

Tiểu từ tình thái trong mối tương quan với tính lịch sự trong các hành động lời nói của người Việt đã được các nhà ngôn ngữ học Việt ngữ như Glebova I. I. (1976), Nguyễn Anh Quế (1988), Phạm Hùng Việt (1994), Nguyễn Thị Lương (1996), Nguyễn Văn Chính (2000), Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp (2001),v.v… quan tâm nghiên cứu từ lâu. Tuy nhiên, việc đi sâu phân tích cách dùng tiểu từ tình thái chuyên biệt cho một hành động lời nói cụ thể tính đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, trong bài viết này chúng tôi tập trung mô tả và phân tích chức năng của một số tiểu từ tình thái trong việc biểu đạt tính lịch sự trong hành động ngỏ lời bằng tiếng Việt đi từ nét nghĩa cơ bản cho đến nét nghĩa mở rộng trong những ngữ cảnh tình huống cụ thể.

Cơ sở dữ liệu trong bài viết này được lấy chủ yếu từ các bản câu hỏi và các mẫu hoàn thành tình huống do các nghiệm thể người Hà Nội ở độ tuổi từ 28 đến 30 tham gia thực hiện. Ngoài ra, còn có một số dữ liệu được trích từ phim truyện Việt ngữ và một số công trình nghiên cứu trước đây về tiểu từ tình thái tiếng Việt và đặc biệt là một số dữ liệu do chúng tôi thu thập được từ sự ghi nhận trong thực tế.

2. Khái niệm về hành động ngỏ lời

Để làm cơ sở cho việc mô tả và phân tích trong bài viết này, chúng tôi vận dụng khái niệm sau đây về hành động ngỏ lời của Rabinowitz J. F. (1993) và Chử Thị Bích (2002):

Ngỏ lời là hành động lời nói mà người ngỏ lời tự nguyện hoặc bị/được người nghe yêu cầu thực hiện nhằm mang lại cho người nghe cái gì hoặc làm giúp/phục vụ người nghe điều gì. Vì lẽ đó, người ngỏ lời thường cho rằng hành động ngỏ lời của mình có lợi cho người nghe và có thể nâng cao thể diện cho người nghe hơn là đe doạ thể diện của người nghe. Khi thực hiện hành động ngỏ lời, người ngỏ lời thường thể hiện sự sẵn lòng hoặc tình trạng đủ khả năng giúp người nghe để có thể thuyết phục người nghe chấp nhận lời ngỏ.

(Rabinowitz J. F., 1993, tr. 203, Chử Thị Bích, 2002, tr. 52, 53).

3. Khái niệm về tiểu từ tình thái

Đa số các tiểu từ tình thái tiếng Việt tự bản thân nó không có nghĩa và được sắp xếp vào loại hư từ trái với thực từ (Nguyễn Anh Quế, 1988). Chẳng hạn, hư từ cuối câu đi 2đã mất đi nghĩa hoạt động đi lạivốn có của thực từ đi 1; trong: “ Ta đi 1 chơi đi 2!” và có chức năng của một hư từ nhằm kêo gọi sự đồng tình từ phía người nghe. Ngoài ra, Nguyễn Kim Thản (1997) phân định rằng tiểu từ tình thái là các từ ngữ pháp. Hoàng Phê và một số nhà nghiên cứu Việt ngữ khác (1998) cũng cho rằng tiểu từ tình thái không thể đứng độc lập trong câu nhưng được dùng để biểu thị mối quan hệ ngữ pháp giữa những thực từ. Nguyễn Văn Chính (2000, tr. 174), Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp (2001) chia sẻ quan điểm rằng nghĩa ngữ dụng của các tiểu từ tình thái thường gắn chặt với ngữ cảnh. Tiểu từ tình thái trong tiếng Việt có thể đứng ở đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu. Trong bài viết này, các tiểu từ tình thái được chúng tôi mô tả và phân tích theo hai nhóm chính:

- Tiểu từ tình thái thể hiện sự tôn trọng người nghe: Tiểu từ tình thái này biểu thị mối quan hệ xã hội giữa các đối tượng tham gia giao tiếp.

- Một số tiểu từ tình thái khác có chức năng làm chỉ tố hoặc điều biến tố làm tăng hoặc giảm lực ngôn trung của hành động ngỏ lời.

4. Tiểu từ tình thái ạ

Tiểu từ tình thái ạ có thể dùng làm chỉ tố lịch sựtrong các hành động lời nói nói chung và hành động ngỏ lời nói riêng (Nguyễn Thị Lương, 1996, tr. 106, Đào Thị Thuý Nga, 1999, tr. 59, Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp, 2001, tr. 127) bởi lẽ dùng tiểu từ tình thái ạ người ngỏ lời có thể biểu lộ sự tôn kính đối với người bề trên. Đây là một quy ước xã giao mà người ngỏ lời nếu không tuân thử sẽ bị coi là bất lịch sự.

(1) Cháu nói với chú của mình đang bị ốm và cần có sự giúp đỡ của cháu ở bên cạnh:

“Vâng, cháu sẽ ở đây cho đến khi chú khoẻ hẳn ạ!”.

(Phim Cỏ lông chông, VTV1, 2007)

5. Một số tiểu từ tình thái làm chỉ tố hoặc điều biến tố của hành động ngỏ lời bằng tiếng Việt

Ngoài tiểu từ tình thái ạ để biểu thị sự tôn kính của người ngỏ lời đối với người nghe, các tiểu từ tình thái khác có thể được phân thành hai nhóm chính sau đây tuỳ theo chức năng và vị trí của chúng trong câu.

5.1. Tiểu từ tình thái làm chỉ tố của hành động ngỏ lời bằng tiếng Việt

Trong khi Austin J. (1962) cho rằng một số động từ ngữ vi có thể giúp nhận dạng một hành động lời nói, Lyons J. (1995, tr. 250), Nguyễn Thị Lương (1996, tr. 132), Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp (2001, tr. 117, 120, 153) cho rằng ngoài động từ ngữ vi những phương tiện ngôn ngữ khác như tiểu từ tình thái hoặc ngữ điệu của phát ngôn cũng có thể giúp nhận biết hành động lời nói kể cả hành đông ngỏ lời. Trong bài viết này một số tiểu từ tình thái làm chức năng chỉ tố biểu thị hành động ngỏ lời trong những ngữ cảnh khác nhau sẽ được chúng tôi dẫn chứng minh hoạ trong những ví dụ sau:

- Tiểu từ tình thái cuối câu CHO

CHO có nghĩa gốc là ban phát, trao tặng(Nguyễn Anh Quế, 1988, tr. 168, 169, Nguyễn Đức Hoạt, 1995, tr. 254). Dùng ở vị trí cuối câu, tiểu từ tình thái CHO có thể chuyển tải ý tưởng rằng khi làm việc gì cho người nghe hoặc khi ban phát cho người nghe một vật gì người ngỏ lời đã mang đến cho người nghe một đặc ân. Do vậy, tiểu từ tình thái CHO có thể dùng làm chỉ tố để biểu thị hành động ngỏ lời. Tiểu từ tình thái này được dùng khi người ngỏ lời có vị trí xã hội cao hơn hoặc có quan hệ thân quen với người nghe.

(2) A ngỏ lời giúp em gái lau chùi phòng khách khi biết em mình sắp sửa thi học kỳ:

“Chị làm cho!”

(Phiếu hoàn thành tình huống)

- Tiểu từ tình thái cuối câu NHÉ?

Tiểu từ tình thái cuối câu NHÉ? Có thể dùng làm chỉ tố biểu thị hành động ngỏ lời dưới dạng câu đề nghị (Nguyễn Thị Lương, 1996, tr. 104). Người ngỏ lời có thể dùng NHÉ? với người bề trên, kẻ dưới hoặc người ngang hàng (Nguyễn Thị Lương, 1996, tr. 105).

3) A ngỏ lời giúp chị gái Liên thắp đèn khi trời chạng vạng tối:

“Em thắp đèn lên nhé?”

(Nguyễn Thị Lương, 1996, tr. 112)

- Tiểu từ tình thái cuối câu ĐI

Người ngỏ lời có thể dùng tiểu từ tình thái cuối câu ĐI làm chỉ tố biểu thị hành động ngỏ lời với người cấp dưới hoặc ngang hàng trong mối quan hệ thân quen.

(4) A trao nước cam cho bạn trai uống khi anh đang nằm điều trị vết thương ở bệnh viện:

“Anh uống đi!”

(Phim truyện Gió đại ngàn, VTV1, 2007)

- Tiểu từ tình thái cuối câu ĐÂY

Người Việt bản xứ có thể sử dụng tiểu từ tình thái ĐÂY ở cuối câu để thể hiện hành động ngỏ lời trong tiếng Việt:

(5) “Cháu lại mang cháo cho ông đây!”

(Phim truyện Tia nắng mong manh, VTV1, 2005)

5.2. Tiểu từ tình thái làm điều biến tố của hành động ngỏ lời bằng tiếng Việt

5.2.1. Điều biến tố tăng lực

Ngoài chức năng làm chỉ tố biẻu thị hành động ngỏ lời, tiểu từ tình thái còn có chức năng điền biến tố làm giảm lực ngôn trung của hành động ngỏ lời khi hành động này có nguy cơ đe doạ thể diện của người nghe hoặc làm tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời khi hành động này có thể nâng cao thể diện của người nghe.

- NÀO.

Người nói có thể dùng tiểu từ tình thái cuối câu NÀO để khuyến khích người nghe làm điều gì ( Glebova I. I. , 1976, Nguyễn Anh Quế, 1988, tr. 230, Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp, 2001, tr. 133, 148). Vì thế tiểu từ tình thái này có khuynh hướng làm tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời trong tiếng Việt nhằm kêu gọi người nghe chấp nhận lời ngỏ để có được lợi ích thiết thực mà người ngỏ lời mang lại. Tiểu từ tình thái NÀO có thể dùng trong hành động ngỏ lời giữa những đối tượng giao tiếp có quan hệ thân quen.

(6) Các anh lính bộ đội nói với nữ đồng đội:

“Các chị đưa chúng tôi gánh cho nào!”

(Nguyễn Anh Quế, 1988, tr. 231)

- NÀY/ĐÂY

Ở vị trí cuối câu, NÀY/ĐÂY có thể dùng để nhấn mạnh một trạng thái (Nguyễn Anh Quế, 1988, tr. 236, Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp, 2001, tr. 55). Do vậy, NÀY/ĐÂY có chức năng tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời ngõ hầu thể hiện tình trạng sẵn sàng giúp đỡ người nghe của người ngỏ lời và mong đợi người nghe chấp nhận thiện ý đó trong mối quan hệ thân quen.

(7) A ngỏ lời cho bạn thân học cùng lớp mượn vở ghi bài:

“Lấy vở của tao mà chép này!”

(Phiếu hoàn thành tình huống)

- ĐẤY

ĐẤY có thể dùng để biểu thị tình trạng của sự việc (Nguyễn Anh Quế, 1988, tr. 236). Dùng trong hành động ngỏ lời, tiểu từ tình thái này biểu thị khả năng sẵn sàng về vật chất hoặc sự phục vụ của người ngỏ lời để có thể giúp đỡ người nghe một cách thân thiện trong mối quan hệ với người bề trên, kẻ dưới hoặc người đồng đẳng.

+ Ở vị trí giữa câu:

ĐẤY ở vị trí giữa câu có thể làm tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời bởi lẽ người ngỏ lời mong đợi sự đồng tình từ phía người nghe.

(8) Hoa ngỏ lời giúp mẹ dọn sạch những mảnh dưa hấu rơi vãi trên bàn ăn:

“Mẹ để đấycon dọn.”

(Phim truyện Cỏ lông chông, VTV1, 2007)

+ Ở vị trí cuối câu:

ĐẤY ở vị trí cuối câu có thể dùng làm yếu tố tăng lực ngôn trung của hành động lời nói bao gồm hành động ngỏ lời (Nguyễn Tài Cẩn, 1975, tr. 85, Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp, 2001, tr 138) nhằm khẳng định khả năng thuận lợi của người ngỏ lời giúp người nghe về vật chất lẫn tinh thần để thể hiện sự quan tâm đối với người nghe.

(9) A nói với bạn gái của con trai mình khi cô này thức dậy vào buổi sáng sớm lãnh lẽo ở miền quê và cần một í nước ấm để rửa mặt. Đây là lần đầu tiên cô gái theo anh bạn trai về quê thăm mẹ.

“À, bác đặt ấm nước trên bếp than rồi đấy!”

(Phim truyện Hoa đào ngày tết, VTV1, 2007)

- NHÉ

Dùng ở vị trí cuối câu kể, NHÉ diễn đạt lời quyết định hoặc tuyên bố về một sự việc của người nói. Do vậy, với tiểu từ tình thái này người nghe không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lời ngỏ. Theo cách này, NHÉ làm tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời. NHÉ có thể dùng để ngỏ lời với người bề trên, kẻ dưới hoặc người đồng đẳng trong mối quan hệ thân quen.

(10) A ngỏ lời giúp mẹ dọn sạch một căn phòng bề bộn:

“Con dọn giúp mẹ nhé!”

(Phim truyện Vòng nguyệt quế, VTV1, 2008)

- CỨ:

Người ngỏ lời có thể trực tiếp biểu lộ thiện chí sẵn lòng giúp đỡ người nghe bằng cách dùng tiểu từ tình thái CỨ trước vị ngữ động từ ở giữa câu. CỨ thường được dùng trong lời ngỏ với người cấp trên, kẻ dưới hoặc người đồng đẳng trong quan hệ thân thiết để thể hiện sự quan tâm giúp đỡ giữa những thành viên trong cộng đồng.

(11) Thanh niên A ngỏ lời cho bạn đồng nghiệp thân thiết mượn xe để đi công việc khi thấy người này đang vội mà xe lại bị hỏng:

“Anh cứlấy xe của tôi mà đi!”

(Nguyễn Văn Chính, 2000, tr. 143)

- HÃY:

Người nói có thể dùng tiểu từ tình thái HÃY để yêu cầu người nghe chấp nhận lời đề nghị của mình (Nguyễn Anh Quế, 1988, tr. 128), Nguyễn Đức Hoạt, 1995, tr. 249, Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp, 2001, tr. 134). Với chiến lược này, người ngỏ lời có thể dùng HÃY để làm tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời khẩn khoản mong đợi sự đồng tình từ phía người nghe. HÃY có thể dùng trong hành động ngỏ lời với người bề trên, kẻ dưới hoặc với người đồng đẳng nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người Việt.

(12) A ngỏ lời giúp em gái của bạn mình xử lý một số trục trặc về máy vi tính:

“Em hãyđể chị giúp!”

(Quan sát và ghi nhận)

- ĐI

Ở vị trí cuối câu, ĐI với chức năng kêu gọi một hành động phải làm ngay (Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp, 2001, tr. 139) người ngỏ lời thúc giục sự chấp thuận lời ngỏ từ phía người nghe. Vì thế, tiểu từ tình thái này có tác dụng tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời. ĐI thường dùng trong hành động ngỏ lời với người cấp dưới hoặc người đồng đẳng.

(13) Chủ nhà ngỏ lời mời em rể và những đồng nghiệp của người này thức uống khi họ đến thăm bà:

“Các chú uống nước đi!”

(Phim truyện Cỏ lông chông, VTV1, 2007)

- VỚI

VỚI có nghĩa gốc cùng với diễn đạt nghĩa sự cộng tác trong một hành động (Nguyễn An Quế, 1988, tr 185). Người ngỏ lời có thể dùng VỚI ở vị trí cuối câu để thể hiện sự thiết tha kêu gọi việc chấp nhận lời ngỏ từ phía người nghe nhằm phát huy tinh thần tương trợ lẫn nhau vốn vẫn được đề cao trong nền văn hoá Việt Nam mang tính cộng đồng. Tiểu từ tình thái này có thể dùng trong hành động ngỏ lời với người bề trên kẻ dưới hoặc người đồng đẳng trong mối quan hệ thân quen.

(14) Một thanh niên ngỏ lời giúp bà cụ hàng xóm đang lúi húi mở cánh cửa một cách khó nhọc và nặng nề.

“Cụ để cháu giúp một tay với!”

(Quan sát và ghi nhận)

- CHO:

Tiểu từ tình thái CHO với nghĩa gốc là biếu, ban phát, trao tặngcó thể chuyển đạt ý tưởng rằng khi ban phát cho người nghe một tặng vật hoặc làm giúp người nghe điều gì; người ngỏ lời đã ban cho người nghê một ân huệ. Trong văn hoá Việt Nam thiên về tính làng nước cộng đồng, ngỏ lời là hành động lời nói được khích lệ nhằm thể hiện sự quan tâm lẫn nhau và tính đoàn kết giữa những thành viên trong xã hội. Do vậy, CHO là tiểu từ tình thái làm tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời. CHO có thể dùng ở vị trí cuối câu trong kết hợp với vị ngữ động từ ĐỂ và chủ ngữ ở ngôi thứ hai khi người nói thể hiện hành động ngỏ lời với người bề trên:

(15) Trâm ngỏ lời đỡ va li hành lí cho bố bạn trai mình sắp lên thành phố để thăm con trai:

“Bác đểcon đỡcho!”

(Phim Cỏ lông chông, VTV1, 2007)

- ĐÃ

Tiểu từ tình thái cuối câu đã nhấn mạnh ý tưởng rằng người nghe nên chấp nhận thực hiện hành động đã được người ngỏ lời đề cập trong hành động ngỏ lời trước khi làm những điều khác. Vì vậy, ĐÃ có chức năng tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời đối với đối tượng giao tiếp có quan hệ thân quen.

(16) Một phụ nữ trẻ ngỏ lời mời người đưa thư thân quen vào nhà uống nước để giải khát vào một buổi trưa hè oi bức:

“Bác vào uống chén nước đã!”

(Phim truyện Tia nắng mong manh, VTV1, 2005)

5.2.2. Điều biến tố giảm lực

- NHÉ?

NHÉ? là tiểu từ tình thái đề nghị nhằm biểu đạt tính thân thiện của người nói đối với người nghe (Glebova I.I., 1976, Nguyễn Anh Quế, 1988, tr. 234). Đứng cuối hành động ngỏ lời gián tiếp dưới dạng câu nghi vấn, NHÉ? có chức năng tìm kiếm sự đồng thuận từ phía người nghe và có tác dụng giảm lực ngôn trung của hành động ngỏ lời nhằm mang đến cho người nghe quyền lựa chọn để biểu đạt tính lịch sự với ngữ điệu thăng giọng ở cuối câu (Đào Thị Thuý Nga, 1999, tr. 59, 83). Cách dùng này khác hẳn với cách dùng tiểu từ tình thái NHÉ làm điều biến tố tăng lực ngôn trung của hành động ngỏ lời với ngữ điệu xuống giọng ở cuối câu nhằm khẳng định tính quả quyết của người ngỏ lời về hành động ngỏ lời và người nghe có cảm giác bị ép buộc chấp nhận lời ngỏ mà không có cơ hội để lựa chọn. NHÉ? có thể dùng trong hành đông ngỏ lời với người bề trên, kẻ dưới hoặc người đồng đẳng.

(17) A nới với cháu trai khi cháu trai về quê thăm mình nhằm tìm sự khuây khoả và với đi tình trạng căng thẳng với công việc ở thành phố:

“Ở lại chơi với chú ít ngày nữa cho khuây khoả nhé?”

(Phim truyện Cỏ lông chông, VTV1, 2007)

- CHỨ?

Khi dùng ở cuối câu, CHỨ? diễn đạt thái độ chủ quan và khẳng định của người nói (Nguyễn Anh Quế, 1988, tr. 225, 226, Nguyễn Thị Lương, 1996, tr. 85, Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp, 2001, tr. 130). Dùng tiểu từ tình thái CHỨ? người ngỏ lời hi vọng người nghe có thể chấp nhận lời ngỏ. Vì thế, CHỨ? là yếu tố giảm lực ngôn trung của hành động ngỏ lời trong trường hợp ngỏ lời có nguy cơ đe doạ thể diện của người nghe do có thể bị người nghe khước từ. CHỨ? có thể dùng khi người ngỏ lời là người bề trên hoặc đồng đẳng so với người nghe nhằm tạo cho người nghe cơ hội lựa chọn mà không bị áp đặt để tỏ ra lịch sự với người nghe trong giao tiếp.

(18) A ngỏ lời đưa bạn thân đi uống cà-phê để thư giãn sau kì thi học kì căng thẳng ở trường:

“Đi uống cà phê chứ?”

(Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp, 2001, tr. 130)

- NHỈ?

Theo Nguyễn Anh Quế (1988, tr. 224), tiểu từ tình thái NHỈ? có thể dùng trong câu hỏi để kêu gọi sự đồng tình từ phía người nghe. Nguyễn Thị Lương (1996, tr. 94), Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp (2001, tr. 93, 125) cho rằng NHỈ? có thể dùng để hỏi thăm dò, khẳng định và thuyết phục người nghe đồng ý về vấn đề được nêu lên trong câu hỏi một cách thân thiện. Do vậy; dùng NHỈ? trong hành động ngỏ lời, người ngỏ lời cho rằng người nghe có thể đồng ý với hành động ngỏ lời của mình cho dầu người nghe cũng có thể có quyết định riêng của mình mà không có cảm giác bị người ngỏ lời ép buộc phải chấp thuận lời ngỏ. Vì vậy, dùng tiểu từ tình thái này, người ngỏ lời có thể biểu hiện phép lịch sự đối với người nghe. NHỈ? có thể dùng trong hành động ngỏ lời với người bề trên, người đồng đẳng hay người cấp dưới.

(19) A ngỏ lời rủ bạn thân cùng phòng chơi cờ để giải khuây sau kì thi học kỳ căng thẳng ở trường:

“Ta chơi ván cờ cho vui nhỉ?”

(Quan sát và ghi nhận)

NHỈ? khác với tiểu từ tình thái NHÉ? vì NHỈ? thể hiện tính lạc quan của người ngỏ lời bởi lẽ người nói cảm nhận rằng người nghe có thể đồng tình với lời ngỏ của mình. Trong khi đó NHÉ? cho thấy thái độ bi quan của người nói - người nói không biết chắc liệu người nghe có chấp nhận lời ngỏ của mình hay không (Nguyễn Thị Lương, 1996, tr. 105).

6. Kết luận

Đến đây chúng ta có thể thấy rằng tiếng Việt là ngôn ngữ không biến hình [Xtankêvic N. V. (1982, tr. 125]. Do vậy, nghĩa biểu cảm của hành động ngỏ lời cũng như thái độ của người ngỏ lời đối với người nghe được biểu thị chủ yếu qua các chỉ tố tình thái (Modal Markers). Trong số đó phải tính đến các tiểu từ tình thái làm chức năng chỉ tố biểu đạt hành động ngỏ lời hoặc các tiểu từ tình thái có chức năng điều biến tố làm tăng hoặc giảm lực ngôn trung của hành động ngỏ lời tuỳ từng tình huống cụ thể nhằm thể hiện thái độ lịch sự của người ngỏ lời đối với người nghe ngõ hầu xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ liên nhân trong cộng đồng người Việt vốn dĩ mang nặng bản sắc của nền văn hoá trọng tình.

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Anh

1. Austin J. (1962), How to do things with words, Harvard University Presses, Cambridge .

2. Nguyen Duc Hoat (1995), Politeness markers in Vietnamese requests, Ph. D. Thesis, Monash University, Melbourne .

3. Lyons J. (1995), Linguistic semantics – an introduction, Cambridge University Press.

4. Rabinowitz J. F. (1993), A descriptive study of the offer as a speech behavior in American English, Ph. De. Thesis, University of Pennsylvania, Michigan.

Tiếng Việt

5. Chử Thị Bích (2002), Một số biện pháp sử dụng ngôn ngữ biểu hiện phép lịch sự trong hành vi cho, tặng, Ngôn ngữ 5, tr. 52 – 56.

6. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Ngữ pháp tiếng Việt. Tiếng - từ ghép – đoán ngữ, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

7. Nguyễn Văn Chính (2000), Vai trò của hư từ tiếng Việt trong việc hình thành thông báo – phát ngôn, Luận án Tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

8. Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp (2001), Ngữ nghĩa - ngữ dụng các tiểu từ tình thái trong tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

9. Glebova I. !. (1976, Các tiểu từ dứt câu tiếng Việt hiện đại, Tuyển tập ngôn ngữ học Việt Nam , Mát-xcơ-va.

10. Nguyễn Thị Lương (1996), Tiểu từ tình thái dứt câu dùng để hỏi với việc biểu thị các hành vi ngôn ngữ trong tiếng Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

11. Đào Thị Thúy Nga (1999), Cấu trúc, ngữ nghĩa, chức năng của các thành phần tạo nên các phát ngôn ngữ vi mời và rủ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

12. Hoàng Phê, et al. (1998), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội.

13. Nguyễn Anh Quế (1988), Hư từ trong tiếng Việt hiện đại, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.

14. Nguyễn Kim Thản (1997), Động từ trong tiếng Việt, Hà Nội.

15. Phạm Hùng Việt (1994), Vấn đề tình thái với việc xem xét chức năng ngữ nghĩa của trợ từ tiếng Việt, ngôn ngữ 2.

16. Xtankêvich N. V. (1982), Loại hình các ngôn ngữ, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

Phịm truyện Việt ngữ

17. Hãng phim Truyền hình Việt Nam (2007), Cỏ lông chông, Hà Nội.

18. Hãng phim Truyền hình Việt Nam (2007), Gió đại ngàn, Hà Nội.

19. Hãng phim Truyền hình Việt Nam (2005), Tia nắng mong manh, Hà Nội.

20. Hãng phim Truyền hình Việt Nam (2007), Hoa đào ngày tết, Hà Nội.

21. Hãng phim Truyền hình Việt Nam (2008), Vòng nguyệt quế, Hà Nội.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...