Một số giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn
Theo khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ một cách thụ động, mang tính tình huống, do nhu cầu khách quan nảy sinh trong quá trình sản xuất mà không có chiến lược về đổi mới công nghệ. Phương thức đổi mới công nghệ được sử dụng nhiều nhất là đầu tư thiết bị, công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài. Mặt khác, trong đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp chỉ chú ý đến thiết bị mà quên rằng công nghệ hàm chứa cả 4 yếu tố là: Thiết bị, con người, thông tin và thiết chế. 4 yếu tố này có đồng bộ thì mới phát huy được tác dụng của công nghệ. Còn nếu chỉ chú trọng đến thiết bị thì chưa thể coi là đổi mới công nghệ được. Ở một số doanh nghiệp có đổi mới công nghệ với dây chuyền hiện đại, nhưng thông tin thì rất sơ sài, con người thì không đào tạo đến nơi đến chốn, thiết chế quản lý, mua bán, chuyển giao công nghệ lỏng lẻo, trong khi các yếu tố này đem đến cho doanh nghiệp năng lực sản xuất không kém gì thiết bị.
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Hà Giang đã thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích xây dựng và phát triển doanh nghiệp nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động trên địa bàn tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế… Nhờ các chính sách này hoạt động của các doanh nghiệp đã có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, các hỗ trợ về chiều sâu (về khoa học và công nghệ) như đổi mới công nghệ; sản xuất sản phẩm mới; xây dựng và phát triển thương hiệu; nâng cao năng suất chất lượng; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế… vào sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế.
Để phát huy những thành tựu đã đạt được và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện trong việc đổi mới, nâng cao năng lực quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ…
Một số giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới công nghệ và nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa tỉnh Hà Giang.
1. Thường xuyên tham gia các chợ công nghệ và thiết bị nhằm từng bước tạo lập và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh.
2. Thực hiện điều tra hiện trạng công nghệ hàng năm và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu năng lực công nghệ của tỉnh để giúp doanh nghiệp theo dõi được trình độ doanh nghiệp mình đang ở mức nào trong mối tương quan với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề tạo động lực đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.
3. Có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, HACCP, SA 8000…
4. Tăng mức hỗ trợ từ 30% lên cao hơn kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ mới của doanh nghiệp.
5. Thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh để hỗ trợ theo nguyên tắc có thu hồi vốn đầu tư triển khai kết quả nghiên cứu đổi mới công nghệ hoặc ứng dụng công nghệ mới.
6. Thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đào tạo nhân lực công nghệ cao và sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; đồng thời tác động tích cực nâng cao mặt bằng công nghệ trong tỉnh.
7. Chú trọng việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hoá cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
8. Xây dựng các chương trình, chính sách khuyến khích tham gia hoạt động khoa học công nghệ, tạo động lực vật chất và tinh thần cho các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.