Một số quy trình kỹ thuật cơ bản trồng tre khai thác măng
1. Đặc tính sinh vật :Tre- trúc thuộc lớp thực vật một lá mầm, họ hoà thảo, mọc thành cụm. Tre- trúc ít kén đất, thích nghi rộng. Tre - trúc sinh trưởng nhanh vì thân ngầm, thân, cành đều phân đốt. Cơ quan dinh dưỡng tre-trúc gồm: rễ, thân ngầm, măng, thân, cành, lá; Thân ngầm sinh ra măng, măng mọc phát triển thành tre, tre nuôi thân ngầm hoặc sinh thân ngầm mới & thân ngầm lại sinh măng cứ luân hồi như vậy phát triển thành bụi tre-trúc. Quá trình sinh trưởng của tre-trúc chỉ cần khoảng 100 ngày để hoàn thành chiều cao, đường kính, thời gian sau tiếp tục hoàn thiện độ cứng, tích luỹ xenlulô..Điều kiện tự nhiên trong huyện thích hợp cho tre-trúc sinh trưởng & phát triển. Nhiệt độ thích hợp từ : 15-22 oC, lượng mưa: 1.000 - 1.500 mm, độ ẩm không khí từ 80% trở lên. Tre- trúc có nhiều công dụng khác nhau như: sử dụng làm gỗ xây dựng, đồ dùng gia đình, hàng thủ công mỹ nghệ, làm tăm, đũa, cây sinh vật cảnh…Trong khuôn khổ của dự án khai thác Măng sử dụng làm thực phẩm cho con người. Vì vậy xin nêu một số kỹ thuật cơ bản trồng tre - trúc để khai thác cho mục đích nêu trên.
2.Quy trình kỹ thuật:để đạt dược hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật trồng thu được nhiều măng & có măng quanh năm nhất là mùa vụ nghịch. Măng được mọc ra từ thân ngầm (gốc tre-trúc), gốc tre có nhiều đốt & ở gần sát nhau, xung quanh đốt mọc rễ, trên mỗi đốt có mắt, gặp điều kiện thuận lợi các mắt đó sẽ ra măng. Thân ngầm mọc bò lượn sóng dưới mặt đất.
*Giống & nhân giống:giống có đặc tính sinh trưởng mạnh thích hợp với điều kiện tự nhiên của huyện; vì vậy 2 giống được chọn thực hiện mô hình: giống Tre tàu & Lục trúc. Đặc tính giống mọc thành cụm, tuổi đời của cây có khả năng sinh măng bắt đầu từ sau khi cây định hình khoảng 2-3 tuổi; cây con sử dụng để trồng, được mua từ các cơ sở sản xuất giống, hoặc tổ chức ươm từ hom thân, hom cành; hom thân chọn từ cây bánh tẻ (1-2 tuổi), chặt bỏ từ 3-5 lóng từ ngọn xuống sau đó cưa ra từng đốt rồi đem ươm; hom cành chọn cành từ cây mẹ ( khoảng 2 tuổi), chọn cành bánh tẻ, phát triển to mập để làm hom, hom cắt dài 30 - 40 cm( khoảng 2-3 đốt), cắt sát thân & tỉa bỏ các nhánh rồi đem ươm; hỗn hợp dùng để ươm trong bầu gồm đất + phân chuồng hoặc phân xanh hoai mục tỉ lệ : 7 :3 và cộng thêm 50 gram supe lân.
*Làm đất: dọn sạch cỏ mặt líp, nếu vườn cũ cần tỉa bỏ bớt tán cây để thông thoáng nơi hố trồng tre- trúc. Đất phải được xới nơi trồng cho xốp để tạo thuận lợi cho thân ngầm phát triển tốt. Đất trồng tre khỏi đắp mô vì thân ngầm có khuynh hướng phát triển nâng dần lên hướng mặt đất. Quan trọng nhất là nâng cao mặt líp đảm bảo mặt líp phải cao hơn mức nước lũ ở thời điểm cao nhất, đồng thời giữa các hàng cây có rảnh thoát nước mưa tốt không để ứ đọng nước trên mặt líp sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng & tuổi thọ của cây.Điều kiện tốt nhất nên có bờ bao ngăn lũ kết hợp trồng cây lâu năm chắn gió cho tre. Nơi trồng tre nên đào hố ( 50x50x50) lấy lớp đất mặt (nếu thiếu bổ sung đất bùn ao khô..) trộn thêm 10kg phân chuồng hoặc phân xanh hoai mục + thêm khoảng 100 gram supe lân lắp lại hố trước khi trồng khoảng 1 tháng .
*Thời vụ trồng:trong điều kiện tự nhiên của huyện thời gian trồng được quanh năm nhưng tốt nhất, đạt tỉ lệ sống cao nhất vào vụ Đông Xuân hoặc vào đầu mùa mưa. * Mật độ trồng: do khai thác măng làm thực phẩm, mật độ trồng khuyến cáo :3 x 3 x 4 m (khoảng 850- 900 cây/ ha), tức bụi cách bụi 3m; hàng cách hàng 4m.
*Cách trồng đào lổ giữa mặt hố như kích thước bầu, rạch bỏ lớp PE đặt xuống ém đất lại vừa đủ chặt & cắm cọc cột cây tránh đổ ngã. (Lưu ý nếu trồng bằng gốc nên đặt nghiêng với mặt đất một góc : 45 o, cây con bằng hom thì đặt thẳng.
*Khâu chăm sóc:trong thực tế trồng tre-trúc ít chú ý chăm sóc. Tuy nhiên, do khai thác măng làm thực phẩm, cần tránh được hiện tượng khắt khe đột biến dễ gây ra hiện tượng ra hoa (khuy). Nếu cây ra hoa sẽ ra hoa đồng loạt cả bụi & chết dần. Hiện tượng ra hoa tre phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, về mặt di truyền chu kỳ ra hoa của tre-trúc từ 30 - 60 năm tuỳ giống. Hiện tượng ra hoa sớm so với chu kỳ đa phần do canh tác cây sinh trưởng kém, lá chuyển màu & rụng sẽ ngừng sinh trưởng sang sinh sản ; Vì vậy, khâu chăm sóc phải duy trì thường xuyên .
Tưới nước trong 3 tuần lễ đầu sau khi trồng ( trừ ngày có mưa), cứ cách 1 ngày tưới nước 1 lần vừa đủ ẩm.. Về sau thời gian tưới kéo dài ra khoảng tuần lễ tưới 1 lần vào thời điểm mùa nắng để kéo dài mùa ra măng.
Bón phân hàng năm tốt nhất dùng phân chuồng, phân xanh đã hoai mục, lúc bón kết hợp làm cỏ vun gốc (lưu ý đất vun gốc phải là đất khô xốp ,độ dầy không quá 50 cm/ 1 lần vun gốc).Riêng năm thứ 1, có thể bón bổ sung 2 lần trong năm kết hợp vun gốc, mỗi gốc 50 gram phân DAP. Điều rất quan trọng trong khâu chăm sóc là không để vườn tre ngập nước, sử dụng thuốc trừ sâu, cỏ, phân hoá học quá lượng dễ gây đột biến trong sinh trưởng.
Nguồn: Bản tin Nông nghiệp và Nông thôn Vĩnh Long (Tháng 10/2005)