Một nông dân đam mê chế tạo máy nông nghiệp
Sinh năm 1953 ở xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nhưng do cuộc sống khó khăn đưa đẩy, từ năm 1968 ông Ba Sự đến lập nghiệp tại xã Cam An Nam. Chính từ những cơ cực của nghề làm nông, cộng với bản tính tò mò, ham học hỏi, ông Ba Sự luôn mong muốn khám phá chế tạo những thiết bị phục vụ chế tạo sản xuất nông nghiệp hữu dụng cho gia đình. Và rồi ông cũng thành công trong việc chế tạo được một số máy móc, công cụ như máy xay xát mì tươi, rèn cuốc, rèn lưỡi cày tay và sửa chữa các thiết bị che ép mía thủ công. Ông còn chế biến, cải tiến che ép mía từ 3 ru lô, lên 4 ru lô để tăng năng suất ép, tiết kiệm công và chi phí sản xuất cho nhân dân trong vùng. Ông cũng hoàn thành sáng kiến khoan giếng bơm nước bằng tay chỉ với 300.000 đồng để mua ống nhựa dẫn nước và đế dép lào làm píttông… Không dừng lại ở đó, ông Ba Sự luôn trăn trở, muốn chế tạo ra một chiếc máy vừa cày đất vừa làm cỏ dại để giảm sức lao động của nghề nông. Sau nhiều lần mày mò, chỉnh sửa, tận dụng cả niềng xe đạp và chiếc máy bơm nước cu-le Đức, độ chế các sắt thép phế phụ liệu và các phụ tùng khác mà các tiệm sửa chữa xe máy bỏ đi, ông đã làm ra chiếc máy cày tay dùng nguyên động cơ Hon-đa 50 phân khối trở lên. Nói về quá trình nung nấu để chế tạo ra chiếc máy cày, ông Ba Sự cho biết: “Tôi thì làm nông dân, đi ra làm nông cũng thấy cực khổ, ra cầm cái cuốc cuốc hàng mì cũng nặng nhọc lắm! vì thế tôi mới nghiên cứu làm một cái máy, máy hon-đa nho nhỏ sử dụng trong gia đình thôi, thế rồi mới phát sinh ra làm một máy cày tay, cày nhủi… Trong quá trình làm thì hết sức khó khăn, khó khăn nhất là trong gia đình vợ con đều không thích, tại vì mình làm nó tốn tiền mà không đạt hiệu quả. Rồi mình cũng cứ làm nghề đấy, mình lấy tiền dồn dồn rồi làm, cứ mua bữa này ít, bữa kia ít, mình làm lần lần, sau làm được, giờ nó thoải mái. Thì nói cho đúng, bữa nay cũng mới bắt đầu giúp đỡ chút gia đình về kinh phí, chứ còn trước đó chẳng qua mình làm cho mình thôi, thành thử làm ra đâu có buôn bán gì được mà tính tiền lãi suất”. Chiếc máy cày tay ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình mày mò chế tạo máy của ông Ba Sự, bởi từ chiếc máy này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bản thân ông và các nông hộ mua về sử dụng. Chiếc máy cày tay có 3 chức năng: Cày rạch hàng để trồng mía, cày làm dòng trồng mì, chảo xới cỏ có bề rộng theo hàng trồng và khi ra ruộng có thể dùng máy cày kéo rơ-moóc với trọng tải khoảng 500kg. Điều đáng nói nhất là người sử dụng cần lắp ráp thay thế các lưỡi cày chỉ trong thời gian rất ngắn.
Là người tình cờ thấy ông Ba Sự xới đất làm cỏ mì bằng chiếc máy tự chế, anh Bùi Văn Đinh ở Ba Ngòi – thành phố Cam Ranh đã tìm đến nhà ông Ba Sự hỏi mua ngay một chiếc máy về cày đất, xới gốc mì của gia đình. Nói về hiệu quả của việc sử dụng chiếc máy cày của ông Ba Sự, anh Đinh cho biết: “Tôi đất cũng có ít, còn phương tiện bò nghé mình không có điều kiện sắm hay chăn dắt, trong quá trình làm tốn rất nhiều công. Cho nên sau khi thấy ổng Sự ổng làm cái máy cày này rất là đạt – lần đầu tiên tôi phát hiện ra thấy ổng cày, sau đó tôi mới nhờ ổng làm cho tôi một cái. Giờ tôi đang sử dụng nó, tính ra nó rất hiệu quả, rút gắn thời gian, nhiên liệu, không phải chăn dắt, không phải làm gì hết.” Thật vậy, chiếc máy cày tay không chỉ thay thế một lượng lớn công lao động mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí làm cỏ và cày đất trên cùng diện tích. Bình quân một ngày bò chỉ cày được 4 sào đất, thì trong khi đó chiếc máy cày tay do ông Ba Sự chế tạo cày được 8 sào đất/ngày. Ngoài ra, chi phí cày một sào đất bằng bò là 70.000 đồng, còn bằng chiếc máy cày tay chỉ tốn 25.000 đồng gồm công và nhiên liệu. Ông Nguyễn Công Trưng – cán bộ khuyến nông xã Cam An Nam đã nhận xét về ông Ba Sự: “Ông Lưu Quang Trương là một nông dân có trình độ rất hạn chế, nhưng ông đã có óc tò mò sáng kiến muốn làm ra nhiều máy công cụ và những dụng cụ phục vụ nhà nông. Điển hình là ông đã làm ra những máy cày đa năng bằng những dụng cụ của các phế liệu xe Hon-đa. Do đó tôi thấy sử dụng những cái phế liệu, phế phẩm để giúp đỡ hỗ trợ nông dân với một giá thành thấp thì tất cả nông dân từ giàu tới nghèo đều thực hiện sắm được máy để phục vụ trong sản xuất”.
Được biết, từ khi chế tạo thành công chiếc máy cày tay bằng động cơ Hon-đa, đến nay ông Trương đã bán cho các nông hộ tại địa phương và các vùng lân cận được 10 chiếc, với giá bán từ 4 – 8 triệu đồng/chiếc tùy theo giá thành động cơ xe Hon-đa cũ hay mới. Tuy nhiên hiện nay do không có vốn nên ông Ba Sự chưa sản xuất đại trà để chào bán ra thị trường, ông chỉ nhận đặt hàng của các nông hộ rồi mới bắt tay vào chế tạo máy. Ông cho biết, mỗi máy cày sau khi bán trừ chi phí ông thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/máy. Thu nhập không cao nhưng ông Ba Sự vẫn mong muốn sản xuất nhiều máy hơn và cải tiến hơn nữa để hạ giá thành phù hợp với nông dân nhằm giúp bà con giảm bớt chi phí và công lao động khi sản xuất. Sắp tới đây, ông Ba Sự mong muốn sẽ chế tạo thành công chiếc máy thu hoạch mía vừa chặt, vừa róc lá mía để giảm chi phí thu hoạch mía cho nông dân địa phương.
Thiết nghĩ nếu các ngành, các cấp và bà con nông dân quan tâm hỗ trợ, ông Ba Sự sẽ tiếp tục phát huy sáng kiến cho ra đời nhiều chiếc máy hữu dụng hơn nữa cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương./.