Một số nguyên nhân dẫn đến lan tràn đạo Tin Lành ở Tây Nguyên
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trước năm 2001, sinh hoạt Tin Lành ở Tây Nguyên hoàn toàn bị đình chỉ, nhưng đến nay có một số hệ phái đã được công nhận và đăng ký hoạt động. Toàn vùng đã cho hội đồng 86 chi hội, với gần 85.000 tín đồ; 760 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt (với trên 180.000 tín đồ). Hiện toàn vùng có 24 hệ phái Tin Lành, với tổng số 314.200 tín đồ (trong đó có 34.000 người dân tộc Mông). Số đã được sinh hoạt tôn giáo hợp pháp trong các chi hội, điểm nhóm là 265.000 người, chiếm gần 85%, trong đó có 143 điểm nhóm Tin Lành của các hệ phái ngoài Tin Lành Việt Nam (miền Nam), 14 điểm nhóm Tin Lành trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Chúng ta đã từng bước giải quyết đất đai xây dựng cơ sở thờ tự, in ấn kinh sách, phong chức, đào tạo mục sư một cách hợp lý, đúng chính sách, pháp luật. Có 2/3 số chi hội đã được cấp đất, một số chi hội đã triển khai việc xây dựng nhà thờ; đã cho in, phát hành kinh thánh song ngữ; cho phép phong chức, phục chức gần 90 mục sư, đào tạo bồi dưỡng trên 280 chức sắc.
Qua những số liệu, chứng tỏ Tây Nguyên là khu vực đạo Tin Lành phát triển "đột biến" và nhanh nhất trong cả nước. Chính vì vậy, cần làm rõ nguyên nhân của hiện tượng trên, giúp cho đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ cơ sở nói riêng hiểu, nắm bắt, làm chủ tình hình, từng bước triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước ở cơ sở, ngăn chặn sự lây lan, phát triển của đạo Tin Lành ở địa phương. Sự phát triển nhanh và đột biến của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên trong thời gian qua là do những nguyên nhân sau đây:
- Nguyên nhân về kinh tế - xã hội. Từ khi chúng ta thực hiện kinh tế thị trưòng, thì sự phân hóa giầu nghèo giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số (20% có thu nhập cao và 20% có thu nhập thấp chênh nhau đến gần 13 lần), tỷ lệ đói nghèo còn cao (chủ yếu vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số). Do tình trạng di dân tự do từ miền Bắc vào, đồng bào dân tộc bán đất sản xuất cho người nơi khác đến lập trang trại… dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề đất đai canh tác của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đang nổi lên và là nguyên nhân tiềm ẩn sự mất ổn định chính trị-xã hội.
Tình hình thấp kém về kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có quan hệ mật thiết với sự bùng phát của đạo Tin Lành, điều này phù hợp với số liệu điều tra của Đề án "Chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo Nam tông và đạo Tin Lành vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Chính phủ", khi hỏi lý do theo đạo của 155 cán bộ thì 42,58% cho rằng, nguyên nhân là do kinh tế quá khó khăn và 61,07% ý kiến của 149 tín đồ trả lời theo đạo để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Nguyên nhân về chính trị- xã hội. Trước hết, các thế lực thù địch âm mưu lợi dụng tôn giáo nói chung và Tin lành nói riêng làm lực lượng chính trị gây mất ổn định tại Việt Nam , đặc biệt Mỹ có những chính sách và hoạt động cụ thể gây sức ép với Nhà nước ta. Thông qua hoạt động của đài phát thanh FEBC ở Manila Philippin (hàng tuần, đài này phát chương trình bằng 21 thứ tiếng của các dân tộc ở Việt Nam), hoạt động truyền giáo của các cá nhân, nhóm xã hội từ nước ngoài vào nước ta cũng như Tây Nguyên là một nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy Tin Lành phát triển.
- Hoạt động ráo riết của các tổ chức tôn giáo trong và ngoài nước cũng là nguyên nhân làm cho Tin Lành phát triển nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn (1989 - 2001) ở nước ta đã có 38 tổ chức Tin Lành hoạt động. Các tổ chức này liên hệ với các tổ chức Tin Lành bên ngoài nhận viện trợ để hoạt động (núp dưới danh nghĩa hoạt động nhân đạo), từ năm 1990 đến nay, 50 tổ chức từ thiện nhân đạo - chủ yếu là Tin Lành Mỹ đã viện trợ mỗi năm 10 triệu đô cho các tổ chức Tin Lành Việt Nam.
- Nguyên nhân về văn hóa - xã hội. Tỷ lệ mù và tái mù ở Tây Nguyên cao (khoảng 18%), đặc biệt vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn cao hơn nhiều (các dân tộc có dưới 30% số người đi học, 30% tái mù). Cả 5 tỉnh Tây Nguyên có 93,1% dân số (từ 13 tuổi trở lên) không có trình độ chuyên môn kỹ thuật… Hoạt động của báo chí, phát thanh truyền hình còn nhiều hạn chế. Về góc độ văn hoá - tâm linh, chúng ta thấy rằng ở Tây Nguyên hiện nay có sự suy yếu của hệ thống tín ngưỡng tôn giáo truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sự khủng khoảng và suy yếu này dẫn đến một bộ phận quần chúng dân tộc thiểu số Tây Nguyên tiếp nhận nhanh chóng việc theo Tin Lành như là một lối thoát cho đời sống tâm linh của họ. Những hạn chế trong giáo dục - đào tạo, khủng hoảng đời sống tâm linh cũng là nguyên nhân làm cho Tin Lành bùng phát ở Tây Nguyên.
- Nguyên nhân về tư tưởng. Sự nghèo đói ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm xuất hiện tư tưởng so sánh và thất vọng về cuộc sống. Thực tế ấy làm giảm niềm tin về xã hội mới. Thêm vào đó là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu được các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam thổi phồng xuyên tạc. Chính vì thế, đã đẩy một bộ phận quần chúng đến với tôn giáo, tìm sự an ủi, xoa dịu nỗi đau trần thế ở tôn giáo.
Bên cạnh khó khăn về đời sống, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, vụ lợi, quan liêu, xa rời quần chúng, xem nhẹ công tác dân vận tại các vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ… là thực trạng đáng lo ngại làm một bộ phận quần chúng mất lòng tin vào Đảng, vào cán bộ, vào Nhà nước, vào đoàn thể, nhất là ở cơ sở.
- Chất lượng hoạt động yếu kém của hệ thống chính trị cơ sở, và cả những sai lầm, thiếu sót trong phương pháp giải quyết vấn đề Tin Lành của một số địa phương vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng là nguyên nhân dẫn đến sự lan tràn của đạo Tin Lành.
Trong quá trình giải quyết vấn đề tôn giáo ở Tây Nguyên một thời gian dài còn rất lúng túng, bị động; thiếu sự thống nhất trong nhận thức, vì thế có nơi buông lỏng, thả nổi cho Tin Lành tự do phát triển. Cơ nơi lại cấm đoán, nôn nóng, dùng biện pháp hành chính cưỡng chế thô bạo. Chúng ta biết rằng, tôn giáo một khi đã là nhu cầu của dân thì nó sẽ trở thành một hiện tượng rất khó xoá bỏ. "Nó là hiện tượng xã hội suy thoái rồi lại hồi sinh, nén ép rồi lại vùng lên, dập tắt rồi lại bùng cháy. Duy trì nó hoặc gạt bỏ nó chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính con người, bởi nó tồn tại trong tâm linh sâu kín của con người. Ở đây không có sức mạnh nào từ bên ngoài xông vào để tiêu diệt nó".
Việc giải quyết sai những vấn đề tôn giáo ở Tây Nguyên càng tạo ra hố ngăn cách, mặc cảm của tín đồ với chính quyền, làm mất lòng tin của đồng bào theo đạo đối với Đảng và Nhà nước, tạo kẽ hở cho kẻ địch lợi dụng, kích động, chống đối.
- Nguyên nhân từ chính đặc điểm của đạo Tin Lành và cả những nỗ lực truyền giáo của tôn giáo này vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nhìn một cách tổng thể, đạo Tin Lành vẫn giữ những nội dung cơ bản như đạo Công giáo, nhưng về luật lệ, lễ nghi, cách thức hành đạo rất đơn giản, đề cao vai trò cá nhân, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, thể hiện tinh thần dân chủ, có đường hướng và phương thức hoạt động rất năng động, liên tục thích nghi từ nội dung đến hình thức để phù hợp với hoàn cảnh xã hội; đạo Tin Lành tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, lấy hoạt động xã hội làm điều kiện, phương tiện để truyền đạo, mở rộng ảnh hưởng.
Với nghi lễ tôn giáo đơn giản, tín đồ Tin Lành ít bị gò bó vào các nghi thức. Thêm vào đó, Tin Lành cũng rất chú ý đến những vấn đề cụ thể của đời sống thường nhật, khuyên dạy con người sống văn minh, từ bỏ những hủ tục trong ma chay, cưới xin, cũng lễ nặng nề… nên đạo Tin Lành dễ lôi cuốn quần chúng theo đạo.
- Nguyên nhân từ sự khủng hoảng, suy thoái của hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho đạo Tin Lành phát triển. Sự lan tràn đạo Tin Lành liên quan đến sự cạnh tranh trong lĩnh vực văn hoá - tôn giáo, tín ngưỡng. Ở nước ta, theo các nhà nghiên cứu có thể chia ra 2 vùng khác biệt về văn hóa - tôn giáo, tín ngưỡng. Vùng I, là vùng văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo người Việt. Vùng II, là văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo đa thần của các dân tộc thiểu số (trừ hai dân tộc Khơ Me và Chăm). Sự bền vững về văn hóa truyền thống của hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo cổ truyền của người Việt là vật cản khó vượt qua của đạo Tin Lành. Trái lại, vùng dân tộc thiểu số nói chung và Tây Nguyên nói riêng thì từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến tín ngưỡng tôn giáo trong thời gian gần đây có nhiều biến động.
Thứ nhất, đời sống kinh tế - văn hóa chậm phát triển cùng với các hủ tục lạc hậu gắn với tín ngưỡng đa thần như may chay, cưới xin, cúng kiếng và mê tín, dị đoan do lịch sử để lại đang đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số cản trở sự tiến bộ, vươn lên của họ.
Thứ hai, các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên bị mai một dần. Vị thế của già làng, trưởng bản giảm sút; các lễ hội truyền thống (lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, hát đối…) cũng bị thu hẹp, không cuốn hút lớp trẻ và quần chúng. Trong khi đó, chúng ta chưa đề xuất được các hình thức sinh hoạt văn hóa phù hợp. Tình hình đó làm xuất hiện khoảng trống tâm linh, vì thế đồng bào dân tộc "cải đạo" theo Tin Lành là đương nhiên.
Thứ ba, sự suy yếu dần "hệ miễn dịch" của tâm thức văn hóa - tôn giáo dân tộc truyền thống chính là nguyên nhân để đạo Tin Lành tràn vào vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Chúng ta biết rằng, tôn giáo vừa là một hình thái ý thức xã hội, vừa là một thực thể xã hội. Nó vừa chịu sự chi phối của hiện thực xã hội, vừa phản ánh thực trạng của hiện thực xã hội. Chính những biến động của kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội những năm qua đã làm suy yếu dần "hệ miễn dịch" của tâm thức văn hóa - tôn giáo dân tộc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và dẫn đến sự xâm nhập rất nhanh của đạo Tin Lành hiện nay.
Như vậy, sự phát triển "đột biến" của đạo Tin Lành vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có rất nhiều nguyên nhân, những nguyên nhân đó tác động lẫn nhau. Song chúng ta cần chú ý đến âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc của các thế lực thù địch; nguyên nhân từ đặc điểm sự cách tân, đổi mới, năng động của đạo Tin Lành; nguyên nhân từ những sai lầm của chúng ta trong việc thực hiện chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo… trên địa bàn Tây Nguyên. Để giữ vững ổn định chính trị và phát triển Tây Nguyên thành vùng động lực, cần có những giải pháp phù hợp về mọi lĩnh vực, trong đó có chính sách tôn giáo và chính sách dân tộc. Trên cơ sở khắc phục những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển "đột biến" của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên, không để các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo làm mất ổn định chính trị, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và Tây Nguyên.